Con người chắc chắn khác biệt với sỏi đá vốn được cho là vô tri vô giác. Tuy nhiên đó mới chỉ là một quan niệm hạn hẹp trong tầm nhận thức của nhân loại. Nếu chúng ta đứng xa ra và cố gắng tưởng tượng rộng hơn nữa, chắc chắn sẽ phát sinh một câu hỏi: Trái đất nơi chúng ta đang bám vào để sinh sôi nảy nở liệu có phải là một dạng tồn tại của sự sống? Trái đất nếu là một dạng tồn tại của sự sống, vậy hành tinh này sẽ bám trụ vào đâu để sinh tồn? Chắc chắn ai cũng biết câu trả lời là vũ trụ.
Vậy có khả năng vũ trụ cũng chính là một cơ thể sống hay không? Như thế chúng ta giống như những vi sinh vật vô cùng vô cùng nhỏ bé tồn tại trong vũ trụ này. Nó cũng không khác gì những vi sinh vật ở bên trong một cơ thể. Tuy nhiên cách so sánh đó có vẻ chưa vượt tầm khi nói đến vũ trụ, bởi so với con người, vũ trụ lớn vô tỷ, không ai có thể lường được.
Lại bàn về Trái đất. Sau khoảng 4 tỷ năm, con người đã nhận thức được việc chia sẻ Trái đất với rất nhiều loài động vật khác như voi, cá voi và khoảng 8 triệu loài sinh vật nhân chuẩn. Rõ ràng tất cả mọi giống loài trên hành tinh của chúng ta có sự gắn kết với nhau, bằng cách này hay cách khác và điều đó cho thấy toàn bộ sinh vật đều đang bám trụ trên cơ thể sống duy nhất là Trái đất.
Người đầu tiên coi vũ trụ giống một sinh vật vĩ đại là triết gia Hy Lạp Anaxagoras, nhưng ý tưởng về vũ trụ như một sinh vật sống phần lớn lại xuất phát từ triết gia nổi tiếng Plato, sau đó là Stoic, Plotinus dựa trên lý thuyết Neoplatonism.
Theo quan điểm về một cơ thể sống, những cấu trúc tạo nên vũ trụ như Thiên hà, Hố đen, Chuẩn tinh, Ngôi sao, Tinh vân, các hành tinh và cả chúng ta, có thể được xem như mô tế bào của một cơ thể sống khổng lồ, nói cách khác, là tổng thể bộ phận của cơ thể vũ trụ.
Sinh vật sống đặc thù bởi những yếu tố như sinh trưởng, phát triển, sinh sản và chết đi, vũ trụ cũng giống như vậy, theo đánh giá của giới khoa học.
Trên thực tế, khoa học tin rằng vũ trụ đang mở rộng, đồng nghĩa với tăng trưởng. Như vậy có nghĩa là trong tương lai xa, vũ trụ cũng có thể kết thúc giống như những sinh vật sống khác. Nhưng về sinh sản thì sao? Liệu vũ trụ có thể sinh sản hay không? Liệu có tồn tại một khái niệm gọi là đa vũ trụ? Và liệu có khả năng sự tồn tại của “đa vũ trụ” minh chứng cho việc có những sinh vật sống khổng lồ (vũ trụ) cư trú ở một nơi không tưởng? Nếu vậy thì liệu vũ trụ “của chúng ta” có “gia đình” của mình hay không?
TAMTHUCTheo nhà vật lý Lee Smolin, người sáng lập Viện vật lý Perimeter, vũ trụ của chúng ta đã tạo ra một gia đình với những “đứa con” là các vũ trụ tiềm ẩn tồn tại bên ngoài chân trời tăm tối của những hố đen.
“Các quy luật của tự nhiên luôn điều chỉnh hoàn hảo, do đó vũ trụ có thể nuôi dưỡng sự sống”, ông Smolin nói. “Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu các quy luật này thay đổi một chút. Lúc ấy vũ trụ sẽ không còn thân thiện như hiện giờ và chúng ta vẫn chưa giải đáp được bí ẩn về sự phát triển của thế giới sinh vật trong vũ trụ”.
Các nhà nghiên cứu vũ trụ thường vấp phải một vấn đề khó hiểu gọi là “sự hòa hợp hoàn hảo”. Nếu thiên nhiên thay đổi ở mức độ rất nhỏ, chưa đến 1%, các ngôi sao và thiên hà sẽ không bao giờ được hình thành và thậm chí cũng không có khái niệm nguyên tử.
Ông Smolin đã tìm kiếm một lời giải thích trực quan nhưng không mang tính vật lý và phù hợp với thuyết tiến hóa sinh học. “Chọn lọc tự nhiên lý giải cho các cấu trúc phức tạp của sự sống trong quá trình dần dần phát triển”, ông nói. Liệu vũ trụ phức tạp và bí ẩn của chúng ta có thể là kết quả của một phiên bản vũ trụ tiến hóa sinh học?
Nhiều người tin rằng vũ trụ của chúng ta đã được hình thành một cách chu toàn dưới bàn tay của Đấng Tạo Hóa, trong đó có sự sống của con người.
Tuy nhiên vẫn còn đó câu hỏi: Liệu vũ trụ một khi đã là cơ thể sống, có tổ tiên hay không? Vũ trụ có chịu tác động về thời gian và có tiến hóa như những dạng sinh tồn khác hay không?
Theo ông Smolin, câu trả lời nằm ở trung tâm của các hố đen không thể thâm nhập, nơi các quy luật vật lí được biết đều không tồn tại. Ở hố đen có thể tồn tại một dạng quy luật khác liên quan đến hấp dẫn lượng tử, nhưng đến giờ vẫn là một dấu chấm hỏi. Một số nhà vật lý tin rằng, một ngôi sao nổ tung sẽ sản sinh hố đen, cũng vào thời điểm đó vũ trụ mới sẽ ra đời.
Theo Smolin, vũ trụ của chúng ta có thể chỉ là một nhánh trong vũ trụ khổng lồ mãi mãi phát triển. “Hệ vũ trụ này vận động đúng như một sinh vật, quần thể vũ trụ có khả năng tạo ra những đứa con thông qua các hố đen”.
Ông Smolin thậm chí còn phát hiện sự tương đồng kỳ bí giữa hệ vũ trụ và hệ sinh học.
Ông tin rằng, để hình thành một hố đen cần có ngôi sao rất lớn, những đám mây khí lạnh và bụi khổng lồ. Những chất này có thể chuyển hóa thành carbon monoxide, cacbon và ôxy đều cần thiết để hình thành sự sống. Theo ông Smolin, hai thành tố này hiện diện với quy mô lớn trong vũ trụ, và lý do khiến vũ trụ thân thiện đối với sự sống chính là tác dụng phụ khi nó sinh sản.
Nếu cách lý giải của nhà vật lý Smolin có phần đúng thì các định luật vật lý mà chúng ta biết và hiểu ngày nay đã được điều chỉnh một cách cẩn thận để duy trì khả năng sinh sản của vũ trụ. Đó cũng là quy luật tạo cơ chế khiến thế giới của chúng ta xuất hiện và phát triển sự sống dựa trên carbon, oxy và hóa học.
Theo minhbao.net
TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/vu-tru-la-mot-co-the-song-khong-lo.html