(tamthuc.com)-Từ lâu, bùa yêu ở một số tỉnh miền núi phía Bắc đưa đến không ít câu chuyện ly kỳ. Người bị “dính” bùa thì tin đó là phép thuật cao siêu, người nghe kể thì cho là chuyện huyễn hoặc. Cứ thế, bức màn bí ẩn về việc bỏ bùa cho tình yêu được phủ đầy qua năm tháng.
Những câu chuyện ly kỳ
Người dân xóm Riều Bồ, xã Tân Minh (Đà Bắc – Hòa Bình) vẫn chưa hết hoang mang và bàn tán về cái chết của chị Xa Thị Tịnh, sinh năm 1960 vào tháng 12/2009. Theo người dân ở đây, vì tranh chấp 1ha luồng mà Xa Thị Huệ, em dâu chị Tịnh đã nhờ thầy bỏ bùa ác khiến chị Tịnh ốm nặng và mất sau 12 ngày dính bùa. Những người dân xung quanh gia đình chị Tịnh đều cho là chị chết do bị bỏ bùa nhưng sự việc cụ thể thì không ai nắm chắc và lời đồn thổi cứ lan rộng, gây xôn xao một vùng.
Trái với trường hợp của chị Tịnh, ở Đà Bắc không ít trường hợp nhờ các thầy bỏ bùa mà việc dữ hoá lành, nhà tan cửa nát lại yên ấm lạ thường. Qua đó, khiến nhiều người có niềm tin, sự thành kính về tính nhiệm màu của lá bùa bí ẩn.
Cách đây vài năm, anh Đinh Văn Đà sinh năm 1983 ở xã Cao Sơn (Đà Bắc) từng sống ở miền Nam. Vì công việc không thuận lợi nên gia đình khuyên về, nhưng về nhà một thời gian và do yêu một cô gái ở miền Nam nên Đà nằng nặc đòi vào Nam cưới vợ. Bố của Đà nhờ một thầy cùng xóm và sau ít ngày Đà bỗng dưng chuyển đổi tâm tính, không đòi đi miền Nam nữa, ở nhà tu chí làm ăn. Khi chúng tôi đề cập đến chuyện làm bùa cho con mình, bố của Đà thủ thỉ với chúng tôi bằng giọng nói và ánh mắt thể hiện niềm tin, xen lẫn thành kính: “Tài ghê lắm chú à. Bà Tâm (tên người làm bùa – PV) chỉ bảo viết tên của cháu, kể về sự việc của nó, rồi thắp hương, lầm rầm khấn vái thế nào mà sau vài ngày nó thay đổi hẳn tâm tính, cứ như phép thần vậy. Tôi như trút được gánh nặng. Giờ thì cháu nó thuần tính lắm rồi”.
Chân dung những thầy bùa
Hợp thành cho đôi trai gái chỉ có tình yêu một phía; hồi tâm chuyển tính để quay lại với gia đình; khiến người nào đó quý mến, đối tốt với mình trong công việc; làm cho số vận đang xấu trở nên tốt và thậm chí làm cả bùa để đòi được nợ đều có thể làm được. Đây là lời khẳng định của tất cả những người làm bùa mà chúng tôi tiếp xúc, nhưng cũng theo lời họ, cũng còn tuỳ từng trường hợp, không phải tất cả đều thành công.
Tại nhà bà Đinh Thị Tâm ở Cao Sơn, một người có tiếng về làm bùa ở Đà Bắc, chúng tôi được chứng kiến cách thực hiện của bà cho người thanh niên đến xin bùa tình duyên. Anh Hân bị người yêu bỏ sau khi đã yêu nhau hơn 3 năm. Sau khi biết tên tuổi của người xin bùa, bà Tâm đi vào buồng trong, một lát mang ra một gói muối, đúng hơn là một gói gia vị của mì tôm, một mẩu gừng và một bát nước có chiếc lược đặt bên trên. Tiếp đó, bà Tâm bảo anh Hân cởi chiếc áo đang mặc, rồi đặt tất cả những vật đó lên ban thờ. Thắp xong 3 nén hương, bà Tâm vừa khấn, vừa hà hơi từ miệng vào những vật đó. Xong việc, bà Tâm nhúng chiếc lược vào bát nước và chải đầu cho anh Hân, rồi dặn: “Cậu luôn để hai vật này ở túi ngực, tránh mang vào những nơi ô uế. Khi gặp cô bạn thì cả hai cùng ăn gói muối này bằng cách bỏ vào thức ăn hay nước uống, còn mẩu gừng thì cứ giữ ở ngực áo”.
Bà Tâm cho biết, trong mấy chục năm làm bùa, bà đã làm thành công cho nhiều người, những trường hợp về tình duyên là đơn giản nhất, những trường hợp như đòi được nợ, đổi số vận xấu sang tốt bà cũng thành công. Theo bà Tâm, làm bùa không phải ai cũng học là được. Bà học được từ ông nội và 6 anh chị em của bà chỉ có một mình bà làm được việc này, bà cho rằng đó là cái duyên. Khi chúng tôi gợi chuyện về bỏ bùa ác, bà Tâm cho biết, đó là những việc thất đức, bà không bao giờ làm.
Những câu chuyện ly kỳ trên khiến chúng tôi không thể không đi tìm câu trả lời một cách khoa học.
Về cái chết của chị Xa Thị Tịnh, hồ sơ bệnh án của chị lưu tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình kết luận, chị Tịnh nhập viện do bị sốc nhiễm độc cấp độ nặng, sau đó chị có hiện tượng không qua khỏi, gia đình không đủ kinh phí để điều trị cho chị nên đã xin về nhà, ngay sau đó, chị mất tại nhà.
Về trường hợp của Đinh Văn Đà, tiếp xúc với chúng tôi, anh cho biết: “Không biết gia đình tôi đi xin bùa và bỏ cho tôi như thế nào nhưng sau khi mọi người khuyên nhủ, tôi suy nghĩ lại và thấy vào miền Nam là việc không nên khi tôi không thể mưu sinh bằng hai bàn tay trắng. Đó là lý do khiến tôi thay đổi suy nghĩ”.
Như vậy, bùa ngải nếu nhìn một cách tích cực thì đó là nét văn hóa của nhiều dân tộc, thể hiện ước mơ hạnh phúc, nhưng cũng đừng nên lạm dụng nó để hoạt động mê tín dị đoan, gây dư luận không tốt cho xã hội.