Blog Tâm Thức
Sự thật về ngôi đền thiêng tìm lại của bị mất
Sunday, 27/01/2013 00:00 am

Blog Tâm Thức

Khoảng chục năm trở lại đây, người dân huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An , truyền tai nhau chuyện về ngôi đền thiêng (đền ông Chinh Bỉnh nằm trên núi Cồn Vè, thuộc xóm 1A, xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Kỳ lạ về ngôi đền, người dân mất của có thể xin lại được, hoặc nếu có tài sản giá trị đến “gửi” (làm lễ cúng ở đền) thì không bao giờ bị mất.

Để tìm hiểu thực hư ngôi đền này, chúng tôi tìm đến tận nơi “sơn cùng thủy tận”. Con đường ngoằn ngoèo len lỏi qua những cánh rừng âm u, rậm rạp, gió thổi vi vu hòa lẫn tiếng chim kêu khiến cho quang cảnh ngôi đền mang màu sắc huyền bí.

Theo một số cụ cao niên trong làng, ngôi đền thờ ông Chinh Bỉnh cách đây hàng trăm năm. Vào một đêm ông Chinh Bỉnh đi qua con đường thuộc ngôi làng Nghĩa Hợp thì mây đen ùn ùn kéo đến, sấm chớp vang trời, cây cối tự nhiên ào ào đổ xuống hai bên đường, rồi mưa như trút, khiến cho con đường bị tắc nghẽn. Không còn cách nào ông Chinh Bỉnh quyết định dừng chân, chặt cây dựng lều trú tạm. Nửa đêm ông Chinh Bỉnh đang ngủ bỗng nhiên xuất hiện một giấc mơ kỳ lạ, trước mắt ông là bóng người đàn ông to lớn, vạm vỡ, mặc bộ áo long cổn, đầu đội mũ miện, tay cầm đao sáng lóa tự xưng là tướng Ngô Văn Ngạo.

Ông cho biết là tướng đời nhà Lê đang dẫn hơn một vạn quân ra trận đánh giặc nhưng bị thất bại. Trên đường thua chạy khi đến rừng Cồn Vè (thuộc đất Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ, ngày nay), bị thương quá nặng ông kiệt sức và chết tại đây. Trong giấc mơ ông được vị tướng báo mộng cho đây là địa thế “thiên thời địa lợi” xây dựng một ngôi đền để người dân đến thắp hương, cầu nguyện.

Sau giấc mơ kỳ lạ đó ông Chinh Bỉnh bừng tỉnh, cảm thấy trong người phấn chấn, đầu óc nhẹ nhõm,… Ông nghĩ mình đã có duyên nên “thần linh” mới “ứng” vào mình “phó thác” trọng trách. Ngay hôm sau ông đã thực hiện theo lời căn dặn của vị tướng, ông đã huy động dân làng tiền bạc, công sức để xây dựng ngôi đền.

Ông Ngô Trí Quế, 62 tuổi, người được vinh dự trông coi ngôi đền nhiều năm cho biết: “Từ lúc sinh ra tôi đã thấy ngôi đền. Chính quyền địa phương đã cử tôi ra canh giữ ngôi đền. Điều khác lạ, bà con trong xã có sức khỏe, ít ốm đau, con cháu học hành, làm ăn phát đạt”. Ông Quế còn cho biết thêm: “Hàng năm khách thập phương từ mọi miền đều tìm về ngôi đền cầu nguyện. Đặc biệt, là ngày mồng một, ngày rằm”.

Ngôi đền Chinh Bỉnh nằm trên ngọn núi cây cối xanh um tùm, dưới chân đền là dòng sông Con bốn mùa nước trong xanh, mát rượi. Ngôi đền được xây theo kiểu kiến trúc cổ, gồm có, Thượng viện và Hạ viện: Thượng viện là nơi đặt bàn thờ và bài vị; Hạ viện là nơi du khách thập phương nghỉ ngơi trong lúc chờ làm lễ.

Trải qua thời gian, biến cố thiên nhiên ngôi đền Chinh Bỉnh cũng xuống cấp. Nhưng được sự quan tâm của chính quyền địa phương ngôi đền đã được nhiều lần trùng tu, sửa lại.

Người dân coi ngôi đền ông Chinh Bỉnh là thần giữ của cho làng. Ảnh: Lê Tập

Ngôi đền gắn với những câu chuyện ly kỳ

Sự kỳ lạ, linh thiêng của ngôi đền là có thể “xin của” đã mất và “gửi” được của.

Chúng tôi có dịp gặp ông Nguyễn Văn Hạo người có cơ may tìm lại số tiền gần một trăm triệu đồng. Ông Hạo cho biết, đó là số tiền gia đình tích cóp để chuẩn bị mua một mảnh đồi trồng cây, chăn nuôi,… nhưng đã bị kẻ gian lẻn vào lấy trộm. Do tiếc của mà vợ chồng ông lăn ra ốm, không ăn, không uống. Đang trong cơn tuyệt vọng thì đêm đến ông ngủ mơ được báo mộng nên sắm lễ lên đền ông Chinh Bỉnh cầu xin, số tiền đó sẽ có người mang đến trả.

Làm theo giấc mơ mách bảo, hai vợ chồng ông Hạo đã sắm lễ rồi lên đền cầu khấn. Thật kỳ lạ mấy hôm sau có một người khách lạ (kẻ trộm) tìm đến nhà xin lỗi và đưa gói tiền không hề thiếu một đồng và chỉ nói một câu duy nhất “hôm trước tôi túng quẫn nên đến mượn tiền của anh chị, hôm nay tôi đến trả lại”. Rồi “người khách lạ” lặng lẽ ra đi, hai vợ chồng ông Hạo quá bất ngờ chỉ biết ôm nhau vui mừng, nghĩ là trên đời này vẫn có “thần linh” phù hộ.

Ông Nguyễn Thành Nam, 56 tuổi (người trong làng) cho biết: Năm 1970 gia đình tôi chuyển đến đây làm ăn, kinh tế gia đình tương đối khá giả. Năm 2000, trong một đêm mưa gió, bão lụt, sáng dậy thì con bò trong chuồng tự nhiên biến mất. Bao nhiều ngày vợ chồng, anh em đổ xô đi tìm nhưng đều vô vọng, nghe theo lời bà con trong làng phải lên đền Chinh Bỉnh xin mới được, vợ chồng tôi sắm lễ vật lên đền cầu khấn. Đúng là thật, sáng ngày hôm sau con bò tự nhiên xuất hiện trước cổng và rống lên ba tiếng rồi bước vào chuồng. Ai cũng ngạc nhiên.

Bất kể mất thứ gì, người dân chỉ cần sắm lễ lên đền Chinh Bỉnh cầu khấn thì những thứ đã mất sẽ trở về. Tiếng lành đồn xa, người dân khắp tỉnh Nghệ An đều tìm đến cầu khấn mong tìm lại tài sản bị mất. Ngôi đền Chinh Bỉnh còn được mệnh danh là thần giữ của. Gia đình nào muốn bảo vệ được tài sản không bị mất thì chỉ cần lên đền cầu khấn thì tài sản sẽ được bảo vệ an toàn.

Cây cối quanh khu vực ngôi đền rậm rạp, um tùm không ai dám chặt, phá. Năm 2000, anh Phan Văn Minh (người trong xã) đi qua đền, thấy số gỗ rơi vãi trong đền đã thu gom để đưa về nhà. Nhưng kỳ lạ, trên đường vận chuyển, anh Minh vừa đi vừa lấy tay tát vào mặt mình đến bầm tím, ứa máu mà vẫn không thấy đau, về đến nhà lăn ra ốm, thỉnh thoảng lại lên cơn co giật, miệng nói luyên thuyên, đến người thân cũng không nhận ra. Điều trị thuốc tây, thuốc nam không khỏi. Mọi người bảo anh Minh lấy gỗ của đền nên bị thần linh phạt, sau khi gia đình sắm lễ lên đền xin và trả lại số gỗ đó thì anh Minh mới khỏe trở lại.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Chủ tịch xã Nghĩa Hợp cho biết: “Ngôi đền ông Chinh Bỉnh tồn tại rất lâu rồi, việc người dân mất của mua lễ đến cầu khấn xin lại được là có thật. Còn người dân tin vào ngôi đền là nét tâm linh và tự do tín ngưỡng của họ. Nếu ai lợi dụng ngôi đền để cầu lợi thì chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý”.

TAMTHUC