LƯỢC
KHẢO VỀ KIẾN TRÚC LĂNG MỘ TRUNG QUỐC.
Dương
Đạo Minh
Lời
người dịch:Lược khảo về kiến trúc lăng mộ Trung Quốc của tác giả
Dương Đạo Minh vốn là một chuyên luận đăng trong bộ Trung Quốc Mỹ Thuật Toàn
Tập (tập 2, phần Kiến Trúc Lăng Mộ) do Trung Quốc Kiến Trung công nghiệp xã
xuất bản và ấn hành năm 1988. Nhận thấy đây là một bài viết có giá trị, khả dĩ
giúp ích cho các bạn đọc muốn tìm hiểu nền kiến trúc Trung Quốc cổ đại, chúng
tôi đã cố gắng chuyển ngữ bài viết trên thành tiếng Việt. Tuy nhiên trong khi
dịch, chúng tôi đã lược bớt một số đoạn đi viết hơi xa trọng tâm. Những phần
trích dẫn từ các thư tịch cổ của bài viết chúng tôi cũng cố gắng dịch thẳng
sang tiếng Việt, để tránh bớt sự rườm rà, trừ một số đoạn quan trọng. Mặc dầu
đã đầu tư không ít tâm sức cho việc chuyển ngữ bài viết này, song do trình độ
còn hạn chế, bản dịch chắc chắn sẽ còn nhiều khiếm khuyết, kính mong bạn đọc
lượng thứ và chỉ giáo thêm.
Huế-2001
Phan Thanh Hải
Dân
tộc Trung Hoa từ cổ xưa đã nhận thức "vạn vật hữu linh". Con người
sau khi chết, linh hồn vẫn không bị tiêu tan mà vẫn tồn tại vĩnh viễn tại chốn
"minh gian"(thế giới u minh của các hồn ma). Linh hồn ấy vẫn có cuộc
sống như lúc sinh tiền, hơn thế còn có thể tự do lai vãng đến chốn trần gian.
Quan niệm "sự tử như sự sinh" ấy đã khiến người Trung Hoa "sùng
tông kính tổ", đời đời phụng tế, thế thế tương truyền mà hình thành nên
tập tục. Qua quá trình lịch sử lâu dài dần dần sinh ra một loại hình kiến trúc
sử dụng chuyên biệt cho việc an táng và tế tự người chết- kiến trúc lăng mộ,
trở thành một trong những bộ phận quan trọng nhất của kiến trúc cổ Trung Quốc.
Kiến
trúc lăng mộ gồm hai bộ phận hợp thành là địa thượng (bộ phận phía trên mặt
đất) và địa hạ (bộ phận dưới mặt đất). Phần địa hạ phần nhiều mô phỏng tình
cảnh sinh sống của người chết lúc sinh thời, dùng để an táng thi thể người chết
và chôn theo các vật dụng, đảm bảo cho cuộc sống ấy tương tự như cuộc sống lúc
còn ở trần gian. Phần địa thượng chủ yếu để cho người sau cử hành lễ tế tự và đặt thần chủ. Hình thức tựa như đàn tế, nội
dung lại như miếu đường, để nhằm tôn sùng hoặc tưởng niệm người đã khuất.
Hai
bộ phận trên kết hợp với nhau, tạo thành một hợp thể vừa để an táng vừa để tế
tự. Đây cũng là nét đặc trưng độc đáo của kiến trúc lăng mộ so với tất cả các
loại hình kiến trúc khác.
Trong
xã hội phong kiến Trung Quốc, chế độ đẳng cấp rất nghiêm ngặt. Lăng mộ của vua
Chúa và thần dân khác nhau hoàn toàn từ tên gọi đến qui mô, hình thức. Lăng mộ
của vua Chúa thường được xưng là "Sơn", "Lăng", "Lăng
tẩm"... Còn nói chung mộ của thần dân chỉ được gọi là " Trủng",
" khâu", "phần
mộ"... Mộ của thần dân hình thức đơn giản, qui mô có hạn. Phần địa hạ chủ
yếu đào huyệt đất, gọi là "thổ khoáng", "mộ khoáng",
"mộ huyệt" hoặc "mộ thất". Còn toàn bộ phần trên, vun đất lại
thành cái gò, tục gọi là "phong thổ", cái lớn thì gọi là
"Trủng" (mả cao), "khâu",... nói chung đều thống nhất gọi
là "phần đầu" .
Lăng
mộ của vua Chúa qui mô hùng vĩ, kết cấu kiên cố bền vững, cấu trúc tinh mỹ.
Phần địa hạ thường xưng là "minh trung", "huyền thất",
"u cung", "địa cung". Phần địa thượng luôn có phần đất to
lớn chắc chắn che chở, gọi là "Phương thượng", "Bửu đỉnh",
hoặc dùng vòng tường thành cao lớn bao bọc, gọi là "Bửu thành". Lấy
đó làm trung tâm, còn ở phía trước, có đài tế, Hiếu điện, Bi Biểu, Tượng đá
người, thú, khuyết phường... Có khi phụ cận còn có thêm lăng mộ của hoàng hậu,
viên tẩm của phi tần, thậm chí có số lớn mộ của huân thần, quí tộc cũng được
bồi táng cùng. Khiến khuôn viên lăng chiếm đất hàng trăm km2.
Ngoài
ra, lăng mộ từ hình thức kiến trúc, vật liệu xây dựng, trang trí, các hoa văn
cho đến màu sắc đều có những qui định chặt chẽ về đẳng cấp, lấy đó để biểu thị
lòng tôn kính và đồng thời là phần thưởng cho những thành tích công trạng trong
cuộc đời của người được an táng.
Mỗi
thời đại lại có những định chế đối với kiến trúc lăng tẩm riêng, không thể vượt
qua. Giai cấp thống trị cũng lợi dụng nó để củng cố trật tự xã hội phong kiến,
bảo vệ công cụ chủ yếu là chế độ tôn pháp.
Bởi
thế, ở bất cứ nơi nào kiến trúc lăng mộ đều thể hiện rõ quan niệm đẳng cấp rất
nghiêm ngặt.
1.KIẾN TRÚC LĂNG MỘ TRUNG QUỐC TỪ KHỞI
THỦY
ĐẾN THỜI TẦN -HÁN
Lăng
mộ là một tiêu chí biểu thị nhân loại đã bước vào xã hội văn minh. Kiến trúc
lăng mộ ở thời kỳ sớm nhất có thể tìm về nền văn hóa Ngưỡng Thiều trước Công nguyên 5-6000 năm tại
thôn Bán Pha thành phố Tây An tỉnh Thiểm Tây. Đây là di chỉ cư trú của công xã
thị tộc thời nguyên thủy. Tại đây đã phát hiện các huyệt mộ hợp táng nhưng phân
theo giới tính nam, nữ, chôn kèm cả đồ gốm nhật dụng.
Ở
di chỉ văn hóa Long Sơn, cách đây 4-5000 năm, đã phát hiện hình thức đơn thể mộ
táng và nam nữ trưởng thành hợp táng ,ở trong huyệt mộ còn phát hiện di tích
ván gỗ. Khai quật cho thấy rõ quách gỗ có hình chữ T.
Trong
thời kỳ chế độ công xã thị tộc phụ hệ, tức tương đương với thời Viêm Hoàng
(trong Tam Hoàng Ngũ Đế) của truyền thuyết Trung Quốc, người sau khi chết thì
táng vào huyệt đất, lấp bằng mặt, không để lại vết tích hay lưu niệm gì,
"cổ dã, mộ nhi bất phần" (Lễ Ký), là hình thức cơ bản của lăng mộ
thời bấy giờ. Hiện tại, lăng của Hoàng đế, Thiếu Hạo và Đại Vũ (ba vị Hoàng Đế
của thời Tam Hoàng) đều không còn nguyên trạng mà đều cho người đời sau căn cứ
vào truyền thuyết để xây nên.
Từ
thế kỷ 21 đến thế kỷ 11 trước Công nguyên, Trung Quốc bước vào xã hội nô lệ với
các triều đại Hạ, Thương. Nhà Thương sùng tín quỷ thần, hết sức trọng thị việc
xây dựng lăng mộ, huy động rất nhiều nô lệ để xậy dưng rất nhiều những ngôi mộ
to lớn với huyệt sâu, quách to. Ở thành phố An Dương tỉnh Hà Nam đã phát hiện hơn 20 ngôi mộ lớn
loại này. Bình diện mộ thường là hình vuông hoặc hình chữ nhật, chôn ở độ sâu từ 8-13m. Ngôi lớn nhất
rộng đến 460m2, 4 bề có đường dốc lên. Dưới quách lót ván gỗ. Trên đỉnh quách
lót bằng gỗ phương. Bên trong tường quách dùng màu vẽ hoặc chạm khắc hoa văn
trang trí, phản ánh nhu cầu thẩm mỹ rất cao của thời bấy giờ. Phía trên mộ thất
chỉ nén chặt đất, không đắp gò, trồng cây,nên không để lại một dấu vết gì. Đây
là đặc điểm của kiến trúc lăng mộ thời kỳ này. (sơ đồ 1)
Thế
kỷ 11trước Công nguyên, nhà Tây Chu lập quốc, phong hầu ,xây dựng nên chế độ
tông pháp, tuyên truyền trung tín, giảng dạy lễ nghĩa, tăng cường hoạt động tế
tự, cầu cúng... Hình thức kiến trúc lăng mộ đơn thể tương tự thời Hạ, Thương
nhưng đã thiết lập những qui định và chế độ quản lí chuyên biệt từ an táng từ
thiên tử, chư hầu khanh đại phu với chế độ "công mộ" đến mai táng
thần dân với chế độ "bang mộ", "công mộ" lấy Thiên tử làm
trung tâm, chư hầu ở hai phía tả hữu phía trước, khanh đại phu ở phía sau. Công
mộ và Bang mộ đều là "Tộc táng" (Chu
lễ), lấy tước vị cao thấp để xác định phong thổ to nhỏ, trồng cây ít nhiều,
biểu thị chế độ đẳng cấp rất nghiêm ngặt.
Thời
kỳ Xuân Thu bắt đầu xuất hiện phần "địa thượng" (phong thổ). Phong
thổ đại thể có "đường" , "phòng" , "Phúc Hạ" , "phủ"( ) , 4 hình thức cơ bản (phủ còn gọi là bờm
ngựa). Đại khái yếu tố phong thổ chưa lớn, số cây trên mộ và các yếu tố khác
sai biệt nhau không nhiều. Thời gian lại quá dài nên khó phân biệt. Đến nay, di
tích mộ Chu Văn Vương và Chu Võ Vương vẫn đang chờ ngày xác định.
Thời
Chiến Quốc, phong thổ trong kiến trúc lăng mộ dần dần lớn hơn. Tuy nhiên, phần
kiến trúc ở phía trên nó thường gặp không còn rõ ràng. Năm 1978 người ta khai
quật phát hiện được sơ đồ khu vực mộ của Vương Triệu ở Trung Sơn. Sơ đồ làm
bằng bạc đúc thành. Điều đó chứng tỏ thời kỳ này người ta đã biết qui hoạch và
thiết kế cho kiến trúc lăng mộ, đồng thời càng cho thấy phần phong thổ của lăng
mộ thời kỳ này có dạng chữ .
Đến
thời kỳ này, kiến trúc lăng mộ từ địa hạ đến địa thượng, từ tạo hình từng đơn
thể đến tổng thể bố trí đã cơ bản hình thành một chế độ hoàn chỉnh. Xu hướng
làm phần phong thổ to lớn xuất hiện. Đây đồng thời là một tiêu chí đánh dấu
kiến trúc lăng mộ trở thành một bộ phận trọng yếu của kiến trúc Trung Quốc cổ
đại.
Tần
Thủy Hoàng tiêu diệt sáu nước, chấm dứt cục diện phân biệt kéo dài của Trung
Quốc, lập nên chính quyền phong kiến trung ương tập quyền lần đầu tiên trong
lịch sử quốc gia này. Tần Vương Doanh Chính sau khi lên ngôi liền lập tức cho
người đi tìm đất xây dựng lăng mộ, sử gọi là "Xuyên Trị Li Sơn" . Lăng Tần Thủy Hoàng vô cùng lớn. Lực lượng
nô lệ huy động đến 72 vạn người, thời gian kéo dài 37 năm. Đây là ngôi lăng mộ
đế vương cổ nhất ở Trung Quốc hiện nay. (sơ đồ 2)
Lăng
mộ Tần Thủy Hoàng ở chân núi phía bắc của ngọn Li Sơn huyện Lâm Đồng tỉnh Thiểm
Tây. Phía nam dựa vào núi Li Sơn, phía bắc chạm đến sông Vị Thủy. Bình diện
lăng hình vuông, cạnh đông- tây ở đáy là 345m, cạnh nam- bắc là 350m lăng cao
43m. Bốn bề có những vòng tường bao bọc, tạo nên bình diện hình chữ nhật. Khu
lăng được đặt dọc theo chiều bắc- nam. Vòng trong chu vi là 2,5km, vòng ngoài
chu vi chừng 6km. Nhìn trên tổng thể, phần lăng chính ở đây được bố trí sát về
phía nam hơn. Chính ở điểm giữa của tường lăng, ở 3 mặt đông, tây, nam đều trổ
cửa, đăng đối với nhau. Gần đây, trong khuôn viên của lăng người ta đã phát
hiện những di thể kiến trúc. Đó là xe ngựa đồng, phối táng cùng đội Binh Mã
Dũng có thể hình rất lớn. Điều đó khiến người ta phải có nhận thức mới về kiến
trúc lăng mộ. Sử Ký Tư Mã Thiên, phần Tần Thủy Hoàng Bản Kỷ đã viết:
"Xuyên tam tuyền, hạ đồng nhi chí quách, Cung quán bách quan kỳ khí trân
quái đồ tàng mãn chi, lệnh tương tác cơ nỗ thỉ, hữu sở xuyên cận giả xạ chi, dĩ thủy ngân vi bách xuyên giang hà
đại hải, cơ tương quán luân, thượng cụ
thiên văn, hạ cụ địa lý. Dĩ caongư vi chúc, độ bất diệt giả cửu
chi"
(Đào
3 con suối, dưới quách đổ đồng, trong chứa đầy các đồ trân quí. Cung điện có
trăm quan. Lệnh cho thợ làm máy bắn nỏ, bắn ra mỗi khi có kẻ đến gần. Đổ thủy
ngân làm trăm sông và biển lớn, làm cho chảy thông nhau. Trên có đủ thiên văn,
dưới có đủ địa lý. Lấy dầu cá đốt sáng, tính cho cháy lâu dài không bao giờ
tắt). Phần mô tả trên chủ yếu nói về tình hình một thất ở phần địa hạ. Với
những tư liệu hiện có có thể biết, các địa cung của mộ cơ bản đều dùng hình
thức mộ lớn, quan tài gỗ, bốn phía đều trổ lối đi theo lệ từ thời Thương- Chu.
Hình thể lăng bên trên cao lớn, vuông vắn. Trên lăng có "quảng thực thảo
mộc" (nhiều loại cây cỏ) khiến lăng được tôn cao như núi, làm cho lăng có
vẻ oai nghiêm trang trọng. Từ đây thành lệ, kiến trúc lăng mộ đế vương Trung
Quốc trong bố cục luôn lấy cao to làm quí, lấy vuông vắn làm tôn nghiêm
Đội
Binh Mã Dũng có thể là "cung quan bách quan"trong tư liệu? Việc khai
quật tìm thấy đội Binh Mã Dũng này không chỉ chứng tỏ qui mô to lớn của lăng
Tần Thủy Hoàng mà mặt khác, nó cũng cho thấy tài năng, trí tuệ và nghệ thuật
điêu khắc cao siêu của những nghệ nhân thời kỳ này. Tượng có đến số ngàn. Tay tượng cầm cung đao, thần thái mỗi tượng đều có nét
riêng tựa như người thật, ngựa thật... tái hiện nên khí thế hùng mạnh một thời
của quân đội Tần.
Năm
206. CN, nhà Tây Hán thay nhà Tần thống nhất Trung Hoa. Hán Vũ đế bài trừ bách
gia, độc tôn nho giáo, cho sứ thông thương với Tây vực, tuyên truyền Thiên nhân
cảm ứng, kiện toàn nghi lễ tế tự, xếp việc hậu táng thành phong tục. Lăng mộ đế
vương từ đời Hán khởi xưng là "Lăng". Tất cả mộ của thần dân đều gọi
là "mộ phần". Toàn dân đều rất trọng thị kiến trúc lăng mộ, dần dần
hoàn thiện những qui chế về lăng mộ. Kiến trúc lăng mộ vì thế càng phát triển
toàn diện. Các hoàng đế nhà Hán sau khi lên ngôi, ngay năm sau liền phái tướng
huy động dân tìm đất xây thọ lăng. Nhà Hán noi theo quy chế nhà Tần. Phần Phong
Thổ làm hình vuông, đỉnh bằng và kiểu lăng đài chóp cụt, tục gọi là
"phương thượng" cao tới 12 trượng (12 x 2,2m = 26,4m), bốn bên có
thành đất, chính giữa bốn mặt trổ khuyết môn, chiếm diện tích đất 7 khoảnh (7 x
100 mẫu = 700 mẫu). Lăng thể cao lớn, 4 phương đối xứng, như cái gò mà cũng tựa
như cái đầu, trông vẻ trang trọng thần thánh. Phần địa khoáng của địa cung năm
ngay dưới phần Phương Thượng, gọi là "Phương Trung", sâu tới 13
trượng (13 x 2,2m = 28,6m), 4 bên có đường vào, huyệt đất, quan tài gỗ, được
xem là hình thức mộ táng cao cấp nhất. Trên mộ là nấm đất (phong thổ) to lớn. Ở
phía tây của lăng hoàng đế còn có lăng mộ hoàng hậu, lăng viện tiệp dư, quý
thích, huân thần bồi táng cùng trong mộ khu vực. Ngoài ra, ở bên cạnh lăng viên
còn xây thêm tông miếu và lăng ấp, hình thành nên cả một quần thể đế lăng rộng
lớn.
Việc
xây dựng lăng của hoàng đế nhà Tây Hán đã thành định chế, mỗi năm dùng 1/3 số
thuế thu nhập của toàn quốc để tu bổ
lăng mộ. Do các hoàng đế tại vị thời gian dài ngắn không giống nhau, nên thực
tế là lăng mộ của họ cũng to nhỏ khác nhau. Trong đó Hán Vũ đế ở ngôi 54 năm.
Lăng mộ của ông, Mậu Lăng là lăng hoàng đế lớn nhất thời Tây Hán (sơ đồ 3).
Mậu
lăng, phần Phương thượng làm hình vuông, đỉnh bằng kiểu lăng đài chóp cụt chiều
đông- tây của đáy trên là 39,5m, chiều nam bắc 30,5m đáy dưới, đông tây dài
231m, nam bắc là 234m. Lăng cao 46,5m. kích thước Mậu lăng tương đương lăng Tần
Thủy Hoàng. Lăng thể có cạnh đáy ngắn, chiều cao lại lớn, bình diện tả hữu đối
xứng. Lập diện mặt chính tương đương với mặt bên. Nó được đặt giữa bình nguyên
rộng lớn 3vùng Quan Trung, cân đối, trang nghiêm, so với lăng Tần Thủy Hoàng
còn có phần to lớn, kỳ vỹ hơn.
Ở xung quanh lăng còn có lăng mộ Lý phu nhân,
mộ của Vị Thanh, Hoắc Khứ Bệnh, Hoắc Quang, Kim Nhật Đạn... qui mô, hình thức
các lăng mộ này đều nhỏ hơn lăng Tần Thủy Hoàng.
Trong
các lăng hoàng đế Tây Hán, Bá Lăng là tiết kiệm nhất. Lăng có hình thức rất độc
đáo, đục núi làm lăng, không xây phần nấm đất phía trên. Đây là lăng khai sáng
cho một hình thức mới: đục núi làm lăng mộ.
Đông
Hán dời đô về Lạc Dương. Chế độ trung ương tập quyền bị suy yếu. Một số thức
giả đề xướng xu hướng coi nhẹ việc hậu táng. Lăng hoàng đế thu nhỏ nhiều so với
trước. Đa số lăng không bằng nửa lăng hoàng đế Tây Hán, 4 bề lại không có tường
thành, lấy "hành mã" (đường đi) để thay thế. Chính giữa 4 bên có
khuyết môn gọi là "Tư mã môn". Phía nam, bên trong của Tư mã môn,
phía trước lăng đặt đài tế, Thạch điện. Ngoài cửa, 2 bên của thần đạo bố trí
tượng người, thú bằng đá. Theo văn hiến ghi lại, bên cạnh lăng còn xây viên tự,
sai xá, Tẩm diện, Tiện điện..v..v.. Trong số lăng các hoàng đế Đông Hán hiện
còn lăng của Quang Vũ đế có qui mô lớn nhất. Lăng thể hình chùy tròn, cao 12m,
chu vi ước độ 500m. Ngoài có tường hình vuông bao bọc, 4 bên ở chính giữa có cửa.
Lăng hoàng đế thời Hán đã hình thành kiểu bố cục lăng thể là trung tâm của bình
diện. Ở phía chính nam có một đường thần đạo ngắn và đơn giản, khiến cho bình
diện tổng thể đã có bước phát triển. Trong "Hán luật" của thời Tây
Hán có ghi "phần mộ của bậc hầu cao 4 trượng. Từ hầu xuống đến dân chúng
có sự sai biệt (to nhỏ khác nhau). Mộ cỡ vừa và nhỏ lấy hình kiểu vuông làm
quí, độ cao bị khống chế từ 4 trượng trở xuống". Ở thời kỳ đầu, mộ chủ yếu
dùng hình thức: "huyệt đất, quan gỗ". Từ thời Chiến Quốc xuất hiện
xây mộ thất rỗng bằng gạch. Kiểu mộ gạch đá kiên cố trường tồn này dần dần thay
thế hình thức "huyệt đất, quan gỗ". Thời Đông Hán, thế lực quý tộc
phát triển, hoạt động tế tự lăng mộ càng rầm rộ để mong lăng mộ được bình yên
trường tồn. Kiến trúc lăng mộ ở địa thượng, địa hạ đều dùng một lượng lớn các
vật liệu gạch đá khiến cho kiểu kiến trúc lăng mộ gạch đá ngày càng phát triển.
Kiến
trúc mộ thất bằng phần địa hạ gạch đá, thời kỳ đầu chỉ làm đơn giản với bình
diện hình chữ nhật. Về sau, bình diện do tiền thất, trung thất và hậu thất 3 bộ
phận hợp thành, có cái còn có nhiều phòng phụ ở 2 bên. Mộ thất càng tăng (diện
tích), bình diện quách càng phức tạp (sơ đồ 4)
Phần
cấu tạo của đỉnh mộ thất có hình thức kết cấu kiểu xà ngang, ván, ván chống các
loại: đa biên củng, giản hình củng, lũy phúc đấu tỉnh hoặc khung long đỉnh...
kết cấu hợp lí, thi công tinh mỹ, nên kiên cố trường tồn với thời gian.
Mộ
thất xây bằng gạch đá trang trí và sử dụng vật liệu không giống nhau, phân làm
3 loại "Họa tượng chuyên mộ" (mộ gạch vẽ hoa văn), "họa tượng
thạch mộ" (mộ đá vẽ hoa văn) và "bích họa mộ" (mộ có tường vẽ).
Các loại mộ này bên trong bố trí đầy những điêu khắc và bích họa, phản ánh hội
họa đương thời, trình độ nghệ thuật điêu khắc đương thời... đồng thời chúng là
những kho tàng về điêu khắc, hội họa trong lòng đất.
Trên
bề mặt kiến trúc bắt đầu xuất hiện tượng đá. Căn cứ vào sách "Phong thị
văn kiến ký" có ghi: "Từ thời Tần, Hán trở lại, trước lăng mộ hoàng
đế có tượng đá kỳ lân, tượng đá tịch tà (tượng một loại thần hình dạng như sư
tử nhưng có cánh, chuyên trừ tà ma, tượng người đá, ngựa đá.
Mộ
của thần dân phía trước có tượng dê đá, hổ đá, tượng người, trụ đá... Trang trí
ở mộ phần gồm các nghi vệ tựa như lúc sinh tiền. Tuy nhiên, đến nay không thể
tìm thấy ngôi mộ nào có đầy đủ các thứ như vừa kể. Hiện còn đầy đủ nhất các
loại tượng trong kiến trúc lăng mộ Trung Quốc là mộ của Hoắc Khứ Bệnh thời Tây
Hán. Hoắc Khứ Bệnh là một danh tướng thời Hán Vũ đế, làm quan tới chức Đại tư
mã phiêu kị quán quân hầu. Khi chết được ân tứ cho bồi táng ở cạnh Mậu Lăng. Mộ
đặt ở núi Kỳ Liên. Trên mộ đặt một số lớn tượng điêu khắc cùng với các loại cây
cỏ, tái hiện nên quang cảnh Kỳ Liên Sơn với các loại dã thú. Các loại tượng
điêu khắc phong phú, tạo hình kiểu cổ điển, thủ pháp điêu khắc đơn giản. Các
loại tượng như: ngựa đang nhảy lên, ngựa nằm, tượng bò đực, tượng hổ nằm, lợn
rừng, con cóc, cá, tượng gấu, tượng người.v.v. đều đá gần như nguyên trạng,
dùng thủ pháp điêu khắc cực đơn giản tùy theo hình dáng của nguyên liệu để điêu
khắc, tạo nên hình tượng cổ điển. Ở gần nhìn có vẻ cố tạo nét tả thực, ở xa
trông tới lại có vẻ cực kỳ đơn giản, giống như như những viên đá núi, lại có vẻ
khi ẩn khi hiện, tựa hồ những dã thú khi thấy khi không. Các tượng đá này có
phong cách độc đáo, phản ánh trình độ thông tuệ và kỹ thuật cao siêu của người
thợ xưa. Thực xứng đáng là những sản phẩm trân bảo của đời Tây Hán.
Từ
thời Đông Hán trở đi, điêu khắc đá và kiến trúc đá ở lăng mộ càng được sử dụng
rộng rãi. Văn hiến ghi lại không ít những điều này. Cũng không thiếu những di
vật còn lại đến ngày nay... chứng tỏ nó đã trở thành một bộ phận trọng yếu của
kiến trúc lăng mộ.
Cửa
đá bỏ kết cấu gỗ mà thành. Đa số bố trí ở phía trước lăng. Đây làm một tiêu chí
quan trọng để đi vào khu lăng mộ. Hiện trong rất nhiều cửa mộ còn tồn tại thì
cửa mộ phía trước của mộ Châu Thái Thú Cao Di ở huyện Nhã An tỉnh Tứ xuyên, là
có tạo hình và điêu khắc tinh tế nhất, được xem là tác phẩm cổ điển của thời
Hán. Tượng đá điêu khắc ở đây có tượng sư tử, Tịch Tà, hổ, trâu, dê, ngựa, lạc
đà... bố trí đối xứng thành từng đôi hai bên đường thần đạo. Chúng biểu thị cho
ý nghĩa tốt đẹp và sự bảo vệ. Phẩm loại, số lượng tượng thú ở lăng mộ tượng
trưng cho địa vị, đẳng cấp của chủ nhân.
Thạch
biểu (cột đá) còn gọi là Thần đạo trụ (cột ở trên thần đạo) nguyên xưa bằng gỗ.
Đặt tại đoạn trước của Thần đạo. Tháng 6/1964 người ta đã phát hiện cột biểu
mang tên "Hán cố U châu thư tả Tần quân thần đạo" ở núi Cảnh Sơn-
Thành phố Bắc kinh. Đây là chiếc cột đá cổ nhất của đời Hán. (sơ đồ 5)
Bia
đá (thạch bi) nguyên xưa làm bằng gỗ, vốn là một công cụ để hạ táng. Thời Đông
Hán trở thành một tiêu chí tất phải có bố trí ở phía trước lăng mộ.
Bia
do 3 bộ phận: trán bia, thân bia, đế bia hợp thành. Bia thời Hán trán có ba
kiểu: hình viên ngọc, hình bán nguyệt và hình vuông. Ở chính giữa có một lỗ
tròn gọi là "xuyên". Đây là một đặc điểm của bia thời Hán. Thạch điện
còn gọi là Thạch Từ, Thạch Miếu, dựng ở phía trước lăng mộ, là nơi tế cúng, cử
hành nghi lễ.
Từ
đời Tần Hán, kiến trúc lăng mộ đã hình thành sự kết hợp giữa phần địa thượng và
địa hạ. Lăng thể từ lớn biến thành nhỏ, thần đạo từ ngắn chuyển thành dài.
Trước lăng có tượng đá điêu khắc và kiến trúc đá. Đây là đặc trưng của bước
phát triển trong kiến trúc lăng mộ đương thời.
2
TỪ THỜI TAM QUỐC ĐẾN THỜI TÙY -ĐƯỜNG
Bắt đầu từ thời Tam quốc đến khi nhà Tùy
thống nhất Trung Hoa, hơn 300 năm (CN 220-581) ấy là thời kỳ Trung Quốc phân
liệt chiến tranh loạn lạc liên miên, xã hội biến động, kinh tế suy thoái. Trong
sự biến động ấy, nhiều lăng mộ của thời kỳ trước bị bọn đạo chích đào trộm. Có
bậc thức giả chủ trương đề cao việc mai táng đơn giản. Chiến tranh cũng khiến
tục mai táng biến đổi Ngụy Văn đế từng để lại di chiếu với các điều:
"Lấy
núi làm lăng, táng tại rừng núi, không làm tẩm điện, không tạo viên ấp, không
thông thần đạo, mộ không nấm đất, không trồng cây, loại trừ tế lễ ở lăng mộ, tế
lễ chỉ tổ chức tại tông miếu..." (Ngụy Thư, Ngụy văn Đế bản kỷ)
Trong
tình hình đó, lăng mộ đã cải biến hình thức, qui mô thu nhỏ, thậm chí phần địa
thượng chẳng dấu lưu lại dấu tích gì, tựa như cách thức thời Hạ, Thương. Hình
thức tiềm táng hoặc biến tướng của nó là hình thức mai táng cơ bản của thời kỳ
này. Nó chứng tỏ kiến trúc lăng mộ thời kỳ này đã vào thời kỳ thoái trào
Ngụy
Hoàng năm 3 (năm 222 sau CN), Ngụy Văn Đế căn cứ vào điều "bỏ tế tại lăng,
tế tự chỉ tổ chức tại tông miếu" để hủy hoại phần kiến trúc bên trên của
lăng Ngụy Võ Đế (tức lăng Tào Tháo).
Nhà
Thục, Chiêu Liệt đế Lưu Bị chết tại thành Bạch Đế, mộ táng tại Thành Phố Thành
Đô tỉnh Tứ Xuyên, xưng là Huệ lăng. Nấm lăng hiện còn hình tròn, xung quanh có
vòng tường cao chừng 12m bao bọc. Trước lăng có tấm bia khắc chữ "Hán
chiêu liệt hoàng đế chi lăng" dựng năm Thanh Càn Long 52. Tường sau có gắn
tấm đá khắc dòng chữ "Hán chiêu liệt chi lăng", dựng năm Thanh Khang
Hy 7. Ngoài ra không còn dấu vết di vật gì.
Lăng
của các hoàng đế triều Đông Tấn đều táng tại huyện Giang Ninh, thành phố Nam
Kinh, đa số lăng này không xây nấm bên trên. Đa số mộ của thần dân đều đơn giản
hơn ở các triều đại. Mộ thất xây gạch đá thịnh hành khắp nơi. Phần nhiều sử
dụng lối họa tượng hoặc bích họa để trang trí mộ thất.
Thời
kỳ Nam Bắc Triều, xã hội Trung Quốc tạm yên ổn, kinh tế phục hồi, người ta căm
ghét chiến tranh, tôn sùng Nho thuật, Phật giáo cũng thịnh hành. Kiến trúc lăng
mộ lại có dịp hồi phục. Các triều Tống, Tề, Lương, Trần đều đóng đô ở Kiến
Khang (nay là Nam Kinh)
Trong
hơn trăm năm đó, tại khu vực này còn lưu lại cả một hệ thống lăng mộ đế vương
công hầu.
Nhìn
chung, phía trước lăng, hai bên đường Thần đạo đều đặt tượng đá thú, Thần đạo
trụ (hoa biểu), bia đá .v.v. Ở Nam kinh hiện nay còn hơn 30 nơi có đặt tượng đá
điêu khắc của Nam triều gồm có tượng đá, cột đá (cột biểu), bia đá... Tượng thú
ở phía trước mộ Tiên Cảnh, có thể xem là tiêu biểu. Hình thể tượng to lớn, dáng
dấp tựa sư tử nhưng hai bên lại có cánh. Đầu tượng ngẩng cao, ngực ưỡn, trông
oai nghiêm hùng tráng. Tạo hình rất sinh động, điêu khắc tinh mỹ, thật đúng là
tinh phẩm của Nam
triều.
Thạch
Trụ, còn gọi là Thạch biểu (cột đá) hoặc Thần Đạo Trụ, được ứng dụng rất phổ
biến trong lăng mộ thời Nam- Bắc triều. Thạch biểu thường được đặt ở chỗ bắt
đầu bước vào khu lăng mộ, bố trí thành một cặp. Hiện nay ở thôn Thạch Trụ huyện
Định Hương tỉnh Hà Bắc có một Thạch trụ thời Bắc Tề niên hiệu Đại Ninh 2, mang
tên "Nghĩa Từ Huệ Thạch Trụ". Đây là trụ biểu kỷ niệm duy nhất của
Trung Quốc cổ đại đặt tại lăng mộ một thường dân.
Thạch
trụ này cao khoảng 7m, gồm 3 bộ phận hợp thành là Thạch điện, thân trụ và đế
trụ. Trụ được tạo hình rất lạ, điêu khắc thật tinh tế. Phần dưới chân trụ tạo
hình vuông, trên hình tròn khắc hoa văn cánh sen. Thân trụ dài, mặt chính diện
khắc Tụng văn (lời ca ngợi). Trên đỉnh trụ có một tòa thạch điện nhỏ trong khắc
Am Phật và tượng Phật, nhìn tựa như một Phật đường, cột trụ này đặt ở phía
trước mộ.
Hiện
ở huyện Tập An tỉnh Cát lâm còn lưu lại mộ của một vị tướng quân, mang tên
"Tướng Quân Phần". Đây là ngôi mộ dùng các viên đá lớn xếp thành, tạo
nên một hình lăng trụ lớn 7 tầng, được xưng tụng là "kim tự tháp của phương
Đông"
Thời
Tùy, Đường ở Trung Quốc là thời kỳ xã hội phong kiến thịnh trị. Đây cũng là
thời kỳ kiến trúc cổ Trung Quốc đi vào giai đoạn thành thục và phát triển cao.
Quốc gia thống nhất, kinh tế phồn vinh, văn hóa nghệ thuật phát triển rực rỡ,
thiên hạ giàu có. Tục hậu táng lại thịnh hành. Kiến trúc lăng mộ noi theo thời
Hán, thích làm cao lớn, xem tạo hình vuông là quý. Từ Chiêu Lăng của Thái Tông
trở đi, lấy núi làm lăng, qui mô kiến trúc lăng mộ đã có bước biến đổi rất lớn.
Thái Lăng của Tùy văn Đế, Hiếu lăng của Đường Cao tổ đều lấy Trường Lăng,
Nguyên lăng của nhà Hán làm quy phạm noi theo.
Đường
Thái Tông lấy núi làm lăng, đục núi làm mộ, theo qui chế nhà Hán, dựng thành
vuông, làm Thạch điện, khắc tượng đá, phù điêu ngựa chiến, lấy đồ vật để xưng
tụng công lao. Trên dựng tẩm điện, dưới xây tẩm cung, lại ân tứ cho quý thích
huân thần được bồi táng trong khu vực đến hơn 200 mộ. Lăng viên chiếm một
khoảnh đất chu vi 6 km. Toàn lăng là một ngọn núi cao 1188m so với mặt biển.
Núi đứng độc lập, nguy nga hùng vĩ... Đây là lăng mộ khởi đầu cho phong cách
kiến trúc "lấy núi làm lăng".
Trong
các lăng hoàng đế thời Đường, Càn lăng được xem là điển hình. Càn lăng là lăng
mộ hợp táng của Đường Cao Tông và Võ Hậu (Võ Tắc Thiên). Nguyên lấy ngọn Lương
Sơn làm lăng. Đây là một ngọn núi cao lớn hùng vĩ của phương bắc. Núi cao 1047m
so với mặt biển. Phía nam có 2 ngọn núi nhỏ, thấp, đỉnh bằng phẳng. Phía đông
và tây đều thoáng đãng. Địa cung được đặt ở sườn phía bắc núi. Trước lăng
nguyên có Hiếu điện. 4 bề quanh núi có thành hình vuông bao bọc, chính giữa trổ
cửa. Cửa phía đông gọi là Thanh Long môn, tây là Bạch Hổ môn, nam là Chu Tước
môn, bắc xưng Thần Vũ môn. Đường Thần đạo phía trước Hiếu điện chạy xuyên qua
Chu Tước môn, qua cửa vào đặt ở các ngọn núi phía nam Lương Sơn, dài đến 4km.
Đường Thần đạo dài như vậy thực hiếm thấy trong kiến trúc lăng mộ trước đó. Ở 2
bên Thần đạo dưới các ngọn núi phía nam đặt một đôi trụ biểu đá. Từ đây vào đó
Chu Tước môn, hai bên Thần đạo bày rất chỉnh tề tượng người đá, thú đá và tượng
phiên vương, tất cả hơn 100 bức, tạo không khí nghiêm trang như khi đang thiết
triều vậy. Phía trước cửa Chu Tước, ở 2 bên đều có bia đá. Bên phía đông có
"vô tự bi" (bia không chữ), phía tây có "Thuật Thánh bi"
(bia thuật lại cuộc đời, công lao của bậc thánh). Thuật Thánh bi dùng 7 tảng đá
lớn ghép thành. Phía trên bia có lợp mái kiểu Vũ điện. Văn bia do đích thân Võ
Tắc Thiên tuyển lựa. Nội dung ca ngợi công đức của Đường Cao Tông. Đây là tấm
bia ca ngợi công đức có sớm nhất trong lịch sử kiến trúc lăng mộ Trung Quốc.
Với
vòng thành do bàn tay con người xây dựng to lớn hùng vĩ vây quanh núi Lương
Sơn, với đường thần đạo dài hun hút và vô số các tượng đá được trình bày chỉnh
tề hai bên nó, Càn lăng đã tạo nên một ấn tượng hùng vĩ lạ kỳ. Trong khung cảnh
tự nhiên ấy, sự kỳ vĩ của lăng đã biểu hiện
ý thức "duy ngã độc tôn", "đế quyền tối thượng" của
vua Chúa nhà Đường.
3
TỪ THỜI TỐNG ĐẾN TRƯỚC THỜI MINH
Từ năm 907 CNvề sau, Trung Quốc bước vào
thời kỳ "ngũ đại thập quốc" với các cuộc chiến tranh phân liệt liên
tục nổ ra. Nền kinh tế đại suy thoái. Do biến động như vậy, kiến trúc lăng mộ
dường như không cần "cao, hiển", qui mô lăng mộ trở nên nhỏ bé.
Năm
960, nhà Tống thống nhất Trung Nguyên, kinh tế bắt đầu có những bước chuyển
biến tốt. Nhưng về chính trị, quân sự vẫn rất bấp bênh. Nhà Tây Hạ và nhà Kim
đã trở thành lực lượng đối địch. Kiến trúc lăng mộ noi theo qui chế thời Đường
nhưng sơ sài hơn nhiều. những hạn chế về kinh tế chính trị đã ảnh hưởng đến qui
mô của lăng các hoàng đế. Sự thống nhất và tương đối ổn định của nhà Tống đã
làm nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp có bước phát triển lớn. Nền
kinh tế được chấn hưng đã thể hiện rõ ở việc gia tăng các hình thức trang trí,
tạo hình ở mộ phần của quan lại, quý tộc. Từ 907-1368, trong hơn 400 năm đó tuy
có nhiều triều đại thay thế nhau, bối cảnh lịch sử từng lúc không giống nhau
nhưng qui mô kiến trúc lăng mộ ít có sự biến đổi, kiến trúc phần địa thượng ít
biến hóa. Phần địa hạ, mộ thất được kiến tạo hoàn chỉnh, trang trí tinh tế. Đây
là đặc điểm chung của thời kỳ này.
Thời
Ngũ Đại, tiền Thục chủ Vương Kiến lăng và Khâm lăng thời Nam Đường, qui mô
không khác nhau bao lâu. Phần Bửu đỉnh của mộ thấp và không rõ, Thần đạo và
tượng đá điêu khắc đã cũng không thật tiêu biểu.
Tuy
nhiên phần mộ thất của địa hạ hết sức tinh mỹ. Tất cả đều kết cấu gạch đá nên
kiên cố vững chắc. Tường và nóc mộ thất trang trí rất nhiều hình vẽ và điêu
khắc. Phần địa thượng qui mô nhỏ bé, chỉ coi trọng kiến trúc phần mộ là đặc
điểm của thời kỳ này.
Thời
Tống có qui định, đế hậu khi sống đều không xây lăng. Sau khi băng hà mới phái
người tìm đất, chọn ngày, trong vòng 7 tháng phải xây lăng và tổ chức nhập
táng. Do tình hình kinh tế và thời gian thi công khá tương tự nên lăng các
hoàng đế thời Tống đều có qui mô tương tự nhau. Lăng mộ các hoàng đế Bắc Tống
đều tập trung ở huyện Củng tỉnh Hà Nam. Phía đông tới Thạch Hà, tây
đến thị trấn Hồi Quách, phía nam bắt đầu từ Tây Thôn phía bắc tới thị trấn Hiếu
Nghĩa. Địa thế vùng này phía nam cao, phía bắc thấp. 9 vị hoàng đế có 8 lăng.
Các lăng đều "tọa bắc diện nam" (ngồi bắc nhìn về phía nam), mặt nhìn
vào núi lớn, lưng dựa vào Hoàng Hà. Ngoài ra còn có thêm lăng Hoàng hậu và các
mộ bồi táng khác, hình thành nên cả một khu vực lớn.
Lăng
của hoàng đế Bắc Tống đều dựa theo kiểu kiến trúc lăng thời Đường, lấy hình
vuông là tôn quý, cấu trúc hai phần cung điện trên dưới mặt đất theo truyền
thống. Phần lớn làm kiểu hình vuông, đỉnh bằng, kiểu hình trụ lăng đài. Bốn bên
có thần tường bao bọc, 4 phía ở chính giữa trổ cửa, 4 góc làm khuyết đài. Trước
mặt lăng có thần đạo xuyên nam bắc qua nam thần môn. 2 bên Thần đạo bài trí
tượng đá người, thú rất chỉnh tề... Hình thức bố trí như vậy hoàn toàn tương tự
lăng mộ thời Đường nhưng qui mô nhỏ bé hơn nhiều. Lăng các hoàng đế triều Tống
rất nhỏ, khá gần gũi với lăng mộ phần dân thường. Đặc điểm bố trí của lăng
hoàng đế Tống là phía sau lăng hoàng đế hơi lệch về phía tây bố trí lăng hoàng
hậu. Hình thức lăng hoàng hậu tương tự lăng hoàng đế nhưng qui mô chỉ bằng nửa,
tối đa không được lớn quá 2/3 lăng hoàng đế.
Tỉ
như lăng Vĩnh Chiêu, có hình trụ, đáy rộng 56m, cao 13m, thành bao bọc hình
vuông cạnh rộng 242m, thần đạo dài độ 300m.
Phía
trước Nam Thần môn 150m bố trí ở hai bên Thần đạo trên 40 tượng đá điêu khắc
(người, thú). Kích thước tượng tương tự người thật, thú thật... Hình thức tựa
như bày nghi trượng khi hoàng đế ngự, tạo nên không khí rất trang nghiêm.
Lăng
Hoàng đế triều Kim và vua Tây Hạ cũng rất giống lăng hoàng đế Tống, đều tập
trung ở một khu vực nhất định.
Lăng
vua Tây Hạ đặt ở sườn núi phía đông ngọn Lan Sơn, Thành Tây Hạ, thành phố Ngân
Xuyên. Bình diện và hình thể lăng đều theo lối hướng tâm, bốn bề có thành hình
vuông bao bọc, tương tự như lăng triều Tống. Tuy nhiên hình thể lăng lại theo
kiểu chùy tám cạnh hoặc hình chùy tròn. Phía Nam, hai bên Thần đạo đặt tượng đá
điêu khắc người, thú, hoa biểu. Bên ngoài có nguyệt thành xây nhô cao ôm về hai
bên. Tất cả đặc điểm trên đều phản ánh rằng lăng vua Tây Hạ và lăng hoàng đế
Tống có ảnh hưởng lẫn nhau, đồng thời chúng cũng có đặc điểm riêng.
Mộ
gạch điêu khắc và mộ đá điêu khắc cực thịnh hành thời Tống, Kim. Bốn bề trong
mộ thất, thường căn cứ vào cuộc sống thực tế của chủ nhân lúc sinh tiền để
trang trí tựa như một phủ đệ. Kết cấu rất giống kết cấu kiến trúc gỗ với đủ cột
xà, đấu củng, mái nhà, cửa, cửa sổ và trưng bày các đồ dùng gia đình...
Trên
tường khắc hoặc vẽ miêu tả cuộc sống của chủ nhân lúc sinh tiền. Trần mộ trang
trí hoặc điêu khắc thành môtíp kiểu lục giác, bát giác, hoặc ô vuông. Rất nhiều
mộ thất được trang trí tỉ mỉ công phu.
Với
trình độ điêu khắc vô cùng tinh tế. Có những mộ quan đại thần còn đẹp hơn cả mộ
hoàng đế và hoàng hậu. Điển hình là mộ Bạch Sa thời Tống ở huyện Vũ tỉnh Hà Nam
(sơ đồ 10), mộ hợp táng của đôi vợ chồng Vương Sán ở huyện Tuân Nghĩa, tỉnh Quý
Châu. Gần đây, người ta còn phát hiện lăng Vĩnh Hy của Lý hoàng hậu với trang
trí mộ thất còn đẹp hơn nhiều.
Kiến
trúc lăng mộ thời kỳ này coi trọng phần mộ thất, sử dụng điêu khắc gạch đá rất
phổ biến. Các sản phẩm điêu khắc nghệ thuật đó đã phản ánh một cách chân thực
đặc điểm, kiến trúc nhà ở và cuộc sống sinh hoạt của xã hội thời bấy giờ.
4.KIẾN TRÚC LĂNG MỘ TRUNG QUỐC THỜI MINH
-THANH
Nhà Minh sau khi lập quốc đã đề cao Nho
học, tôn sùng lễ trị, tôn trọng truyền thống. Năm Hồng Vũ 15 (1382. CN), triều
đình phái quan lại đi xem xét lăng mộ đế vương các thời trước. Từ năm Hồng vũ
nguyên niên (1386) đã định ra chế độ mộ phần rất nghiêm ngặt cho văn võ quan
viên. Năm Hồng Vũ thứ 3 (1370), đã "lệnh cho thiên hạ khắp các châu huyện
phải xây mộ nghĩa, nghiêm cấm các tục hỏa táng, thủy táng ở Triết Tây và các
vùng khác, nghiêm cấm tục đốt tro xương người chết của người Nguyên và xếp nó
vào hàng trọng tội, lệnh cho các bộ soạn thảo thành luật". Như vậy, nhà
Minh đã xem việc xây dựng lăng mộ như một biện pháp trị quốc an dân.
Năm
Hồng Vũ thứ 2 (1369), tại phía Nam
thành Phụng Dương tỉnh An Huy bắt đầu xây hoàng lăng, lăng viên "tọa nam
diện bắc". "Bửu đỉnh" xây hình khối chóp cụt vuông, đỉnh bằng.
Trước lăng có Hiếu điện, hai bên Thần đạo dựng một đôi bia đá, hai cặp trụ biểu
đá và 30 đôi tượng người, tượng thú. Như vậy, từ bố trí tổng thể đến hình thức
Bửu đỉnh chịu ảnh hưởng kiến trúc lăng thời Tống.
Từ
Minh Hiếu Lăng trở đi, kiến trúc lăng mộ Trung Quốc có sự thay đổi lớn và bước
phát triển mới mẻ. Minh Hiếu Lăng căn cứ vào kiến trúc cung điện mà xây thành.
Dựa vào ba yêu cầu công năng khá đặc biệt là an táng, tế tự và quản lý phục vụ
để chia ra ba khu vực (ba viện) trong lăng là tiền viện, trung viện, và hậu
viện. Noi theo thể kiến trúc "thượng hạ nhất thể" của thời Tống tạo
nên một quần thể kiến trúc vừa phục vụ hoạt động an táng vừa phục vụ hoạt động
tế tự.
Cổng
chính phần tiền viện của Minh Hiếu lăng nguyên có tên là "Văn Vũ Phương
Môn". Trong viện, hai bên là Thần Khố, Thần Trù, sử dụng lúc cúng tế. Tiền
viện và Trung viện có Hưởng Môn thông qua. Ở trung tâm, hơi lệch ra sau của
Trung viện là phần đài mộ rất lớn xây bằng đá xanh, trên có tòa Hưởng điện rộng
9 gian, sâu 5 gian. Điện này còn có tên là điện Lăng Ân.
Phía
trước điện ở 2 bên có hành lang, bố cục nghiêm chỉnh, hình thức như cung điện.
Đây là nơi cử hành hoạt động tế lễ. Sau điện có Nội Hồng Môn thông với hậu
viện. Hậu viện gồm một vòng tường cao lớn hình tròn xây bao bọc lấy phần Phong
thổ (nấm mộ). Vòng tường này gọi là Bửu Thành. Phía trước xây một thành đài cao
lớn có một tòa điện rộng 5 gian, sâu 1 gian, hình thức tựa như một tòa thành
lâu (lầu trên thành) cao lớn, có tên gọi là "Phương Thành Minh Lâu".
Trên
đường Thần đạo của Minh Hiếu Lăng cũng có những hình thức xây dựng mới. Ở đoạn
đầu tiên của Thần đạo xây thêm một tòa lầu chứa bia Thánh Đức Thần Công rất to
lớn, bình diện hình vuông. Hình thể to lớn, dáng vẻ uy nghiêm của nó khiến cho
người ta phải có cảm giác tôn kính, nghiêm trang khi vào lăng.
Tượng
người đá, thú đá đặt phía sau lầu bia này. Số tượng đá đặt 2 bên Thần đạo trên
đã gây nên vẻ thần bí uy nghiêm của lăng mộ, tăng thêm không gian lớp lang tầng
thứ của kiến trúc lăng và cũng là tiêu chí để khu biệt đẳng cấp của lăng mộ.
Điện
Long Ân và Phương Thành Minh Lâu kết hợp với nhau, tạo thành chủ thể của kiến
trúc lăng mộ. Sự kết hợp của chúng tựa như lối "Tiền Triều hậu tẩm"
của sự kết hợp cung điện và miếu vũ. Đề cao địa vị của chủ thể kiến trúc lăng
mộ, thay cho thổ thành và lăng mộ hình chóp cụt của lăng mộ thời Tống, nâng cao
tính nghệ thuật của kiến trúc lăng mộ.
Minh Thành Tổ Chu Đệ dời đô về Bắc Kinh.
Bắt đầu từ năm Vĩnh Lạc 7 (1409) khởi công
xây dựng Trường Lăng ở chân phía nam núi Thiên Thọ huyện Xương Bình
thành phố Bắc Kinh. Từ đây đến khi quân Thanh vào Bắc Kinh lịch sử đã trải qua
235 năm, triều Minh xây dựng được 13 khu lăng mộ, ta quen gọi là "Minh
thập tam lăng". Đây là khu lăng mộ có qui mô lớn nhất và khá sớm trong
lịch sử Trung Quốc. Phía bắc thập tam lăng, dãy Thiên Thọ quanh co trùng điệp.
Ở 2 phía đông, tây núi vươn qua ôm lấy, hình thành nên một thung lũng nhỏ. Đất
đai ở thung lũng này phì nhiêu, cây cối tốt tươi rậm rạp. 13 tòa lăng mộ đế
vương lấy Trường lăng làm trung tâm, tọa bắc nhìn về phía nam, lấy Chiêu- mục
làm nguyên tắc bố trí, thuận theo thế núi để bố trí ở chân núi phía nam ngọn
Thiên Thọ Sơn, ẩn hiện giữa màu xanh ngút ngàn của tùng, bách, hình thành một
không gian tuyệt đẹp, một quần thể kiến trúc lăng mộ vĩ đại. Ở tận cùng phía
nam của khu lăng là Đại Hồng Môn, cửa chung của toàn khu lăng. Ở quảng trường
bên ngoài cổng có một tòa Thạch bi phường (cổng đá) 5 gian, 6 cột trụ. Đây là
khởi điểm của Thần Đạo. Phía bắc của Đại Hồng Môn là tòa lầu bia Thánh Đức Thần
Công to lớn, bình diện hình vuông, 4 cột trụ biểu chạm khắc tinh mỹ, công phu
càng tôn thêm vẻ đường bệ, quý phái của lầu bia Thánh Đức Thần Công. Sau lầu
bia, 2 bên Thần Đạo lấy cột đá làm đầu để bày các tượng thú đá, tượng người
đá... tất cả là 18 đôi. Hàng tượng này chấm dứt ở cửa Long Phụng. Từ Thạch Bi
phường đến Long Phụng môn dài tổng cộng 2,5km. Màu trắng của Thạch Bi phường,
vẻ to lớn của Đại Hồng môn, sự hùng vĩ của lầu bia, vẻ trang trọng uy nghiêm
của hai hàng tượng đá và vẻ đẹp hoa mỹ của Long Phụng môn đã tạo cho 13 khu
lăng mộ trở thành một chỉnh thể thống nhất hài hòa.
Trường
lăng là ngôi lăng mộ đứng đầu của thập tam lăng. Lăng được xây dựng sớm nhất,
qui mô to lớn nhất, bắt đầu xây dựng từ năm Vĩnh Lạc 7 (1409). Do căn cứ vào
Minh Hiếu lăng để xây dựng nên giữa chúng có nhiều điểm tương tự hoặc giống
nhau.
Bình
diện lăng do 3 bộ phận hợp thành. Tiền viện gồm có Thần Trù, Thần Khố. v.v.
Trung Viện, hơi dịch ra sau trên trục chính là điện Lăng Ân. Điện được xây dựng
trên một nền đài 3 tầng làm bằng đá cẩm thạch, bề rộng 9 gian, sâu 3 gian. Mái
điện kiểu trùng diêm Vũ điện. Gỗ hoàn toàn dùng gỗ nam phỏng theo điện Phụng
Thiên ở Cố Cung Bắc Kinh. Đây cũng là ngôi điện dùng gỗ nam có qui mô lớn nhất
của kiến trúc cổ Trung Quốc.
Tòa
Phương Thành Minh lâu của Trường Lăng vốn có bình diện chữ nhật sau sửa lại
thành bình diện hình vuông. Ở chính giữa Minh lâu đặt một tấm bia đá nên thực
tế nó đã trở thành một tòa lầu bia. Đây cũng chính là đặc điểm mà lăng mộ các
hoàng đế thời Minh, Thanh về sau mô phỏng theo. Ở Định Lăng, phần địa cung đã
được khai quật. Địa cung nằm sâu bên dưới Bửu Đỉnh 27m. Diện tích 1195m2. Bình
diện địa cung tựa như một tòa tam hợp viện với một gian chính (hậu điện) và hai
gian bên (phối điện). Tiền điện và Trung điện nối thông với nhau qua đường dũng
đạo. Hậu điện có qui mô lớn nhất, kích thước 30,1m x 9,1m, cao đến 9,5m. Toàn
bộ dùng đá xây thành theo kiểu vòm cuốn. Cửa vào đặt phía ngoài, bên trong
không trang sức, điêu khắc nhưng làm rất đẹp. Đến nay toàn bộ vẫn được bảo quản
rất tốt.
Địa
cung của Thập Tam lăng đều đặt trong lòng đất khá sâu, cơ bản đến nay vẫn được
giữ gìn tốt. Địa cung của Định lăng là biểu hiện tiêu biểu tình trạng địa cung
lăng các hoàng đế thời Minh.
Điểm
sáng tạo của kiến trúc lăng mộ thời Minh là lấy Phương Thành Minh lâu làm tâm
điểm của kiến trúc, từ đó liên kết với điện Lăng Ân, tạo nên hình thức kiến
trúc lăng mộ kiểu "tam tiến viện lạc"( 3 khu vực liên kết nối tiếp).
Kéo dài đường Thần Đạo và chia Thần Đạo thành 2 đoạn. Đoạn đầu lấy lầu bia
Thánh Đức Thần Công là trung tâm. Đoạn sau, trung tâm điểm lại là Phương Thành
Minh lâu, làm gia tăng không gian tầng thứ lớp lang của kiến trúc lăng mộ. Đồng
thời, các hình thức kiến trúc đa dạng, cách tạo hình phong phú, ưu mỹ, đã thực
sự tạo được một ý niệm không gian tĩnh mịch thần thánh của kiến trúc lăng mộ,
nâng cao tính nghệ thuật của loại hình kiến trúc này. 13 khu lăng mộ hoàng đế
triều Minh lấy Trường Lăng làm trung tâm đã tạo nên một khu vực lăng tẩm rộng
lớn. Với thủ pháp kiến trúc nghệ thuật, mỗi khu lăng đều kết hợp hài hòa với
hoàn cảnh xung quanh, khiến mỗi tòa lăng trong tổng thể chung đều có nét đặc
sắc rất riêng.
Kiến
trúc lăng mộ hoàng đế thời Minh không chỉ bố trí thành quần thể, có thành tựu
lớn trong việc lợi dụng hoàn cảnh tự nhiêntrên phương diện tổng thể mà mỗi lăng
đều có thành tựu đặc sắc về tạo hình đơn thể. Như Thạch bi phường, lầu
bia Thánh Đức Thần Công, cửa Long Phụng, cửa Linh Tinh, Thạch Ngũ cung, Phương
Thành Minh lâu, Bửu Thành, Bửu Đỉnh, Địa cung v.v... các kiến trúc đơn thể đều
có bước sáng tạo. Những cống hiến này đã làm cho kiến trúc lăng mộ có những
bước phát triển lớn.
Cuối
thời Minh, ở phía bắc dãy núi Trường Bạch bộ tộc Nữ Chân trở nên lớn mạnh. Trải
qua một quá trình phát triển không ngừng, đến năm 1636 họ đã lập nên Triều
Thanh.
Thời
Thanh sơ kỳ đã xây dựng ba tòa lăng ở miền đông bắc là Vĩnh Lăng, Phúc Lăng và
Chiêu lăng, thường gọi là "quan ngoại tam lăng". Đương thời, do chưa
thống nhất được Trung Quốc, thực lực còn yếu nên các lăng mộ xây dựng còn khá
đơn giản.
Vĩnh
lăng ở thị trấn Vĩnh Lăng huyện Tân Tân tỉnh Liêu Ninh. Phía bắc, lăng dựa vào
núi Khải Vận, nam đến sông Tô Tử. Bình diện lăng kiểu "tam tiến viện
lạc" hình chữ .
Cửa
vào của Tiền viện là Đại Hồng Môn, rộng 3 gian, mái kiểu Ngạnh Sơn. Trung viện
hơi thiên về phía bắc là 4 tòa bi đình (nhà bia) với kiểu mái Yết Sơn. Hai bên
là Thần Khố, Thần Trù.
Đại
điện nằm ở phía bắc Trung viện là nơi cử hành lễ tế tự, gọi là điện Khải Vận.
Điện có mái đơn kiểu Yết Sơn, hình thức tổng thể đơn giản.
Sau
điện có 5 gò đất thấp, đó chính là các lăng Phúc lăng và Chiêu lăng đều ở thành
Phiên Dương tỉnh Liêu Ninh, một lăng ở phía đông thành phố, một lăng ở phía bắc
thành phố, tục gọi là "Đông Lăng" và "Bắc Lăng". Đông lăng
là lăng mộ hợp táng của Nỗ Nhĩ Hạp Xích và hoàng hậu (Diệp Hách Nạp La Thị)
Chiêu lăng là hợp táng lăng của Hoàng Thái cực và Hoàng hậu (Bác Nhĩ Tế Cát Đặc
thị).
Đông
lăng và Bắc lăng có hình thức kiến trúc tương tự nhau nhưng qui mô và thể lượng
kiến trúc lớn hơn Vĩnh lăng rất nhiều. Đại Hồng Môn có mái kiểu đơn diêm Yết
Sơn, trước cổng có thêm Thạch Bi Phường. Trong cổng có hàng tượng đá, lầu bia
Thánh Đức Thần Công, Phường Thành. 4 góc của Phương Thành có Giác lâu. Ở chính
giữa tường phía nam có cửa xây lầu. Chính giữa tường phía bắc là Minh Lâu.
Thành của lăng xây hình vuông, khiến lăng có vẻ hùng vĩ, to lớn lạ thường. Bửu
thành và Bửu Đỉnh phía trong lại có vòng tường to lớn bao bọc, khiến cho kiến
trúc lăng càng thêm hùng vĩ.
Đông
lăng và Bắc lăng là sự kế thừa và phát triển vượt bậc của Vĩnh lăng. Về tất cả
mọi mặt: qui mô, chất lượng, hiệu quả nghệ thuật đều vượt xa so với Vĩnh lăng.
Năm
1644, triều Thanh đóng đô ở Bắc Kinh. Năm 1661, Thanh Thế Tổ (Thuận Trị) băng
hà. Năm Khang Hy 2 (1663) đã xây dựng Hiếu Lăng. Đây là chủ thể của khu Thanh
Đông Lăng, cũng là lăng hoàng đế Thanh đầu tiên ở "quan nội"
Thanh
Hiếu Lăng mô phỏng kiến trúc của Minh Thập Tam lăng. Sau khi vào cửa có Thạch
Bi phường, Đại Hồng môn, lầu bia Thánh Đức Thần Công. Kéo dài đường Thần Đạo
đến 10 dặm. Hai bên bố trí 18 đôi tượng đá. Hiếu lăng cũng có bình diện kiến
trúc phỏng theo Trường lăng.
Tiền
viện lấy điện Long Ân làm trung tâm. Hậu viện có Phương Thành Minh Lâu và Bửu
Thành. Nhìn chung, triều Thanh sau khi vào Trung Nguyên về mọi mặt đều phỏng
theo triều Minh. Qui chế về kiến trúc lăng mộ cũng hoàn toàn kế thừa truyền
thống của triều Minh. Các lăng hoàng đế triều Thanh về sau đều phỏng theo kiến
trúc Hiếu lăng, duy chỉ có qui mô là thu nhỏ hơn. Tuy nhiên Mộ Lăng hoàn toàn
khác các lăng trên .Thanh Tuyên Tông (Đạo Quang) lúc tại vị, chính trị không ổn
định. Cuộc chiến tranh Nha Phiến bị thất bại, phải bồi thường chiến phí, đất
nước bị xâu xé. Ông đã tự cho mình không có công trạng gì, lăng mộ vì thế cũng
không thể so sánh với các bậc tiền bối. Ông chủ trương làm một lăng mộ tiết
kiệm so với lăng tổ tiên ở khu đông bắc. Ra lệnh gọi lăng là "Mộ
lăng" , làm điện Lăng Ân với qui
mô nhỏ bé với bộ mái đơn kiểu Yết Sơn. Trong khu lăng không có bia Thánh Đức
Thần Công. Nội ngoại thất điện đường đều không tô vẽ để biểu thị sự tiết kiệm.
Phương Thành Minh lâu cũng cải lại thành hình trụ tròn. Phía trước chỉ đặt một
cửa Phường bằng đá trắng và một cây cầu đá. Tổng thể kiến trúc tạo nên vẻ thanh
đạm, giản đơn mà trang nhã.
Điện
Long Ân của Mộ Lăng dùng toàn gỗ Hương Nam. Trần điện chia ô và điêu khắc hoa
văn cực kỳ công phu, tinh xảo. Tường điện bên trong gắn đầy các bức gấm đoạn
hợp với màu sắc tự nhiên của các bức phù điêu bằng gỗ Nam khiến cho Mộ Lăng
càng thêm vẻ cao quý, trang nhã. Xét về nghệ thuật kiến trúc và hiệu quả trang
trí, Mộ lăng có nét rất riêng so lăng tẩm các hoàng đế trước đó. Trong Thanh
Đông lăng, địa cung của Dũ lăng được chế tác vô cùng tinh mỹ, có thể xem là địa
cung tiêu biểu của kiến trúc lăng mộ thời Thanh. Địa cung có diện tích 372m2.
Toàn bộ dùng đá xanh trắng xây thành. Phần đỉnh dùng kết cấu vòm. Bốn mặt tường
và vòm đỉnh khắc đầy những tượng Phật, Pháp Khí và kinh bằng chữ Phạn. Số lượng
chữ Phạn, chữ Phiên co tới hàng vạn. Mộ thất có kết cấu nghiêm cẩn, điêu khắc
tinh tế, khiến cho kiến trúc và điêu
khắc trở thành một thể thống nhất, hài hòa đẹp đẽ, thể hiện trình độ kiến trúc
và điêu khắc của thời Thanh.
Thời
Thanh, kiến trúc lăng mộ đầu tiên là lăng Hoàng hậu. Đây là một đặc điểm của
kiến trúc lăng mộ thời Thanh. Nhà Thanh có qui định. Nếu Hoàng hậu chết trước
Hoàng đế thì tùy Hoàng đế mà có thể táng chung trong lăng (Hoàng đế).
Nếu
làm lăng riêng biệt thì đặt ở vùng phụ cận lăng Hoàng đế. Tên gọi lăng căn
cứ vào tên lăng Hoàng đế và vị trí đặt
của nó mà định. Ví dụ đặt ở phía đông của Hiếu lăng thì gọi là lăng Hiếu đông.
Lăng hoàng hậu hình thức tương tự lăng vua nhưng qui mô nhỏ hơn nhiều. Trong số
lăng các hoàng hậu, lăng Hiếu đông là được xem hàng đầu. Ở phía trước Phương
Thành Bửu đỉnh của hậu viện, dọc theo hai bên đặt đến hơn 20 mộ phi tần với bửu
đỉnh hình tròn, khiến lăng hoàng hậu hợp nhất với viên tẩm của các phi tần. Tuy
nhiên điều đó đã ảnh hưởng đến không gian bố cục và tính trang trọng của kiến
trúc của lăng.
Tuy
nhiên Định Đông Lăng của Từ Hy ở núi Phổ Đà lại khác hẳn. Nhìn bên ngoài Định
Đông Lăng không khác gì lăng các hoàng hậu khác, nhưng nội thất của điện Long
Ân thì được trang trí tinh mỹ vô cùng. Điện Long Ân được đặt trên nền đài bằng
đá cẩm thạch. Lan can của đài được điêu khắc đồ án "long phụng tường
vân" hết sức tinh xảo, thật chẳng có lăng đế, hậu nào bì kịp.
Ở
Điện Long Ân của Định Đông Lăng, gồm cả hệ thống cửa, cửa sổ của đông, tây phối
điện đều dùng các loại gỗ quý danh tiếng như gỗ lê hoa vàng, gỗ Nam để chế tác.
Trên nền tự nhiên của sắc gỗ, người ta thếp các đồ án hoa văn long, phụng, vân,
chữ Thọ v.v..
Trừ
hệ thống cửa, cửa sổ ở mặt trước, 3 mặt còn lại đều xây kín bằng gạch mài nhẵn,
trên đó khắc các đồ án chữ vạn , ngũ
phúc, Thọ...v.v.
Toàn
bộ thếp bằng vàng lá chói ngời, lung linh. Cách trang trí đó khiến khu lăng mộ
thêm cao quý, hoa lệ. Đây thực sự là một bước sáng tạo độc đáo của kiến trúc
lăng tẩm thời Thanh ở giai đoạn cuối.
Kiến
trúc lăng mộ của phi tần triều Thanh được làm riêng biệt, gọi là "Phi viên
tẩm". Đây cũng là một qui chế về kiến trúc lăng mộ của thời Thanh.
Chu vi viên tẩm dùng tường màu đỏ, mái lợp ngói xanh lục.
Tiền viện có Hưởng điện, 5 gian, mái đơn, lợp ngói lưu li xanh, xây trên 1 nền
đài thấp, không có lan can. Hậu viện đặt các mộ với bửu đỉnh hình trụ tròn, cao
thấp, trước sau tùy thuộc đẳng cấp của chủ nhân. Đây là mộ các phi tần thuộc về
một vị hoàng đế. Duy chỉ có 2 vị Hoàng quý phi của vua Khang Hy là Khác Huệ và
Đôn Di là mai táng chung trong một khu lăng, gọi là "Cảnh Song phi viên
tẩm".
Thời
Minh, Thanh, kiến trúc lăng mộ Trung Quốc đã kế thừa được các thành tựu nghệ
thuật trước đó. Trải qua một quá trình phát triển và hoàn thiện, kiến trúc lăng
mộ Trung Quốc đã đạt đến giai đoạn đỉnh cao. Từ thời Hạ đến cuối thời Thanh,
kiến trúc lăng mộ Trung Quốc, từ địa hạ đến địa thượng đã từng bước phát triển
để trở thành cả quần thể kiến trúc, hình thành một thể tổng hợp của các loại
kiến trúc nghệ thuật. Thể tổng hợp nghệ thuật ấy luôn luôn kết hợp với hoàn
cảnh tự nhiên khiến vẻ đẹp tự nhiên hợp nhất được với vẻ đẹp nghệ thuật làm cho kiến trúc lăng mộ cổ Trung Quốc thăng
hoa, đạt tới một cảnh giới nghệ thuật tột cùng "Thiên Thành địa tựu"
Loại
hình kiến trúc này đã trở thành một bộ phận trọng yếu trong kho tàng nghệ thuật
cổ đại của dân tộc Trung Hoa.
Biên
dịch
PHAN THANH HẢI
dienbatn giới thiệu.