No icon

nhan-sinh-mot-kiep-nguoc-xuoi-vat-va-chang-qua-chi-goi-gon-o-cau-noi-nay

Nhân sinh một kiếp ngược xuôi vất vả chẳng qua chỉ gói gọn ở 10 câu nói này

Nhân sinh tại thế, trong cuộc đời mỗi người, chúng ta đều không ngừng mỏi mòn tìm kiếm những chân lý, những mục tiêu sống cho riêng mình. Vậy rốt cuộc điều chúng ta mỏi mòn tìm kiếm đó là gì? Kiếp người tuy ngắn lại dài, sống sao mới được một đời thong dong?

1.

Đời người có sinh rồi ắt có tử, dài ngắn cũng chỉ trên dưới ba vạn ngày, có vui, có buồn, có lúc thăng lúc trầm, có người thành công, cũng có người lại kém phần may mắn. Người thành công ấy bởi sống đời nhân nghĩa, người thất bại ấy cũng tại hai chữ nhân tâm.

2.

Cuộc đời là chuỗi dài những lựa chọn khó khăn, đôi khi thân bất do kỷ, có những việc nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Tuy nhiên làm người khi chưa bước qua suối đá gập ghềnh sẽ chẳng thể hiểu sự dễ chịu của đường phẳng gió êm. Chưa qua quan nạn sẽ chẳng hiểu được bình yên, chưa qua nỗ lực sẽ chẳng hiểu trọn vị ngọt của thành công.

Vậy nên học cách tìm được niềm vui trong nghịch cảnh chính là sự trưởng thành, khi có thể tìm được niềm vui trong nghịch cảnh thì còn gì có thể làm chùn được bước chân mình?

3.

Nhân sinh muôn nẻo, khó khăn cũng là điều kiếp người khó tránh, nhân sinh một kiếp cũng như cây kia một đời. Cây chẳng gió cây nào lớn nổi, người không hoạn nạn người sao nổi lớn khôn? Cũng như sau cơn mưa ắt có ánh cầu vồng, thế nên vấp ngã không đáng sợ, chỉ sợ rằng ngã rồi không dậy được mà thôi. Đôi khi vấp ngã chính là thảm lót của con đường thành công, làm người ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần, ai thành công mà không đôi lần gục ngã?

4.

Làm người mà cố gắng nỗ lực không thật lòng thì cũng đồng nghĩa với lừa dối chính mình, vĩnh viễn không nên nỗ lực trên lý thuyết để che đậy sự lười biếng của mình.

Làm người mà cố gắng nỗ lực không thật lòng thì cũng đồng nghĩa với lừa dối chính mình. (Ảnh: pinterest.com)

5.

Đời người là những cuộc kiếm tìm, tuy nhiên tất cả những thứ ta kiếm tìm đôi lúc chẳng phải là nơi trăm núi nghìn sông mà là ngay tại chính tâm hồn chúng ta. Phật gia có câu: “Tốt xấu tự một niệm”, đôi khi xa tận chân trời, gần ngay trước mắt.

6.

Cái mà được gọi là tự tìm phiền não chính là do bản thân hấp thụ quá nhiều năng lượng tiêu cực. Vậy nên làm người cũng như hoa hướng dương, cần chọn nơi có ánh nắng mà hướng tới, suy nghĩ thì tránh nghĩ điều tiêu cực, cố gắng nhìn về điều tích cực trong mọi hoàn cảnh.

7.

Thuyền có thể vượt nghìn trùng hải lý là nhờ gối sóng mà đi, cũng như bèo kia thuận nước mà trôi theo dòng chảy. Và đường của núi cũng lại như thế, cũng trập trùng ghềnh đá dưới chân người. Thế nên bạn muốn băng lên đỉnh núi ngắm trùng dương thì không thể nào dùng ánh cầu vồng làm thang bắc cầu được, mà phải dựa vào sỏi đá dưới chân người.

8.

Trên đời này thứ cơm ăn không mất tiền, áo mặc không trả phí ngoài cơm cha áo mẹ ra thì đều là thứ cơm hèn áo rách. Ở đời vốn dĩ không có thứ cơm áo gạo tiền nào là không phải hao công tốn sức làm ra. Khi còn trẻ không nỗ lực, lúc về già ắt cực gấp muôn phần.

9.

Vòng nguyệt quế không phải là thứ được chế tác từ tư duy người thiên tài, mà được dệt bằng sức lao động và quan nạn của người đeo nó. Cũng như không có ánh sáng của một viên trân châu nào do tô điểm mà có, tất cả đều do mài dũa tự thân mà ra. Nếu như thất bại làm cho bạn cảm thấy đau đớn, thì nỗ lực vươn lên lại cho bạn cảm giác thăng hoa.

10.

Làm người đối nhân xử thế, chỉ cần hỏi tâm mình không điều khuất tất là được. Thứ không phải của mình cưỡng cầu chỉ thêm khổ, điều của mình đùn đẩy cũng chẳng thể đi.

Theo soundofhope.org
Minh Vũ biên dịch

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/nhan-sinh-mot-kiep-nguoc-xuoi-vat-va-chang-qua-chi-goi-gon-o-10-cau-noi-nay..html

Comment