Blog Tâm Thức
Tên gọi ‘gà trống Gô-loa’ của đội tuyển Pháp có nguồn gốc từ đâu?
Wednesday, 11/07/2018 18:31 pm

Blog Tâm Thức

“Những chú gà trống Gô-loa” là tên gọi yêu quý dành cho đội tuyển bóng đá Pháp, cũng là biểu tượng của người dân nước này. Nó có lịch sử lâu đời và nội hàm văn hoá sâu xa ý vị.

Việc lấy gà trống làm biểu tượng dân tộc xuất phát từ lối chơi chữ hóm hỉnh của người Pháp. Tổ tiên của người Pháp là người Gô-loa (Gaulois), trong tiếng Latinh viết là Gallus, còn có nghĩa là “gà trống”.

Tiếng Pháp hiện đại, cũng như tiếng Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Romania, đều xuất phát từ tiếng Latinh bình dân, từng được sử dụng ở Đế quốc La Mã. Tiếng Pháp phát triển từ Gaul-Roman, loại tiếng Latinh tại Gaul, hay chính xác hơn là tại Bắc Gaul. Vì vậy, có thể giải thích được tại sao người Pháp lại lấy danh từ chỉ tổ tiên mình trong tiếng Latinh làm biểu tượng.

Một lý do nữa là, gà trống là loài vật thiết yếu của vùng nông thôn nước Pháp từ lâu đời. Nó được ví như “đồng hồ báo thức” và “người giám hộ”. Hàng ngày, những chú gà trống thức dậy cất cao tiếng gáy gọi bình mình, tung tăng đi vòng quanh trang trại để bảo vệ bầy đàn.

Gà trống là loài vật thiết yếu của vùng nông thôn nước Pháp từ lâu đời. (Ảnh: .eurosport.es)

Hình ảnh chú gà trống Gô-loa trong chiều dài lịch sử nước Pháp

Hình ảnh chú gà trống Gô-loa dũng cảm, cảnh giác và oai vệ với mào đỏ rực, đuôi dài xám xanh, cong lên như những thanh đoản kiếm đã trở thành biểu tượng của nước Pháp từ xa xưa. Thời trung cổ, gà trống Gô-loa là biểu tượng tôn giáo, thể hiện niềm hy vọng và đức tin của người Pháp. Hình ảnh những chú gà trống thường xuất hiện trên các tháp canh, tháp chuông nhà thờ. Các vương triều thời kỳ Phục Hưng có các bản chạm khắc và đồng tiền đều mang hình ảnh gà trống.

Từ năm 1870 đến năm 1940, cánh cổng sắt của điện Elysées (Phủ tổng thống ngày nay) được trang trí bằng một con gà trống, nên gọi là “Cổng gà trống”. Ngày nay, khách du lịch tới Pháp vẫn có thể chiêm ngưỡng cánh cổng này cũng như tìm thấy biểu tượng gà trống ở bảo tàng Louvre thâm trầm hay cung điện Versailles cổ kính.

Trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, chú gà trống Gô-loa còn xuất hiện trên lá cờ và chiếc mũ đỏ của các chiến sĩ cách mạng Pháp, tượng trưng cho lòng dũng cảm của người dân nước này.

Ngày nay, “gà trống Gô-loa” vẫn là biểu tượng của các đoàn vận động viên quốc gia Pháp trong các cuộc đua tài thể thao quốc tế, trong đó có bóng đá. Gà trống là loài vật đúng giờ, luôn cảnh giác và dũng cảm, giống với tính cách của người dân Pháp. Gà trống Gô-loa còn là biểu tượng của sự chân thành và tươi sáng.

Hình ảnh gà trống trên cánh cổng tại điện Elysees. (Ảnh: viettimes)

Biểu tượng gà trống trong văn hoá truyền thống phương Đông

Không chỉ nổi tiếng trong văn hoá phương Tây, gà trống còn là một linh vật được tôn quý trong văn hoá phương Đông. Là một trong 12 con giáp của lịch pháp truyền thống, đôi khi, chúng còn được xưng tụng là “Thần Kê”.

Trong “Tây Du Ký”, hồi thứ 55: “Dâm tà bỡn cợt Đường Tam Tạng/ Đứng đắn tu trì chẳng hoại thân”, Đường Tăng bị nữ quái trong động Tỳ Bà tại Tây Lương Nữ Quốc bắt đi. Yêu tinh này là con rết độc thành tinh, lợi hại đến nỗi Quan Âm Bồ Tát cũng không làm gì được. Tôn Ngộ Không phải thỉnh mời Mão Nhật Tinh Quân diệt trừ yêu quái cứu Sư phụ. Tướng mạo vốn có của Mão Nhật Tinh Quân là một chú gà trống lớn cao 6, 7 thước, thần vị là “Tư thần đề hiểu” (cai quản thời gian và báo sáng):

“Mũ trầm ngũ sắc vàng tươi

Cầm hốt sơn hà ngọc sáng ngời.

Áo đính thất tinh mây thấp thoáng

Lưng đeo bát cực ánh hồng soi.

Leng keng ngọc bội như dàn nhạc.

Vi vút gió hòa tựa sáo trời,

Quạt thúy đung đưa sao Mão tới,

Hương bay ngào ngạt khắp nơi nơi”.

Gà còn được coi là “ngũ đức chi cầm” (Loài chim có 5 đức tính: Văn, Võ, Dũng, Nhân, Tín). (Ảnh: Pinterest)

Trong tiếng Hán, “gà” (phiên âm là “ji”) đọc na ná như “cát” (phiên âm là “jie”), nên chú gà được người xưa coi là “tường cầm” (loài chim may mắn). Gà trống gáy gọi mặt trời lên, ánh sáng tới, đuổi tà và mời gọi may mắn, do đó ngày mồng Một tháng Giêng còn được gọi là “ngày con gà”.

Bên cạnh đó, gà còn được coi là “ngũ đức chi cầm” (Loài chim có 5 đức tính: Văn, Võ, Dũng, Nhân, Tín). Theo điển cố thời Hán “Hàn thi ngoại truyền” (Thơ Hàn truyền ra ngoài): “Trên đầu gà có mào, cổ nhân rất coi trọng điều này vì mào tượng trưng cho lễ nghi, cổ nhân coi áo mũ đường hoàng là Lễ, đây là đức Văn. Sau chân gà có cựa, đi lại đầu ngẩng cao, ngực ưỡn thẳng, trông cường tráng, uy vũ, đây là đức Võ. Gà còn bảo vệ con bằng mọi cách, không sợ cường địch, đây là đức Dũng. Gà có đồ ăn thì gọi đồng loại, đây là đức Nhân. Gà trực đêm không bỏ giờ, chuyên gáy báo sáng, đây là đức Tín”.

Tiếng gà gáy biểu thị sự trân quý của thời gian, sự trân quý của sinh mệnh, như một tiếng chuông cảnh báo khiến lòng người bừng tỉnh. Nhan Chân Khanh, nhà thư pháp lỗi lạc thời nhà Đường viết trong “Cần học” (Cần cù học tập) rằng: “Canh ba lên đèn, canh năm gà gáy, chính là lúc nam nhi đọc sách. Khi tóc xanh không biết dậy sớm cần cù đọc sách, tới khi bạc đầu hối hận thì đọc sách cũng đã muộn”.

Thanh Ngọc

Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/ten-goi-ga-trong-go-loa-cua-doi-tuyen-phap-co-nguon-goc-tu-dau.html