Blog Tâm Thức
Giải mã bí ẩn 3.600 hài cốt trong lòng núi Sài Sơn
Monday, 11/02/2013 00:00 am

Blog Tâm Thức

Theo truyền thuyết mà người dân dưới chân núi Sài Sơn truyền miệng, trong hang có hàng ngàn bộ hài cốt của đoàn nghĩa quân hy sinh 2.100 năm trước.

Bất cứ ai sống quanh ngọn núi Sài Sơn (xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) cũng kể vanh vách những truyền thuyết về ngọn núi và hang động đầy hài cốt này. Và chín tầng địa ngục trong lòng núi sát chùa Thầy đến tận hôm nay vẫn còn nhiều bí ẩn. Khi hỏi về bể xương khổng lồ ai cũng biết, nhưng để kể tường tận về nguồn gốc bể xương ấy thì hầu hết đều mang nét mặt đầy bí hiểm.

Sponsored Links

Sọ người trong bể xương ở hang Cắc Cớ

Tìm xuống “địa ngục”

Người dân Sài Sơn thường gọi động hài cốt này là hang Cắc Cớ đúng như tên chữ Hán được khắc ngay lối vào. Cửa động từ đỉnh cao nhất của Sài Sơn, để lên đỉnh này phải qua danh thắng chùa Cao, với hang Thánh Hóa… Theo truyền thuyết mà người dân trong vùng truyền miệng, hàng ngàn bộ hài cốt trong lòng núi là của nghĩa quân Lữ Gia, những người đã hy sinh bi tráng từ 2.100 năm trước. “Suối xương” đầy huyễn hoặc này sẽ chìm vào quên lãng nếu không có cuộc thám hiểm của mấy người nông dân sống quanh chân núi Sài Sơn.

Ông Tạ Văn Chính (62 tuổi), một người dân bán nước ngay cửa hang Cắc Cớ đưa chúng tôi mục sở thị bể xương. Những bậc đá xuống hang ẩm ướt và nhiều rêu, chỉ cần lơ đãng tích tắc là có thể trượt chân ngã xuống vách đá sắc nhọn. Trong hang tối mịt nên chúng tôi phải dùng đèn pin soi lối đi. Vượt qua cửa hang Cắc Cớ nhỏ hẹp, tối om là đến một khoảng không gian rộng lớn. Một luồng sáng trắng chiếu thẳng từ trên đỉnh núi xuống càng tạo vẻ liêu trai.

Người Sài Sơn truyền nhau huyền thoại, rằng đấy là 9 tầng địa ngục, nơi có con quỷ án ngữ cổng trời(?). Các linh hồn trước khi cho lên cõi Niết bàn đầu thai làm kiếp khác hay đày xuống âm phủ làm mồi cho chó ngao, vạc dầu (?!). Huyền thoại thì sẽ mãi là điều bí ẩn, còn bể xương khổng lồ dễ đến ngót ngàn năm tuổi, được con rồng bướng cất giữ trong bụng, thì lại là sự thật.

Đường dẫn xuống mỗi tầng 9 tầng “địa ngục” là một khoảng không gian hẹp để đi tiếp, phải chui qua một hang nhỏ. Cứ mỗi hang nhỏ, với những con đường ngoắt ngoéo, lại dẫn đến một tầng “địa ngục” tiếp theo. Một vài địa điểm ở sâu thấy vết chữ viết rất cũ, mờ, và nếu đúng như thông tin ghi trên các phiến đá, thì có người xuống hang sâu vào năm 1938. Một số người chinh phục vào các năm 40, 50 của thế kỷ trước cũng để lại dấu tích. Có một vách đá toàn là chữ Nho đã mờ, nhưng nhìn cách trình bày thì giống như một bài thơ.

Bắt đầu xuống đến “tầng địa ngục” thứ 3, rất nhiều bộ xương người hiện ra. Nhiều đoạn đã bị vùi sâu dưới lớp đá hoặc “ngụp lặn” dưới tầng phân dơi. Bắt đầu là tiếng u u như tiếng muỗi, rồi tiếng rít to dần như gió bão ào ào. Tôi không rõ trong cái vòm hang rộng mênh mông này có bao nhiêu vạn con dơi, nhưng phải nói là rất nhiều. Loài dơi thấy động, bay túa xua tìm nơi trú ẩn khác.

Ngay phía cuối động, bàn thờ bằng đá với tấm biển gắn dòng chữ “bàn thờ nghĩa quân Lữ Gia” nằm im lìm trong bóng đêm, khói hương lạnh lẽo. Vài đồng tiền lẻ rơi vãi quanh bát hương. Những gói bim bim được các nam thanh nữ tú để ở góc bàn thờ như một sự chia sẻ với người đã khuất. Phía sau bàn thờ, nơi góc hang, có một cái bể xây sâu vào vách núi. Trên góc bể có một tấm biển đề “Bể hài cốt”. Bể được xây bởi những phiến đá lớn, để hở một ô nhỏ, vừa đủ một người thò đầu vào xem. Bài vị gắn chìm trong thành bể khắc dòng chữ: “Bảo Đại thập tam niên”. Phía bên phải và trái bể có những cột nhũ đá khổng lồ, sắc lên ánh vàng khi chiếu đèn pin vào.

Theo lời hướng dẫn viên du lịch, đó là những vị thần canh giấc cho nghĩa quân. Tôi dùng đèn pin rọi vào vào miệng bể, rồi thò đầu vào nhìn. Những khúc xương trắng hếu còn nguyên vẹn, đủ cả xương tay, xương chân, xương sườn, xương sọ… chồng đống, lộn xộn, không theo thứ tự gì. Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Quả thực, tôi chưa từng nhìn thấy ở đâu có nhiều hài cốt đến vậy.

Tại khu vực này, có hàng trăm cột nhũ đá, đủ các hình thù, màu mè, là kết quả của hàng triệu năm kiến tạo. Nhìn vào những hình thù nhũ đá, có thể tha hồ tưởng tượng. Đáng chú ý nhất có lẽ là một cột nhũ đá lại có hai màu hoàn toàn khác nhau, gồm màu vàng và màu bạc. Nhìn cây nhũ đá hai màu này, có thể đoán rằng, bản chất là hai cây, nhưng đứng cạnh nhau và liên tục lớn lên, nên đã dính vào nhau. Có thể tin rằng, đó là cây Vàng cây Bạc, mà người dân Sài Sơn đều biết đến, đều kể, nhưng không mấy người tận mắt. Họ chỉ được biết qua lời kể của những người ngày xưa từng thám hiểm, hoặc trong những câu chuyện liêu trai của giới săn cổ vật.

Theo GS Nguyễn Lân Cường – Viện Khảo cổ học Việt Nam, những bộ xương trong hang Cắc Cớ là những tài liệu khảo cổ có học giá trị


Bể xương của 3.600 hài cốt

Câu chuyện về bể xương người cũng rùng rợn chẳng kém gì những câu chuyện ma quái của các ông, các cụ ngày xưa. “Suối xương người” và “bể xương người” nằm trên núi Sài Sơn, nơi chứa đến 3.600 bộ hài cốt. Cái hang động chứa đầy những bộ xương cốt này ít được người ta biết đến. Chính những người đi bắt dơi, đi thám hiểm hang núi phát hiện ra nơi này. Họ lang thang và khám phá sâu vào hang núi với bao hiểm nguy rình rập để tìm hiểu về những bộ xương bí ẩn đã nằm im ở đó hàng ngàn năm nay.

Theo lời người dân lí giải thì những bộ xương bí ẩn đó đều là hài cốt của đoàn quân Lữ Gia xưa kia. Cũng có một số ít cho rằng đó là hài cốt của đội quân Cờ Đen. Tuy nhiên đó chỉ là truyền thuyết lưu truyền trong nhân dân, chẳng có chứng cớ lịch sử gì để chứng minh. Đại Việt sử kí toàn thư cũng có đoạn ghi lại những bộ xương này nhưng chủ yếu là lấy từ những lời lưu truyền. Phía cuối động là bàn thờ nghĩa quân Lữ Gia. Đằng sau bàn thờ là bể hài cốt. Bể được xây dựng từ bằng những vách đá kín mít chỉ chừa một ô nhỏ vừa cho một người thò đầu qua. Bên trong bể là hàng ngàn bộ xương cốt với đủ tư thế chất chồng lên nhau. Những bộ xương này vẫn còn nguyên vẹn qua thời gian.

Ông Tạ Văn Chính kể cho chúng tôi nghe câu chuyện có phần huyền bí về nguồn gốc của bể chứa hài cốt. “Chuyện kể rằng, tướng Lữ Gia cùng nghĩa quân, sau khi thất thế, đã đưa quân lính trốn vào hang để lánh giặc. Nhưng không may bị giặc phát hiện và lấp kín cửa hang. Không còn đường ra, hàng ngàn nghĩa quân phải chôn thây nơi hang Cắc Cớ này”, ông Chính chậm rãi kể. Qua lời kể được truyền qua nhiều thế hệ, ông Chính cho hay khi tìm thấy hang, người ta chứng kiến những bộ hài cốt này nằm trong một hố như cái giếng, có bộ nằm chồng lên nhau, có bộ dựa vào vách đá. Cách đây hàng trăm năm, người dân tiến hành xây một chiếc bể vuông, tựa luôn vào vách và dùng để chứa hài cốt.

“Trước kia, bể xương đầy lắm, gần chạm lỗ vuông, nhưng khi nhiều người tìm đến tham quan, mỗi người ném một ít vàng mã, gạo, muối vào, rồi đốt đuốc để xem, thì những bộ xương đang ngả màu vàng và mủn ra, sụp dần xuống”, ông Chính kể. Theo lời ông, cách đây khoảng vài năm, có một nhóm thanh niên khám phá ra dòng nước dưới hang động sâu. Tại dòng nước này, họ nhặt được khá nhiều xương và đem bỏ thêm vào bể. Về con suối được gọi là “suối xương” dưới lòng hang, ông Chính nói đó chỉ là cách gọi có phần cường điệu hóa của một số người. “Thật ra, phía sâu bên dưới lòng hang có một dòng nước. Dưới dòng nước này, một số người thám hiểm đã nhặt được một số bộ hài cốt, chắc cũng của nghĩa quân xưa kia, chứ không có chuyện con suối chất đầy xương như một số người vẫn nghĩ”, ông Chính nói. Dòng nước ở rất sâu dưới lòng hang nên muốn đến được có khi phải mất hơn nửa ngày. Nước rất lạnh và không biết sâu bao nhiêu vì cho đến nay chưa có nhà thám hiểm nào chạm đáy.

Không ai thống kê được số lượng hài cốt cụ thể chứa trong bể, nhưng trên tấm bia ghi bên ngoài bể (bằng tiếng Hán), dịch ra đại ý “Lữ Gia chống Hán lưu sử sách/Bể hận ngàn xương mãi mãi ghi”, thì trong hang, số hài cốt ước tính hàng nghìn bộ. Theo khẳng định của ông Chính, việc một số người cho rằng trong bể có khoảng 3.600 bộ xương, chỉ là sự thêu dệt của những người bán hàng, người dân để hang thêm linh thiêng.

TAMTHUC