Blog Tâm Thức
Bí ẩn câu chuyện hang đá khổng lồ chôn cả huyện người ở Võ Nhai -Thái Nguyên
Friday, 23/11/2012 00:00 am

Blog Tâm Thức

Hàng trăm năm qua, hang Huyện (Võ Nhai, Thái Nguyên) vẫn mang trong mình biết bao điều bí ẩn về một nấm mồ khổng lồ huyền bí.


Nấm mồ khổng lồ giữa núi rừng
Hang Huyện đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn với ngay cả những người dân bản địa. Chính vì sự bí ẩn của hang Huyện, đã có không ít những câu chuyện huyền bí về những oan hồn chưa siêu thoát và những bộ hài cốt đang lẩn khuất đâu đó trong hang được người dân trong khu vực thêu dệt khiến những người mới lần đầu bước chân đến mảnh đất Võ Nhai nếu yếu bóng vía có lẽ không đủ dũng cảm bước nửa bàn chân vào hang Huyện. Nhưng đây lại là một địa điểm hấp dẫn với những người có trí tò mò muốn vào tận nơi khám phá.

Hang Huyện thuộc địa phận thôn Làng Tràng (Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên). Theo một số người dân địa phương, hang Huyện còn có cái tên khá đẹp là hang Thắm. Tuy nhiên, đến nay cái tên hang Thắm còn rất ít người biết tới. Thay vào đó, cái tên hang Huyện được nhiều người dân bản địa sử dụng hơn.

Đường vào hang Huyện rậm rạp hoang dại
Gốc tích cái tên hang Huyện bắt đầu có từ khoảng những 1865 khi quân đội người Tráng (Trung Quốc) hay còn gọi là quân Cờ đen (Hắc Kỳ Quân) di chuyển từ vùng Quảng Tây của Trung Quốc băng qua biên giới vào hoạt động ở miền núi phía Bắc nước ta và dùng kế hiểm hun chết hàng nghìn người của huyện chính tại hang sâu này.
Sau khi cả huyện người bị hun chết trong chính hang đá khổng lồ thuộc địa phận thôn Làng Tràng, Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên hiện nay, rất ít người còn dám lai vãng vào trong hang vì sợ… ma và sợ oan hồn của những người đã khuất trong hang theo về nhà.

Qua lời kể của một số người cao tuổi sống gần hang Huyện, xưa kia khi còn nhỏ thường được nghe các cụ trong làng kể lại rằng, hang Huyện có nhiều hài cốt nằm trong hang và có nhiều ma lắm. Thi thoảng vào những đêm trăng thanh gió mát, có những tiếng động lạ phát ra từ trong hang cộng với tiếng róc rách của dòng suối nhỏ chảy qua như tiếng khóc than, kêu cứu của rất đông người trong hang khiến những ai cứng bóng vía lắm cũng phải rùng mình khi có việc phải đi qua đoạn đường sát chân núi có hang Huyện. Thậm chí, một số người còn bắt gặp những bóng người chập chờn ở ruộng ngô sát cửa hang sợ mất vía…

Trải qua năm tháng dâu bể, đời này qua đời khác đã ngót nghét hàng trăm năm, những người dân thôn Làng Tràng (Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên) đã đông đúc hơn nhiều so với xưa kia. Hang Huyện cùng với những câu chuyện huyền bí về cái chết của cả huyện người, nằm bình yên giữa những ngọn núi cao xanh vút cây cối và những bãi ngô rộng ngút ngàn cùng tiếng róc rách ngày đêm của con suối nhỏ chảy qua.

Tưởng chừng như những điều huyền bí của hang Huyện đã chìm vào quên lãng cho đến khi chúng tôi đặt chân đến. Thực tế, đã có rất nhiều lời khuyên can không nên vào hang ngay từ khi chúng tôi mới nhận được thông tin rất đơn giản từ một người bạn ở Thái Nguyên: “Hang Huyện từng là nấm mồ tập thể của cả một huyện người bị hun chết xa xưa”.

Tuy nhiên, mặc mọi lời khuyên can, chúng tôi vẫn quyết định tìm đường vào hang Huyện bằng được để giải mã những bí ẩn về nấm mồ khổng lồ từ xa xưa giữa núi rừng này.

Đường đi vào hang Huyện trái ngược hoàn toàn so với những suy nghĩ ban đầu của chúng tôi. Đường vào được trải nhựa khá đẹp cách thị trấn Đình Cả, Võ Nhai, Thái Nguyên khoảng 20km. Tuy nhiên, vượt qua quãng đường “sạch, đẹp” ấy là một quãng đường băng suối, đèo lòng vòng phía sau đang chờ đợi…

Theo người địa phương đã từng vào hang Huyện khuyên, chúng tôi cần chuẩn bị những thứ thiết yếu như: Đèn pin, dao quắm, nước uống và dây thừng để đề phòng những trường hợp cần dùng đến.

Lên đến cửa hang, ánh sáng cũng chỉ đủ le lói chút ít
Rất may là đến sát chân núi vào hang Huyện, chúng tôi đã nhờ được một người dân địa phương, cũng là người thông thạo địa hình và am hiểu chút ít về hang Huyện dẫn đường đi sâu vào trong hang khám phá.
Nhìn chúng tôi tay xách nách mang hỏi thăm về hang Huyện, một người dân sống ngay chân núi tỏ vẻ ngạc nhiên: “Chẳng ai biết hang đó sâu đến mức nào đâu, cũng không biết trong hang còn xương cốt không nữa vì đã ai khám phá hết hang đâu. Nhiều người già nói trong hang còn nhiều oan hồn lắm. Các anh nên cẩn thận…”
Thấy chúng tôi vẫn quyết tâm vào hang Huyện, người này dặn dò rằng nên sắm một cái lễ nhỏ để làm lễ trong hang trước khi đi khám phá sâu bên trong để đề phòng bất trắc. “Dù sao trước đây cũng có rất nhiều người chết. Có thể linh hồn họ vẫn còn lẩn khuất đâu đó chưa siêu thoát. Mình cứ nên làm cái lễ cho phải đạo.”
Sau khi chuẩn bị xong mọi thứ để vào hang Huyện– nấm mồ tập thể của cả huyện người năm nào mang đầy màu sắc huyền bí, chúng tôi theo chân anh Học – người dẫn đường của chúng tôi, vượt con suối nhỏ toàn đá cuội trơn tuột để sang bên kia bờ.
Con suối chặn hai bờ giữa cánh đồng ngô và hang Huyện ngầu nước đỏ, bãi đã lởm chởm đủ mọi kích cỡ sẵn sàng cứa vào chân bất kì người nào đi chân trần nên chúng tôi phải dò dẫm từng bước một. Nghe người dân địa phương nói thì con suối này nước không bao giờ trong vắt được bởi ở thượng nguồn họ đãi vàng nên nước lúc nào cũng lờ lờ ngầu đỏ như vậy.
Chúng tôi vào hang Huyện lúc giữa trưa, cả thung lũng nóng rực như lòng chảo lửa, mặc nắng nóng, chúng tôi vẫn tiếp tục băng qua một rừng cây cỏ dại rậm rạp cao ngang ngực người với đủ thứ dây gai nếu đi không khéo sẽ bị cứa rách da, rách thịt như chơi. Đến lúc này, dao quắm đã chuẩn bị trước phát huy tác dụng. Con đường vào cửa hang Huyện chẳng mấy chốc đã lồ lộ phía trước mắt.
Theo hướng tay chỉ của người dẫn đường báo sắp đến nơi, từ dưới rừng cây ngước mắt nhìn lên là những vách núi dựng đứng mọc rêu và cây cối phủ kín, nham nhở, cửa hang hiện ra bé xíu là một hốc đen xì giữa núi rừng. Nhìn xa xa, tựa giống hốc mắt của một chiếc sọ người khổng lồ nằm giấu mình giữa những quả núi khổng lồ.
Trái ngược hoàn toàn với cái nóng gắt bên ngoài, khi chúng tôi đặt được những bước chân đầu tiên vào cửa hang là một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Cái lạnh không phải vì sợ hãi mà là luồng khí lạnh từ trong hang Huyện thổi ra như hơi thở khò khè của một con vật khổng lồ đang nằm im trong một hốc nào đó chuẩn bị vồ chúng tôi bất kì lúc nào. Thêm vào đó là tiếng chí chóe cắn nhau của lũ dơi trên nóc hang Huyện càng làm chúng tôi thêm phần “lạnh” hơn dù cho người dẫn đường đã trấn an.
Những oan hồn chưa được siêu thoát
Sau khi làm lễ xin phép “chủ hang” trước khi vào sâu hơn để khám phá, người hoa tiêu của chúng tôi vừa nói vừa dọi chiếc đèn pin sáng rực vào hai bên vách hang và trên nóc hang Huyện. Qua ánh đèn sáng quắc của đèn pin cỡ lớn, lũ dơi bám đu bám đen kịt bay vù vù trốn vào sâu bên trong tạo nên một thứ âm thanh quái đản ầm ầm trong hang.
Thấy chúng tôi có vẻ hơi chùn chân từ lúc bước chân vào hang, người dẫn đường vừa trấn an vừa giải thích: “Ở đây hang rất sâu và tối. Hàng trăm năm nay lũ dơi đã sống ở đây rất nhiều. Ngày trước, thi thoảng có người dân trong làng còn dám vào hang lấy phân dơi về bón ngô, có người lấy cả xe cải tiến bán cho người ta làm thuốc súng. Đến mùa sinh sản, nghe nói phân dơi có khi ngập đến tận đầu gối người”.
Với sự chỉ dẫn của người dẫn đường tên Học, chúng tôi tiếp tục dò dẫm đi vào sâu hơn. Sỡ dĩ phải dò dẫm vì đất dưới nền hang khá ẩm và nhiều đá hộc nên chỉ cần sơ sảy là bị trượt chân ngay.

Khác hẳn so với ánh sáng của thung lũng bên ngoài, chỉ bước vào cửa hang Huyện chừng 10 mét tất cả bắt đầu tối thui như đang bước chân vào địa ngục. Một màu đen đặc quánh, chiếc đèn pin của chúng tôi chỉ soi với tầm xa hơn 1 mét là nhìn rõ.

Rất nhiều hốc đá sâu hoắm tuột xuống dưới rất sâu
Lúc này, tôi bỗng nhớ đến những lời của cụ Chu Thị May, 80 tuổi (thôn Làng Tràng): “Tôi chỉ biết trước đây các cụ kể lại khi đánh giặc quân Cờ đen, cả huyện này đã bị chết ở trong hang do địch hun khói. Lúc còn trẻ tôi vẫn còn thấy rất nhiều xương người, đầu lâu và tóc. Thử hỏi làm sao mà không có ma được, hàng nghìn người chết tươi như thế làm sao đã siêu thoát được…”
Liên tưởng từ những câu chuyện của cụ May cộng tiếng tiếng chí chóe của lũ dơi vang vọng lúc xa lúc gần khắp hang tạo thành những tiếng động lạ kết hợp với tiếng gió, hơi lạnh trong hang tạo cho hang Huyện một sự kỳ bí đến rợn người như ở nơi cửa của địa ngục…
Mò mẫm trong ánh đèn pin le lói trong bóng tối mịt mùng của hang Huyện, chúng tôi không dám đi tách rời nhau vì sợ lọt xuống một cái hố nào đó. Theo người dẫn đường thì trong hang Huyện có nhiều ngõ ngách và các hố sâu nên đi phải cẩn thận. Mặc dù không phải yếu bóng vía nhưng thi thoảng chúng tôi lại giật mình thon thót vì những hình thù kỳ quái từ dưới chân lên tận vách hang. Có những chỗ nhũ và hốc đá tạo thành hình mặt người như đang đau đớn quằn quại. Có chỗ lại như hình người đang nằm vật vã đau đến tột cùng năm nào khi bị hun chết…

“Ngày chúng tôi còn nhỏ, nghe ông bà kể lại đây là hang mà hàng nghìn người chết ngạt cũng sợ lắm. Nhưng sau đó vì cuộc sống phải vào mót phân dơi nên dần dà chúng tôi cũng quen và đỡ sợ hơn chứ trước thì tuyệt nhiên không ai vào”- Anh Học chỉ vào những dấu tích nói.

Những hố lớn được cho từng là trú ẩn và cũng là nơi chứa hài cốt của hàng ngàn người năm nưa
Tưởng chừng sẽ được khám phá được hết hang Huyện nhưng mới đi được khoảng nửa km trong hang Huyện, anh Học bất ngờ bảo chúng tôi nên trở lại. Lúc này trước mặt chúng tôi là một cái hố sâu hoắm như cái miệng lớn sẵn sàng nuốt tất cả dọi đèn pin không thấy đáy ở đâu.

Chúng tôi đưa câu hỏi có thể đi đường khác với người dẫn đường nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu bởi chính “thổ địa” như anh cũng chưa từng dám vào sâu tận cùng của hang.

Những hốc đá nham nhở trong lòng hang Huyện

“Chúng ta nên dừng ở đây thôi. Đi nữa xuống rất nguy hiểm. Tôi cũng chưa vào đó bao giờ. Nghe các cụ nói trong hang có nhiều oan hồn đã ngủ yên hàng trăm năm rồi. Các anh không nên đánh thức họ dậy”, người dẫn đường tỏ vẻ hơi hoảng hốt nói với chúng tôi.

Trước sự cảnh báo của người dẫn đường và hơn nữa những dụng cụ hỗ trợ chưa đủ tốt để đi thêm nhưng với sự tò mò thôi thúc, chúng tôi vẫn quyết định thuyết phục bằng được người dẫn đường đưa đi thêm vào những ngóc ngách khác trong hang với mục đích tìm câu trả lời về hàng ngàn bộ hài cốt năm nào đã tan thành tro bụi dưới chân chúng tôi hay đang nằm lẩn khuất ở hốc đá nào đó trong hang Huyện???
 Đứng trước nguy cơ về tay không khi tìm cứ liệu về hang Huyện, chúng tôi bất ngờ tìm được một manh mối cuối cùng…

Những bí ẩn dần được hé mở
Mò mẫm đủ mọi ngõ ngách nhưng chúng tôi không thể đi tiếp qua một hốc đá lớn sâu hoắm trong hang Huyện mà theo người dẫn đường thì đó là một con suối ngầm trong hang rất hiểm trở không đi được. Chúng tôi đành bấm bụng rời khỏi hang Huyện với những câu hỏi chưa có lời giải đáp về hang đá được xem là nấm mồ chôn tập thể khổng lồ của cả huyện người này.
Mang trong đầu những câu hỏi miên man: Nếu đi đến tận cùng thì hang Huyện sẽ dẫn đến đâu? Còn ai trong số những người trong hang xa xưa còn sống thoát được không, nếu còn thì con cháu đang ở đâu? Liệu trong hang có còn xương cốt năm xưa? Rất nhiều những câu hỏi đó đã không cho chúng tôi quay trở về tay không, thôi thúc chúng tôi phải tìm bằng được những cứ liệu mà theo phán đoán rất có thể đang nằm đâu đó trong chính ngôi làng sát vách với hang Huyện.

.
Hang Huyện vẫn còn là bí ẩn với nhiều người dân sống trong vùng
Tuy nhiên, mọi chuyện xem ra không hề đơn giản khi ngay cả những bậc cao niên trong làng đến những người am hiểu lịch sử ở phòng văn hóa huyện cũng không thể trả lời thích đáng cho tất cả những câu hỏi của chúng tôi.
Gặp ai cao tuổi trong làng chúng tôi cũng đặt câu hỏi tương tự về nguồn gốc của hang Huyện nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu và câu trả lời quen thuộc: “Chúng tôi ở đây đã lâu nhưng đều là người từ nơi khác đến. Những người trong hang xưa kia bị giặc Cờ đen hun khói đã chết hết rồi”.

Những tưởng những hi vọng cuối cùng khi đi tìm những “pho sử sống” về hang Huyện ở thôn Làng Tràng, Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên đã đi vào ngõ cụt thì bất ngờ trên đường về chúng tôi được một người dân mách rằng vẫn còn một người nữa rất có thể biết về hang Huyện là cụ Nguyễn Văn Vững. Cụ Vững theo lời người dân là người gốc nhiều đời sinh sống tại Võ Nhai.

Lần mò qua những xóm nhỏ bên rừng ngô xanh mướt, chúng tôi gặp được cụ Nguyễn Văn Vững.
Gặp cụ Vững chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Trước mắt chúng tôi là một cụ ông quắc thước đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn. Đặc biệt, khi nghe chúng tôi bày tỏ ý kiến về việc tìm hiểu nguồn gốc và những câu chuyện bí ẩn về hang Huyện, ánh mắt cụ Vững bỗng sáng bừng lên vì cụ cho biết lâu lắm rồi mới có người đến thăm và tìm hiểu về của hang Huyện.
Rất nhiều người chỉ biết đến hang Huyện từ khi có bộ đội ta sản xuất vũ khí mà ít ai biết rằng nơi đây từng là nấm mồ khổng lồ cả huyện người bị hun chết năm xưa
“Ở đây chỉ có tôi là biết rõ về hang Huyện nhất. Từ trước tới nay chẳng ai hỏi tôi về lịch sử của nó cả. Bởi vậy nên tư liệu ở phòng văn hóa huyện không có nhiều cũng là điều dễ hiểu thôi”, cụ Vững nhấn mạnh.
Như để khẳng định thêm cho chúng tôi tin về gốc gác của gia đình mình từ xa xưa có liên quan đến hang Huyện, cụ Vững nói, bà nội của cụ là bà Hoàng Thị Thảo từng được sinh ra tại chính cửa hang Huyện.
Không chỉ thế, bố, mẹ, anh chị của bà nội cụ Vững vào thời đó cũng từng là nghĩa quân năm nào chống lại quân Cờ đen.
“Cụ cố của tôi lúc đó sinh được hơn mười người con. Nhưng chỉ có cụ Hoàng Đình Triệu (thân sinh ra mẹ cụ Vững) và Hoàng Đình Dã may mắn thoát chết, còn lại đều mất trong hang Huyện cả”, cụ kể.
Để tiếp tục cho câu chuyện từ xa xưa thêm phần chính xác, cụ Vững cho chúng tôi xem một cuốn sổ đã cũ kĩ được cụ xem như “bảo vật” của gia đình từ hàng trăm năm nay. Cuốn sổ cũng là tài liệu ghi chép lịch sử về cuộc chiến của quân Cờ đen và nghĩa quân địa phương ở hang Huyện năm nào.

Trong các hốc đá của hang Huyện có một màu đen kì lạ
Trải qua hàng trăm năm với nhiều thay đổi ở địa phương và cả con người, cụ Vững vẫn giữ bên mình cuốn sổ ghi chép cẩn thận những chi tiết về hang Huyện và đặc biệt những ghi chép đó lại bằng… thơ nên không ai trong thôn Làng Tràng có thể hiểu được hết trừ cụ Vững. Vừa kể vừa lật giở từng trang giấy của cuốn sổ có màu ố vàng, cụ Vững nói, trước đây cái hang này có cái tên khá đẹp là hang Thắm. Tuy nhiên, sau lần chiến đấu với giặc Cờ đen nhân dân đã quen miệng gọi thành hang Huyện vì lúc đó gần như cả huyện chết ở đó.
Theo dòng hồi tưởng, cụ Vững kể tiếp, cách đây hàng trăm năm, quân Cờ đen từ Trung Quốc tràn sang biên giới Việt Nam tự do khai thác tài nguyên, đánh thuế nhân dân ta. Không chịu nổi ách áp bức của quân Cờ đen, rất nhiều các cuộc khởi nghĩa chống quân Cờ đen đã nổ ra ở khắp nơi.
Nhân dân tại Võ Nhai lúc đó đã nổi dậy chống lại giặc Cờ đen. Lúc đó, đứng đầu nghĩa quân là 2 cụ Huyện Nguyên và Huyện Khoai. Tuy nhiên, sau nhiều ngày chiến đấu, do chênh lệch về lực lượng và do quân địch quá mạnh nên nhiều vùng đã đầu hàng, duy chỉ còn nghĩa quân rút vào hang Huyện vẫn kiên cường chiến đấu chống lại quân Cờ đen đến hơi thở cuối cùng. Lợi dụng địa thể hiểm trở của hang Huyện, nghĩa quân đã chống cự rất kiên cường với giặc Cờ đen và không cách nào chúng đánh được.
“Theo lời các cụ thì quân Cờ đen không làm cách nào để tiếp cận với hang Huyện lúc đó vì được bố trí phòng thủ rất kiên cố. Xung quanh cửa hang nghĩa quân trồng tre thành nhiều lớp khác nhau nên tiến vào không dễ. Đó là chưa kể về phía cửa hang được bố trí chông nhọn và giàn đá có thể tấn công giặc ở cả tầm xa và gần khi có dấu hiệu giặc đến. Cứ như thế, nhân dân và nghĩa quân đã trụ vững được 5 năm, với chính sách “bỏ trồng ngô, thôi trồng lúa. Nghĩa quân luôn cắt cử người trên đỉnh núi gác, khi yên thì ra khỏi hang cấy cày, có động tất cả lại vào hang”, cụ Vững kể.
Cuộc chiến giữa nghĩa quân và quân Cờ đen cứ diễn ra như vậy sau nhiều năm. Đánh đủ mọi cách không chiếm được hang, quân Cờ đen bỗng nghĩ ra một kế không đánh bên ngoài thì tiêu diệt nghĩa quân bằng cách hun khói.
Quân Cờ đen đã dùng hỏa tiễn bắn vào cửa hang để lợi dụng khi đó cửa hang của nghĩa quân có nhiều bầu diêm và súng hỏa mai là những thứ bắt lửa vô cùng nhanh. Lúc đó, cửa hang bốc cháy dữ dội, quân Cờ đen tiếp tục từ bên ngoài tấn công vào khiến nghĩa quân trở tay không kịp và chạy sâu vào hang lẩn trốn truy sát. Tuy nhiên, do giặc hun khói vào trong hang đốt sạch không khí nên gần như toàn bộ nghĩa quân và nhân dân chết vì ngạt thở.
 “Tất cả có 300 lão, 700 giai, 3 tổng, 7 xã đều bỏ mạng sau mưu kế tàn ác của quân giặc. Chỉ có những người đứng ngoài canh gác và những người đi theo đường lạch thoát sang bên tỉnh khác thì thoát chết”, cụ Vững thống kê cụ thể về quân số của nghĩa quân chống quân Cờ đen năm nào.
Cụ kể thêm: “Ngày còn nhỏ, sỏ dĩ hang Huyện là một nỗi sợ hãi, ám ảnh của những người ở có gốc gác từ nơi khác đến. Tuy nhiên, chúng tôi là dân bản địa thì không sợ gì bởi những người chết trong hang ngày đó đều là anh em họ hàng, ruột thịt của mình nên coi như chuyện bình thường”.
Tro cốt một huyện người ở đâu?
Qua lời kể của cụ Vững, những thông tin của hang Huyện dần được hé lộ, những câu hỏi của chúng tôi cũng dần được trả lời. Tuy nhiên, vẫn còn một thắc mắc lớn, tại sao những người dân sống quanh vùng sợ hang Huyện như vậy thì những bộ hài cốt năm xưa đi đâu mất??? Vì sao, lại có những câu chuyện ma quỷ xung quanh hang Huyện khiến ít ai dám khám phá?.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi, cụ Vững nói: “Không ít lần khi xưa tôi vào hang còn gặp hình người nằm co quắp nhưng đã cháy thành than, động vào là vỡ vụn ra. Chuyện nhặt được xương cốt, tóc, dao cùn, cối giã trầu, liềm trong hang Huyện là chuyện bình thường thôi. Thông thường khi nhìn thấy xương cốt là chúng tôi lại mang ra ngoài mai táng lại, còn đa phần đã tan thành tro bụi lẫn vào đất đá ở trong hang hết rồi. Còn ma quỷ thì tôi chưa thấy bao giờ. Có lẽ do những ám ảnh từ xa xưa và những người yếu bóng vía từ nơi khác tới tưởng tượng ra từ tiếng của những đàn dơi lớn mà ra thôi”.
Theo những gì cụ Vững biết thì phía dưới cửa hang có 1 con suối rất lớn, đường đi vô cùng hiểm trở. Đó cũng chính là con suối nằm ở dưới hốc đá hình miệng rắn khổng lồ mà chúng tôi bị chặn lại khi đi khám phá trước đó.

Cụ Vững bên cuốn sổ “gia bảo” ghi lại những thông tin về hang Huyện năm nào
“Đi xuyên qua hang có thể sang được tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) nên mới có người may mắn sống sót năm xưa nhưng nay không biết lưu lạc phương nào. Xưa các cụ nói, nếu đi xuyên qua núi cũng phải mất đến 3 ngày. Thấy bảo khe để đi xuyên qua núi rất nhỏ, chỉ đi vừa 1 người. Chính nhờ đường khe này mà có một vài người sống sót khi bị quân Cờ đen hun khói”, cụ Vững khẳng định.
Vào năm 1965, cụ Vững cho biết từng được cử đi cùng đội trinh sát xuống tận đáy hang vẽ bản đồ, xây dựng xưởng vũ khí lúc đó.
“Tôi từng đích thân đưa đồng chí Nguyễn Văn Cát, Vũ Uyên của Tổng cục hậu cần Bộ Quốc phòng vào xuống đáy hang thăm dò. Hôm đó, tôi từng rất hốt hoảng vì hang quá hiểm trở, lại có rất nhiều rắn hang nằm khoanh tròn trên những tảng đá khiến những người đi cùng giật mình”.
Thực tế, đã có không ít những đoàn thám hiểm về đây với mục đích tìm hiểu cặn kẽ về những bí ẩn của hang Huyện nhưng cuối cùng đều để lại những cái lắc đầu ngán ngầm rồi sau đó không thấy trở lại.

Về những dấu tích nguyên sơ của trận đánh chống quân Cờ đen năm nào, theo lời cụ Vững thì dấu tích của trận đánh đó chỉ mất sau khi một đơn vị quân đội ta san phẳng lòng hang Huyện để làm xưởng vũ khí phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ những năm 1965 – 1966. Xưởng vũ khí trong hang Huyện bắt đầu đi vào sản xuất là ngày 15- 10 – 1967.

Cũng vì có xưởng sản xuất vũ khí của quân đội ta khi đó mà người lớn, trẻ con ở gần hang Huyện thi thoảng dám mò vào hang mót lại những phôi sắt mà đơn vị bộ đội để lại. Toàn bộ nền phía cửa hang rộng 4.140 m2 đã được san phẳng và xây dựng thêm một số hạ tầng khác.
TAMTHUC