Blog Tâm Thức
Thiện hữu thiện báo: Trời sẽ che chở và minh oan cho người tốt
Monday, 06/06/2016 17:58 pm

Blog Tâm Thức

Bị mọi người hiểu lầm, vị hòa thượng đành phải bỏ ngôi chùa ấy mà đi, trong lòng vẫn không một chút oán hận. Tuy nhiên, thiện hữu thiện báo, cuối cùng Thần linh sẽ che chở và minh oan cho người tốt.

Thiện hữu thiện báo, minh oan, giúp người mắc oán,

Bị mọi người hiểu lầm, hòa thượng đành phải bỏ ngôi chùa ấy mà đi, nhưng trong lòng vẫn không một chút oán hận. (Ảnh: Internet)

Vào triều đại nhà Thanh có gia đình họ Tưởng vô cùng giàu có. Tưởng viên ngoại có một người con trai đã đến tuổi trưởng thành nhưng lại không lo học tập, làm việc mà chỉ ăn chơi tiêu tiền hoang phí. Vì tuổi đã cao nên ông vô cùng lo âu buồn phiền cho con trai và gia thế của tổ tiên để lại.

Tưởng viên ngoại có quen biết với một vị hòa thượng họ Trần. Ông biết vị hòa thượng này là người nhân đức trung hậu nên hết lòng tin tưởng. Những ngày cuối đời, ông lặng lẽ gói ghém 1.000 lượng bạc rồi mang đến giao cho vị hòa thượng và nói: “Tôi đã già rồi, con trai lại bất tài vô dụng. Sau khi tôi chết, nếu như con trai tôi có thể hối lỗi cải sửa thì xin ngài hãy giao lại số tiền này để cứu tế nó. Còn nếu như nó không biết hối cải, tôi xin ngài hãy dùng số tiền này để tu sửa chùa!”

Vị hòa thượng nhận số tiền và lời dặn dò của Tưởng viên ngoại. Ông đem 1.000 lượng bạc bỏ vào một cái hũ, dùng một cái khánh cũ của nhà chùa đậy lên và chôn xuống dưới đất, không cho bất kỳ một ai biết.

Mấy năm sau mặc dù Tưởng viên ngoại đã mất nhưng con trai của ông không hề hối cải mà càng ăn chơi phóng túng hơn. Chẳng mấy chốc toàn bộ tài sản trong nhà đã hết sạch, vợ của anh ta cũng bỏ về nhà mẹ đẻ sinh sống. Lúc bấy giờ anh ta cũng không còn nơi để ở. Vị hòa thượng biết vậy nên thường xuyên giúp đỡ anh ta, dạy anh ta một số nghề để kiếm sống.

Sau một thời gian quan sát, hòa thượng nhận thấy con trai Tưởng viên ngoại thực sự đã hối cải, tu chí làm ăn. Ông liền nói với anh ta rằng: “Cha của cậu trước khi mất có nhờ ta cầm giúp 1.000 lượng bạc. Cậu hãy đi theo ta đào số bạc này và mang về lập nghiệp”.

Hai người đi đến nơi hòa thượng chôn bạc nhưng đào xuống thì phát hiện toàn bộ số bạc đó đã “không cánh mà bay” từ bao giờ, tìm thế nào cũng không thấy. Con trai Tưởng viên ngoại nghĩ rằng hòa thượng đã đánh cắp số bạc trên nên lập tức tới báo quan phủ. Hòa thượng vì là người thành thật, giữ chữ tín nên thành khẩn khai báo và bị phán rằng phải đền bù 1.000 lượng bạc cho con trai nhà họ Tưởng.

TAMTHUC

Hòa thượng trong lòng không oán không giận, đem hết số tiền đã tích lũy cả đời để trao trả cho con trai Tưởng viên ngoại. Nhưng toàn bộ số tiền mà ông tích lũy cả đời cũng chỉ đủ để trả 1/10 số bạc đã mất mà thôi. Những người không hiểu rõ sự việc đều kéo đến nói ông là người xấu xa, dần dần hòa thượng đành phải bỏ ngôi chùa ấy mà đi, nhưng trong lòng vẫn không một chút oán hận.

Mấy năm sau, hòa thượng trở về một ngôi chùa ở địa phương bên cạnh. Khi đi ngang qua một cái ao sen, ông đã gặp một người hầu đang chơi đùa cùng một đứa bé trước cổng nhà một vị quan. Không ngờ, cậu bé vừa nhìn thấy hòa thượng đi qua thì liền chạy nhanh đến ôm chầm lấy ông, vui cười thích thú.

Người hầu muốn đến gần bế đứa bé vào nhà nhưng cậu bé không chịu theo. Người hầu không còn cách nào đành phải nhờ hòa thượng bế cậu bé đi vào trong nhà. Vị quan nghe người hầu bẩm báo đã ban tặng cho hòa thượng chút quà và để ông rời đi. Nhưng tiểu công tử gào khóc và chạy theo hòa thượng mãi không thôi. Vị quan kia vì chiều lòng con trai nhỏ đã mời hòa thượng ở lại căn phòng nhỏ ở vườn sau.

Hòa thượng muốn được niệm kinh và gõ mõ. Vì vậy người hầu trong nhà đã mang đến một chiếc khánh cũ để ông dùng. Hòa thượng vừa nhìn thấy chiếc khánh liền kinh ngạc nói: “Đây là chiếc khánh của ta mà!”. Sau đó ông kể lại đầu đuôi câu chuyện về chiếc khánh này và số bạc bị mất cùng với mấy năm tháng lưu vong tha hương bên ngoài cho mọi người nghe.

Vị quan kia nghe xong, liền sửng sốt hốt hoảng. Ông nhìn sang cậu con trai và thầm nghĩ: “Phải chăng con trai ta là Tưởng viên ngoại đầu thai đến để giúp giải oan cho hòa thượng đây?”. Ông nói với hòa thượng: “Sau khi vợ ta sinh hạ con trai được 3 ngày, khi đào đất để chôn nhau thai thì tìm thấy cái hũ đựng số bạc kia. Bên trên cái hũ đúng là chiếc khánh cũ này. Ta đã đem số bạc kia cho một tiệm vải mượn, còn có lãi, đến nay đã được 5 năm”.

Vị quan vô cùng cảm kích trước lòng thành tín của vị hòa thượng, đồng thời ông cũng thấu hiểu cảnh vị hòa thượng bị người đời cười chê, phải bỏ chùa đi tha hương suốt mấy năm liền.

Ông lập tức phái người nhà đến tiệm vải thu hồi lại toàn bộ số tiền và số lãi thu được trong suốt 5 năm trả lại cho vị hòa thượng và đưa ông trở về ngôi chùa cũ. Đồng thời ông cũng viết thư cho quan phủ nơi hòa thượng sinh sống để mọi người biết rõ chân tướng sự việc và phẩm chất cao quý của hòa thượng.

Người dân trong vùngsau khi hiểu được sự thật, ai nấy đều vô cùng cảm động. Về sau này, người dân địa phương còn khắc bia để lưu danh vị hòa thượng này để người đời lấy đó làm tấm gương học tập.

Theo Daikynguyenvn

TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/thien-huu-thien-bao-troi-se-che-cho-va-minh-oan-cho-nguoi-tot.html