Blog Tâm Thức
Bí mật ngôi chùa thề độc của người Mường
Thursday, 14/02/2013 00:00 am

Blog Tâm Thức

 Đã gần 30 năm trôi qua nhưng người dân xã Lạc Thịnh, Yên Thủy, Hòa Bình vẫn chưa quên câu chuyện liên quan đến cái chết tức tưởi của gã thợ rèn tham lam đã đến chùa Tác Đức thề độc.

Có lẽ cũng kể từ đó, người dân huyện Yên Thủy mỗi khi có người nghi ngờ nhau liền lên chùa Tác Đức để được minh oan. Sau những câu chuyện rùng rợn đó, những tin đồn sặc mùi liêu trai cứ thế bay xa khỏi núi rừng Mường Mạn.

Gốc tích “chùa thề độc”

Để tìm hiểu về tin đồn ghê rợn này, phóng viên đã tìm về xã Lạc Thịnh. Theo quan sát của chúng tôi, chùa Tác Đức chỉ bé bằng ngôi nhà hai gian. Hiện tại, ngôi chùa này đang xuống cấp, dột nát và sập sệ. Phía ngoài chùa Tác Đức là một cây táo to bằng ba người ôm. Theo lời của người dân địa phương, cây táo này đã 300 tuổi. Cành táo vươn ra như mái vòm tỏa mát khắp ngôi chùa nằm biệt lập bên chân núi Chùa rậm rạp.

Theo người dân Lạc Thịnh, chùa Tác Đức còn được gọi với cái tên là chùa tích đức độ. Bởi họ giải thích rằng, “Tác” có nghĩa là tích, còn “Đức” là đức độ. Tên gọi này gắn với một dòng nước nhỏ hàng trăm năm vẫn chảy từ trên núi xuống tích tụ lại ở chùa.


Bà Bùi Thị Cậy bên cây táo cổ tỏa bóng khắp ngôi chùa

Điều đặc biệt là bất chấp mùa lũ hay mùa khô, dòng nước vẫn trong mát lạ thường. Khi chúng tôi hỏi người dân về lịch sử của ngôi chùa thì họ đều lắc đầu bảo: “Ở xã, huyện này, không ai biết gốc tích ngôi chùa. Tuy nhiên, các cụ đời xưa truyền cho con cháu rằng, ngôi chùa linh thiêng này gắn với hai anh em người dân tộc Mường ở Yên Thủy”.

Vì muốn tìm hiểu về lịch sư chùa Tác Đức nên tôi tìm cách gặp sư trụ trì. Thế nhưng khi hỏi thì ai cũng lắc đầu bảo: “Chúng tôi là khách thập phương mới đến đây vài ba phút, không thấy người nào ở đây cả”. Khoảng 10 phút sau, một người đàn bà mặc áo gụ nâu bước tới. Đó là bà Bùi Thị Cậy, con cháu đời thứ bảy của dòng họ Bùi trông coi ngôi chùa linh thiêng.

Nói chuyện vói chúng tôi, bà Cậy cho biết chùa Tác Đức là chùa không sư. Được biết, họ nhà bà Cậy là dòng họ đầu tiên thờ cúng ngôi chùa này. Mỗi khi chùa xuống cấp gia đình bà lại thay nhau tu bổ, xây mới. Được biết, ông cụ thân sinh của bà Cậy cũng là thầy cúng có tiếng của người Mường ở Yên Thủy. Từ khi còn nhỏ, bà thường theo cha đi lễ cúng khắp nơi nên những bài kinh, bài cúng và cung cách hành lễ bà đều thuộc làu.

Bà Cậy nhớ lại: Tôi được ông nội kể về câu chuyện về lịch sử ngôi chùa. Trước đây ở xã Lạc Thịnh có hai anh em lên núi Chùa xẻ gỗ làm nhà. Tuy nhiên, khi đã đốn hạ được nhưng cây gỗ cứ mắc vào đá núi không thể nâng lên được. Làm đủ mọi cách đều bó tay, hai anh em liền quỳ xuống chân núi mà khấn trời đất phù hộ. Họ hứa rắng, nếu nâng được cây gỗ lên họ sẽ lao gỗ xuống núi. Cây gỗ dừng chỗ nào họ sẽ xây chùa để cảm tạ Phật.


Ngoài cúng Phật, người dân còn phải cúng cả ma rừng và hổ rừng.

Kỳ lạ thay, sau lời cầu khấn đó, hai anh em này bỗng nhấc được cây gỗ lên. Để thực hiện lời hứa, họ lao khúc gỗ xuống dưới chân núi. Hai anh em thầm tính, cây gỗ dừng chỗ nào sẽ dựng một ngôi chùa để tạ ơn trời đất.

Đồn rùng rợn để bảo vệ chùa

Theo bà Bùi Thị Cậy, có thể người dân tung ra những tin đồn thần thánh, chết chóc là để hạn chế tình trạng trộm cắp chùa chiền. Bởi từ xưa đến nay, xã Lạc Thịnh nảy sinh tệ nạn trộm cắp, nhưng riêng chùa Tác Đức thì không bao giờ bị trộm đột nhập. Mặc dù bên trong có pho tượng Phật cổ khá lớn làm bằng đồng quý giá. Bức tượng ấy cũng đã có mặt ở chùa mấy trăm năm nay mà không kẻ gian nào dám lấy đi, dù chùa không lúc nào đóng cửa cài then.

Khi xuống đến chân núi, họ định tiếp tục vác gỗ xuống núi thì phát hiện cạnh cây gỗ là một tảng đá hình tượng Phật. Thấy đây là điều lạ, hai anh em tiều phu liền dựng ngôi nhà nhỏ ngay cạnh tảng đá để thờ cúng. Lúc này, họ tin là có Phật giúp đỡ nên cứ mùng 1, ngày Rằm lại lễ lạt lên thắp hương, cầu an. Từ đó gia đình họ ăn nên làm ra, trở nên giầu có và hạnh phúc.

Thấy gia đình hai anh em nọ ăn nên làm ra nhờ hương khói chu đáo cho tảng đá hình Phật, nhiều người dân trong vùng cũng đến hương khói cùng để cầu mong giầu có, phát lộc, phát tài… Được biết, hiện tại tảng đá hình tượng Phật vẫn còn.

Nhưng có một đống mối đùn lên ôm trọn tảng đá. Cho là có điều gì bí ẩn khổng thể giải thích được, người dân liền chọn đống mối để xây gian chính điện cho chùa Tác Đức. Hằng ngày bà Cậy vẫn phải dùng xô để xúc đất mối ở chỗ hòn đá hình tượng Phật.

Tay thoăn thoắt têm trầu, bà Bùi thị Cậy cho biết thêm, chùa Tác Đức không chỉ nổi tiếng về thề độc mà còn là nơi người dân đến đây cầu xin con cái. Chính vì thế, cũng có người gọi chùa này là chùa “xin con”.

Bà Cậy cho biết, nhiều người ở địa phương thấy chùa lắm lộc liền yêu cầu bà không được trông coi chùa nữa để người khác làm. Bà Cậy đồng ý bởi chùa là của chung. Điều quan trọng là ai thờ cúng thì cũng phải có cái tâm trong sạch. Nếu không sẽ bị thần phật quở trách, thậm chí còn trừng phạt.

Sau đó có một số người trong làng đến trông chùa nhưng sau ít ngày, họ phải bỏ về vì không thể ở lại chùa lâu vì tâm không tịnh. Họ thường tưởng tượng ra những hình ảnh ma quái trong chùa. Đến lúc này, họ kêu gọi bà Cậy trở lại tiếp quản ngôi chùa mà dòng họ Bùi đã thờ cúng qua bảy đời người.

Theo bà Cậy, một điều rất đặc biệt là chùa không chỉ thờ Phật, mà còn thờ cả hổ rừng, ma rừng và thần núi. Do đó trong những lần làm lễ cúng, người dân phải làm một mâm hoa quả đặt ở bàn cao nhất cho Phật, mâm xôi thịt ở bàn thứ hai cho ma rừng và trứng gà ở mâm cuối cùng cho ngài hổ.

Cái chết tức tưởi của gã thợ rèn tham lam

Một trong những câu chuyện mà rất nhiều người kể cho chúng tôi nghe về ngôi chùa Tác Đức đó là cái chết tức tưởi của một gã thợ rèn tham lam. Hắn ăn trộm của em trai mình nhưng dở thói “vừa ăn cắp vừa la làng” đòi lên chùa thề độc. Lời thề vừa dứt, người anh tham lam đã lăn ra chết tức tưởi.

Nói chuyện với chúng tôi, chị Bùi Thị Thơm (34 tuổi, xã Lạc Thịnh) kể lại: “Cách đây khoảng gần 30 năm, hình như là năm 1985 thì phải có hai anh em ruột lên Yên Thủy mở lò rèn dao búa. Người anh tên Lân, người em tên Quỳ. Những năm đầu, họ chung nhau lò rèn và làm ăn rất phát đạt”.


Tượng phật trong chùa Tác Đức

Sau đó, vì nhớ quê hương nên cậu em tên Quỳ đã về quê thăm gia đình, bè bạn. Ngày ra, người này bỗng thấy số lượng dao vừa mới rèn trước đó của mình không cánh mà bay. Sau một hồi điều tra, ông Quỳ cho rằng chính anh trai đã mang số dao đó đem đi bán. Thế rồi, ông Quỳ gọi ông Lân ra nói chuyện trắng đen. Tuy nhiên, cứ mỗi lần cậu em mở miệng nói chuyện là ông anh lại chửi bới và luôn miệng khẳng định mình không làm cái chuyện thất đức đó.

Không ai chịu ai, cuối cùng họ cùng hẹn nhau lên chùa Tác Đức để nhờ Phật chứng giám. Ngày ấy, biết là người dân vẫn truyền tai nhau về chùa thề độc nhưng ông Lân không tin. Họ thống nhất, nếu ai nói sai, nói dối sẽ chết ngay lập tức.

Lúc quỳ trước ngôi chùa kỳ lạ, hai anh em này cùng hét lên “tôi trong sạch”. Nói rồi ông Lân cầm con dao cắp phập một phát xuống đất rồi bỏ ra về. Chẳng ai ngờ, sau khi ra ngoài được vài bước chân, bỗng nhiên ông Lân khuỵu ngã. Thế rồi được đưa đi cấp cứu nhưng người đàn ông này vẫn không thể qua khỏi. Mặc dù đó chỉ là câu chuyện ngẫu nhiên và nhiều vị thầy thuốc giỏi trong vùng khẳng định ông Lân bị trúng gió độc nhưng những người dân Lạc Thịnh vẫn tỏ ra hết sức sợ hãi.

Để tìm hiểu thực hư về câu chuyện này, chúng tôi đã tìm đến ông Dương Văn Biên, Phó chủ tịch UBND xã Lạc Thịnh.

Trao đổi với PV, ông Biên cho biết, chuyện người dân kể về anh em thợ rèn thề độc ở chùa Tác Đức là có thật. Sau khi chết, xác ông Lân được chôn ngay tại phố Sấu của Yên Thủy. Cách đây vài năm, gia đình ông Lân đã đến và bốc mộ ông ta đưa về Thanh Hóa chôn cất.

Tuy nhiên, việc người dân cho rằng đây là ngôi chùa thề độc chỉ là lời đồn đoán, không có cơ sở khoa học. Hơn nữa, việc người thợ rèn chết chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Có lẽ thế hệ trước muốn giáo dục con cháu sống thật thà nên đã thêu dệt nên những câu chuyện rùng rợn. Chính những thông tin huyền bí đó đã khiến người dân ở nhiều tỉnh lặn lội lên vùng đất này để thờ cúng.

TAMTHUC