No icon

khao-sat-phong-thuy-duong-lam-son-tay-ha-noi-bai-

KHẢO SÁT PHONG THỦY ĐƯỜNG LÂM - SƠN TÂY - HÀ NỘI. BÀI 7.

KHẢO SÁT PHONG THỦY ĐƯỜNG LÂM - SƠN TÂY 
 HÀ NỘI.
LỜI TỰA : Đường Lâm - Sơn Tây - HÀ NỘI là một vùng quê có địa hình còn khá hoang sơ , chưa bị nhiều những công trình xây dựng tàn phá. Đây là quê hương nhiều danh nhân như vua Ngô Quyền, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Giang Văn Minh, bà Man Thiện (mẹ của hai Bà Trưng), bà chúa Mía (người xây chùa Mía, vương phi của chúa Trịnh Tráng), Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Kiều Mậu Hãn, Phan Kế An,... Đường Lâm còn được gọi là đất hai vua do là nơi sinh ra Ngô Quyền và Phùng Hưng. Là một vùng quê có nhiều người thành đạt như vậy nhưng trong khoảng 50 năm gần đây , nhân tài của Đường Lâm hầu như vắng bóng . Lý do nào đưa đến sự việc như vậy ? Chúng ta thử cùng nhau khảo sát về mặt Phong thủy để tìm nguyên nhân. Trong loạt bài này , dienbatn có sử dụng một số tư liệu trên Internet và những tư liệu của dienbatn sau nhiều năm điền dã. Những kết luận riêng của dienbatn còn thô thiển, rất mong được các cao nhân giúp đ. Thân ái. dienbatn.
3. KHẢO SÁT MỘT SỐ ĐỊA DANH QUAN TRỌNG ĐỐI VỚI KHU VỰC ĐƯỜNG LÂM - SƠN TÂY - HÀ NỘI.
3.5 MIẾU CỔ VÀ GIẾNG SỮA CAM LÂM.




Sự tích “giếng sữa”
Từ bao đời nay, không chỉ người dân thôn Cam Lâm mà dân làng khắp 8 thôn khác ở xã Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) đều biết đến ngôi miếu cổ và giếng nước có khả năng chữa chứng mất sữa cho sản phụ mới sinh. Người dân trong vùng gọi đó là “giếng sữa ”.
Giếng sữa và ngôi miếu nằm sát dưới chân đồi Cấm ở thôn Cam Lâm, cách vài trăm mét từ lăng vua Ngô Quyền theo hướng Nam. Tương truyền đây là ngôi miếu rất cổ cùng có niên đại tương đương với rặng duối ngàn năm và lăng vua Ngô Quyền.
Vào thời loạn lạc, khi nơi đây vẫn là vùng núi hoang sơ không bóng người ở, một em bé mới chào đời bị bỏ rơi khát sữa khóc ngằn ngặt dưới chân đồi. Một bà lão đi ngang qua chứng kiến nhưng không biết làm thế nào để cháu bé nín. Bà chỉ biết bế cháu bé trên tay đi dọc đường với hy vọng tìm được nhà dân để xin nước.
Đi mãi cũng không thấy bóng người, tới một thung lũng dưới chân đồi Cấm, bà thấy một mạch nước róc rách chảy từ trong hang đá bèn mớm miếng nước cho cháu bé. Đứa bé bỗng nhiên ngừng khóc và thiếp ngủ trên tay bà. Từ đó, bà dựng lều ở tại đây nuôi đứa trẻ. Khi mất, người dân trong vùng lập miếu thờ bà và gọi là “miếu mẹ” bên mạch nước thiêng gọi là “giếng sữa”.
Mạch nước sau đó trở nên thiêng liêng và được nhiều người biết đến khi vào mùa khô, tất cả giếng làng đều bị cạn trơ đáy thì thấy mạch nước vẫn đầy ăm ắp, trong vắt. Họ cùng nhau ra gánh nước về ăn, càng lấy nước càng trong càng đầy.
Từ đó, nhiều người dùng đá ong che chắn xung quanh để giữ nước. Cũng từ ngày dựng miếu, trong làng luôn có một người "có căn số" trông coi và bảo vệ miếu và “giếng sữa".
Bà Phan Thị Sót (SN 1948), người hiện trông coi “miếu mẹ” và “giếng sữa” cho biết: “Tôi trông miếu mẹ nhiều năm nay nhưng cũng không biết đức mẫu tên thật là gì và ngôi miếu có từ bao giờ. Các cụ trong làng cũng không ai rõ, chỉ biết ngôi miếu rất thiêng, đặc biệt có thể gọi sữa cho những sản phụ bị tắc sữa, ít sữa sau sau sinh. Hiện nay, hàng ngày có nhiều ông bố bà mẹ khắp nơi về đây xin sữa về cho con bú”.
Miếu mẹ nhỏ bé nằm trọn dưới tán cây bạc lộc cổ thụ hướng ra cánh đồng làng. Trước cửa miếu mẹ lệch hướng Đông là giếng sữa được kè bằng gạch đá ong. Đường kính lòng giếng nhỏ, chỉ khoảng 60 cm, sâu 1 m. Nhìn xuống dưới đáy giếng chỉ thấy một ang nước nhỏ trong vắt. Nhìn thấu đáy có một tảng đá ong cổ đã bạc màu. Mực nước luôn luôn giữ ở mức lưng chừng.
Bà Sót cho biết, mực nước như vậy hầu như không thay đổi qua các mùa, các năm. Dù mùa mưa, nước ở cánh đồng dâng lên cao hay mùa cạn nứt toác cánh đồng thì nước trong giếng vẫn vậy. Nhiều năm trước, từng có đoàn người ở Hà Nội hàng trăm người về dùng can, thùng xin nước liên tục kéo dài ra tận đầu ngõ. Nhưng múc mãi nước cũng không hao đi chút nào.
Xin sữa cho sản phụ
Bà Sót giải thích chuyện giếng cổ có thể xin sữa cho sản phụ tưởng như chỉ có trong truyền thuyết nhưng đây là sự việc có thật. Những người tới xin sữa tại đền mẫu này hầu hết là các bà mẹ gặp phải chứng tắc sữa, ít sữa. Những sản phụ này không hẳn phải tự đến mà chồng, mẹ chồng hay người thân trong gia đình cũng có thể tới xin hộ.
Gọi là "lễ" nhưng cũng rất đơn giản. Người tới xin sữa chỉ cần thành tâm đọc rõ tên tuổi, địa chỉ bố mẹ và cháu bé thiếu sữa kèm theo thẻ hương trái oản và vài đồng tiền lẻ. Ông bố thì để lại 7 đồng, bà mẹ thì để lại 9 đồng tiền lẻ tại miếu và ra giếng tự tay múc nước cho vào chai.
Nước mang về rót một lần ra cốc cho sản phụ uống hết không được đổ bỏ. Số còn lại mang đi nấu cháo hoặc đun lên cho sản phụ dùng. Một hai ngày sau, sữa mẹ sẽ về.
Bà Lê Toán (64 tuổi), trú ở xã Thụy An (Ba Vì, Hà Nội) có con dâu mới sinh được 3 tháng nhưng ít sữa, cháu bé vì thế hay khóc, chậm lớn hơn trẻ cùng lứa. "Nhiều người mách, tôi cùng con trai tới tới giếng sữa ở miếu mẹ xin về cho cháu. Xin nước về cho con dâu uống chỉ một ngày, mẹ cháu đã căng đầy sữa cho con bú", bà Toán cho hay.
Nhiều bà mẹ ở xa thiếu sữa cho con cũng tìm tới đây. Cách đây vài ngày có một bà mẹ tên Lan ở Phú Thọ về đây xin sữa khi trời đã tối và có mưa giông. Chị Lan cho biết tình trạng thiếu sữa cả tháng trời khiến gia đình phải dùng sữa bột thay thế nhưng con trai không chịu ăn. Sợ nhờ người thân đi xin sữa ở miếu mẹ không linh ứng, chị Lan tự đi một mình lên đây.
Cảm thông tấm lòng người mẹ, bà Sót mặc áo mưa ra giếng xin nước cho người phụ nữ đó. Hôm sau sữa về, chị Lan mừng rỡ gọi điện lên.
"Có những bà mẹ ở rất xa vùng Hà Nam, Nam Định, Thái Bình gọi điện về xin sữa. Tôi ra miếu xin cho họ theo thông tin cá nhân được cung cấp. Miếu mẹ cũng cho các sản phụ sữa ngay sau đó. Nhiều người lặn lội từ dưới đó lên cảm tạ", bà Sót kể.
Ông Dương Hữu Phương, Trưởng thôn Cam Lâm cho biết, trước đây, ngôi miếu rất nhỏ giữa rừng cây um tùm. Cách đây 10 năm, người dân trong thôn cùng xây gạch đá ong tôn lên cao bao quanh bảo vệ giếng, từ miếu ra giếng được xếp gạch chỉ cẩn thận. Mới đây, mái miếu được tu sửa lại chống dột.
"Chuyện ngôi miếu mẹ có giếng cổ xin được sữa là có thật từ bao đời nay ở thôn. Ngôi miếu và giếng có từ lâu đời, các cụ thân sinh của tôi cũng chỉ nói lại như vậy", ông Phương cho hay.  ( Hoàn Nguyễn ).

3.6 ĐỀN THỜ MẪU Ả LAN CAM LÂM .

Gần cạnh Giếng Sữa ở Cam Lâm có một khu Đền thờ khá là hoang vắng . Hiện nay chỉ còn một ngôi miếu nhỏ như hình trên. Theo cụ Thủ Đền thờ Bố Cái Đại Vương là Kiều Văn Lương thì đó là Đền thờ mẫu Ả Lan và hiện nay có 2 bà thủ Đền trông coi. dienbatn khảo sát khu vực này khá kỹ trong nhiều năm và nhận thấy đây là khu vực đã kết Huyệt khá mạnh . Khi ngồi Thiền tại khu vực này, điển về áp rất mạnh . Đây chính là khu vực kết Huyệt của vùng Cam Lâm - Đường Lâm - Sơn Tây. Tuy nhiên theo đánh giá của dienbatn , khu vực này chỉ có thể làm nơi thờ cúng Tâm linh chứ không thể đặt mộ được vì dòng Khí ở đây khá sát.
Tham khảo tài liệu , dienbatn thấy có những tư liệu sau :
"Lê Thị Lan - Tướng quân: Khởi nghĩa ở Đường Lâm - Sơn Tây. Được Trưng Vương phong là Nhu Mẫn công chúa, lĩnh ấn Trấn tây tướng quân, phó thống lĩnh đạo binh Hán trung. Hiện ở Hạ Hoà, Vĩnh Phúc có miếu thờ. "
Đền thờ nữ tướng Lê Ngọc Lan (thờ hai Bà Trưng) um xùm cây cối. Cây ôm đền trong lòng, từ xa chỉ nhìn thấy một vòm xanh nối giữa một vùng đỏ đất. Có những gốc đa to 3- 4 người ôm, rễ thả to như cuốn bắp bám thẳng vào lòng đất. Biết bao bộ phim đã được quay tại đây, đã chọn nơi này để dựng lại lịch sử."
Đền Nghè - Đình Đông được xây dựng theo kiến trúc cổ tự nhiều đời nay tại khu vực bãi nghè thuộc khu 3 thôn Đông Thành xã Văn Lang nằm sát quốc lộ 32.
Về vị trí đất đai: Dải đất xã Văn Lang nói riêng và Hạ Hòa nói chung qua sử sách ghi lại thì miền đất này thuộc bộ Văn Lang, thời Hán, thế kỷ thứ 2 trước công nguyên đến thế kỷ thứ 3, thuộc huyện Mê Linh - quận Giao Chỉ, đến thế kỷ thứ 10 thuộc huyện Đức Hòa - Phong Châu. Đến dời Lê - Lý - Trần thuộc miền đất Hạ Hòa, đạo Châu Giang, lộ Tam Giang. Thời Hậu Lê, đầu Nguyễn thuộc Hạ Hòa, phủ Thao Giang, trấn Sơn Tây, và từ cuối thế kỷ 19 có tên gọi là xã Văn Lang, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ
Sự kiện nhân vật lịch sử của di tích: Đền Nghè là nơi thờ 2 vị tướng tài thời Hai Bà Trưng đã có công đánh giặc cứu nước. Tương truyền thời Tây Hán (Trung Quốc) ở xứ Đường Lâm thuộc Sơn Tây có 2 vợ chồng ông Lê Tuân và Đặng Thị Thẹ thuộc dòng dõi Thế Phật Châm Anh, ông làm nghề dạy học và làm thuốc, bà thì lao động cần cù sống lương thiện không làm gì hại ai nên nhân dân xa gần ai cũng tôn trọng. Khi hai ông bà tuổi đã cao nhưng chưa có con đã đem của cải đi phân phát cho người nghèo đồng thời đi lễ các đền miếu để cầu con. Có lần đi du ngoạn đến Văn Lang thấy có một ngôi miếu linh thiêng (nay là miếu Nam Sang) liền sửa lễ cầu con...và kết quả đến ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Dần ông bà sinh được một bọc gồm một trai, một gái. Người con gái ra trước nên được gọi là chị. Ba năm sau các con đã lớn ông bà đặt tên cho con gái là Ả Lan, con trai là Anh Tuấn. Ít sau cha mẹ qua đời, 2 chị em làm lễ an táng cho cha mẹ. Sau 3 năm đoạn tang, hai chị em đã khôn lớn cũng là lúc đất nước có nhà Đông Hán Trung Quốc.
Tô Định là thái thú quận Thao Giang cai trị rất tàn ác đã giết hại Thi Sách là chồng của bà Trưng Trắc cùng bao dân lành khác. Với nợ nước, thù nhà Trưng Trắc và Trưng Nhị đã đứng dậy phất cờ khởi nghĩa đánh giặc được nhân dân đi theo rất đông.
Ở xã Đường Lâm 2 chị em Lê Ả Lan và Lê Anh Tuấn đã kết nghĩa với nhiều người nay nghe theo lời linh của hai bà Trưng đã chiêu mộ được hơn hai nghìn binh sỹ về Mê Linh yết kiến hai bà. Lê Ả Lan được phong là Nội Thị Tướng Quân, Lê Anh Tuấn được phong là Chỉ Huy Xứ Đại Tướng Quân và cử hai chị em Tuấn phòng chấn thủ miền Thao Giang kiêm Truy Bộ Điển phòng thủ đánh giặc, qua nhiều ngày đêm hành quân hai chị em kéo quân đến đất Văn Lang thấy nơi đây có địa thổ đẹp bèn đóng trại lập ấp làm căn cứ đánh giặc và nuôi quân sỹ, đồng thời mổ trâu ngựa để yết cáo với trời đất sơn thủy bách thần, khao thưởng quân sỹ và ban phát cho dân làng (vào ngày 13 tháng 3 âm lịch).
Vào một ngày có lệnh của Hai Bà Trưng hai chị em về yết kiến để bàn mưu đánh giặc. Khi các chủ tướng và binh sỹ đã tề tựu đông đủ, lệnh hai bà truyền: nam tướng nam binh, nữ tướng nữ binh thẳng hướng đánh thành Hà Bắc, là thủ phủ của thái thú Tô Định. Quân giặc thua to phải chạy về Đông Hán. Quân hai bà Trưng thắng lớn thu hồi 6 tỉnh thành trì cùng toàn cõi đất nước.
Từ đó nhân dân tôn Trưng Trắc làm vua và trị vì thiên hạ. Nói về hai vị tướng quân: bà Lê Ả Lan và ông Lê Anh Tuấn trong trận đánh do hai người chiến đấu dũng cảm, giết được nhiều giặc... hai chị em được Trưng vương ban thưởng đạo Tây Sơn, thực ấp địa đầu Thao Giang, luyện sỹ an dân. Văn Lang ngày càng được mở rộng và củng cố vững chắc. Cuối cùng hai chị em cùng từ trần ở Văn Lang.
Dân gian truyền lại rằng: hai chị em đều hóa (tức chết) tại cánh đồng Sang, dưới chân núi Am Thuộc xã Văn Lang vào ngày 25/8 âm lịch.
Sau khi hai vị mất, dân trong khu đã báo về kinh đô Trưng nữ vô cùng thương tiếc và xuống chiếu cho Văn Lang trang lập miếu thờ và ra sắc phong cho hai vị:
- Nhất phong Ả Lan Nương Đức Hạnh Đoan Trang Công Chúa và tặng phong "Hằng Nga Uyển Mỵ Trinh Phụ Phu Nhân"
- Phong thần hiệu cho Lê Anh Tuấn : Lê Anh Tuấn Hiển Vinh Uy Dũng Đại Vương và tặng phong: "Tế Thế Hộ Quốc An Dân, Phu Vạn Quảng Đại Cao Minh, hiệu Hựu Hùng Chấn Đại Vương Thượng Đẳng Thần"
Từ đó về sau các đời triều gia phong như sau :
Đời Trần Nhân Tông có sắc phong: "Đức Vua Bà Ả Lan Nương Ngọc Phận Hằng Nga Công Chúa"
"Đức Vua Ông Hiển Hựu Trợ Thuận An Uy Hùng Tuấn Đại Vương Thượng Đẳng Thần"
Đời Lê Thái Tổ có sắc phong: "Ả Lan Nương Huê Hòa Đức Hạnh Trinh Thục Công Chúa"
" Phả Kế Cương Nghị Hùng Kiệt Tuấn Khanh Đại Vương"
Từ đó về sau để tỏ lòng tôn kính hai vị tướng quân nên nhân xã Văn Lang có ban khánh tiết giúp địa phương quản lý, bảo vệ trông coi và tổ chức tế lễ hương khói các ngày tuần ngày tiết. "Lễ tiệc và hèm tục" cụ thể như sau :
1. Ngày mùng 10 tháng Giêng: "Lễ cầu phúc rước nước" lễ lấy nước để phục vụ cho việc thờ cúng quanh năm. Trong Rước nước có gắn hèm tục là đánh trận giả để diễn lại tình trò quân Hai Bà Trưng đánh giặc
2. Lễ tiệc ngày sinh hai vị: vào ngày 12 tháng Giêng (âm lịch)
hèm tục cúng lợn đen múa hát 3 ngày liền
3. Lễ tiệc khao quân: vào ngày 12 tháng 3 (âm lịch)
Hèm tục: là mổ trâu đen "gọi là bì oa trữ nhục" tức là lấy da trâu căng làm nồi nấu thịt
4. Ngày hoá 25/8: Tục truyền hai vị thần đi thăm doanh trại các tướng lĩnh tại khu núi Am, bất chợt gặp một cơn đại phong, ác vũ, mưa bão, sấm sét dữ dội ai ở đâu chỉ biết có đó... chỉ trong khoảnh khắc cơn mưa đã tan các tướng sỹ đi tìm thủ lĩnh ở chân núi Am chỉ thấy hỡ vạt áo và hình tích của hai vị. Sau khi nhận tin hai vị đã mất vua đã phong: "sinh vi tướng, tử vi thần" và chỉ sắc cho Văn Lang trang lập hai vị thành hoàng từ đó. Như vậy: Đền Nghè là nơi thờ tưởng niệm, lưu niệm sự kiện nhân vật lịch sử có thật, là hai vị tướng giỏi thời hai bà Trưng đã có công với dân với nước. Sự nghiệp đấu tranh dựng và giữ nước của tổ tiên ông cha ta qua hàng ngàn năm lịch sử đã hun đúc nên đức tính cao đẹp, bản lĩnh và năng lực sáng tạo của dân tộc Việt Nam. " ( http://hahoa.phutho.gov.vn/ )
* 4 chữ Triện trên là NGUYÊN - HANH - LỢI - TRINH. ( 元 亨 利 貞 ).
Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh là 4 đức của Trời. Thể theo tính lý này mà Thánh-nhân đặt ra 4 đức của người là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí.
Thời thượng-cổ Thánh-nhân bắt đầu vạch ra tám quẻ, đạo của ba tài đủ rồi, nhân đó lại trùng điệp lên cho đủ hết các sự biến đổi của trời đất. Thế nên sáu vạch thành một quẻ kép. Hai quẻ Kiền đơn họp lại thành Bát-thuần Kiền. Kiền tức là Trời: chữ “Trời” chỉ về hình thể của trời, chữ “kiền” chỉ về tính-tình của trời. Kiền nghĩa là mạnh, mạnh mà không nghỉ gọi là Kiền.
Nguyên, Hanh, Lợi,Trinh là 4 đức tính củaTrời: 
- Nguyên là muôn vật bắt đầu.
- Hanh là muôn vật lớn lên.
- Lợi là muôn vật được thoả.
- Trinh là muôn vật đã thành.
* Bức ảnh thứ 2 ghi : " Thời tại Bính dần niên , Quý Xuân Nhâm Tý nhật , Mão khắc động thổ bình cơ , Ất Mão nhật , Dậu thời kiên trụ thượng lương cát."
( Chu Xuân Giao dịch hộ dienbatn.).
Dịch nghĩa ra là Giờ Mão, ngày Nhâm Tý ( Quý Xuân :  Tháng 3 - 三月:Quý xuân - 季春 ), năm Bính Dần động thổ , san nền ( Bình cơ 平  基) . Giờ Dậu ngày Ất Mão thượng lương cát.
Cũng theo Chu Xuân Giao , 2 bản khắc trên có niên đại tương đối gần , chỉ khoảng vài chục năm. Tra lại lịch ta có năm Bính Dần là các năm : 1926 , 1986 . Tháng 3 Thìn năm Bính dần 1926 không có ngày Nhâm Tý, chỉ có tháng 3 ( Nhâm Thìn ) 1986 Bính Dần có ngày 30 là ngày Nhâm Tý .
Như vậy thời gian xây hay trùng tu Đền này rất có khả năng vào tháng 3 năm Bính Dần 1986. 
Long mạch khu vực Giếng Sữa và Đền mẫu Ả Lan.

Xin theo dõi tiếp bài 8. dienbatn.
Xem chi tiết…

Comment