No icon

nasa-nuoi-tham-vong-bien-mat-troi-thanh-kinh-vien-vong-khong-lo

NASA nuôi tham vọng biến Mặt Trời thành kính viễn vọng khổng lồ

Các nhà khoa học NASA muốn sử dụng trọng lực của mặt trời như một thấu kính viễn vọng để có được những bức ảnh chất lượng cao của các ngoại hành tinh cách Trái Đất hàng trăm năm ánh sáng.

Trong nỗ lực không ngừng nhằm phát triển các hệ thống kính thiên văn tốt hơn, một nhóm các nhà khoa học từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA đang nhen nhóm một ý tưởng táo bạo với sự trợ giúp từ mặt trời. Cụ thể, họ muốn sử dụng trọng lực của mặt trời như một thấu kính phóng đại khổng lồ để tìm kiếm các ngoại hành tinh bên ngoài Hệ Mặt Trời, một ý tưởng được đưa ra tại Hội thảo Tầm nhìn Khoa học Hành tinh xanh 2050 diễn ra tại Washington DC, Mỹ vào tháng trước.

(Ảnh: Internet)

Hơn một thế kỷ trước, thuyết tương đối của Einstein cho chúng ta biết trọng lực của các vật thể lớn có thể uốn cong không gian. Một trường hợp điển hình: Những vật thể to lớn như các ngôi sao có thể bẻ cong đường đi của bất kỳ thứ gì di chuyển gần chúng, kể cả ánh sáng. Thực tế, sự bẻ cong ánh sáng này, gọi là “hiện tượng thấu kính hấp dẫn,” có cơ chế khá tương đồng với một thấu kính thông thường hay kính phóng đại trong các điều kiện thích hợp.

Lực hấp dẫn của Mặt Trời có thể được sử dụng như một kính phóng đại khổng lồ. (Ảnh: Claudio Maccone)

Dựa trên tính chất này, các nhà khoa học mong muốn chế tạo một kính viễn vọng có độ phóng đại cực lớn để quan sát các ngoại hành tinh, hay các hành tinh quay xung quanh các ngôi sao bên ngoài Hệ Mặt Trời.

Theo tính toán, hệ thống này có thể cung cấp các bức ảnh ngoại hành tinh có độ phân giải cực cao, lên tới 1.000×1.000 pixel, đủ để quan sát trực tiếp bất kỳ lục địa nào trên các ngoại hành tinh cách Trái Đất một trăm năm ánh sáng

kính viễn vọngMột bức ảnh chụp Trái đất với độ phân giải 1000 x 1000 pixel. Kính viễn vọng sử dụng hiệu ứng thấu kính hấp dẫn được kỳ vọng có thể tạo ra những bức ảnh tương tự của các hành tinh quay xung quanh các ngôi sao khác. (Ảnh :Internet)

Với những bức ảnh chất lượng cao như vậy, nếu dự án này thành công, lần đầu tiên chúng ta có thể biết được những ngoại hành tinh thực sự trông như thế nào, đồng thời hỗ trợ tìm kiếm sự sống hay dấu hiệu của sự sống trên các hành tinh đó.

Vậy tại sao chúng ta chưa chế tạo ngay một chiếc bây giờ? Bởi lẽ một kính thiên văn thấu kính hấp dẫn chỉ hoạt động tại điểm hội tụ (focal point) của Hệ Mặt Trời, tức nằm trong vùng không gian liên sao xa hơn quỹ đạo sao Diêm Vương (sao nằm ngoài rìa Hệ Mặt Trời) 14 lần. Voyager 1, tàu vũ trụ bay xa nhất tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ vươn xa đến 1/5 khoảng cách cần thiết trong vòng nửa thế kỷ qua. Trên lý thuyết, một tàu vũ trụ được phóng hôm nay sử dụng công nghệ đẩy hiện tại có thể bắt kịp Voyager chỉ trong hơn một thập kỷ, nhưng nó vẫn cần hơn 50 năm trước khi đến được gần điểm hội tụ.

Tuy nhiên, trên hành trình lâu dài đến điểm hội tụ, các nhà khoa học cho biết một kính viễn vọng như vậy có thể được trang bị để tiến hành các quan sát khác. Ví dụ, nó có thể bay ngang qua sao Diêm Vương hay các hành tinh khác để nghiên cứu Mặt Trời và các hành tinh. Dù sao, một đề án “khủng” như vậy sẽ phải đạt được sự ủng hộ của các nhà quản lý NASA, các chính trị gia, và công chúng. Việc thuyết phục họ phê duyệt tài trợ cho một sứ mệnh lâu dài đến nỗi chính bản thân họ cũng chưa chắc đã sống đủ lâu để tận mắt nhìn thấy kết quả thực sự là một việc không đơn giản.

Tôn Kiên

Nguồn:http://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/nasa-nuoi-tham-vong-bien-mat-troi-thanh-kinh-vien-vong-khong-lo.html

Comment