No icon

vi-sao-phat-khong-do-nguoi-vo-duyen

Vì sao Phật không độ người vô duyên?

Bạn luôn nghĩ rằng bản thân đã làm được rất nhiều điều giúp đỡ người khác, thì sẽ được người ta báo đáp. Còn chính những đau khổ và hy sinh của người khác từ trước thì bản thân mình lại không nhìn thấy được. Vì mỗi sự việc, mỗi người bạn gặp trong cuộc đời này đều là vì hai chữ “duyên phận” mà đến.

“Đại Trí độ luận” chép rằng, khi Đức Phật còn tại thế, phía đông thành Xá Vệ có một bà lão nghèo khổ. Có một lần, Đức Phật và A Nan đi dạo trong thành. A Nan thấy bà cụ này bên đường thật là đáng thương, liền kính cẩn xin phép Phật Đà cho mình đi độ hóa bà lão.

Không ngờ khi Đức Phật tới bên cạnh bà lão, bà lão một mực tránh né. Khi Đức Phật đi từ phía Đông tới, thì bà lão quay đầu hướng về phía tây mà đi, khi Người đi từ trên xuống, bà liền cúi đầu xuống đất mà đi. Khi Phật đi qua trước mặt bà liền lập tức quay đầu, đi đường khác, tuyệt nhiên không muốn gặp mặt Đức Phật.

Đức Phật có khả năng hóa thân, Ngài đến hướng nào, bà ta lại quẹo sang hướng khác. Cuối cùng, Ngài dùng thần thông từ dưới đất hiện lên, hóa thân ở bốn phương tám hướng bao vây lấy bà, nhưng bà vẫn lấy tay che mặt, ngồi xổm xuống đất cúi đầu khóc, không dám ngước mặt lên nhìn Đức Phật.

Bởi bà lão nghiệp chướng quá nặng, không có duyên với Phật, không muốn gặp Đức Phật, cho nên dù ngài có hiện thân xuất hiện trước mắt, cũng là tốn công vô ích.

Sau đó Đức Phật liền cử La Hầu La là người rất có duyên với bà lão đi độ hóa, quả nhiên sự việc liền thành công. La Hầu La cung kính nghe làm theo lời đức phật đi ra ngoài thành, gặp bà lão và nói: “Con chào bác!”

Bà lão nhìn thấy La Hầu La, cảm thấy rất yêu mến bởi trước đây La Hầu La từng giúp bà lão vác củi đun nước nhiều lần, bà lão cũng coi La Hầu La như con trai. Vừa gặp La Hầu La bà liền nói: “Này con, sao con lại cắt tóc thành như vậy?”.

La Hầu La trả lời: “Bác ơi, để phổ độ chúng sinh, phổ độ người có duyên, con đã xuất gia tu hành cùng với Thế tôn Thích Ca Mâu Ni, vì vậy liền trở thành tăng nhân”.

Hai người nói chuyện rất nhiều, bà lão cũng nhanh chóng đón nhận những điều La Hầu La chia sẻ, và vì vậy nhiệm vụ độ hóa của ông cũng dễ dàng được hoàn thành.

(Ảnh minh họa: nguoiphattu.com)

Có những câu chuyện thoạt nghe tưởng vô lý, không thể là như thế được, thậm chí là bất kính, nhưng lại có những lý do rất thâm sâu đằng sau, người bình thường khó giải thích. Câu chuyện về đứa trẻ và Đức Phật dưới đây chính là một trong số đó.

Khi Đức Phật và A Nan vào thành khất thực, có nhìn thấy một nhóm trẻ trai đang chơi bên đường, đắp đất thành từng đống giả làm thức ăn, và xây dựng cung điện.

Có một cậu bé nhìn thấy Đức Phật từ xa tới, trong lòng vui mừng, muốn cung cấp thức ăn cho Ngài, liền lấy đất giả làm gạo, dâng lên cho Ngài. Đức Phật cúi đầu khen cậu bé, và nhận đồ cậu bé dâng, và để cậu bé bỏ đất vào cái bát.

A Nan lấy làm kỳ lạ liền hỏi: “Thưa Phật Đà, tại sao người lại nhận chỗ đất kia ạ?”.

Đức Phật từ bi trả lời: “A Nan, điều quan trọng của một sự việc không phải ở kết quả, mà là ở tâm xuất ra. Cậu bé này xuất tâm bố thí, không thể xem nhẹ. Chỗ đất này có thể mang về lấp vào chỗ đất ở phòng của ta”.

A Nan làm theo lời căn dặn của Đức Phật, nhưng trong lòng vẫn còn mối băn khoăn, không chịu nổi lại hỏi: “Thưa Phật Đà, mặc dù cậu bé này thật sự xuất tâm bố thí, nhưng đồ bố thí lại là chút đất này thì có công đức gì ạ?”.

Đức Phật mỉm cười và nói: “Đây là một khởi động ban đầu, sau khi ta nhập cõi niết bàn một trăm năm sau cậu bé này sẽ trở thành vua, tên gọi Ashoka, những cậu bé khác trong nhóm đó trở thành đại thần của cậu. Cậu bé sẽ thống trị đất nước một cách tài giỏi và được biết đến ở khắp mọi nơi, mang lại sự phồn thịnh cho tam bảo, cúng dường bố thí rộng rãi, phân chia xá lợi phật, còn xây 84.000 bảo tháp cho ta”.

Sau đó, quả nhiên cậu bé này đã đầu thai thành vua Ashoka, theo “Hiền Ngu nhân duyên kinh” và “Bách khoa toàn thư câu chuyện phật giáo”.

Kiên Định

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/vi-sao-phat-khong-do-nguoi-vo-duyen.html

Comment