Blog Tâm Thức
Người ‘sống chung’ với những oan hồn trên đỉnh đèo
Friday, 23/11/2012 00:00 am

Blog Tâm Thức

Suốt hơn 20 năm nay, chính hai ông đã chứng kiến và cứu sống không biết bao nhiêu mạng người gặp tai nạn khi vượt qua đèo cao hiểm nguy này…

Hai phận đời sống với những oan hồn

Đó là 2 người đàn ông có tên Nguyễn Văn Thọ và ông Nguyễn Bừa (56 tuổi) cùng trú tại khối phố 4, phường Kim Liên, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.

Lão từ Nguyễn Văn Thọ hàng ngày quét dọn các miếu thờ dọc hai bên đường nam Hải Vân

Suốt mấy chục năm nay, 2 ông ‘sống chung’ với những… oan hồn nơi đèo Hải Vân cao hun hút này.

Nơi “Đệ nhất hùng quan” này, hai người đàn ông này đều chọn cho mình nghề vá xe cho khách vượt đèo Hải Vân để kiếm sống qua ngày.

Khi vắng khách, cả hai ông lại lọ mọ quét dọn và hương khói cho những khóm thờ những người không may tử nạn.

Ông Bừa chọn phần đèo phía bắc có tên gọi Hải Vân quan hành nghề và ông Thọ chọn phía nam đèo có tên gọi “Đệ nhất hùng quan” làm nơi mưu sinh.

Hôm tôi vượt Hải Vân trong cái mưa phùn rét lạnh, cứ tưởng con đường đèo hiểm nguy sau khi thông hầm đường bộ sẽ vắng bóng người qua lại.

Nhưng khác với suy nghĩ của mình, con đường vẫn tấp nập những chuyến xe. Khách bộ hành vẫn muốn vượt con đường đèo hiểm trở như để nhớ lại ký ức kinh hoàng một thời vẫn chưa xa khi họ đã từng thót tim trên hành trình thiên lý bắc nam qua Hải Vân quan.

Trong ký ức chưa xa của mình, tôi vẫn còn nhớ như in hàng trăm chuyến vượt đèo Hải Vân ra Huế từ những năm 90 của thế kỷ trước. Mỗi chuyến vượt đèo là mỗi lần đối mặt với sinh tử.

Cứu sống hàng trăm mạng người gặp nạn nơi đèo cao

Những năm 80-90 của thế kỷ trước, đèo Hải Vân hiểm nguy lắm. Ngày nào cũng có tai nạn xảy ra, và người chết, bị thương do lật xe trên đèo thì vô kể.

Những am thờ cho người xấu số cứ thế mọc lên dày đặc dọc hai bên đường.

Cũng giống như ông Thọ, ông Nguyễn Bừa cũng là bộ đội xuất ngũ, cũng chọn đèo cao Hải Vân làm nơi kiếm sống, nuôi vợ con.

Ông Nguyễn Văn, một người thường xuyên qua lại đèo Hải Vân từ Kim Liên (Đà Nẵng) sang Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) để buôn bán kể lại rằng, suốt mấy chục năm nay, kể từ khi chưa có hầm đường bộ Hải Vân, mỗi khi vượt đèo xe bị hư hỏng là gọi hai ông Thọ và Bừa giúp đỡ.

Lão từ Nguyễn Văn Thọ sống bên miếu thờ ông Hổ hành nghề vá xe để kiếm sống.

Nhiều tai nạn thương tâm xảy ra trên cung đường đèo này cũng được hai ông tận tình cứu giúp và điện báo kịp thời với các cơ quan chức năng xử lý.

Kể từ sau khi hầm đường bộ Hải Vân hoàn thành, số người qua lại đèo ít hơn. Nhưng cũng không hiếm vụ tai nạn thương tâm xảy ra cũng được hai lão từ Thọ và Nguyễn Bừa kịp thời cứu giúp, đưa đi bệnh viện.

Hỏi chuyện lão từ Nguyễn Văn Thọ đã cứu giúp được bao nhiêu người bị nạn khi qua đoạn đường đèo nguy hiểm này? Lão lắc đầu bảo làm sao nhớ hết.

Còn lão từ Nguyễn Bừa kể cho tôi nghe câu chuyện cứu người cách đây 6 năm. Đó là vào đêm giữa tháng 3-2007, khi lão đang chuẩn bị ra về thì phía đầu khúc của phía bắc đèo xảy ra tai nạn, lão chạy đến thấy một thanh niên bê bết máu nằm bên vệ đường.

Giữa đêm đen, mình lão loay hoay cứu người bị nạn. Rất may lúc đó có chiếc ô tô qua đèo, lão Bừa bế xác thanh niên ra đường vẫy xe xin chuyển giúp đến bệnh viện Đà Nẵng.

Nhưng chủ xe từ chối. Không thể bỏ mặc nạn nhân, lão cương quyết lấy thân mình chặn xe. Lúc đó cũng may hành khách trên xe ủng hộ, nên cuối cùng chủ xe cũng đồng ý đưa nạn nhân đi cấp cứu.

Chàng thanh niên bị nạn được cứu sống tên Chung, quê tận Nghệ An, sau khi chuyển về công tác tại Đà Nẵng thường ghé lại nhà lão và bây giờ đã trở thành người thân trong gia đình.

Còn lão từ Nguyễn Văn Thọ thì hồi tưởng vụ tai nạn thương tâm xảy ra hồi đầu năm 2010. Lúc đó khoảng 15 giờ, vụ tai nạn xảy ra ngay trên khúc của cách miếu ông Hổ khoảng 500 m, khi đến nơi ông thấy một người đàn ông bê bết máu.

Ngay lập tức ông đưa người bị nạn đi cấp cứu.

Dọc đường qua đèo Hải Vân nhiều khóm thờ người tử nạn do tai nạn giao thông mọc chi chít bên đường

Mãi mấy tháng sau, có người đàn ông đến tìm, tự xưng là người được ông cứu trong vụ tai nạn và xin tạ ơn. Ông lắc đầu từ chối. Sau này ông mới hay đó là giám đốc một công ty tại Đà Nẵng, nhưng hỏi tên thì ông lắc đầu không nhớ.

Rất nhiều vụ tai nạn thương tâm trên đèo được hai lão kịp thời cứu giúp, và nhiều vụ cướp giật xảy ra trên đèo cũng được hai lão kịp thời báo cáo với công an truy bắt.

Tất cả những gì xảy ra bất thường trên cung đường đèo heo hút này cũng đều được hai lão giám sát và cấp báo với cơ quan chức năng xử lý.

Hôm vượt đèo Hải Vân, tôi tình cờ gặp khối phố trưởng khối phố 4 phường Hoà Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu Thành phố Đà Nẵng. Hỏi ông nhận xét về công việc của hai lão từ Thọ và lão từ Nguyễn Bừa, ông thật thà bảo, chuyện của hai ông tự nguyện quét dọn các ám thờ là đáng quí.

Điều đáng quí hơn là suốt mấy chục năm nay, với công việc ứng trực trên đèo đã giúp rất nhiều người đi đường gặp nạn và chính hai ông cũng đã góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ an ninh trên tuyến đường đèo nguy hiểm này.

Vũ Trung

TAMTHUC