TẢ CHÍN VỊ TIÊN NỮ
Một mày liễu trong ngần đoá ngọc ,
Hai má đào phải trọng tiết trinh .
Mảnh thân trọn hiếu thâm tình ,
Phải hình thục nữ , phải gìn căn duyên .
Ba yểu điệu thuyền quyên vóc hạc ,
Bốn mỹ miều đài các trâm anh .
Khi vui bóng nguyệt rọi mành ,
Khi dòng bích thủy , khi cành hoa xuân .
Năm phận gái hồng quần đáng mặt ,
Sáu vẹn toàn quốc sắc thiên hương .
Vào ra phụng trướng loan đường ,
Vào ra ngọc các cẩm tường xem hoa .
Bảy trau chuốt thân ngà mặt ngọc ,
Tám chín phần rèn tập nữ nhi .
Chung lo mối Đạo Tam Kỳ ,
Giúp nhà Nam Việt kịp thì Long Hoa .
BÁT NƯƠNG
(25.4.C.Dần-10.6.1950 Trích Thánh giáo Luật Tam thể-Tây Ninh)
Trích thánh giáo Luật Tam Thể của Đức Cao Thượng
Phẩm và Bát Nương giáng cơ
THÁNH GIÁO TRUNG THU CANH TÝ
(Đàn cơ tại Nữ Đầu Sư Đường, 21giờ16-8-Canh Tý;
06-10-1960)
Phò loan: Cao Thượng Sanh, Trương Hiến Pháp.
Hầu đàn: Bảo Thế, Nữ Chánh Phối Sư Hương Hiếu, Tả Phan Quân, Chức sắc Nữ phái CTĐ, Chức sắc Ban Pháp Chánh.
DIÊU TRÌ NƯƠNG NƯƠNG
Mừng các con nam nữ, Chức sắc và thiện tín.
Các con bình thân.
Mẹ đã vui lòng chứng lễ thành kính của các con nam nữ hiến dâng cho Mẹ nhân ngày Kỷ Niệm Diêu Trì Cung vừa qua.
Cái tinh thần đòan kết của các con, cái tinh hoa đạo đức của các con đã tiến bước phần nào. Nhưng Mẹ cũng lắm lo lắng đường tu các con hằng bị trở ngại, vì tà tâm còn nhiễu lọan trong một phần đáng kể các con của Mẹ.
Vì vậy, mỗi con đều thận trọng gìn giữ bổn phận của mình để tránh khỏi bị lôi cuốn vào vòng hiểm họa.
Các con, nhứt là Nữ phái, công phu các con lắm nhọc nhằn, thì con đường lánh giả tầm chơn, lập nên ngôi vị không phải khó. Mẹ trông ngày hội hiệp của các con sau khi trả vay hòan tất, nhưng đường thi lắm gay go, lướt khỏi cũng không dễ dàng. Các Tiên Phật đọa trần vì đó mà đành mất thiên vị.
Các con nên gắng tâm khổ hạnh, quyết chí tu hành thế nào cho được lòng trắng như băng, thanh như giá, không bợn một mảy lợi quyền bất chánh, thì cái ý chí cứng rắn của các con mới thắng nổi mọi cơ thử thách.
Đời đã tàn, thuyền Đạo sắp xa bến. Sự hung bạo của nhân lọai đã tới mức nào, các con cũng thấy rõ.
Mẹ băn khoăn vì bầy con hạ thế, chưa chắc ngày tương hội thiếu đủ thế nào? Mẹ mong các con xét nghĩ đủ sáng suốt trọn lành phận sự cho xứng đáng lòng tin cậy của Mẹ thì đó là đền ơn cho Mẹ vậy.
Mẹ có mấy lời sau đây, các con ái nữ của Mẹ khá để tâm:
THI
Đã dấn thân vào cửa sắc không,
Nữ nhi cực nhọc há nao lòng.
Phòng the vẹn phận trau gương thắm,
Liễu yếu đừng phen cợt gió đông.
Sóng khổ dẫu xao dòng nước trí,
Cành xuân gắng giữ mảnh hương nồng.
Đường về các trẻ xin ghi nhớ,
Cửa Khuyết hằng ngày Mẹ ngóng trông.
Mẹ ban ơn cho các con nam nữ. THĂNG.
THÁNH GIÁO TRUNG THU BÍNH THÌN
Trùng trùng ân điển phủ không gian,
Thánh nữ Tiên nương đức bủa tràn;
Đưa bước MẪU NGHI vào hạ giới,
Nương mây lướt gió giáng cơ đàn.
VÂN HƯƠNG THÁNH MẪU, Chị chào mừng các em nam nữ. Chị đến trước sắp xếp vài nghi tiết cho các em hành sự. Các em hãy chuẩn bị một vài bầu bạch thủy đủ dùng trong hai lần : một nửa cho lần đầu sau khi xả đàn, một nửa dành cho lần Hội Yến ngày mai. Nếu đến giờ Hội Yến các em có thêm thức rượu ngọt ngào cũng sẽ được ban ơn.
Này các em ! các em thật sự có công tu học hành đạo lẽ dĩ nhiên có những thân nhân được đắc vị Tiên Nương, Thánh Nữ, Thần Nữ, đều được ân ban TỪ MẪU đến dự Yến Bàn Đào đêm Trung Thu. Do đó trong phần nghi lễ ngoài bàn CỬU VỊ TIÊN NƯƠNG cách đó một mét các em hãy sắp tiếp một bàn Đại Yến ngay giữa chánh điện trên nền một tấm thảm xanh thay cho bàn ghế. Nghi lễ này được dọn sau khi cúng đại đàn. Chư Thiên ân thiện tín bình thân lưỡng ban gần bên tường để nhường chỗ cho việc sắp đặt. Sau đó sẽ được mời ngồi lại ngay hàng quay mặt vào giữa điện lưng xoay ra tường.
Ban Nghi Lễ hành lễ ngâm thi đối ẩm xong sẽ mời tất cả vào dự Yến. Sau khi dùng Yến xong, đọc kinh tiễn đưa là dứt lễ. Chư Thiên ân và các em có lễ vật chi, có thể được đem dự phần vào Đại Yến này.Ban Nghi Lễ cần chuẩn bị nhân sự chấp hành chu đáo trang nghiêm.
Kìa hào quang chiếu diệu, loan giá cận kề, chư Thiên ân cùng các em nghiêm chỉnh đàn tràng thành tâm tiếp giá Mẫu Nghi. Chị sẽ trở lại với các em sau khi Từ Mẫu hồi cung. Chị xuất ngoại nghinh tiếp.
Tiếp điển
THI
VÔ vi bàng bạc khắp nơi nơi,
CỰC lạc nhờ con biết dụng đời;
TỪ tốn lo tu đừng yếm thế,
TÔN ti lập đức phải tri thời.
DIÊU đình bổn thỉ tâm thường trụ,
TRÌ ngọc nguyên lai chí chẳng dời,
KIM khuyết hóa thân thời mạt kiếp,
MẪU nghi nhắc nhở biết bao lời.
Mẹ linh hồn các con ! Mẹ mừng các con nam nữ.
Giờ này Mẹ đến trần gian để các con lớn nhỏ được vui mừng. Mẹ miễn lễ tất cả các con đồng an tọa.
Trung Thu này Mẹ vui mừng nhìn thấy các con lớn nhỏ quây quần bên Mẹ đều là những niềm tin đạo tâm phụng Thiên sự dân. Những ngày qua Mẹ không đến với các con là để xem các con lập chí rèn tâm như thế nào trước sự biến chuyển của cuộc đời. Mẹ và các Đấng Thiêng Liêng từng dạy dỗ các con rất nhiều, đạo lý cung ứng hành trang cho các con không ít. Hễ đến lúc, hãy lấy ra mà dùng tùy thời hóa độ. Tuy Mẹ không đến nhưng vẫn có bên con, vẫn hằng săn sóc cho các con những khi nhọc mệt, hằng nâng đỡ dìu dắt các con trên dặm đường thiên lý vượt núi sang sông với những chiếc cầu lắt lẻo không tay vịn. Mẹ ngự ở đức tin sáng ngời của các con.
Kỳ hạ nguơn cộng nghiệp, các con phải thấy ân phước mà đừng để kẻ khác nhắc nhở; tình Vô Cực rất bao la, nhưng Thiên luật công bình không mẩy lọt. Mẹ mong muốn các con nam nữ đã được nhận lấy sứ mạng Thiên ân quyền pháp đem lại nguồn an lạc vĩnh cửu cho nhân sanh. Các con hãy khai nguồn an lạc riêng con cho thông suốt, đừng để vướng bận hoàn cảnh đa diện bên ngoài mới chóng thành công.
Hôm nay Mẹ ban huấn từ cho các con lớn nhỏ ghi nhớ mà tu học hành đạo.
Hỡi các con !
Trăng kia tròn khuyết đổi dời,
Huống chi con sống trong đời nhị nguyên;
Nếu con học đạo phật tiên,
Lạ gì những lúc biến thiên nhân tình.
Quí hồ một mảnh tâm linh,
Bản lai diện mục biết nhìn cho thông;
Nước kia, còn có lớn ròng,
Đời con sao khỏi trong vòng quẩn quanh.
Lòng con nếu thật chí thành,
Thủy chung như nhất tu hành mới ngoan.
Khi con vào chốn trần gian,
Là con đem đạo vào đàng thiên luân,
Biết rằng nghiệp quả do nhân,
Sao còn phiền não giận mừng đau thương.
Con ôi, học đạo hằng thường,
Là tâm thanh tịnh dứt đường quả nhân.
Lạ gì điên đảo giả chơn,
Mà con vọng động cho sờn đạo tâm,
Cái cơ biến dịch thăng trầm,
Người tu dụng đó mà cầm máy linh.
Quí là con trọn niềm tin,
Là tu tứ trí là gìn tam công.
Tâm cùng trời đất huyền đồng,
Thân hòa vạn hữu ngoài vòng biển mê.
Là con đem đạo bồ đề,
Đất trời vạn vật quay về một tâm,
Lòng con sẵn có vui thầm,
Dị đồng sai khác cũng tầm nguồn vui.
Con ơi, bước đạo chớ lùi,
Đạo là hồn nuớc sụt sùi sao nên,
Lạ gì vật chất đảo điên,
Nay còn mai mất biến thiên không chừng.
Ai tường cuộc thế đầy lưng.
Rủi may sanh tử nhân thân thế nào ?
Ai tường nắng hạn mưa rào,
Thiên tai chiến họa ra sao bao giờ.
Quí là con tỉnh giấc mơ,
Là tâm giác ngộ là cơ diệu huyền;
Là đường giải thoát nghiệp duyên,
Là tu tự độ là giềng độ tha.
Hồng ân TỪ MẪU chan hòa,
Cho con hạnh hưởng làm quà Trung Thu.
Đèn lòng đừng để mờ lu,
Đạo tâm đừng để bôn xu nhiễm trần.
Bao giờ tan áng huyền vân,
Trời trong mưa tạnh lộ vầng trăng thanh,
Tình trăng muôn thuở trong lành,
Như tình TỪ MẪU tài thành thuận nhu.
Thương thân con rán lo tu.
Mẹ đã ban hồng ân và bạch thủy cho con đồng thọ hưởng, các con nhớ lời VÂN HƯƠNG THÁNH MẪU đã dạy. Các con nên nhớ vào giờ công phu thiền định khai mở cõi lòng tịnh khiết để tiếp nhận luồng hồng quang thiên điển. Nhiếp thu được nhiều hay ít là do ở lòng của con. Hồng quang thiên điển luôn luôn bủa trùm để cứu độ sanh linh. Các con hãy giác ngộ, hãy ý thức với nhau để cùng tu hành hạnh hưởng. Mẹ cùng phật tiên thánh thần sẽ đến dự lễ Hội Yến Bàn Đào đêm mai. Các con nhớ trật tự thanh tịnh cần được tôn nghiêm là cực lạc đó con, nhất là các con không nên bỏ sót một con nào dù là lớn hay nhỏ. VÂN HƯƠNG sẽ đến với các con. Tất cả các con nam cũng như nữ về dự lễ hôm nay cần ghi nhớ lời Mẹ dạy. Mẹ ban ơn lành tất cả các con.
Mây lành phủ khắp mười phang,
Điển linh lớp lớp hàng hàng phi thăng.
Tiếp điển:
VÂN HƯƠNG THÁNH MẪU, Chị miễn lễ tất cả các em đồng an tọa. Chị xin phép Mẹ ở lại để có vài dòng đạo lý cùng với các em gọi là quà Trung Thu.
Này các em ! Đời con người có hai cuộc sống một là tâm linh, hai là nhân sinh. Về tâm linh các em đã từng thực hành và hiểu tâm linh là chủ sử thần minh của tứ chi ngũ quan. Nếu tâm linh mờ tối không được luyện trau thì đời sống của con người chỉ là công cụ cho vật chất, thì thật là uổng phí. Thế nên các tôn giáo từ xưa chú trọng về phần tâm linh trước nhất. Về nhân sinh cuộc sống gắn liền với thiên chức, gia đình, xã hội, nước non. Phải làm mới có mà ăn, phải dệt mới có mà mặc, phải hoạt động mới có mà sống, mà ở. Là nhân sinh không ai chối bỏ được những điều này. Tuy nhiên nếu tâm linh mờ đục, thì cuộc sống nhân sinh thường hay lầm lạc, xáo trộn trật tự kỷ cương để gây nên những trái oan hận thù vì sống, ăn, mặc, ở. Thế nên, con người biết giữ được mực độ quân bình cho chính bản thân là tâm linh phải lo trau luyện cho thanh thoát, đừng để thất tình lục dục bao vây. Có thế mới hòa vào xã hội nhân sinh để sống một cuộc sống có ý nghĩa siêu nhiên hơn. Khi con người tự thấy lòng bác ái vị tha nẩy nở là biết sống đời sống Tề vật của Trang Chu hay Bình đẳng quan của Thích Giáo. Tâm linh và nhân sinh
không thể tách rời mà phải luôn luôn gắn liền với nhau nhịp nhàng sinh động vô kỷ, vô công, vô cầu, vô danh, tự khắc các em sẽ hòa mình vào đại thể mà hưởng thú thiên nhiên, mà dự yến Bàn Đào.
Các em Thiên ân hướng đạo nam nữ ghi nhớ lời Chị vừa phân. Các em nên nhớ trần gian vạn bịnh nan y, thì những lương y, bác sĩ cần phải đối chứng lập phương chớ không thể dùng một toa thuốc gia truyền mà chữa bệnh được.Đạo là năng phương năng viên, ủy khúc tùy hình để giúp người nên
đạo đấy em ạ.
Chị chào giã từ tất cả các em.
Mây lành noi dấu Mẫu Nghi,
Nương lằn điển huệ, Diêu Trì hồi cung.
(Trích Thánh giáo CQPYTGLĐĐ)
THÁNH GIÁO TRUNG THU ĐINH TỴ
Thi
Gát áng tường VÂN gót lãng du,
Ngút trầm HƯƠNG nhẹ thoảng hương thu;
Dừng chơn THÁNH địa nào chơn thánh,
Nầy ĐẤNG MẪU NGHI đã vận trù.
VÂN HƯƠNG THÁNH MẪU chào chư Thiên ân hướng đạo, chư đạo tâm nam nữ. Đêm nay Đức VÔ CỰC TỪ TÔN sẽ giá lâm ban ơn cho chư Thiên ân và các em lớn nhỏ. Chị đến trước giờ này để cùng các em hàn huyên đạo sự cùng với món quà để dâng Yến Bàn Đào cùng các em. Tuy vô hình vô tướng mà thể chất sáng ngời để cùng sắp chung với các em hầu hiến dâng lên ĐỨC VÔ CỰC TỪ TÔN. Mời tất cả các em đồng an tọa.
Này các em ! Ngày tháng trôi qua, dòng đời lưu chuyển, thu này lại đến trần gian như những mùa thu trước. Công lệ vẫn dịch hành mà sự việc nhân sinh có khác. Dầu muốn biết hay không muốn biết thì sứ mạng thu liễm của mùa thu vẫn phải mang nhiều gió mưa ảm đạm và mầm sống phải tiềm phục trong gió rét đông thiên. Công cuộc tiến hóa êm điềm không hơi không tiếng ấy đã mặc khải cho những người hành giả bao nhiêu là lý đạo. Chị nhân đây cũng góp nhặt những tinh hoa để làm quà dự yến với các em.
Mỗi độ thu sang, không phải chỉ có tự bây giờ, mà đã có từ lâu, ĐỨC VÔ CỰC TỪ TÔN ban rải hồng ân đến thế gian cho khắp cùng con cái để đầy đủ tú khí thiên nhiên. Con cái sẽ tự ấp ủ ung đúc giá trị bất biến để tiếp nhận từ nơi Đấng Trọn Lành.
Ngày nay chư Thiên ân và đạo tâm đang thực hiện sứ mạng thâu liễm trên mảnh đất nhỏ bé này để tạo lập cõi đời thánh đức theo đúng Thiên cơ, thì thời tiết nắng mưa chỉ là động năng thúc đẩy cho sự kết tinh được đầy đủ nhân lành giống tốt để chờ đến lúc phục sinh. Sứ mạng dù có đi sau vết chân những người được mệnh Trời ban trao để cứu nhân độ chúng, nhưng mọi giá trị chân chính của Đại Đạo chỉ là phương thức dung hòa tổng hợp mới tạo được ngôi vườn Thánh Địa Nam Bang.Vì thế mấy mươi thu qua, chư Thiên ân và các em được trực tiếp linh cơ học lời thánh huấn và thọ hưởng hồng ân dự hội Yến Bàn Đào cùng các hàng tiên phật. Ý nghĩa huyền nhiệm này không phải chỉ có ở ngọn cơ hay lời văn giá vẽ cùng những lễ lộc linh đình, mà có giá trị chân chính ở tự nơi tầm sâu tâm não của mỗi người tín đồ hành lễ. Thế chư Thiên ân và các em có nghĩ gì khi được dự Yến Bàn Đào không. Nếu các em có những ý nghĩ về giá trị của quả ngon ngọt, trong đó có ý nghĩa trị bệnh, được phước. . .v. .v. thường lắm các em ạ ! mà nó phải có những ý nghĩa mà tất cả các em phải
thấu triệt giá trị đương vi.
Linh dược nan trừ oan trái bệnh, thần đơn bất trị nghiệt ma tâm. Ca Diếp khi xưa chỉ nhìn cành hoa sen nơi tay Đức Phật mà ngộ đạo, thế là nghĩa làm sao ? Hoa sen khiết tịnh đẹp tươi, hương thơm trầm mặc, nhưng phải có tự nơi bùn. Sứ Mạng Đại Thừa đó các em.Chỉ một cái nhìn cành hoa sen nơi tay Đức Phật mà Ca Diếp phải luân chuyển bánh xe cứu khổ tự mấy nghìn năm. Ngày nay các em thọ ân ĐỨC MẸ VÔ CỰC TỪ TÔN được dự Yến Bàn Đào giữa thời hạ ngươn mạt kiếp. Các em biết chăng ? Đó là năng lực tiềm tàng trong sứ mạng Thiên ân được ban trao quyền pháp độ dẫn quần linh.
Hoa sen mọc trong bùn. Cái ao bùn kia không thể làm trổ được cánh hoa sen, nhưng cánh hoa sen xuất phát từ ao bùn, nhờ dòng nước thanh lương với nắng sớm mưa chiều, sương khuya gió thoảng thâu liễm tiếp nhận thì cánh hoa sen mới được thành hình. Nếu như giá trị dầu ở trược hay thanh mà không có THƯỢNG ĐẾ, VÔ CỰC TỪ TÔN thì chẳng khác gì
những khối vô tri vô giác.
Người đời hằng ca ngợi rằng :"Hoa sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Quả thật giá trị bất biến ấy đã đưa chân bồ tát vào đời cứu khổ,
cứu nạn chúng sanh.
Trở về sứ mạng Tam Kỳ Phổ Độ: các em phái nữ là đức lợi trinh, dễ bị mê làm khổ đau vật chất, mà cũng dễ giác ngộ để lập đức bồi công. Âm nhu mà người đời thường cho rằng phái yếu , nhưng bên trong vẫn có điểm chơn dương để trưởng dưỡng bảo tồn, thì sự đắp đổi lưu hành cũng đồng một thể. Các em hãy bền lòng nhẫn nại cho đến khi không còn một vật xung quanh các em thì lòng các em mới thanh thoát vì tình thương vô cực mới gởi gắm trọn vẹn cho các em trên bước đại thừa thực hành Thiên Đạo.
Lời sau cùng của Chị là rót vào chung rượu nồng để ngày mai Hội Yến cùng với chư thiên ân và các em nữ đạo thân mến của chị.
Chư Thiên ân và các em hãy bình tâm tiếp nhận mặc khải của ĐỨC VÔ CỰC TỪ TÔN mỗi độ thu về. Chị cũng báo tin mừng cho các em là ĐỨC MẸ đã ban ơn cho một số thần thánh tiên nữ sẽ lâm đàn để đôi câu gọi là mùa thu liễm, và sự hiện diện đông đủ của chư phật tiên thánh thần nam nữ đồng dự hội Yến Bàn Đào với các em. Vậy các em hãy cố gắng sắp xếp nghi lễ cho thành kính trang nghiêm.
Các em hãy thành tâm tiếp giá, và các vị thánh thần đến hộ giá TỪ TÔN. Chị xin xuất ngoại ứng hầu. Lui.
Tiếp điển:
Mẹ mừng các con nam nữ.
THI
Đem tình VÔ CỰC rải muôn phương,
Con hỡi TỪ TÔN mãi nhớ thương;
Soi bóng DIÊU TRÌ tìm bóng trẻ,
MẪU NGHI vì trẻ giáng canh trường.
Giờ nay Mẹ đến với các con để các con vui mừng mà vững lòng tu thân hành đạo. Đêm nay các con hãy dự Yến Bàn Đào cùng chư thần thánh tiên phật. Mẹ miễn lễ các con đồng an tọa.
Hỡi các con mẹ dụng tiếng Diêu Trì là tượng trưng cho mùa đào tiên kết trái, và chư thần thánh tiên phật đến trần dự yến cùng các con là hòa hợp hai cõi sắc không đồng thọ lãnh sứ mạng hoằng dương chánh pháp phổ độ kỳ ba. Dầu các con nam hay nữ cũng đồng chung trách nhiệm.Các con hãy tự làm sáng cái đạo hằng hữu của các con rồi mới vững bước trên đường Thiên Đạo Đại Thừa.Con ôi !
Thi Bài :
Đạo đầu mối vần xoay sanh hóa,
Từ đất trời đến cả vạn sanh;
Trong con có đạo vận hành,
Linh tri hạt giống trọn lành phát ban.
Tâm giác ngộ khai đàng mở ngõ,
Chí hoằng dương sáng tỏ đạo mầu;
Cho đời hết cảnh bể dâu,
Cho người thoát khỏi ngục sầu vô minh.
Mẹ trao gởi chân tình VÔ CỰC,
Con nhận rồi chí đức chí tâm;
Dầu cho thế cuộc thăng trầm,
Độ đời con giữ một tâm vững vàng.
Cơ tiến hóa không ngừng, càng tiến hóa càng khai sanh, càng khai sanh càng diễn biến. Những con có Thiên ân sứ mạng hãy vững vàng sáng suốt để độ đời và phải luôn luôn nhớ lời Mẹ dặn : Thiên Đạo Đại thừa phải vong kỷ vị tha. Kỷ mà các con còn vong thì có còn chi mà bám víu. Còn kỷ là các con còn chấp. Còn chấp là còn tranh, thị phi thanh trược. Nếu như vậy thì sứ mạng khó hoàn thành đó các con. Muốn độ đời là phải hòa vào muôn ngàn sai biệt để giác ngộ người đời, giúp người tìm đến tâm linh đã tự có sẵn trong mỗi con đó. Có như vậy thì sứ mạng các con mới hoàn thành.
Các con hôm nay về chầu Mẹ đông đủ, và ngày mai dự Yến Bàn Đào .Mẹ sẽ ban hồng ân cho mỗi đứa hãy mang về sở tại địa phương mà chia sớt tình thương VÔ CỰC cho con nào chưa giác ngộ thương yêu, hãy giác ngộ và thương yêu nhau để xây hạnh phúc chung của các con.
Tiếp Thi Bài
Muốn tạo cảnh thiên đàng cực lạc
Phải dặn lòng giải thoát cho xong;
Trong con vốn một tình không
Lo chi chẳng được đại đồng đệ huynh.
Nhân đây Mẹ ban ơn các con Nữ Chung Hòa. Các con trọn lòng thành kính lo cho đạo, lo cho người tiếp nối với đám nhi đồng. Mẹ khuyên các con nên tu học thêm hơn và cố gắng về mọi mặt để xứng đáng là con yêu quí của Mẹ.
TIẾP BÀI
Các lễ phẩm huyền linh Mẹ bố,
Con chia nhau mà độ lẫn nhau;
Phần con dự yến bàn đào,
Cũng tình VÔ CỰC chan hòa vào con.
Các con ! Hôm nay mẹ đã ghi danh ban ơn mỗi đứa. Các con hãy tịnh tâm
chờ đón hồng ân của mẹ.
Các con về dự lễ hôm nay hãy chuyển lời dạy của Mẹ ban ơn đến các con trong địa phương. Các con nhớ lời Mẹ dạy.Vậy các con nhớ lời Mẹ dạy mà thi hành cuộc lễ ngày mai. Mẹ ban ơn lành tất cả các con, Mẹ hồi cung. Thăng./.
SÁCH THAM KHẢO
1. Những bài thuyết đạo của Đức Hộ Pháp PCT.
2. Bài thánh giáo của Đức Cao Thượng Phẩm giải về Bát hồn
3. Quyển “Đức Phật Mẫu & Hội Yến Diêu Trì Cung”: Soạn giả Kim Hương-
Tòa Thánh Tây Ninh
4. Quyển “Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo Thế Đạo”:
Soạn giả Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng
5. Thánh giáo Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo năm Bính Thìn & Đinh Tỵ
6. Từ Hải Từ Điển (do Lê Anh Minh)
Bổn thỉ : Gốc khởi đầu. “Diêu đình bổn thỉ tâm thường trụ “ : Thường giữ cái Tâm nguyên sơ từ gốc khởi sanh ở Diêu đình. Tức tâm không xa rời căn cội đầu tiên, không thay đổi bản chất nguyên thủy tịnh
khiết thọ nhận từ Vô Cực.
Nguyên lai : Từ gốc mà ra. “Trì ngọc nguyên lai chí chẳng dời”: Giữ lấy ngọc tinh ròng chính gốc, không hề nản chí hay đổi ý.
Kim khuyết: Kim: vàng; chỉ tính chất quí báu cao trọng – Khuyết: hai cái lầu hai bên cổng hoàng cung, ở giữa có lối đi để trống gọi là khuyết.Cung khuyết: là nơi vua ở. Từ điển Từ Hải viết :Kinh sách Đạo giáo nói rằng trên trời có Hoàng Kim Khuyết Bạch Ngọc Kinh là nơi Đức Thượng Đế ngự. Kim khuyết ở đây có nghĩa là cung trời hay thiên cung nói chung, từ đó Đức Từ Mẫu giáng thế độ rỗi chúng sanh.
Nhị nguyên : trái với nhất nguyên. Nhất nguyên chỉ nguồn gốc chung của vạn vật, nơi không có sự phân biệt này khác mà là một bản thể thuần nhất. Thế giới nhị nguyên, trái lại có phân biệt đối đải, mâu thuẩn, làm cho vạn sự vạn vật biến hóa, thay đổi không ngừng. Tâm nhất nguyên là tâm bồ đề, tâm nhị nguyên là tâm phiền não.
Bản lai diện mục : tức chơn ngã, cái Ta thật chưa bị nhiểm trần, không bị vô minh che lấp
hiên luân : vòng chuyển luân của trời đất. Thiên luân là chu trình sanh hóa và tiến hóa của vũ trụ. Con người và vạn vật sanh ra ở trần gian để học hỏi rèn luyện hầu khôn ngoan, sáng suốt, thăng tiến dần dần. Đó là giai đọan nhập thế. Đến khi tâm linh giác ngộ, biết tu học, hành đạo giải thóat là giai đọan xuất thế, trở về nguồn gốc của vũ trụ tức Thượng Đế. Con đàng thiên luân là con đàng tiến hóa của vạn vật, từ Thượng Đế ra đi và trở về Thượng Đế.
Đạo hằng thường : hằng thường là không biến đổi, đạo hằng thường hay đạo bất biến, là sự tu hành giữ vững chơn tâm, không bị lục dục thất tình chi phối khiến gây nghiệp quả. Học đạo hằng thường để không bị luật nhân quả, trả vay, mới thóat luân hồi sanh tử.
Máy linh : hay pháp thân, là đạo tự thân linh diệu có thể ứng phó với mọi hòan cảnh, giữ cho đạo tâm không bị lung lạc.
Đó là đạo pháp nơi mỗi con người.
Tứ trí : theo Phật học tự điển của Đòan Trung Còn , Tứ trí là :
_Đạo huệ trí : tức Thật tánh
_Đạo huệ chủng trí : tức là cái trí hiểu biết các đạo
trong thập pháp giới.
_Nhứt thiết trí : tức cái trí biết tất cả, biết rằng các pháp các tướng đều tịch diệt.
_Nhứt thiết chủng trí : cái trí hoàn toàn biết tất cả, biết rằng các pháp các tướng đều tịch diệt, biết hết các hành động, trạng mạo.
Tam công : công trình-công quả-công phu
Huyền đồng : thể nhập, hiệp một. “Tâm cùng trời đất huyền đồng” : Theo tư tưởng Lão Trang, tâm của bậc đắc đạo sẽ đồng nhất với bản thể vũ trụ hay Thiên tâm. Theo An giáo, tu giải thoát nhắm mục đích Tiểu ngã đồng nhất với Đại ngã.
Đạo bồ đề : tức tâm vô phân biệt
Đèn lòng : tức tâm đăng theo giáo lý Phật giáo;
chỉ sự sáng suốt của Chơn tâm
Bôn xu : theo đuổi, chạy theo (danh lợi)
Tề vật : Theo Tề vật luận hay Tương đối luận của Trang Tử thì giữa con người và con người, giữa vật này và vật khác về thực chất không hơn kém nhau, nên không đề cao người này mà khinh khi người khác, không quí trọng vật này mà xem thường vật kia. Trang Tử viết :”Đứng ở chỗ khác nhau mà nhìn, thì buồng gan lá mật [khác nhau] như Sở và Việt. Nhưng đứng ở chỗ đồng nhất mà nhìn, thì vạn vật chỉ là một.” ( Đức Sung Phù)
Bình đẳng quan của Thích giáo : Quan điểm của đạo Phật xem tất cả chúng sanh đều bình đẳng. Bình đẳng tâm : “ Lòng bình đẳng đối với tất cả chúng sanh. Ay là lòng chứng ngộ rằng các pháp đều bình đẳng, tấm lòng ấy coi tất cả chúng sanh như nhau: Chẳng phân biệt chỗ oán, thân; chỉ một lòng thương xót tất cả mà thôi.” (Phật học tự điển-Đòan Trung Còn)
Năng phương năng viên, ủy khúc tùy hình : Có thể trở nên vuông, trở nên tròn, tùy hình thể mà uốn theo (cho thích hợp) . Ý
nói tùy cơ ứng biến, không cố chấp để lúc nào cũng hành động đúng đạo lý.
HỘI YẾN DIÊU TRÌ LẦN ĐẦU TIÊN
Trong Sử Đạo
Nguyên vào thượng tuần tháng 8 năm At Sửu (1925), Ba vị Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang được Thất Nương tiết lộ cho biết chút ít về Diêu Trì Cung ở từng trời Tạo Hóa Thiên nơi cõi thiêng liêng: Trên hết có Cửu Thiên Nương Nương cai quản, dưới có Cửu Vị Tiên Nương phụ tá, mà cô đứng hàng thứ bảy, gọi là Thất Nương, Hớn Liên Bạch là Bát Nương. . .Ba vị xin Cô cho biết cách cầu Cửu Thiên Nương Nương.
Thất Nương bảo: Ba anh muốn cầu Nương Nương thì phải ăn chay trước 3 ngày và tìm cho đặng Ngọc cơ thì cầu Lịnh Bà mới được. . .
Ba Ông rất mừng rỡ, chuẫn bị ăn chay cho đủ 3 ngày để cầu Cửu Thiên Nương Nương vào ngày Trung Thu sắp tới. Đêm ấy có Đấng AĂÂ giáng đàn, bảo ba ông nhơn dịp đó làm một cái tiệc chay để đãi 10 đấng Vô hình nơi Diêu Trì Cung là Cửu Thiên Nương Nương và chín vị Tiên Nương. Đấng AĂÂ còn dạy cách sắp đặt bàn ghế và trang hoàng nhà cửa.
Ong Cao Huệ Chương, con của Ngài Bảo Văn Pháp Quân Cao Quỳnh Diêu, có tham dự vào việc chưng dọn và đứng hầu trong buổi lễ ấy, thuật lại trong quyển “Đại Đạo Truy Nguyên” như sau:
“ Qua đến ngày thứ ba, là buổi hẹn hò, lại nhằm tiết Trung Thu, đúng đêm 14 rạng mặt 15 tháng 8, ngoài trời thì trăng thanh gió mát,
trong nhà chú Tư tôi
(Ong Cao Quỳnh Cư) lại dọn dẹp trang hoàng, xem vào có vẻ tinh khiết lắm.
Đúng giờ Tý, cả thảy đều đủ mặt, tôi thấy chú Tư tôi đã sắp đặt dọn bàn dài, rải bông lá xung quanh; phía trong bàn, ngay chính giữa, để một bộ đồ trà, còn chín vị Tiên Cô, mỗi người một cái tách, sắp vòng theo bàn, hàng giữa dọn những trái cây tươi tốt, ngó vào rất lịch sự, tựa hình như đãi tiệc, vì chung quanh có để 9 cái ghế mây. Cuộc cúng nầy mấy ổng gọi là Phó Yến Diêu Trì, đến ngày nay hãy còn noi dấu lễ kỷ niệm nầy.
Đọan Chú Tư tôi đốt hương đèn lên, cả thảy đều quì lạy khấn vái, rồi đem Ngọc cơ ra cầu.
Thật quả có Lịnh Cửu Thiên Nương Nương đến, và đủ chín vị Tiên Cô, mỗi vị đều giáng cơ chào mừng mấy ổng. Khi ấy Thất Nương xin ba ông đờn, rồi mỗi người ngâm bài thi của mình làm đặng hiến lễ, còn Lịnh Bà và Cửu Cô an vị mà nghe. Chừng nhập tiệc, Thất Nương lại mời ba ông ngồi chung vào cho vui . . .mấy ổng liệu thế khó chối từ, mới đem thêm 3 cái ghế sắp sau lưng 9 cái ghế nọ, ba ông xá rồi ngồi xuống. . .
Cách chừng nửa giờ, Chú Tư tôi lại tái cầu. Lịnh Nương và chín vị Tiên Cô để lời cảm tạ chẳng cùng, lại hứa rằng:
“ Từ đây có Ngọc cơ rồi thì tiện cho
Diêu Trì Cung Cửu Cô đến dạy việc.”
Đêm ấy mấy ổng thức đến 3 giờ khuya mới nghỉ.”
YẾN DIÊU TRÌ CUNG
(Bài thuyết đạo của đức Hộ Pháp tại Cửu Long Đài, chiều ngày 15-8-Tân Mão;15-9-1951và 15-8-Nhâm Thìn; 03-10-1952)
“ Đức Chí Tôn giao cho Đức Phật Mẫu cơ quan siêu thoát, phải làm thế nào đặng độ 92 ức nguyên nhân trở về cựu vị.
Muốn đạt đặng Bí pháp siêu thóat ấy, chúng ta ngó thấy Đức Phật Mẫu đã làm gì? Đức Chí Tôn giao cho Đức Phật Mẫu nắm quyền hành để rước hết những chơn thần khi đã đạt pháp, tức nhiên đạt cơ siêu thoát, lập vị mình đặng vào cái địa vị thiêng liêng, đạt đặng thì phải về hội yến cùng Đức Phật Mẫu . . .
Thật ra hôm nay chúng ta hội hiệp cùng nhau đây, nó sẽ trở thành một tương lai, cũng như bên Thánh giáo Gia Tô, họ có phương thông công cùng Đức Chí Tôn đó vậy.
Hạnh phúc thay cho những người đặng Hội Yến Diêu Trì hôm nay, tức nhiên đặng hồng phúc hội hiệp cùng Bà Mẹ thiêng liêng của chúng ta, lẽ dĩ nhiên được mang sứ mạng thiêng liêng nơi mình. Cả toàn con cái của Đức Chí Tôn cũng thế, nam cũng thế, nữ cũng thế, kẻ Đông người Tây, kẻ Nam người Bắc, đem cả cơ bí mật thiêng liêng của Đức Chí Tôn là lòng yêu ái của Ngài mà rải khắp cho toàn thể con cái của Ngài đều hưởng. . .
Tóm lại, Bí pháp của Hội Yến Diêu Trì Cung là Đức Chí Tôn (giao cho đức Từ Mẫu) đem cơ quan giải thóat xuống thế đặt trong cửa đạo Cao Đài để toàn thể các tín đồ được hưởng.
Theo Cổ luật, thì người tu một khi đắc đạo, Chơn hồn được lên Diêu Trì Cung dự Hội Yến Bàn Đào, được Đức Phật Mẫu ban cho ăn trái đào tiên và uống tiên tửu.
Ngày nay, thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương vâng lịnh Đức Chí Tôn giáng xuống phàm trần, mở tiệc Hội Yến Diêu Trì Cung tại đền thờ Phật Mẫu để toàn cả con cái của Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu về hội hiệp cùng Đức Mẹ Thiêng liêng, dâng Hoa Quả, Rượu, Trà lên Đức Mẹ, và Đức Mẹ sẽ ban tặng lại cho con cái của Ngài, để con cái gội hưởng hồng ân của đức Phật Mẫu, làm cho tâm đạo phấn chấn thêm lên, làm động cơ thúc đẩy con cái mau tiến hóa trên bước đường tu niệm, sớm trở về hội hiệp cùng Phật Mẫu. Mà một khi được hội hiệp cùng Đức Phật Mẫu thì tức nhiên là đắc đạo, giải thóat khỏi luân hồi.
Đó là Bí pháp của Hội Yến Diêu Trì Cung.”
(Trích lục quyển Báo Ân Từ & Hội Yến Diêu Trì Cung; Kim Hương, Tòa Thánh Tây Ninh)