hoa-thach-loai-quai-vat-bien-bi-an-song-truoc-ca-thoi-dai-khung-long-tai-trung-quoc
Hóa thạch loài quái vật biển bí ẩn sống trước cả thời đại khủng long tại Trung Quốc
- bởi tamthuc --
- 01/12/2017
Đây là loài vật có hình dáng rất kỳ lạ và trông vô cùng đáng sợ. Các nhà khảo cổ học tin rằng đây là bằng chứng cho sự bùng nổ tiến hóa của sự sống trong kỷ Cambri.
Các nhà khảo cổ học Trung Quốc đã phát hiện một hóa thạch của loài quái vật biển cổ xưa có niên đại cách đây 518 triệu năm, hai mẫu hóa thạch đã được các nhà khảo cổ học phát hiện ở tỉnh Vân Nam, miền Nam Trung Quốc. Được biết đây là hóa thạch của một quái vật biển rất quý hiếm và chứa đựng nhiều bí ẩn bên trong. Hình dáng của nó giống như một con sâu, vỏ sò của nó giống như một chiếc mũ bảo hiểm vô cùng cứng cáp, còn những lông cứng nhọn 2 bên thì trông rất đáng sợ.
Theo nhà nghiên cứu Zhao Fangchen, 2 mẫu hóa thạch này có thể giúp làm sáng tỏ sự đa dạng của các sinh vật đã từng bị tuyệt chủng trước đây, đồng thời họ cũng có thể tìm ra được các mối liên hệ mật thiết của nó với động vật ngày nay.
Đây được coi là nơi có rất nhiều hóa thạch động vật cổ xưa từ kỷ Cambri (cách đây 541 đến 485 triệu năm trước). Hóa thạch đầu tiên được tìm thấy năm 2015 bởi Chengjiang thuộc Học viện địa chất Nam Kinh trong quá trình khai quật.
Hóa thạch thứ 2 sau đó được chính ông Zhao Fangchen phát hiện ra. Ông cho biết thêm: “Ngay từ khi nhìn thấy hóa thạch tôi đã biết rằng nó rất đặc biệt và khác hoàn toàn với các hóa thạch trước đó. Trông nó giống như một sinh vật lạ ngoài hành tinh với những lớp gai cực cứng và dài ở 2 bên thân mềm của nó. Con vật này có chiều dài khoảng 1,5 cm và rộng khoảng 3 mm. Những con to hơn có thể rộng đến 6 mm và trông nó thật sự khác biệt. Phía dưới cơ thể có một lớp giống như lớp đệm được chia thành các khoảng nhỏ hơn”.
Zhao Fangchen kết hợp cùng tiến sỹ Martin R. Smith tại Đại học Durham (Vương quốc Anh) để mô phỏng lại một cách chính xác con vật đặc biệt này. Nhưng ông Zhao Fangchen cũng thừa nhận rằng họ không biết nhiều về nó. Theo phỏng đoán của ông, nó có thể sống dưới nước, dưới các tấm đá dày ở độ sâu 100 mét.
Phát hiện này được đánh giá là thực sự ấn tượng và minh chứng một cách cụ thể nhất cho hình thế đa dạng sinh học ở kỷ Cambri.
Sơn Tùng
Nguồn:https://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/hoa-thach-loai-quai-vat-bien-bi-an-song-truoc-ca-thoi-dai-khung-long-tai-trung-quoc.html
Comment