Trên chuyến công tác về huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), chúng tôi cố gắng vượt qua những con đường len lỏi giữa điệp trùng đá núi để đến được những xã vùng 3 đặc biệt khó khăn, lên tới các bản làng nằm cheo leo trên lưng núi yên ngựa. Ở đó, vẫn tồn tại nhiều chuyện hoang đường đến khó tin về ma chài, ma lai, ma gà, bùa ngải được lưu truyền, ăn sâu vào trong nếp nghĩ của bà con các dân tộc Tày, Nùng…
Người Tày xã Hữu Kiên đã quen dần với việc khám bệnh ở trạm xá
Những câu chuyện mang màu sắc huyền bí
Trong quan niệm của người Tày ở xã Hữu Kiên, ma gà là một cái gì đó “vô hình”, có thể chỉ là ánh mắt, câu nói, sợi lông gà, thức ăn…, bất cứ thứ gì mà người ta chợt nghĩ ra trong đầu. Và, không phải ai cũng “nuôi” được ma gà, chỉ có những người sinh ra trong gia tộc, dòng họ có truyền thống nuôi “ma” truyền lại mới có thể làm được. Mỗi tháng, vào một ngày nhất định, người nuôi “ma” phải tắm rửa sạch sẽ, khấn vái làm lễ cho “ma” ăn, thức ăn thường là một con gà sống. Nếu cứ đến ngày đó, “ma” không được ăn gì thì cũng phải “nhập” được vào một ai hoặc một con vật bất kỳ, nếu không gia chủ phải thế mạng. Ai đã bị con ma gà nhập vào, phải mời thầy cúng làm lễ “trừ tà”, hơn nữa, người đó phải bị đánh ngã sấp, con ma mới thoát ra được, ngã ngửa thì không.
Ở bản Nà Lìa, đến giờ người ta vẫn truyền tai nhau câu chuyện về anh Ma Văn Son bị ma gà “bắt”. Vào cuối năm 2008, anh Sơn đi đám cưới người bạn ở bản bên về được vài ngày thì lăn đùng ra đau bụng, đau dữ dội như có ai cào, ai cấu ruột gan. Người nhà mời thầy mo về cúng, cúng ba ngày, ba đêm mà cái bụng anh vẫn ngày một to lên. Đến khi gà, lợn trong chuồng nhà anh Son lần lượt bị giết thịt hết để làm lễ thì thầy phán rằng: anh Son bị “ma” nhập.
Ông Ma Duyên Minh, Phó Chủ tịch xã Hữu Kiên (ngồi giữa)
Để “đuổi” con ma ra khỏi người, thầy vừa cúng vừa cầm cây gậy to như bắp tay vụt vào người anh túi bụi đến khi nào ngã sấp mới thôi. Ôm cái bụng đau quằn quại, anh Son chạy một quãng bị vấp ngã gãy tay. Khi người nhà đưa anh Son tới bệnh viện đa khoa Lạng Sơn để bó bột, bác sỹ mới giải thích cho gia đình biết căn nguyền nguồn gốc căn bệnh chướng bụng của anh là do bị ung thư gan giai đoạn cuối. Về nhà khoảng chừng hơn 2 tháng sau thì anh Son mất. Nhưng sau đó, những lời đồn thổi về chuyện anh bị ma gà chui vào bụng “ăn hết nội tạng” rồi bắt đi vẫn còn được dân bản rỉ tai nhau đến tận bây giờ.
Hoặc như trường hợp chị Ma Thị Xoan trong câu chuyện của thầy Bùi Xuân Thủy (giáo viên trường THCS Hữu Kiên), người có thâm niên trên 30 năm công tác tại các bản làng vùng sâu, vùng xa huyện Chi Lăng, kể: “Vào khoảng năm 1997, cô Xoan khi đó là giáo viên THCS. Một hôm có ông khách lạ đến nhà hỏi mua lợn con, cô Xoan không bán, ông khách đó chỉ khen con lợn đẹp, có “tướng” phú quý, rồi ra về. Sau đó vài ngày, con lợn tự nhiên lăn đùng ra chết, còn cô Xoan suốt ngày nói lảm nhảm, hút thuốc lá phì phèo, rít thuốc lào long sòng sọc, uống rượu như hũ chìm. Sau khi gia đình nhờ thầy mo về cúng mới biết cô ấy bị ma gà nhập. Oái oăm thay, ma gà biến cô thành một người đàn ông, giọng nói ồm ồm như thanh niên vỡ tiếng. Cúng mãi không khỏi, được cán bộ thôn bản động viên, gia đình đưa cô Xoan đi khám bệnh ở bệnh viện huyện Chi Lăng mới biết cô bị chứng rối loạn tâm lý. Phải nhập viện tâm thần điều trị mất gần 3 tháng thì khỏi”.
Ma gà luôn ám ảnh
Thực chất, có quá nhiều những câu chuyện hư hư, thực thực như thế ở cái nơi thâm sơn cùng cốc này. Bất cứ nhà ai có người hoặc vật nuôi bị bệnh đau ốm, điều đầu tiên người ta nghĩ tới là bị ma gà “ám”, bị yểm bùa. Thay vì tìm thầy thuốc chữa trị, người dân thường nhờ đến thầy mo, thầy cúng để giải trừ.
Bà Ma Thị Sỉu
Ông Ma Duyên Minh, phó Chủ tịch xã Hữu Kiên, cho biết: “Chính quyền xã kết hợp với cán bộ phòng văn hóa huyện Chi Lăng, nhiều lần tổ chức tuyên truyền lối sống văn hóa lành mạnh cho bà con, nhưng cũng do nếp nghĩ đã ăn sâu vào tiềm thức người dân nên rất khó. Chuyện thầy mo, thầy cúng vẫn còn nhiều, phổ biến ở trong những bản làng xa xôi, hẻo lánh. Mấy năm gần đây, được sự vận động của cán bộ, bà con khi ốm đau cũng đã nghĩ tới chuyện đi khám ở trạm xá, nhưng thực chất cái việc mời thầy mo về cúng để “trừ yêu” vẫn được làm lén lút tại nhà…”
Cũng theo lý giải của ông Minh, bà con người dân tộc tin vào chuyện thánh thần, ma quỷ một phần do tập tục được lưu truyền từ đời này sang đời khác, cộng với chuyện thiếu những phân tích, đánh giá về mặt khoa học. Cho nên, hầu hết những sự vật, hiện tượng, hay kể cả những bệnh mà con người mắc phải, người ta thường gán ngay đó là do ma quỷ làm nên.
Trong nhiều năm làm cán bộ xã, ông Minh đã từng phải chứng kiến vô số chuyện đau lòng. Chỉ vì những suy nghĩ lạc hậu, ấu trĩ của bà con mà đôi khi tình làng nghĩa xóm bị sứt mẻ, dư luận hoang mang, bất ổn về an ninh, chính trị, ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết toàn dân.
Như cách đây vài năm, ông Minh và cán bộ thú y xã phải mất cả tháng trời lặn lội xuống bản để giải quyết mâu thuẫn giữa hai gia đình anh Ma Văn Bình và bà Ma Thị Sỉu ở bản Suối Mỏ. Câu chuyện nảy sinh từ khi con lợn nhà bà Sỉu tự nhiên ốm chết, nghĩ đi, nghĩ lại mãi, cuối cùng bà Sỉu mới chợt nhớ ra, cách đó vài tuần, anh Bình có qua nhà bà chơi, uống rượu say rồi bỏ quên đôi dép. Ý nghĩ con lợn nhà mình bị anh Bình bỏ bùa cứ bám riết lấy bà. Một đồn năm, năm đồn mười, cái chuyện anh Bình “nuôi” ma gà chả mấy chốc lan ra toàn xã. Gia đình, vợ con anh Bình cũng vì chuyện đó mà không còn dám ra khỏi nhà vào ban ngày sợ chạm mặt bà con, sợ bị ném đá, có việc gì cần kíp lắm thì toàn phải đi vào ban đêm, công việc nương rẫy, đồng áng cũng vì thế mà bê trễ. Đã thế người ta lại đồn thổi, nhà anh “nuôi” con ma gà trên núi, tối tối thường phải lên cho “ăn”.
Sau khi cán bộ thú y xã xuống khám và đưa ra kết luận con lợn bị bệnh tụ huyết trùng mà chết, bà Sỉu mới thôi đi tuyên truyền cái chuyện ma gà, ma lai. Nhưng, từ đó ánh mắt dân bản vẫn nhìn những thành viên trong nhà anh Bình với thái độ dò xét. Những đám ma chay, cưới hỏi trong bản, tuyệt nhiên anh Bình đều không có mặt. Một phần vì không được mời, mà có mời anh cũng ngại đi.
Ở những bản làng nằm sâu hút sau chốn rừng già đã đành, đến ngay ở nơi đô thị như gia đình bà Lê Thị Nhã, số 46 đường Trần Quang Khải (TP Lạng Sơn), cũng chỉ vì mông muội tin vào ma quỷ, thần thánh mà để xảy ra câu chuyện đau lòng.
Bà Nhã có con trai duy nhất là Lương Văn Ban (SN 1987), năm lên 15,16 tuổi, Ban có dấu hiệu của bệnh tâm thần, thường xuyên la hét, chửi bới mọi người, xé nát quần áo, chạy lông nhông ngoài đường… Thay vì đưa con đi bệnh viện, bà Nhã tin rằng con mình bị ma gà hãm hại. Bà mời hết thầy mo này đến thầy mo khác, cúng bái hết ngày này qua ngày khác, dùng đủ mọi cách “tra tấn”, từ mắng chửi, đánh dập, thậm chí bà Nhã còn dùng dao chặt vào chân con mình để … đuổi ma. Đến khi chính quyền địa phương can thiệp kiên quyết, anh Ban mới được đưa đi bệnh viện chữa trị.
***
Ông Liễu Văn Mạnh, Chủ tịch MTTQ huyện Chi Lăng, tâm sự: “Tuyên truyền, giải thích nhiều cho bà con nên hiện giờ hiện tượng mê tín dị đoan có giảm. Những câu chuyện về ma người ta vẫn truyền tai nhau kể không hết, nhưng chỉ cần hỏi chứng cứ đâu, tất cả đều trả lời chỉ nghe kể lại, biết thế nào thì nói thế! Hy vọng sau này, lớp trẻ được ăn học đàng hoàng thì không còn tin vào những điều mê muội nữa…”.
Nguyễn Trung Thành
TAMTHUC