khao-sat-mot-so-ngoi-mo-cua-tien-nhan-de-lai-bai-
KHẢO SÁT MỘT SỐ NGÔI MỘ CỦA TIỀN NHÂN ĐỂ LẠI . BÀI 1.
- bởi tamthuc --
- 14/04/2016
KHẢO SÁT MỘT SỐ NGÔI MỘ CỦA TIỀN NHÂN ĐỂ LẠI .
Sau rất nhiều chuyến điền dã khảo sát Phong thủy âm trạch , dienbatn còn giữ được một số tư liệu về những ngôi mộ cổ do tiền nhân đặt từ xưa . Nay đăng lại trong Blog này làm tư liệu và mong rằng những Thày Địa lý của Việt Nam hiện nay nghiên cứu và hy vọng sẽ rút ra được những điều bổ ích cho mình , ngõ hầu có thể giúp cho những thân chủ của mình một cuộc sống an vui , hạnh phúc.
Sách có câu :"Tiên tu nhân lập âm chất,nhi hậu tầm Long ". Người người đều muốn có được một Địa trạch tốt tươi,nhằm thăng hoa cuộc sống vật chất đầy đủ,công danh hiển hách,vợ đẹp con ngoan,Gia đình hạnh phúc.Sách THÔI QUAN THIÊN viết :"Trong nhà có người đức hạnh cao thượng thì đất đá trên núi gần đó nhất định có Linh khí ".Qua câu nói trên tức là con người làm chủ Linh khí vạn vật do phần Tâm khí của chính mình.Các Phong Thủy Sư không hiểu điều này thì dủ có Trích Huyệt Tầm Long được Bảo địa cũng chẳng linh nghiệm.
Những việc Tầm Long Địa Huyệt còn phải hội thêm phần cảm ứng tức là Thiên Đạo (Đạo Trời );sự ứng nghiệm của việc hành thiện lập âm chất,tạo nhân quả tốt.Tục ngữ có câu :"Âm địa tốt không bằng Tâm địa tốt ".Do vậy,tìm kiếm chọn lọc được Địa mạch Huyệt vị,Phong Thủy Sư phải tích đức hành thiện làm căn bản.Nếu kẻ nào có phẩm chất cao thượng,thì ắt Thiên cơ sẽ ứng,Địa cơ theo đó mà tăng thêm sự tốt lành cho con cháu đời sau hưởng Phúc.Bởi Tâm địa thiện lương thì tương ứng với Địa mạch cát lợi ,vận Trời ứng cho,chứ chẳng phải chủ quan tâm về hình thức mà quên đi nội dung,cứ tưởng rằng tầm được Long huyệt rồi,con cháu đời sau sẽ được hưởng Phúc,cái gốc chúng ta chẳng lo mà lại đi lo cái ngọn,rõ là ta chẳng biết gì cả.Nếu như các Phong Thủy Sư họ tài giỏi như thế thì ắt họ phải giành những huyệt Đế Vương,Công Hầu,Khanh tướng cho con cháu họ,chứ dại gì mà họ chỉ cho ai ?
Quách Phác nói :"Cát hung cùng cảm ứng lẫn nhau,họa phúc cũng tự nhiên theo Tâm khí chiêu cảm mà đến ".
Khi táng di hài Tổ tiên,chắc người ta phải chọn Địa huyệt thật tốt mà an táng,song song với việc trên ,người tại tiền phải nỗ lực tu dưỡng thân,tâm cầu lấy gốc rễ của Đạo.Nếu chỉ chú trọng quan sát hình thể Địa huyệt,sẽ cho kết quả trái ngược,làm tổn hại đến con cháu đời sau.
Nếu như có Nhân,tất phải có Quả;nhưng Nhân -Quả thiện ác tùy vào Tâm khi chiêu lấy họa phúc.Cũng như ngày xưa có người chết được Thiên táng hay Địa táng một cách ngẫu nhiên,con cháu sau này phát Đế Vương,Công hầu.
Triệu Quang viết cuốn :"PHONG THỦY TUYỂN TRẠCH TỰ ",có nói rằng :"Vô phước cho ai không có nhân duyên mà được Huyệt tốt ".Dẫu cái tốt,xấu của Phong thủy Huyệt mộ ảnh hưởng đến cát hung,nhưng Âm đức của con người có thể cải biến được Vận -Mạng.Đến như các bậc Tiền bối Phong thủy như Cao Biền,Quách Phác tài giỏi kinh Thiên động Địa ,nhưng khi gặp Huyệt Đế Vương cũng không dám dành cho mình,bời biết đạt Địa lợi,nhưng Thiên thời và Nhân hội còn khuyết,không dám nghỉ bàn.Tóm lại việc "TIÊN TÍCH ĐỨC,NHI HẬU TẦM LONG " của người xưa dạy quả không sai.
1/ KHẢO SÁT MỘ CỤ DƯƠNG LÂM ỨNG HÒA - HÀ TÂY.
Dòng họ Dương của Dương Khuê, vốn có nguồn gốc từ Hà Tĩnh, ra định cư ở vùng Vân Đình (Hà Tây) từ thời chúa Trịnh Cương (1709-1725). Từ thời Dương Khuê, dòng họ này trở nên nổi tiếng nhờ tên tuổi ông và người em trai ông là Dương Lâm. Dương Lâm (1851-1920), từng giữ chức Phó Tổng tài Quốc sử quán, rồi được thăng hàm Thái tử Thiếu Bảo (năm 1902), sau xin cáo quan về hưu ở quê để dạy học và viết sách (năm 1903). Các cháu nội của hai ông cũng là những văn nghệ sĩ nổi tiếng như: nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Giáo sư-Tiến sĩ Dương Thiệu Tống, nhà thơ Dương Tuyết Lan, Nhà khoa học gia đang làm việc cho Bộ Quốc Phòng Hoa kỳ Dương Nguyệt Ánh.
Dương Lâm (1851–1920), hiệu Vân Hồ, Quất Đình, tự Thu Nguyên, Mộng Thạch, là quan nhà Nguyễn, một danh sĩ Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Ông nổi tiếng về tài văn chương, tính tình tao nhã, lại là một nhà giáo có biệt tài.
Ông sinh năm 1851, người làng Vân Đình, huyện Sơn Lãng, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội. Thân phụ ông là Dương Quang, anh ruột ông là Tiến sĩ Dương Khuê.
Năm Mậu Dần (1878), ông đỗ Cử nhân, đến năm Giáp Thân (1884), được bổ làm Huấn đạo Ý Yên, rồi thăng làm Tri huyện Hoài Yên.
Ba năm sau, ông làm Bang tá Nha kinh lược Bắc Kỳ.
Năm Kỷ Sửu (1889), ông được bổ Án sát Hưng Yên, rồi thăng làm Bố chính Sơn Tây, hàm Quang lộc tự khanh.
Năm Tân Mão (1891), ông về Hà Nội, làm chủ bút báo Đồng Văn. Năm sau, lại được bổ làm Tuần phủ Thái Bình.
Năm Ất Tỵ (1895), ông làm Tham tri Nha kinh lược Bắc Kỳ, sau đó về triều giữ chức Thượng thư bộ Công kiêm Phó Tổng tài Quốc sử quán. Khi triều đình sửa đổi phép học, phép thi, ông được cử đứng đầu ban Tu thư, cùng với Đoàn Triển, Đỗ Văn Tâm, Bùi Hướng Thành cùng soạn sách Tân giáo khoa.
Năm Canh Tý (1900), ông làm Tổng đốc Bình Phú (Bình Định và Phú Yên), gia hàm Thái tử Thiếu bảo. Vì quê làng Vân Đình nên người đương thời gọi ông là cụ Thiếu Vân Đình.
Khi về hưu, ông được triều đình tặng hàm Hiệp tá Đại học sĩ. Ông về quê nhà, mở trường dạy học.
Năm Canh Thân (1920), ông mất hưởng thọ 69 tuổi, được truy tặng tước Khánh Vân nam.
Khác với các tác phẩm của anh mình, vốn được ghi chép và bình luận nhiều dưới thời Pháp thuộc vì có vẻ như "vô thưởng", "vô phạt" (về mặt chính trị) dưới con mắt của nhà kiểm duyệt và các nhà đương cuộc Pháp và Việt Nam; các tác phẩm của Dương Lâm ít được phổ biến hơn, có lẽ vì phần nhiều đề cập trực tiếp hay gián tiếp đến thời kỳ người Pháp xâm lăng Việt Nam và nói lên cảm nghĩ của tác giả về các sự kiện lịch sử ấy, như Dương Quảng Hàm đã nhận xét rất đúng trong quyển Văn học sử yếu, xuất bản năm 1941.
Tác phẩm của ông có "Vân Đình thi văn tập" gồm cả thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm, bộc lộ tư tưởng hưởng lạc, làm "lúc nhàn sau cơn say".
Ngày nay , khu mộ đang bị xuống cấp, tấm bia trên đỉnh mộ đã bị đổ gãy .
Cụ Dương Khuê là anh ruột của cụ Dương Lâm .
Xuất thân trong một gia đình nhà Nho. Ông là con cả Đô ngự sử Dương Quang, và là anh ruột của danh sĩ Dương Lâm .
Nhờ chuyên cần, Dương Khuê là người văn hay, chữ tốt. Năm 1864, ông đỗ Cử nhân (cùng khoa này có Nguyễn Khuyến đỗ Giải nguyên); nhưng vào kinh thi Hội, thì bị hỏng khoa đầu. Được Tùng Thiện Vương mời về nhà dạy con cháu học, ông nán lại chờ khoa thi sau. Năm Mậu Thìn (1868), thời vua Tự Đức, ông dự thi Đình đỗ Tiến sĩ .
Ban đầu, Dương Khuê được bổ làm Tri phủ Bình Giang (Hải Dương), rồi thăng làm Bố chính.
Đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ 19, tay lái buôn Jean Dupuis uy hiếp các quan chức người Việt ở Bắc Kỳ để tự do sử dụng sông Hồng, ông ở trong nhóm những sĩ phu cương quyết chống lại. Ông dâng sớ về triều xin có thái độ quyết liệt với người Pháp, bị vua Tự Đức phê là "bất thức thời vụ" (không biết thời cuộc), rồi bị giáng xuống chức Chính sứ sơn phòng lo việc khai hoang .
Năm 1873, quân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất. Sau khi thương thuyết, họ chịu trả lại bốn thành cho triều đình Huế, thì Dương Khuê được điều động làm Án sát Hải Phòng. Rồi vì để thiếu "hai nén bạc" trong kho, ông bị đồng liêu đàn hặc, bị nghị tội "giảo giam hậu" (chém nhưng tạm giam lại để xét sau). Xem án, vua Tự Đức tha thứ, song cách hết chức tước, chỉ cho ông giữ lại hàm Biên tu và đày ra sơn phòng khẩn hoang.
Năm 1878, nhân lễ "ngũ tuần khánh thọ " của mình, vua Tự Đức xuống chỉ cho ông làm Đốc học Nam Định. Sau đó, ông lần lượt trải các chức: Bố chính, Tham tá Nha kinh lược Bắc Kỳ, Tổng đốc Nam Định-Ninh Bình.
Năm 1897, Toàn quyền Paul Doummer xóa bỏ điều 7 của Hòa ước Giáp Thân 1884, đặt cơ sở cho guống máy cai trị của Chính phủ bảo hộ, thì Dương Khuê xin cáo quan, lúc 58 tuổi, được tặng hàm Thượng thư bộ Binh .
Dương Khuê mất ngày 6 tháng Ba năm Nhâm Dần (1902). Nghe tin, bạn thân ông là Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã làm bài thơ Khóc bạn để viếng ông (trong đó mở đầu bằng câu: "Bác Dương thôi đã thôi rồi").
Tác phẩm của ông để lại có Vân Trì thi thảo (Bản thảo thơ Vân Trì); và một số bài ca trù, bài văn, câu đối, trướng...
Thật là một gia đình đa tài.
Phân kim khu mộ : Hướng mộ ( Đo theo hồ nước hình bán nguyệt trước mộ ).
Hướng đo theo tâm của hồ bán nguyệt trước mộ là 185 độ vào Huyệt Khí Mậu Ngọ Hỏa Khanh rất xấu ( Khí Mậu Ngọ, 7 phân Ngọ, 3 phân Đinh thì quan tụng, khẩu thiệt rắc rối, người của ) . Theo suy đoán của dienbatn khi chôn người ta đã để tiểu vào Huyệt Khí Bảo châu Bính ngọ ( khoảng 178 độ 5 ).Bính Ngọ khí ở chính Ngọ long thì gia nghiệp bình bình, sinh ra người thông minh, mọi mưu sự đều thành tốt lành; gặp vào các năm Thân, Tý, Thìn, Tị, Dậu, Sửu. Nếu thấy Sửu, Cấn thủy lại xung thì trong quan tài bùn nước vào thì hỏng.
Mộ của Dương Lâm nằm trên một cái gò khá lớn ngay sát đường Hà Nội đi Vân Đình. Đây là một khu vực mà Long mạch ngừng nghỉ và tụ khí lại kết Huyệt khá nhiều. Ngoài cái gò trên có mộ Dương Lâm , khu vực này còn nổi lên khá nhiều gò đống mà sau này đã bị phá đi .
Khu mộ này đã gần 100 năm (1851–1920), tuy đã bị phá hủy nhiều do thời gian và con người vẫn còn khá hoành tráng. Một cái ao hình bán nguyệt có hướng vòng cung về phía trước vẫn còn đầy nước , tạo cho Minh đường của Huyệt mộ có tụ Thủy, tụ Khí .
Từ chân gò có những bậc thang đi lên nơi đặt lễ ở phía trên .
Hai bên đường lên nơi đặt lễ là một cặp Rồng thuần Việt cúi xuống.
Hai bên đường lên , bên cạnh cặp Rồng là hai tượng voi quỳ có hình dáng rất đẹp ( Tuy đã bị mất vòi , mất tai ).
Hai bên bàn đặt lễ là hai khối xây theo hình chữ nhật có bề ngang khoảng 40 cm , có lẽ ngày xưa là nơi dùng để trồng hoa cảnh.
Từ dưới bụng hai ông voi , người ta xây một vòng đai cao khoảng 60 cm ôm vòng quang khu gò .
Từ hai phía bên của bàn đặt lễ, người ta xây một vòng cuốn thư theo trục của khu mộ, giữa cuốn thư là một tấm bàn phẳng và sau bàn người ta dựng một tấm bia . Nét chữ trên bia hãy còn khá sắc nét.
Trên đỉnh nhà bia có đắp dòng chữ : 我 有 萬 古宅 (NGÃ HỮU VẠN CỔ TRẠCH ).
Trên đỉnh nhà bia có đắp dòng chữ : 我 有 萬 古宅 (NGÃ HỮU VẠN CỔ TRẠCH ).
Hai bên nhà bia, người ta lại xây hai vòng cung song song để làm đường lên trên đỉnh gò.
Địa hình toàn cảnh khu mộ.
" Bí ẩn vị thiền sư di chuyển ngôi mộ tổ giúp dòng họ ngụ cư “lột xác”.
Ít ai biết giai thoại về một vị thiền sư đã “di chuyển” ngôi mộ cổ giúp con cháu của dòng họ nổi tiếng nghèo túng này đỗ đạt làm quan...
Khi nhắc đến dòng họ Dương ở làng Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Nội), người ta lại nghĩ ngay đến hai anh em danh nhân nổi tiếng là Dương Khuê và Dương Lâm. Không chỉ giỏi giang, công minh, liêm chính chốn quan trường, cụ Dương Khuê còn sáng tác loại hình ca trù nhiều tác phẩm để đời mà tiêu biểu là bài “Hồng hồng, Tuyết tuyết”...
Sau này, những thế hệ kế tiếp của họ Dương cứ nối nhau giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình và nổi tiếng là dòng họ khoa bảng. Tuy nhiên, ít ai biết giai thoại về một vị thiền sư đã “di chuyển” ngôi mộ cổ giúp con cháu của dòng họ nổi tiếng nghèo túng này đỗ đạt làm quan...
Cận cảnh nhà thờ họ Dương ở Vân Đình.
Vị thiền sư bí ẩn và hành trình di mộ lúc nửa đêm.
Trước đây, huyện Ứng Hòa được gọi với cái tên tổng Phương Đình thuộc tỉnh Hà Đông. Nhà thờ của dòng họ Dương chi Ất Hạ nằm ngay bên bờ sông Đáy thơ mộng. Từ thuở giặc phương Bắc đô hộ đến những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thanh niên Vân Đình trong đó có những con em họ Dương nô nức lên đường ra trận. Họ đã chiến đấu quả cảm, hy sinh xương máu vì Tổ quốc, vì độc lập và vì nhân dân.
Không mất quá nhiều thời gian để chúng tôi có thể tìm ra nhà thờ của dòng họ khoa bảng này. Ngồi trước mặt chúng tôi là ông Dương Văn Hoạt (61 tuổi), Trưởng ban liên lạc họ Dương chi Ất Hạ. Nói chuyện với chúng tôi, ông Hoạt cho biết: “Căn nhà này chúng tôi đã trùng tu lại. Còn chính ra nhà thờ cổ của họ Dương nằm ở phía bên cạnh, được các cụ ngày xưa xếp bằng những mảnh sành chồng khít lên nhau như hình vảy cá. Năm 2008, nhà thờ của họ tôi đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia”.
Ông Dương Văn Hoạt trò chuyện với PV về dòng họ Dương.
Cũng theo ông Hoạt, dù đi đâu, làm ăn ở chốn nào, người họ Dương chi Ất Hạ cũng rất tự hào về dòng tộc danh giá của mình. Từ nghèo túng, họ vươn lên thành dòng họ khoa bảng nổi tiếng kinh kỳ với những danh nhân và con người giữ chức vụ quan trọng trong triều đình.
Nhấp ngụm trà đặc, ông Hoạt kể: “Theo tài liệu và các cụ bô lão trong dòng họ ghi lại, họ Dương chi Ất Hạ có nguồn gốc từ Nghệ An, lưu lạc đến Vân Đình. Ngày xưa, dòng họ tôi nghèo túng, yếu kém lắm. Đàn ông chỉ đi học hoặc làm nghề tầm thường, còn phụ nữ buôn bán lận đận nơi thôn quê. Họ Dương lại bị người làng miệt thị vì là dân ngụ cư. Ngày đó, cụ sinh đồ Dương Đức Thắng vì quá túng thiếu nên phải lên chùa viết sớ giúp người đến lễ bái để có thêm tiền chi dùng.
Sau khi cụ mất được một năm, một hôm có một vị thiền sư đến chơi nhà hỏi thăm và nói với gia đình: “Tôi vốn quen thân với cụ ông. Nay người bạn đã mất, tôi sẽ giúp tìm cho cụ một ngôi đất để di chuyển mộ đến đó. Tôi hỏi, gia đình muốn chuyển mộ cụ đến khu đất giàu có hay khu con cháu đỗ đạt làm quan?”. Cụ bà (vợ cụ Thắng-PV) liền thưa rằng: “Nhà tôi có con đi học nên mong được con cháu sau này đỗ đạt chứ không muốn giàu có”.
Ông Hoạt tiếp lời, nghe đến đây, vị sư nói rằng, hiện nay có một ngôi đất địa thế rất tốt nên sẽ dành cho cụ ông. Vì gia đình nghèo, không có tiền làm cơm thiết đãi dân làng nên khi cải táng cho chồng, cụ bà đã quyết định cùng con cháu làm về ban đêm. Khi màn đêm buông xuống, vị sư và con trai cụ Thắng đem thuổng, cuốc và một cái nồi đình ra lo việc bốc mộ (vì nhà nghèo không sắm được tiểu sành).
Hài cốt được xếp vào nồi, chôn ngay ở mô đất sát đường đi đến phủ lỵ. Chôn xong, vị sư nói với gia đình rằng: “Thử địa tiên phát, Hàn lâm viện thị giảng học sỹ. Thứ phát đồng triều lưỡng Thượng thư, Nhị thập niên phương kế đăng khoa, nhị thập niên phương kế hiểm họa”. Khi gia đình hỏi tên hiệu vị thiền sư để ghi ân thì ngài không chịu cho biết.
Do thửa ruộng táng ngôi mộ tổ có nhiều mồ mả của người dân chôn cùng nên người nhà rất lo bị lẫn lộn. Tuy nhiên, vị thiền sư khẳng định rằng, chỉ trong vòng trăm ngày họ sẽ phải bốc đi hết. Điều đó quả nhiên đúng. Nay chỉ còn ngôi mộ cổ của dòng họ hình chiếc án thư. Phía trước ngôi mộ là những ngọn núi đá màu lam xa thẳm.
Sau này, việc cụ Đức Ứng, Đốc học tỉnh Sơn Tây được vua ban chức Hàn lâm viện thị giảng học sỹ, rồi cụ Dương Khuê, Dương Lâm làm tới Thượng thư đồng Triều và các con cháu kế tiếp đỗ đạt (2 tiến sỹ, 8 cử nhân, tây học, bác sỹ, kỹ sư và làm quan) đã chứng nghiệm lời nói của vị thiền sư. Tới nay, mặc dù không biết tên hiệu của vị thiền sư nhưng khi con cháu cúng giỗ, để tỏ lòng thành kính, ghi ân ngài nên vẫn khấn Đức dương gia phúc thần Đức thanh tịnh Thiền sư.
Những chuyện chưa kể về dòng họ khoa bảng.
Dòng họ Dương chi Ất Hạ là nơi sinh ra hai danh nhân nổi tiếng của đất nước là cụ Dương Khuê và cụ Dương Lâm. Những tài liệu mà ông Hoạt đem ra cho chúng tôi xem có ghi lại: Cụ Dương Khuê là con cả Đô ngự sử Dương Quang đỗ tiến sỹ năm 1868 làm quan đến chức Thượng thư thời vua Tự Đức. Vị này còn là bạn thân của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Khi còn giữ chức quan Thượng thư, ông đã dâng sớ can vua Tự Đức “không nên nhượng thực dân Pháp” nên bị điều đi khai hoang.
Cụ Dương Khuê sáng tác nhiều thơ văn, trong đó có bài “Hồng hồng, Tuyết tuyết” rất nổi tiếng dùng để phổ cập cho những người hát ca trù. Cụ Dương Lâm là em (Canh Tuất 1851-Canh Thân 1920). Khi sinh ra đã có tướng lạ, lông mày như người lớn. Vị này cũng làm quan tới chức Thái tử Thiếu bảo. Ngoài ra, con cháu họ Dương hiện có rất nhiều người đỗ đạt cao và nổi tiếng như nhạc sỹ Dương Thiệu Tước, Dương Thụ, GS-TS. Dương Thiệu Tống, nhà thơ Dương Tuyết Lan...
Theo ông Dương Văn Hoạt, vì nổi tiếng khoa bảng, danh giá, nhiều con cháu đỗ đạt làm quan nên không ít người xa lạ đến tự nhận xuất thân từ dòng họ Dương. Tuy nhiên, trước những trường hợp này, các cụ đều tra lại phả tộc rất cẩn thận mới quyết định nhận hay từ chối. Tuy nhiên, có một câu chuyện mà lúc nào cũng ám ảnh trong tâm trí người họ Dương, đặc biệt là ông Hoạt, đó chính là việc một “đại ca” khét tiếng giang hồ từng đến đây để nhận là con cháu.
“Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, bỗng một ngày Dương Văn K. đến Vân Đình nhận họ hàng. Thời điểm K. đến chỉ cách lúc hắn bị bắt có hai tháng. Khi gặp các cụ cao niên trong họ, K. nói rằng, trước khi thân phụ mình qua đời có căn dặn ông ta sau này dù bất kể lý do gì cũng phải cố gắng tìm lại họ tộc. Mặc dù K. cũng mang họ Dương nhưng không biết chi họ mình ở đâu. Khi nghe nói có chi nhánh họ Dương ở Vân Đình, K. đã tìm về mong được nhận họ. Tuy nhiên, theo trí nhớ và ghi chép của các cụ thượng thọ trong họ thì K. không thuộc chi họ Dương ở Vân Đình nên đã từ chối”." (Theo Vương Chân - Thiên Vũ - Đời sống & Pháp luật)
Đọc thêm : " LƯỢC SỬ HỌ DƯƠNG VIỆT NAM.
Họ Dương là một trong số những dòng họ lớn ở Việt Nam, có truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, có mặt trong suốt tiến trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của Dân tộc.
Thời Kinh Dương Vương.
Năm 2879 TCN, Kinh Dương Vương lên ngôi vua, đặt tên nước là Xích Quỷ, Dương Lạc tướng (Lạc tướng Họ Dương) phù Vua Thủy Tổ dựng nước sơ khai, Kinh đô đóng tại Luy Lâu (Thuận Thành - Bắc Ninh).
Thời Hùng Vương thứ Nhất
Lạc Long Quân kế nghiệp, sinh Hùng Vương thứ Nhất, kinh đô về Phong Châu (Phú Thọ). Thái sư Quốc Công Dương Minh Tiết giúp Vua cải tên nước là Văn Lang, lập Hiến pháp nước Văn Lang, chia đất nước thành 15 bộ: Phong Châu (Phú Thọ), Vũ Ninh (Bắc Ninh – Kinh Bắc),... để dễ bề cai quản.
Thời Hùng Vương thứ Sáu
Vua Hùng cử Lạc tướng Dương Minh Thắng về đất Vũ Ninh dẹp giặc Ân; giặc tan, Vua lệnh ở lại Vũ Ninh, chuyển con cháu về định cư, lập tân ấp, củng cố lực lượng, canh chừng giặc giã, bảo vệ đất nước.
Cụ tổ Dương Minh Thắng là hậu duệ lâu đời của cụ Thượng Tổ Dương Minh Tiết, sinh quán ở Bạch Hạc – Phong Châu – Phú Thọ, làm quan Lạc tướng Vua Hùng Vương thứ Sáu.
Cụ về Vũ Ninh định cư, định canh, lập tân ấp Long Vỹ (làng Long Vỹ), xây dựng gia đình; qua nhiều đời kế tiếp thành vùng đông đúc người Họ Dương cư trú, đời đời phồn thịnh. Nay vùng đất ấy là Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Người đông lên, chia nhau đi các ngả khai phá, định cư thành nhiều vùng cư trú của người Họ Dương. Vì thế, Vũ Ninh (Băc Ninh) được coi là đất phát tích của người Họ Dương.
Lưu truyền đến ngày nay rằng: Người Họ Dương Việt Nam, dù ở góc biển chân trời nào cũng đều chung thủy tổ là cụ Dương Minh Tiết.
Thời nghìn năm Bắc thuộc
Nước Nam ta ba lần chịu sự đô hộ của phương Bắc (Bắc thuộc), cộng tới 1083 năm (207 TCN – 938), từ triều Tây Hán đến triều Hậu Tấn.
Người Họ Dương cùng trăm họ luôn sục sôi căm thù, quyết tâm đánh giặc giành quyền độc lập tự chủ cho Dân tộc.
Mở đầu là cha con Lạc tướng Dương Thái Bình – Dương Thi Sách hồi đầu Công Nguyên, chuẩn bị lực lượng đánh nhà Đông Hán. Nhưng Thi Sách bị giặc giết sớm!. Việc chưa thành. Trưng Trắc - vợ Thi Sách dấy binh khởi nghĩa (năm 40 – 43), quyết tâm đánh giặc đền nợ nước, trả thù nhà. Bà là một nàng dâu Họ Dương thật trí – dũng song toàn!
Trong thời kỳ Bắc thuộc, ở nước ta diễn ra 10 cuộc khởi nghĩa, thì riêng người Họ Dương đảm đương 4 cuộc. Sau cuộc khởi nghĩa Thi Sách – Trưng Trắc, phải kể đến cuộc khởi nghĩa của Dương Thanh.
Dưới thời thuộc Đường, Dương Thanh - một thủ lĩnh người Việt, thứ sử Châu Hoan (Nghệ Tĩnh ngày nay) nổi dậy khởi nghĩa (879 – 820) giết Lý Tượng Cổ, tôn thất nhà Đường nổi tiếng hung tàn và hơn nghìn bộ hạ của hắn sang xâm lược nước ta. Ông cùng con trai Dương Chí Liệt và một người thân tín là Đỗ Sĩ Giao kêu gọi nghĩa quân tập kích thành Tống Bình giành quyền tự chủ, giải thoát ách thống khổ cho nhân dân ta, mở đầu trang sử vẻ vang của Dòng tộc Họ Dương từ đầu thế kỷ thứ 9.
Đầu thế kỷ thứ 10, nhà Đường suy yếu, Khúc Thừa Dụ người Việt chiếm giữ Giao Châu, tự xưng Tiết Độ Sứ. Khi họ Khúc bị quân Nam Hán đánh bại, Dương Đình Nghệ vốn là tướng tài của họ Khúc không khuất phục, đã nhận 3000 con nuôi đều mang họ Dương, lấy làng Giàng (Châu Ái – Thanh Hóa) làm trung tâm kháng chiến, tập hợp anh tài cả nước, dấy binh đánh đuổi quân Nam Hán.
Năm 931, Dương Đình Nghệ tiến đánh thành Tống Bình, đuổi Lý Khắc Chính, Lý Tiến, giết Trần Bảo, chiếm lại Giao Châu, khôi phục nền tự chủ nước nhà, tự xưng là Tiết Độ Sứ - làm Vua cai quản đất nước 6 năm (931 – 937). Ông là người khởi đầu cơ nghiệp lớn của Họ Dương.
Năm 937, Dương Đình Nghệ bị một nha tướng của mình là Kiều Công Tiễn giết hại, mưu cướp ngôi Tiết Độ Sứ. Con trai Dương Đình Nghệ là Dương Tam Kha, cùng con rể của ông là Ngô Quyền nhanh chóng diệt trừ Công Tiễn, chém chết Hoằng Thao cầm đầu viện binh nhà Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938), kết thúc hơn ngàn năm nước ta bị thống trị của phương Bắc. Ngô Quyền tự xưng Vương, lập Dương Thị Như Ngọc, ái nữ của Dương Đình Nghệ làm Hoàng Hậu. Một thời kỳ độc lập lâu dài của đất nước bắt đầu. Dương Tam Kha hết lòng phụ giúp Ngô Vương. Còn Như Ngọc, vợ Ngô Quyền cũng là người có công lớn, đứng ra lập đội nữ nương tử quân, động viên lực lượng phụ nữ dốc tâm tham gia cứu nước.
Năm 944, Ngô Quyền mất, ở ngôi được 6 năm.
Gánh nặng đè lên vai Dương Tam Kha, một người từng là bộ tướng của cha, cùng Ngô Quyền, rồi là tướng của Ngô Quyền anh rể. Đất nước vẫn trong vong tao loạn, các con của Ngô Quyền chưa đủ quyền uy cai trị đất nước. Trước tình hình đó, Dương Tam Kha tự xưng là Bình Vương, tự nguyện gánh vác việc non sông đất nước.
Năm Tân Hợi (951), Dương Tam Kha bị cháu là Ngô Xương Văn lật đổ, ông ung dung trở về Chương Dương, rồi Cổ Lễ khai khẩn đất hoang, quai đê lấn biển, giúp dân làm ăn, sinh cơ lập nghiệp thành 2 miền quê rộng lớn, thanh bình và trù phú. Hiện nay ở Chương Dương (Thường Tín – Hà Nội) và Cổ Lễ (Trực Ninh – Nam Định) có Đền thờ Ông; nhiều làng thờ Ông làm Phúc Thần.
Thời Đinh (968 – 980) và Tiền Lê (980 – 1009)
Vào thời Hậu Ngô Vương (951 – 965), Ngô Xương Văn, Ngô Xương Ngập làm vua, đất đước rối ren, 12 xứ quân nổi loạn.
Năm 967, Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên loạn 12 xứ quân, lên ngôi Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, lập Dương Vân Nga – con gái Dương Tam Kha làm Hoàng Hậu.
Năm Kỷ Mão (979), Vua Đinh bị Đỗ Thích giết hại. Con là Đinh Toàn, 6 tuổi nối ngôi vua. Bà Dương Vân Nga là Hoàng Thái Hậu, giúp con nhiếp chính, đối nội, đối ngoại sắc xảo, có nhiều công với nước.
Thời Bà, giặc Tống lăm le ở phía Bắc, quân Chiêm nhòm ngó ở đằng Nam. Trước mối đe dọa giặc ngoại xâm, vận mệnh đất nước “ngàn năm treo sợi tóc”, Thái Hậu Dương Vân Nga trao áo Hoàng Bào cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, tôn ông làm Vua lãnh đạo toàn dân kháng chiến thắng lợi, đánh Tống bình Chiêm. Hành động vì nước vì dân của Thái Hậu là tấm gương liệt nữ soi sáng muôn đời sau. Trước kia, do chưa hiểu ý nghĩa cao cả của sự việc, người ta còn dị nghị về tư cách, đạo đức của Bà. Nhưng càng ngày Bà càng tỏ rõ là bậc “Anh thư nữ kiệt”!
Thời nhà Lý (1010 – 1225)
Chín đời vua Lý trải 215 năm, trong đó có năm đời do người Họ Dương đảm nhiệm, mở đầu là vua Lý Thần Tông - Dương Hoán, đến cuối cùng là Lý Chiêu Hoàng, trị vì tất cả 97 năm.
Sử sách nước ta chỉ rõ: Vua Lý Nhân Tông (1072 – 1128) không có con trai, nuôi cháu là Dương Hoán con Sùng Hiền Hầu Dương Công Khanh từ nhỏ làm con nuôi, lập Thái tử, truyền ngôi làm vua Lý Thần Tông Dương Hoán, ở ngôi 11 năm (1128 – 1138). Vua coi trọng việc khoan thư sức dân, đưa ra chính sách “Ngụ binh ư nông”, cho quân lính thay nhau về làm ruộng, lo cho “thực túc binh cường”. Con là Thiên Tộ lên ngôi làm vua Lý Anh Tông, là người lập bản đồ đầu tiên cho nước Nam ta...
Vào cuối triều nhà Lý, đầu triều nhà Trần, họ Lý và họ Dương lâm vào họa “tru di” ; táo tác chạy loạn, mai danh ẩn tích, đi các vùng khác hay đi cả nước ngoài, như cha con Lý Long Sưởng – Lý Long Tường,... vượt biên sang xứ Cao Ly (Hàn Quốc).
Cuối nhà Trần, đầu nhà Hồ (đầu thế kỷ 15), người Họ Dương lại một lần nữa gặp họa “tru di” do Hồ Qúy Ly âm mưu gây ra. Một họ Đào gốc Dương ở Cổ Lễ (Nam Định) phải đổi sang nhiều họ: Phạm, Nguyễn, v.v. Tình trạng thay tên đổi họ đã khiến cho anh em, con cháu người Họ Dương ly tán nhau, lạc mất cội nguồn, khó bề nối lại vì qua nhiều đời mất liên lạc, gia phả, tộc phả không còn. Đây là một nguyên nhân khiến cho dân số Họ Dương thấp, tuy rằng Họ Dương có từ thời Hùng Vương.
Khoa bảng Họ Dương
Đến các triều đại về sau, với bản chất yêu nước, hiếu học, nhân từ - đạo đức, vẫn xuất hiện nhiều danh thần, võ tướng có tri thức cao, giúp ích cho việc trung hưng các triều đại. Đó là truyền thống Khoa bảng của Họ Dương, với 50 tiến sĩ Văn, 7 tiến sĩ Võ thời phong kiến, được ghi danh trên các Bia Văn Miếu Hà Nội, Bắc Ninh, v.v. Tiêu biểu là Lưỡng quốc Trạng nguyên Đào Sư Tích gốc Dương (1374), quê Song Khê – Yên Dũng - Bắc Giang; Trạng nguyên Dương Phúc Tư (1547), quê Thuận An – Kinh Bắc, nay là Lạc Đạo – Văn Lâm – Hưng Yên.
Một số chi họ có truyền thống học tập đỗ đạt cao như chi Họ Dương Lạc Đạo – Hưng Yên; Lạc Thổ - Thuận Thành – Bắc Ninh; Cổ Lễ - Nam Định; Vân Đình – Hà Nội; Yên Lộc – Can Lộc – Hà Tĩnh; Quỳnh Đôi - Quỳnh Lưu - Nghệ An; Vĩnh Mỗ - Yên Lạc – Vĩnh Phúc, v.v.
Nhiều Tiến sĩ Họ Dương có tài, đi sứ hay làm quan đến chức Thượng Thư (Bộ Trưởng) như Dương Duy Nhất, khoa Mậu Tuất (1538), trú quán Dị Sử - Lương Tài - Bắc Ninh; Dương Trí Dũng, khoa Ất Sửu (1565), người Bát Trạc – Can Lộc – Hà Tĩnh; Dương Thuần, khoa Mậu Thìn (1628), quê Lạc Đạo – Văn Lâm – Hưng Yên; Dương Văn An, khoa Đinh Mùi (1547), xã Phúc Tuy - Lệ Thủy - Quảng Bình; Dương Khuê, khoa Mậu Thìn (1868), thời Tự Đức – 21, người Vân Đình – Hà Đông, v.v.
Thời cận đại và hiện đại, nhiều trí thức tiêu biểu Họ Dương còn lưu danh như: Dương Lâm, Dương Duy Thanh, Dương Quảng Hàm, Dương Tử Quán,...
Những năm đầu thế kỷ 20, nhiều người Họ Dương nhiệt tình yêu nước như Dương Công San, Dương Đình Thạc, Dương Văn Quynh xuất dương sang Vân Nam (Trung Quốc) ra nhập Việt Nam Quang Phục Hội. Tiếp đó, cha con Dương Trọng Phổ - Dương Bá Trạc hoạt động phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục,...
Tại Nam Kỳ có Dương Tấn Tài, Dương Quang Đông, Dương Khuy; tại Nghệ An có anh em chú cháu Dương Văn Lan, Dương Vụ Bản, Dương Đình Thúy và Dương Ngọc Liễn; tại Bắc Ninh có Dương Văn Diên, Dương Hạc Đính,...
Cho đến khi thành lập Đảng Cộng Sản Đông Dương (tháng 2 – 1930), theo thống kê bước đầu ở các tỉnh: Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cao Bằng, Hà Nam, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, có trên 20 người Họ Dương đã gia nhập Đảng. Tiêu biểu có ông Dương Quang Đông làm Bí thư đầu tiên tỉnh Trà Vinh (1930), ông Dương Vụ Bản làm Bí thư huyện ủy Quỳnh Lưu – Nghệ An (tháng 3 – 1931),...
Trong hai cuộc kháng chiến (1945 – 1975), người Họ Dương luôn kề vai sát cánh cùng dân tộc, số lượng không sao thống kê hết được. Có thể kế một vài trường hợp: Dương Đại Long, Dương Mạc Thạch tham gia đội tuyên truyền Giải Phóng Quân Việt Nam (1944); Dương Đức Hiền (Hà Nội); Dương Linh, Dương Tự Cơ (Hưng Yên); Dương Văn Phát (Hà Nam); Dương Minh Đức, Dương Quang Gián (Bắc Ninh);...
Ở miền Nam: Dương Bạch Mai, Dương Quang Đông trực tiếp lãnh đạo cướp chính quyền ở Sài Gòn; Dương Minh Châu (Tây Ninh); Dương Khuy (Mỹ Tho); Dương Văn Dương (Bến Tre);...
Ngày nay, nhiều người Họ Dương là các nghệ sỹ có tiếng: Dương Cẩm Chương, Dương Bích Liên, Dương Thụ, Dương Thiệu Tước,...; các nhà khoa học tài năng: Dương Đức Tiến, Dương Xuân Đạm, Dương Trọng Hiếu,... và nhiều doanh nhân thành đạt.
Về nơi cư trú của người Họ Dương
Người Họ Dương có mặt ở khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam. Vùng Kinh Bắc xưa nay, nay là hai tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang, là nơi phát tích Họ Dương, nên người Họ Dương rất đông đúc, có những làng xã chỉ toàn người Họ Dương, như ở Tân Yên, Yên Dũng (Bắc Giang); Châu Cổ Pháp (nay là 2 huyện Từ Sơn và Tiên Du thuộc Bắc Ninh),...
Theo thời gian, người ta di cư đi nơi khác, do kiếm kế sinh nhai hay lý do thời thế, sinh ra thêm những vùng quê mới của người Họ Dương.
Hiện tượng như thế thời nào cũng có.
Ví dụ như: Đầu thế kỷ thứ 9, Dương Thanh từ Long Vỹ - Cổ Pháp vào làm Thứ sử Châu Hoan. Năm 894, Dương Đình Nghệ chuyển cả gia đình, cùng 3000 con nuôi Họ Dương vào Chấu Ái lập làng Giàng – Dương Xá (nay là làng Giàng - Thiệu Hóa – Thanh Hóa),...
Vào thế kỷ 12, Dương Tự Minh vâng mệnh vua Lý Anh Tông đi trấn giữ vùng biên ải phía Bắc. Nay đông đúc người Họ Dương ở các tỉnh miền núi phía Bắc coi Ông là Khởi Tổ; có hàng trăm đền miếu thờ Ông như ở Phú Bình (Thái Nguyên), Bắc Sơn (Lạng Sơn), Cao Bằng, Bắc Cạn,...
Đầu thế kỷ 14, Tiến sĩ Đào Toàn Bân, cha đẻ Lưỡng quốc Trạng nguyên Đào Sư Tích, từ Song Khê - Bắc Giang di cư về Trực Ninh – Nam Định. Đến đầu thế kỷ 15, đề phòng họa “tru di” do Hồ Qúy Ly mưu tính, trước khi đi sứ Nhà Minh, Đào Sư Tích cho con cháu thay tên, đổi sang nhiều họ khác: Phạm, Nguyễn,... Sau này, có chi trở về Họ Dương, Họ Đào; có chi vẫn mang họ Phạm, Nguyễn,... Đến nay, việc tìm hiểu cội nguồn họ mạc của họ này còn nhiều khó khăn.
Cuối thế kỷ 14, cụ Dương Công Đình từ Cổ Pháp về định cư ở vùng cửa biển Đại An – Nam Định, trở thành khởi tổ của nhiều chi họ Dương ở Ý Yên – Nam Định. Nhà thờ Họ Dương nay ở làng Dương Phạm – Ý Yên – Nam Định,...
Sự xuất hiện người Họ Dương ở các tỉnh miền Trung và miền Nam diễn ra muộn hơn. Để tìm hiểu việc này cần phải dựa vào các cuộc di dân lớn từ ngoài vào.
Sự kiện đáng chú ý đầu tiên là năm 1307, khi vua Trần Anh Tông tiếp thu hai châu Ô và Lý từ Vua nước Chiêm Thành, thì từ Châu Hoan (Nghệ Tĩnh), Châu Ái (Thanh Hóa) người ta rầm rộ đổ vào đất mới, sinh cơ lập nghiệp. Châu Ô, Châu Lý sau đổi thành Phủ Thuận Hóa, nay là các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Sự kiện tiếp theo là chúa Nguyễn Hoàng (1525 – 1613) tiên phong mở cõi xuống phía Nam, mở đầu việc hùng cứ phương Nam của 9 chúa Nguyễn. Cuộc di dân từ Bắc vào Nam kéo dài hơn 200 năm. Theo dòng người đông đảo ấy, trong đó có nhiều người Họ Dương.
Khi Pháp xâm lược nước ta, chúng tuyển phu phen tạp dịch từ miền Bắc, miền Trung vào phục vụ khai thác thuộc địa, đó là lớp lớp phu đồn điền cao su, lục lộ,... Hơn 100 năm Pháp đô hộ, người từ ngoài vào không phải là ít!
Thời hiện đại, phải tính đến các lần di chuyển người: Đó là cuộc di cư vào Nam năm 1954; đó là việc chi viện của quân dân miền Bắc cho cách mạng miền Nam trong 20 năm (1955 – 1975); khi đất nước thống nhất (30 – 4- 1975), lớp lớp người đủ mọi thành phần từ Bắc vào Nam tham gia khôi phục và xây dựng đất nước, rồi định cư, kéo theo nhiều người Họ Dương đến các thành phố, các vùng kinh tế mới ở các miền quê." ( http://hoduongvietnam.com.vn/ ).
Comment