Lão Tử nói: “Thượng thiện nhược thủy”, nghĩa là cái thiện cao nhất thì như là nước vậy. Chỉ bốn chữ, nhưng ẩn chứa đạo lý làm người và cách đối nhân xử thế uyên thâm của Đạo gia. Cái thiện cao nhất như là nước, vậy con người muốn vươn tới cảnh giới tốt đẹp của Thiện, cần học theo đặc tính của nước.
Lão Tử nói: “Cái thiện cao nhất như nước. Nước thiện, lợi cho vạn vật mà không tranh, ở chỗ mọi người đều không thích, nên gần với Đạo. Tìm chỗ đứng như nước, thuận theo tự nhiên. Giữ tâm như vực sâu, tĩnh lặng sâu sắc. Cư xử với người như nước, nhân từ hòa ái. Lời nói như nước, chân thành thủ tín. Xử lý chính sự trong sạch như nước, thịnh trị thái bình. Xử sự như nước, dung hợp phát huy hết thảy. Hành động như nước, tùy thời mà đầy hay cạn. Không tranh với ai, nên không ai oán trách”.
Làm người cũng như nước vậy, nước mềm mại, thuận theo vật mà biến đổi hình dáng. Ở trong biển nước có hình của biển, ở trong sông nước có hình của sông, ở trong chén nước có hình của chén, ở trong bình nước có hình của bình.
Làm người như nước, bạn cao, tôi liền thoái lui, quyết không che lấp ưu điểm của bạn.
Làm người như nước, bạn thấp, tôi liền tràn đến, quyết không bộc lộ khiếm khuyết của bạn.
Làm người như nước, bạn động, tôi liền bước theo, quyết không để mặc bạn cô đơn.
Làm người như nước, bạn tĩnh, tôi liền giữ yên, quyết không quấy nhiễu yên tĩnh của bạn.
Làm người như nước, bạn nóng, tôi liền sục sôi, quyết không cản trở nhiệt tình của bạn.
Làm người như nước, bạn lạnh, tôi liền ngưng kết, quyết không thờ ơ với giá lạnh của bạn.
Cái thiện cao nhất như nước, theo cái thiện tự nhiên như nước chảy, đời người như nước, tùy duyên mà yên định.
Làm người như nước, có thể thích ứng bất cứ hoàn cảnh nào, cũng giống như nước, có thể bao dung vạn vật, bản thân lại vô cùng thuần tĩnh.
Làm việc như núi, phải làm việc một cách thiết thực chắc chắn, vững vàng như núi, cũng giống như núi đem lại cho người tín nhiệm.
Làm người như nước, mềm mại tột bậc lại có khí độ cứng cỏi tột bậc, trong sạch tột bậc, bao dung hết thảy.
Làm việc như núi. Núi từ hình tạo ra thế, từ thế tạo ra hình, tất cả đều sừng sững, cao vút.
Núi hiển hiện ra khí thế hùng vỹ từ ngàn đỉnh chót vót, từ vạn khe xinh tươi, từ biển mây thác chảy, từ thế núi uốn lượn trập trùng.
Núi hiển lộ ra u tĩnh mênh mông, thanh tú linh dị từ bóng mây ráng chiều, từ khói mây bao phủ, hay từ dáng vẻ thanh tịnh trong vắt.
Người xưa nói: “Biển dung nạp trăm sông, do bao dung nên rộng lớn. Vách núi sừng sững muôn trượng, do không ham dục nên rắn chắc”.
Con người một khi làm được trong lòng trống như hang động, thì có thể hội tụ trăm sông mà thành đại dương bát ngát.
Con người nếu có thể làm được không ham dục, không tranh đua, thì có thể như vách núi sừng sững, vòi vọi tít tầng mây.
Do đó, “làm người như nước, làm việc như núi” chứa đựng nhiều huyền bí và kỳ diệu, chỉ 8 chữ đã nói rõ làm người như thế nào, lại nói rõ nên làm việc như thế nào.
Một người sau khi đã trải qua những bước đi trên con đường đời dài dằng dặc rồi, thì cuối cùng mới hiểu rõ ý nghĩa của đời người. Thực ra ý nghĩa sinh mệnh con người không phải là ở đắc được, mà là ở buông bỏ.
Con người trần trụi đến với thế gian, chẳng đem theo thứ gì, đến khi trăm tuổi, lại hai bàn tay trắng rời khỏi thế gian. Cả cuộc đời tranh đấu, ganh đua, muốn tạo dựng cho mình công danh sự nghiệp, muốn có được tài sản bạc vàng, muốn được hưởng thú vui trần thế… Trăm năm ngoảnh lại đã trôi qua, những gì cả đời lao tâm khổ tứ kiếm tìm giành được kia, thoắt cái đã rơi khỏi tay, cái thân xác cha mẹ cho kia, lại trở về với cát bụi.
Bao công danh sự nghiệp, bao tiền bạc tài sản, nào vợ đẹp con khôn, dùng tâm trí cả đời, trằn trọc tính toán, chạy vạy ngược xuôi để có được, thì chính là lúc bắt đầu từng bước rời xa cõi đời, bỏ lại tất cả. Thế nên người thông minh trí tuệ, sẽ biết lúc nào cần buông bỏ, thì chủ động buông bỏ, sống an nhiên tự tại, chứ không dốc sức giành được, đoạt được, để đến cuối cùng, phải buộc bỏ lại, ra đi trong nuối tiếc và đau thương.
Đời người gắn liền với chữ Học. Từ nhỏ được học lẫy, học ngồi, học bò, học đi. Lớn chút thì được dạy học ăn, học nói, học gói, học mở. Đến trường học các tri thức, kỹ năng. Đối nhân xử thế thì học được kinh nghiệm và từng trải. Rất nhiều cái học, nhưng rốt cuộc quy nạp lại chỉ có hai cái học mà thôi: Học Tri thức, và học Đạo.
Học tri thức giúp con người có thể hiểu để sống, tự lập, trong xã hội và trong tự nhiên. Còn học Đạo giúp con người nâng cao đạo đức và cảnh giới tinh thần, khiến Con Người càng Người hơn, xứng đáng là anh linh của vạn vật. Học Đạo chính là khiến con người trở về với cội nguồn bản nguyên của sinh mệnh, là cái mà Đạo gia giảng: “Phản bổn quy Chân”.
Lão Tử nói: “Vi học nhật ích, vi Đạo nhật tổn. Tổn chi hựu tổn dĩ chí vô vi”, nghĩa là: Việc học (tri thức) thì ngày một tăng thêm hiểu biết (tri thức), việc học Đạo thì ngày một giảm bớt (buông bỏ những chấp trước, ham dục). Đã giảm bớt (chấp trước, ham dục) rồi lại giảm bớt nữa. Giảm cho đến vô vi (không còn chấp trước, ham dục, hoàn toàn thuận theo tự nhiên, theo Đạo), thì lúc đó đắc Đạo.
Phật gia cho rằng, sinh mệnh con người ở thế gian chính là đến để hoàn trả nợ nghiệp và tạo thêm nghiệp, thế nên Phật khuyên đệ tử của Ngài nghe theo lời Phật dạy, “lấy giới luật làm Thầy”. Giới, nghĩa là bỏ, cấm hết thảy các dục vọng và tâm chấp trước, để không tạo thêm nghiệp mới, và tu hành, nhẫn nhục chịu khổ để tiêu đi, để hoàn trả nghiệp cũ. Người nào hết nghiệp là đạt đến viên mãn, siêu thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.
Nam Phương
Nguồn:https://www.dkn.tv/van-hoa/lam-nguoi-nhu-nuoc-phuong-cham-song-tuyet-hao-trong-coi-nhan-sinh-ai-ai-cung-ngoi-ca.html