Khái niệm phong thuỷ rất quen thuộc trong dân gian Việt Nam xưa và nay với nhiều cách nhìn khác nhau. Có cách nhìn theo hướng thần bí và tin phục, có cách nhìn theo hướng tiêu cực. Trên thực tế, người ta ít công khai bàn về phong thuỷ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có thời, những sách viết về phong thuỷ không được phép xuất bản, nếu có sẽ bị thu hồi. Nhưng có điều ai cũng thấy, ngày nay bất cứ ai khởi công tu tạo, làm nhà, lập móng, mua đất…đều chọn thế đất, hướng nhà, xem tuổi, xem ngày làm nhà…Do vậy, thuật phong thuỷ là một nhận thức đầy mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm trong xã hội ngày nay.
Lịch sử hình thành và phát triển
Để lý giải hiện tượng trên là một điều hết sức khó khăn, vì lẽ kể cả Trung Quốc nơi xuất hiện thuật phong thuỷ và kế đó là Việt Nam hay bất kỳ nước nào…từ xưa đến nay rất ít học giả, các nhà khoa học nghiên cứu phong thuỷ một cách nghiêm túc. Một lý do nữa, phần lớn các nhà nghiên cứu coi thường môn học vấn này, cho đó là không có cơ sở khoa học.
Cuối cùng, thuật phong thuỷ rất khó nghiên cứu, khó thâm nhập bởi các khái niệm về thiên văn, về địa lý hết sức trừu tượng, mà lại không có trong bất cứ trong các từ điển thuật ngữ hiện có nào. Tuy nhiên phong thuỷ tồn tại cách đây hàng ngàn năm mà vẫn còn lưu truyền cho đến ngày nay, khiến mọi người phải suy ngẫm về sức mạnh và tính logic của nó. Vậy phong thuỷ là gì?
Người Trung Hoa thời Tần Hán đã phát hiện ra giữa trái đất, môi trường sống và con người có liên quan đến sự phát triển, bại suy…Để điều chỉnh cuộc sống sao cho tốt đẹp hơn, người xưa đã chọn đất để ở và vùng đắc địa làm chỗ chôn cất người quá cố.
Hàn Tín một danh thần của Hán Cao Tổ Lưu Bang, lúc còn trẻ, mẹ mất, nhà nghèo, không được chôn mẹ trong khu mộ của thôn, có người biết phong thuỷ chỉ chỗ đất tốt, liền chọn gò có thế “ cao bỉ địa” chôn mẹ. Sau này công thành danh toại, được phong Sở Vương vạn hộ hầu.
Các danh sư đời Tống cũng cho rằng, không phải nơi nào cũng gia phúc cho người ở, mà phải đúng lúc, phải đợi thời. Câu thành ngữ “đất có tuần, dân có vận” từ ý này mà ra. Đất phát tài phát lộc không phải ai cũng được hưởng mà đất nào chủ nấy, với người này thì tốt, người khác thì không. Do vậy, người xưa có câu: “Phúc nhân cư phúc địa”. Thời Tây Hán, đã có quan niệm khi làm nhà “kiêng hướng Tây thì lợi nhà”, “kiêng lên gò để tránh tù tội”.
Tuy vậy, thuật phong thuỷ được thịnh hành, nâng lên thành lý luận, đồng thời xuất hiện nhiều sách và các danh sư phải kể đến đời Tống của Trung Hoa cổ đại (960-1127). Ở thời kỳ này, các nhà phong thuỷ đã đem triết lý Âm Dương vào luận bàn đất cát (tốt ), đất hung (xấu) cho nơi ở.
Họ quan niệm rằng: Đất bằng phẳng là đất ở tốt nhất, đất nghiêng về Đông Nam, Tây Bắc cao là thứ nhì. Nếu phải ở nơi đất dốc thì nước chảy không đọng xung quanh là được. Còn nếu đất cao thì phải có đồi núi ôm lấy mà không bị khuyết là ở được. Đại để là như vậy, khu vực nào như thế là đất lành, ở tốt, trái lại phạm hung.
TAMTHUCThời Tống, người ta coi nơi ăn chốn ở có tầm quan trọng bậc nhất: “Thứ nhất dương cơ, thứ nhì mồ mả”. Do vậy, thời đó người ta bàn nhiều về thế đất, cảnh quan nơi ở.
Sách “Vi lược –Trạch kinh”, một cuốn sách phong thuỷ nổi tiếng thời Tống viết: “Phàm ở nơi mà Đông thấp Tây cao thì phú quý, hào hùng; trước cao sau thấp thì môn hộ tuyệt diệt, trước thấp sau cao trâu ngựa đầy đàn, phàm là mặt đất bằng phẳng hoặc trước thấp sau cao nếu ở sẽ gặp nhiều chuyện lành. Tây cao mà Đông thấp ở thì phú quý, sẽ sinh ra người hiền; trước cao sau thấp, ở thì gặp chuyện dữ; bốn phía đều cao mà ở giữa thấp, trước giàu sau nghèo”.
Những vấn đề nêu trên là nói về ngoại cảnh nơi ở, người Tống còn đi sâu tìm hiểu cấu trúc, kiểu dáng ngôi nhà, khuôn viên nơi ở…cũng tác động đến vận may điềm rủi cho chủ nhà: Gọi là ngoại cảnh. Cuốn sách “Ngô hưng chi – Đàm chí” đời Tống khi bàn về nội cảnh viết: “Đại sảnh ở chính giữa, tiền môn (cổng cao để nhìn xa) chắn phía dưới, cây xanh ở phía sau…Lầu minh nguyệt (để ngắm trăng) ở góc Tây Nam, hình thành thế hổ ngồi, hợp với luận thuyết của các nhà Âm Dương”. Ý nói khuôn viên như trên, cuộc sống thật đại phú, đại quý mà lâu bền.
Nếu có sự phối hợp cái cát của ngoại cảnh và nội cảnh thì có lợi cho di dưỡng tinh thần người ở và theo đuổi nghiệp học đỗ đạt cao.
Các danh sư đời Tống cũng cho rằng, tuy chọn được ngoại cảnh và nội cảnh tốt, xong khi khởi công xây dựng cũng cần chọn năm tháng ngày giờ tốt, xem tuổi làm nhà, ngày nhập trạch…
Thời Minh (1368-1644) Thanh (1644-1912), thuật phong thuỷ phổ biến rộng khắp trên cái lý của nhà Tống. Các vua chúa, vương công, đại thần cả hai triều đại đều quan tâm sát sao tới phong thuỷ khi chọn đế đô, xây cất cung điện, chọn đất và xây cất lăng tẩm. Để chỉ đạo việc xây cất theo phong thuỷ, triều Thanh đã cho thành lập hẳn một cơ quan là Ty Thiên giám, điều mà các triều đại trước đó không hề có.
Dưới thể chế chính trị của nước CHND Trung Hoa, thuật phong thuỷ bị coi là mê tín dị đoan, cấm truyền bá và in sách báo…Nhưng từ những năm cuối thế kỷ XX, thuật phong thuỷ lại được phổ biến, các sách về phong thuỷ được xuất bản, phổ biến rộng khắp.
Nhiều nhà nghiên cứu và ứng dụng thuật phong thuỷ cũng xuất hiện. Trong đó đáng chú ý là nhà học giả kiêm pháp sư Tuệ Duyên, đã cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Phong thuỷ học”(Nhà xuất bản Bắc Kinh, 2002. Sách dịch ra tiếng Việt với nhan đề: Kiến thức nhà ở theo phong tục dân gian. NXB Hải Phòng, 2003).
Đây có thể coi như một cuốn giáo khoa về phong thuỷ, coi phong thuỷ là một bộ môn học với một hệ thống khái niệm hoàn chỉnh có những cách lý giải theo một logic riêng. Như vậy, tại Trung Quốc hiện nay, phong thuỷ được coi như một môn học và được phổ biến rộng khắp. Dân gian thời nhà Thanh trọng phong thuỷ đến mức đã tạo ra một lối kiến trúc khuôn viên nơi ở có tên là “Tứ hợp viện”. Đó là lối kiến trúc nhà ở bốn bên sân ở giữa, cổng mở ở hướng chính nhà. Họ cho rằng, nhà như vậy ở cực kỳ đại cát đại lợi.
Phong thủy ở Việt Nam
Tại Việt Nam, phong thuỷ có từ bao giờ? Cho đến nay chưa có tài liệu nào trả lời chính xác. Song dân gian xứ Việt từ xưa tới nay, khi nói đến phong thuỷ đều nhắc tới hai nhân vật huyền thoại là Tả Ao và Cao Biền.
Cao Biền: Là quan lại thời Đường Hy Tông Trung Hoa cổ đại, năm Giáp Thân (864 ) sang làm Đô hộ sứ đất Giao Châu (xứ Việt ta lúc đó còn là Bắc thuộc lần thứ ba). Dân gian xứ Việt thời đó ít nhắc tới tài cai trị, nhưng lại nói nhiều đến thuật phong thuỷ của ông, như việc trấn yểm các huyệt phát đế vương, phát người hiền tài trên đất Giao Châu.
Tả Ao: Được dân gian Vịêt Nam tôn là Thánh Địa lý, coi ông là người giỏi nhất về phong thuỷ của Việt Nam. Xưa kia, ông tên là Nguyễn Đức Huyên, người làng Tả Ao huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh, sinh vào thời vua Lê chúa Trịnh.
Tả Ao rất giỏi y thuật, chuyên chữa bệnh về mắt cho dân, từ chối rất nhiều lời đề nghị xem đất cát, mồ mả. Ông chỉ để đất trong những trường hợp đặc biệt, nhưng rất hãn hữu. Ông không truyền nghề cho ai, nhưng lại để hai bộ sách về phong thuỷ cho hậu thế, như Bộ Địa diễn ca và Bộ Dã đàm Tả Ao. Bộ Địa diễn ca được viết theo lối văn vần về thế đất, huyệt đất, long mạch, tụ thuỷ…Bộ Dã đàm viết có tính hướng dẫn đi vào những kiến thức cơ bản của phong thuỷ, những ứng dụng quan sát các vùng đất cát, đất hung và cách sử dụng.
Theo minhbao.net
TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/thuat-phong-thuy-co-tu-khi-nao.html