No icon

thu-choi-tao-nha-trong-bat-nha-p-co-tuong-an-giau-huyen-co-binh-phap-ben-trong

Thú chơi tao nhã trong ‘Bát Nhã’ (P.1): Cờ tướng ẩn giấu huyền cơ binh pháp bên trong

Xưa nay, “cầm, kỳ, thư, hoạ, thi, tửu, hoa, trà” luôn được coi là tám thú vui thanh nhã của các bậc tao nhân mặc khách. Kỳ (chơi cờ) đứng sau cầm (chơi đàn) là môn nghệ thuật tao nhã, vừa tiêu khiển lúc nhàn rỗi, lại rèn luyện tâm nhẫn nại, trí tuệ thâm sâu, tầm nhìn xa rộng.

Cờ là môn nghệ thuật trí tuệ cổ đại Á Đông, gồm cờ vây (vi kỳ) và cờ tướng (tượng kỳ). Trò chơi cờ cổ đại nhất là lục bác và vi kỳ (cờ vây), do đó gọi chung là “bác dịch” (chơi cờ). Trong Luận ngữ – Dương Hóa, Khổng Tử nói: “Cơm no cả ngày, chẳng dụng tâm làm gì, sao có thể như thế được! Chẳng phải có người chơi cờ đó sao? Hãy chơi cờ, còn có tác dụng tốt với bản thân”. Khổng Tử cho rằng khi nhàn rỗi vô sự, hãy chơi cờ (lục bác, vi kỳ) vì nó là trò chơi vừa tiêu khiển mà lại vừa mở mang trí tuệ.

Nguồn gốc cờ tướng (tượng kỳ)

Tương truyền cờ tướng khởi nguồn từ thời Hoàng Đế. Hoảng Bổ Chi thời Bắc Tống viết trong Quảng tượng hý cách – Tự rằng: Trò chơi tượng hý là trò chơi quân sự, là cuộc chiến của Hoàng Đế, lấy trận đuổi mãnh thú, tượng (voi) là bậc anh hùng của các loài thú. Do đó trò chơi quân sự lấy tên tượng hý làm tên.

Cờ tướng xuất hiện sớm nhất vào thời Chiến Quốc. Trong Sở từ – Chiêu hồn đã ghi chép về cờ tướng và cách chơi: “Dùng đá ngọc chế thành quân giống con xúc xắc, bàn cờ to bằng cái rèm, mỗi bên có 6 quân. Cách chơi là chia quân ra hai bên đối nghịch nhau cùng tiến quân (hai người hoặc hai nhóm người chơi), tấn công nhau, ép đối phương vào đường chết, cuối cùng kẻ giành được mâu thì chiến thắng. Đánh bại quân địch (Thời Xuân Thu biên chế quân đội cứ 5 người là một Ngũ), hoan hô chiến thắng”.

Thời Xuân Thu Chiến Quốc cho đến thời Tần Hán, chiến loạn liên miên, khói lửa chiến tranh nổi lên tứ phía. Cờ tướng ra đời trong bối cảnh đó. Chiến tranh quân sự và thi đấu thể thao có nhiều điểm tương đồng, lấy chiến thắng làm mục đích cuối cùng, quá trình đối kháng là biểu hiện của các hành động kỹ thuật, có mưu lược chỉ đạo lại có thủ đoạn chiến thuật.

Thời Xuân Thu Chiến Quốc cho đến thời Tần Hán, chiến loạn liên miên, khói lửa chiến tranh nổi lên tứ phía. Cờ tướng ra đời trong bối cảnh đó. (Ảnh minh họa: cotuong.vn)

Cờ tướng là trò chơi trí tuệ mô phỏng chiến tranh cổ đại. Mỗi ván cờ đều ở trên bàn cờ bé như gang tấc mà diễn dịch ra giáo mác, ngựa xe, binh sỹ tương phùng. Xe, mã, pháo, binh (tốt) trên bàn cờ tượng trưng cho chiến xa, chiến mã, hỏa pháo (hoặc xe ném đá) và binh sỹ. So với các môn thể thao khác, cờ tướng có quan hệ nội tại trực tiếp nhất với quân sự cổ đại. Tư tưởng chiến lược và đặc trưng chiến thuật của cờ tướng cũng chịu ảnh hưởng tư tưởng quân sự cổ đại.

Nhưng hoàn thiện cờ tướng thì có lẽ là Hàn Tín thời Hán. Hàn Tín là đại tướng của Lưu Bang. Một lần Lưu Bang phái Hàn Tín đánh nước Triệu, Hàn Tín để cho quân sỹ có đầu óc thông minh nên đã cải tiến phát minh ra cờ tướng. Hàn Tín cho rằng, chơi cờ tướng có thể giải tỏa áp lực, huấn luyện khả năng đọc xem sa bàn (mô hình chiến trường), nên khích lệ tướng sỹ chơi cờ tướng. Tướng sỹ chơi cờ tướng cũng có được rất nhiều vui thú, quên đi nỗi thống khổ của chiến tranh.

Lưu Bang tự xưng là con của Xích Đế nên quân cờ màu đỏ. Hạng Vũ thời trẻ có lần thấy Tần Thủy Hoàng đi tuần, đoàn xe dài dằng dặc, mỗi xe cắm một lá cờ đen, trông như một con rồng đen đang uốn lượn, rất lấy làm hâm mộ, từ đó thích màu đen, lấy màu đen làm cờ hiệu quân đội mình, bản thân ông cũng cưỡi ngựa đen Ô Chuy. Vì vậy quân cờ hai bên chia đen – đỏ, với biên giới là Sở hà, Hán giới (Sông nước Sở, địa giới nước Hán).

Cờ tướng 32 quân, bàn cờ nho nhỏ, Sở hà Hán giới, đỏ đen đối đầu, gió giật mây vần, khó mà đoán định, ẩn chứa bên trong là đạo lý tiến thoái tồn vong, lại có biết bao huyền diệu âm dương, dài ngắn.

Chuyện chơi cờ tướng

Văn Thiên Tường đời Bắc Tống chơi cờ theo phong cách rất độc đáo. Khi ông làm tri châu Cám Châu, Giang Tây, thường với cao thủ cờ nổi tiếng vùng Giang Nam là Chu Tử Thiện đến giữa sông đấu cờ. Họ để bàn cờ làm bằng gỗ trên mặt nước, vừa du ngoạn vừa đấu cờ, đến khi hoàng hôn mới khoan khoái trở về.

Văn nhân mặc khách đều có duyên với cờ, thích làm thơ về cờ, đã để lại rất nhiều kiệt tác khoan khoái lòng người. (Ảnh minh họa: pinterest.com)

Văn nhân mặc khách đều có duyên với cờ, thích làm thơ về cờ, đã để lại rất nhiều kiệt tác khoan khoái lòng người. Nổi tiếng hơn cả có bài “Khốc tượng kỳ thi” (Thơ khóc cờ tướng) của Vương Dương Minh, một nhà triết học đời Minh.

Khi Vương Dương Minh còn nhỏ, một lần chơi cờ trên bờ sông với bạn, mải chơi quên ăn, mẹ gọi nhiều lần, cậu đều không thưa. Mẹ cậu giận quá, bèn bước đến ném các quân cờ xuống sông.

Vương Dương Minh tiếc nuối khôn nguôi, bất giác ngâm luôn một bài thơ làm mọi người phải vỗ bàn khen ngợi:

Cờ tướng trên tay lạc thú thay
Khổ nỗi mẹ nghiêm ném mất bay
Binh tốt rớt sông không thể cứu
Tướng quân đuối nước cũng đành thôi

Mã phi ngàn dặm theo dòng nước
Sỹ chốn ba sông sóng cuốn trôi
Pháo gầm một tiếng long trời đất
Tượng kia gục ngã ruột gan rơi.

Những câu thơ tỏ rõ ý chí của một đại tướng, nhìn thấy quân sĩ “chết” mà lòng đau đớn khôn cùng. Quả đúng vậy, sau này Vương Dương Minh trở thành một vị tướng tài ba, văn võ song toàn, là cột trụ của triều Minh, đánh dẹp và chấn chỉnh khắp nơi, đến tận ngoài 80 tuổi vẫn cầm quân ra trận.

Bàn cờ tiên Côn Sơn

Đỉnh Côn Sơn có khu đất phẳng, có tảng đá giống hình bàn cờ và hai người đang chơi cờ, tục gọi là bàn cờ tiên (hiện nay không còn, do hơn 20 năm trước cải tạo di tích đã sơ ý để phá mất).

Tương truyền vào những ngày mây mù che phủ kín đỉnh núi, đất trời giao hòa, các Tiên nhân hạ phàm du ngoạn, chơi cờ trên đỉnh Côn Sơn. Một hôm các vị Tiên đang say sưa chơi cờ, nghe thấy có tiếng người ồn ào đi đến, liền bỏ bàn cờ đang chơi dở ở đó mà bay đi, nên gọi là bàn cờ tiên.

(Ảnh minh họa: battlertea.com)

Cờ không chỉ là thú tiêu dao tao nhã của Tiên nhân, ẩn sỹ, mà cờ còn đào luyện quan niệm đạo đức tư tưởng, hành vi phép tắc, thẩm mỹ và tư duy con người. Trong cờ có điềm đạm, khoáng đạt, phong nhã, cơ trí và mưu lược, triết học, thi ca, nghệ thuật, tất cả đều nằm trong cờ.

Khi chơi cờ, người chơi ngồi cung kính, ngay ngắn, bình tâm tĩnh trí, điều hòa hơi thở, khiến cho toàn bộ thân, tâm yên định, lòng không chú ý đến xung quanh, không vội, không chậm, an nhiên tự tại, khiến thân thể ở trạng thái tốt nhất vần chuyển theo âm dương ngũ hành. Tinh, khí, thần của toàn thân điều hòa, thông với khí thái hòa của vũ trụ, giống như trạng thái luyện khí công vậy.

Triêu Lộ

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/thu-choi-tao-nha-trong-bat-nha-p-1-co-tuong-an-giau-huyen-co-binh-phap-ben-trong.html

Comment