Nói ghép tạng, các vấn đề thường được ưu tiên bàn luận sẽ là thời gian chờ tạng, chi phí, tỉ lệ đào thải và số năm kéo dài cuộc sống… Nhưng có một hiện tượng ít được nhắc tới, đó là “sự thay đổi nội tâm” của bệnh nhân.
Khá nhiều trường hợp ghi nhận thấy có sự thay đổi cơ bản ở bệnh nhân ghép tạng, mà người ta cho rằng đó là được “truyền” sang từ người cho nội tạng đó: tính tình thay đổi, sở thích đọc sách, chơi thể thao đã thay đổi, thậm chí có trường hợp thực sự cảm thấy như thể sống trong một cơ thể khác, hay là có một người nữa cùng tồn tại trong thân xác.
Tờ Telegraph từng đưa tin về Kevin Mashford. Kevin đã được ghép tim từ một người đàn ông chơi xe đạp thể thao bị chết trong một vụ tai nạn, và từ đó Kevin cũng đam mê đạp xe.
Trước khi phẫu thuật, Kevin gần như chưa từng cưỡi lên một chiếc xe đạp nào trong đời mình . Ấy vậy mà bảy ngày sau khi phẫu thuật tại Bệnh viện Freeman ở Newcastle, anh đã yêu cầu nhân viên vật lý trị liệu mang lại cho một chiếc xe đạp tập thể dục và bắt đầu đạp bảy phút mỗi ngày trong tuần. 8 tuần sau khi xuất viện, người đàn ông 38 tuổi này tự mua cho mình một chiếc xe đạp thể thao…
Và còn có rất nhiều trường hợp tương tự đã được nghiên cứu.
Bác sĩ tim mạch người Mỹ, Paul Pearsall nghiên cứu những hiện tượng thay đổi về tinh thần và cá tính của hơn 100 bệnh nhân ghép tim. Sau khi phẫu thuật thành công, họ đã mô tả những thay đổi trong trạng thái tinh thần và tâm linh của mình một cách khá cởi mở.
Có một thực tế khá khắc nghiệt rằng, những người nhận tim ghép phải dùng thuốc thải trừ miễn dịch suốt phần đời còn lại, điều này dẫn đến nguy cơ cao mắc ung thư và các bệnh nhiễm trùng. Nhưng dường như đó chị là một mặt hậu quả của ghép tim.
Cùng với những thay đổi trên cơ thể, người nhận mô ghép dường như cũng kế thừa cả những đặc điểm linh hồn của những người hiến tạng.
Trong một số trường hợp hiện tượng này xuất hiện rõ ràng, bệnh nhân cảm thấy “giống như người lạ trong cơ thể mình“. Một bệnh nhân ghép gan thay đổi một cách đáng kinh ngạc sau phẫu thuật, cô mong được uống một cốc bia lớn dù trước đây chưa từng sử dụng đồ uống có cồn. Trước khi phẫu thuật, cô là một tín đồ âm nhạc cổ điển nhưng sau đó cô lại thích nhạc rap, điều mà cô không thể tưởng tượng được trước đây. Bây giờ cô có cảm giác như có người lạ bên trong cơ thể mình.
Một bệnh nhân nam giấu tên đã nói: “Tôi cảm thấy như ca phẫu thuật cấy ghép đã bàn giao cơ thể tôi cho một linh hồn khác – những cảm xúc của tôi, cách tôi hành động, cách tôi cảm nhận cuộc sống, suy nghĩ của tôi, mong muốn của tôi, tất cả đều thay đổi, cứ như có hai linh hồn sống trong tôi“. Người thân của ông thấy rằng ông không còn nhân cách, tính cách, thói quen và sở thích của chính mình. Vậy là các bệnh nhân cấy ghép có thể tiếp tục sống sau phẫu thuật nhưng người nhà hay thậm chí chính họ có thể không nhận ra nổi tính cách của mình.
Bác sĩ Paul đã thống kê những phát hiện này và so sánh với tính cách của những người hiến tạng. Ông nhận thấy rằng những thay đổi tính cách này thực sự giống với của người hiến tạng.
Nhiều lý thuyết được đưa ra để giải thích những hiện tượng này nhưng đa số đều chưa thỏa đáng.
Theo tiến sĩ Jack Copeland, bác sĩ phẫu thuật tim hàng đầu ở Mỹ, sau phẫu thuật, một số người ốm đau sẽ trở nên khỏe mạnh nên không có gì ngạc nhiên khi họ sẽ bắt đầu những hoạt động mà trước đây điều kiện sức khỏe không cho phép. Một số người thậm chí còn thay đổi hoàn toàn, sống tích cực để bù lại quãng thời gian bỏ phí vì bệnh tật.
Còn theo tiến sĩ John Schoroeder (Đại học Stanford), sự kết hợp của hàng chục loại thuốc chống đào thải sau phẫu thuật và các chất gây mê trước đó đã tác động rất lớn đến tâm lý bệnh nhân, khiến họ thay đổi thói quen sinh hoạt.
Gây tranh cãi nhất là cách giải thích dựa trên lý thuyết về “ký ức tế bào”. Một số chuyên gia tâm lý Đại học Arizona cho rằng, mọi tế bào đều mang một phần năng lượng và ký ức của cơ thể mà từ đó nó sinh ra. Một khi tế bào còn sống thì ký ức còn tồn tại và nó sẽ tiếp tục hoạt động khi tế bào mang nó được cấy ghép vào cơ thể mới. Như vậy, ký ức của một con người có thể nằm ở bất cứ đâu trong cơ thể: tim, phổi, thận, gan… Chính những bộ phận này sẽ đem ký ức về người hiến tặng sang người nhận và làm thay đổi thói quen của họ (- VNE).
Ngoài ra còn có lý thuyết liên quan đến sức ép tâm lý, từ đó có thể gây biến động về ADN. Nội tạng của những người chịu sức ép lớn về tâm lý (chẳng hạn như tù nhân…) được coi là không tốt cho việc ghép tạng. Sau khi nhận được nội tạng mới, bệnh nhân trong thời gian ngắn có thể cảm thấy tiến bộ về sức khỏe nhưng về lâu dài thì sẽ nảy sinh vấn đề. Một số trường hợp, người nhận tạng báo cáo về những cơn ác mộng hoặc bệnh tâm lý có liên quan tới những ký ức đau khổ của người hiến tạng.
Tại sao người phương Đông không sẵn sàng cho việc cho – tặng (hay mua – bán) một bộ phận cơ thể người, ngay cả các bộ phận ấy được lấy đi sau khi họ đã chết?
Văn hóa phương Đông chịu ảnh hưởng sâu rộng của Đạo như tu luyện thân và tâm theo đạo, hành xử theo đạo hay dưỡng sinh theo đạo. Thân và tâm, thể xác và linh hồn là 2 khái niệm gắn bó và hợp nhất, chứ không tách biệt như khoa học phương Tây.
Trường phái Đạo gia xem thân thể người như một “tiểu vũ trụ“, như vậy mỗi người tuy khác nhau nhưng tất cả đều vận hành (hay vận động) như một vũ trụ nhỏ, độc lập, hoàn chỉnh và thống nhất, mỗi bộ phận đều giữ một vai trò không thể thiếu trong đó. Khoa học hiện đại cũng ủng hộ quan điểm này, khi dùng kính hiển vi phóng to các cơ chế làm việc trong một tế bào hay ADN thì các bộ phận hoạt động nhịp nhàng và phức tạp cũng hệt như một nhà máy khổng lồ, mà đó mới chỉ là ở cấp độ phân tử, nếu phóng to thêm nữa thì chưa biết sẽ “sinh động, náo nhiệt” tới nhường nào.
Như vậy, mỗi cơ thể (mỗi cá nhân) lại là một “thế giới” hoàn toàn khác biệt. Sự khác biệt này có thể xảy ra ở ngay cấp độ tế bào, hoặc dưới tế bào.
Khi nhìn bề ngoài bằng mắt thường thì đều là thận, là tim, nhưng thận của mỗi người là mỗi khác, tim ấy là khác, chúng có đặc tính riêng, mang những đặc tính, ký ức, “linh hồn” riêng biệt của chủ thể. Vì vậy khi đem ghép một phần của “tiểu vũ trụ” này vào “tiểu vũ trụ” kia, nó không ăn khớp được, sinh ra sự đào thải mà thể hiện ra chi tiết là các phản ứng miễn dịch, hoặc sinh ra các biến đổi khác nhau về tâm sinh lý.
Chưa có con số thống kê rõ ràng, nhưng dường như các bệnh nhân có ghép tim là thể hiện sự thay đổi rõ nhất. Ai cũng biết trái tim có vai trò quan trọng như thế nào với sức khỏe và tâm tư của con người, các đặc tính từ tim cũng rất mạnh mẽ. Người phương Đông còn có khái niệm “tâm tưởng”, tức là có lúc cảm thấy như thể suy nghĩ là từ tim, rồi lắng nghe con tim…
Như vậy, ghép bộ phận nào thì bộ phận đó sẽ mang theo những “đặc tính” của cơ thể gốc, tác động lên cơ thể tiếp nhận, thể hiện ra những biến đổi tâm sinh lý, thói quen cho người nhận tạng. Nhiều trường hợp xác nhận rằng không chỉ có thay đổi về tính cách thông thường, mà còn có cả những giấc mơ, sự ám ảnh, những mối hận thù, hay những điều này khác của người cho tạng trước khi chết. Vậy là nếu anh ta mang tình yêu lớn với đua xe đạp, thì có thể người nhận tạng sẽ tiếp nhận luôn niềm say mê đó, như đã xảy ra với Kevin.
Còn nếu như nội tạng đó mang theo sự thù hận, sự thống khổ trước khi chết, cướp lấy từ những cái chết cưỡng ép thì chuyện gì có thể xảy ra?
Triệu Vũ
Tài liệu tham khảo:
The life-saving operations that change personalities
The Science of Organ Transplants
: