Câu thành ngữ “Gương vỡ lại lành” (Phá kính trùng viên) không những kể một câu chuyện tình đẹp, mà còn phản ánh đức hạnh tốt đẹp của người xưa, thành tựu cái tốt cái đẹp cho người khác.
“Thái tử Xá nhân” (Quan thân tín của Thái tử) triều Trần thời Nam Bắc Triều là Từ Đức Ngôn, có vợ là công chúa Nhạc Xương. Nhạc Xương là em gái của Hậu chủ Thúc Bảo, tài hoa và sắc đẹp đều rất xuất chúng. Khi Từ Đức Ngôn làm Thái tử Xá nhân, triều Trần đã suy bại, thời cuộc rất hỗn loạn, không thể đảm bảo an toàn cho quốc gia cũng như cá nhân được.
Từ Đức Ngôn nói với vợ rằng: “Với dung mạo và tài hoa của nàng, nếu nước mất nhà tan, nàng chắc sẽ lưu lạc ở gia đình giàu có quyền thế, e rằng chúng ta sẽ mãi mãi chia ly. Nếu duyên phận của hai ta chưa dứt, thì sẽ còn gặp lại, nên có vật làm tin”.
Thế là Từ Đức Ngôn bẻ đôi tấm gương bằng đồng, vợ chồng mỗi người giữ một nửa. Ông giao hẹn với vợ rằng: “Sau này, vào ngày rằm tháng giêng, nàng nhất định phải đem mảnh gương này ra phố bán, nếu ta thấy, ta sẽ tìm nàng ngay hôm đó”.
Khi triều Trần bị diệt vong, vợ ông quả nhiên lưu lạc đến nhà Việt Công Dương Tố, Dương Tố vô cùng sủng ái cô. Từ Đức Ngôn lưu lạc khắp nơi, khó khăn lắm mới đến được kinh thành. Đúng ngày rằm tháng giêng, ông đến chợ tìm, quả nhiên có một cụ già dáng vẻ như người hầu rao bán nửa tấm gương, nhưng cụ đòi giá vô cùng cao, mọi người ai nấy đều cười trêu cụ.
Từ Đức Ngôn đưa cụ già về nơi ở của mình, cho cụ già ăn, rồi kể cho cụ nghe những gì mình đã phải trải qua. Sau đó Từ Đức Ngôn lấy ra một nửa tấm gương, vừa vặn ghép khít với nửa tấm gương mà cụ gì rao bán, rồi ông đề lên tấm gương một bài thơ:
“Kính dữ nhân câu khứ,
Kính quy nhân bất quy.
Vô phục Thường Nga ảnh,
Không lưu minh nguyệt huy”.
Dịch thơ:
“Gương với người cùng đi,
Gương về người chẳng về.
Bóng Hằng Nga chẳng thấy,
Lạnh lùng ánh trăng khuya”.
Công chúa Nhạc Xương thấy bài thơ, khóc lóc thảm thiết, không ăn không uống. Dương Tố sau khi biết được sự tình cũng vô cùng cảm động, sai người đi tìm Từ Đức Ngôn, quyết định trả công chúa lại cho Từ Đức Ngôn, đồng thời tặng cho hai người rất nhiều tiền và vật phẩm. Câu chuyện này được truyền ra, ai nấy đều tán thán khen ngợi.
Dương Tố mở tiệc tiễn đưa Từ Đức Ngôn và công chúa Nhạc Xương. Công chúa cũng làm một bài thơ:
“Kim nhật hà thiên thứ,
Tân quan đối cựu quan.
Tiếu đề câu bất cảm,
Phương nghiệm tố nhân nan”.
Dịch thơ:
“Hôm nay thê thảm thay,
Người xưa với người nay,
Khóc cười đều không dám,
Làm người thật khó thay”.
Sau đó hai người về Giang Nam sống với nhau bách niên giai lão.
Đời sau Đỗ Mục, thi nhân đời Đường làm thơ ca ngợi chuyện tình hai người rằng:
“Giai nhân thất thủ kính sơ phân,
Hà nhật đoàn viên tái hội quân.
Kim triêu vạn lý thu phong khởi,
Sơn bắc sơn nam nhất phiến vân”.
Dịch thơ:
“Giai nhân thất thủ gương chia phôi,
Ngóng ngày đoàn tụ vẹn cả đôi.
Một sáng vạn dặm gió thu nổi,
Núi bắc núi nam mây trắng trôi”.
Triêu Lộ
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/guong-vo-lai-lanh-cau-chuyen-dep-ve-duc-hanh-cua-co-nhan.html