Ngày nay, người ta sẽ cảm thấy thật khó tin rằng trên thế giới vẫn còn những vùng đất có nhiều người không biết gì về sự xuất hiện của Internet hay điện thoại di động. Đó là những bộ lạc cách biệt hoàn toàn với nền văn minh toàn cầu và không hoan nghênh bất kỳ loại tiếp xúc nào với thế giới bên ngoài.
Đảo Bắc Sentinel là một phần thuộc quần đảo Andaman và Nicobar ở vịnh Bengal, nằm giữa Myanmar và Indonesia, là nhà của một bộ lạc như vậy.
Bộ lạc người Sentinelese trên đảo xem những người bên ngoài hòn đảo như kẻ thù, vì vậy nơi này được mệnh danh là “nơi khó viếng thăm nhất thế giới”.
Người Sentinelese được cho là hậu duệ của những người đầu tiên xuất hiện từ châu Phi. Họ đã sống trên hòn đảo nhỏ này trong gần 60.000 năm, dân số chính xác vẫn chưa xác định được, có thể là từ 40 người đến 500 người.
Không quan trọng là bạn hay thù, cho dù bạn viếng thăm hòn đảo này có mục đích hay tình cờ, thổ dân nơi đây sẽ chào đón bạn theo cùng một cách – bằng giáo và cung tên. Quà tặng thực phẩm và quần áo không quan trọng đối với họ. Họ thậm chí có thái độ thù địch với phái đoàn cứu hộ được gửi đến sau trận sóng thần năm 2004.
Do hậu quả của trận sóng thần thảm khốc tấn công Ấn Độ Dương vào tháng 12/2004, một nhóm các nhân viên cứu hộ đã tìm cách tiếp cận người Sentinelese bằng một máy bay trực thăng của Hải quân Ấn Độ. Họ muốn tìm và giúp đỡ người sống sót, mặc dù cơ hội rất mong manh. Họ đã cố gắng thả bưu kiện thực phẩm xuống đất, nhưng họ được đáp lại bằng thái độ thù địch. Một chiến binh Sentinelese đã xuất hiện từ khu rừng nhiệt đới rậm rạp và bắn một mũi tên vào máy bay trực thăng.
Không có nhiều thông tin về những người trong bộ tộc này; ngôn ngữ và thói quen sinh hoạt của họ vẫn là ẩn số. Khu định cư của họ ẩn trong rừng rậm, vì vậy không có manh mối nào về cách họ sinh sống.
Tất cả những gì chúng ta biết về người Sentinelese là họ duy trì cuộc sống của mình bằng cách săn bắn hái lượm, họ không trồng trọt. Họ sống nhờ trái cây, cá, các loại củ, lợn rừng, thằn lằn và mật ong.
Ấn Độ sở hữu chủ quyền đối với đảo Bắc Sentinel, nhưng có thể những người này thậm chí còn chẳng biết Ấn Độ là gì.
Sau nhiều lần thất bại trong việc tạo mối quan hệ thân thiện với họ kể từ năm 1964, chính phủ Ấn Độ cuối cùng cũng phải rời xa nơi này.
>> 10 địa điểm bí ẩn trên khắp thế giới bạn nên biết
Tất cả các cuộc viếng thăm đến đảo này đều bị cấm. Hải quân Ấn Độ đã thiết lập vùng cấm 4,8 km để ngăn chặn khách du lịch, các nhà thám hiểm và những người tò mò. Những cuộc gặp gỡ tình cờ vẫn xảy ra và không ai trong số họ có kết cục tốt đẹp.
Có vài chuyện kinh dị về cách người Sentinelese “thiết đãi” những vị khách của họ. Người ta hoặc là trở về từ đảo với thương tích và sợ hãi, hoặc là chẳng trở về nữa.
Năm 1896, một tù nhân đã trốn khỏi nhà tù Anh trên quần đảo Andamans và trôi dạt vào bờ biển đảo Bắc Sentinel do tai nạn. Vài ngày sau đó, đội tìm kiếm đã tìm thấy cơ thể người này trên một bãi biển, thân thể anh bị những mũi tên đâm thủng và cổ họng bị cắt.
Năm 1974, một nhóm người đã đến đây thực hiện một bộ phim tài liệu và đạo diễn của bộ phim đã bị một mũi tên dài cắm vào đùi. Một vài đoạn quay từ cuộc viếng thăm đã được đưa vào bộ phim tài liệu “Man in Search of Man”.
Nhà nhân chủng học người Ấn Độ T.N. Pandit đã tiến hành vài chuyến đi do chính phủ tài trợ đến đảo này vào cuối những năm 80 và đầu những năm 90. “Đôi khi, họ quay lưng lại với chúng tôi và ngồi xổm như thể đang đi vệ sinh”, ông nói, “Điều này có nghĩa là họ đang sỉ nhục chúng tôi vì chúng tôi không được chào đón”.
Đáng ngạc nhiên là có một trường hợp duy nhất người ngoài không phải đối mặt với sự thù địch. Đó là ngày 4/1/1991, 28 người đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã tiếp cận ông Pandit và nhóm của ông. “Họ tự nguyện đứng ra gặp chúng tôi, điều này không thể tin được”, ông nói, “Họ đã quyết định rằng thời điểm đã đến”.
Thật không may, liên hệ mới nhất với thổ dân trên đảo vào năm 2006 đã không diễn ra tốt đẹp. Hai ngư dân đã bị thiệt mạng khi đánh bắt cá bất hợp pháp trong khu vực nằm trong phạm vi của đảo.
Người Sentinelese là một trong những nhóm người cuối cùng không kết nối với thế giới bên ngoài, là cộng đồng người sống mà không cần tiếp xúc với nền văn minh toàn cầu. Có lẽ cách tốt nhất là để họ được sống như vậy, đem nền văn minh đến không phải là điều tốt nhất cho họ. Họ có thể không miễn dịch được với một số bệnh và việc thích nghi với thế giới hiện đại có thể trở nên vô cùng khó khăn.
Theo Oddity Central
Hoàng Vũ
: