Blog Tâm Thức
Nghi tâm là liều thuốc độc làm hại chính mình
Wednesday, 28/09/2016 10:00 am

Blog Tâm Thức

Nghi tâm là liều thuốc độc làm hại chính mình
(Ảnh minh họa: goway.com)

Sự phát triển của đời sống hiện đại đã mang tới cho con người rất nhiều tiện nghi, nhưng cũng khiến cho mối quan hệ giữa người với người trở nên vô cùng phức tạp. Trong đó, nổi bật lên là việc người ta có thói quen nghi ngờ và đề phòng lẫn nhau, từ đó gia tăng nỗi lo lắng và sự mệt mỏi cho hoàn cảnh sống.

Có người nghĩ rằng nghi tâm cũng có ích, giúp người ta bảo vệ được bản thân. Tất nhiên là như vậy. Nhưng “nghi” như thế nào cho đúng? Xin kể câu chuyện “Tường đổ” chép trong sách Hàn Phi Tử. Chuyện rằng:

Nước Tống có người nhà giàu. Một hôm trời mưa, bờ tường nhà anh ta đổ. Đứa con nói :

– Thưa cha, không đắp ngay tường lại, kẻ trộm sẽ lén vào.

Người láng giềng thấy tường đổ cũng nói:

– Này bác, không đắp ngay tường lại, kẻ trộm sẽ lén vào.

Tường chưa kịp đắp, thì tối hôm ấy, người nhà giàu quả nhiên bị mất trộm. Anh ta khen đứa con thông minh, có tài tiên đoán, nhưng lại ngờ người láng giềng là kẻ gian phi.

Hàn Phi Tử bàn rằng: Cùng một câu nói, con nói thì khen là tinh khôn, láng giềng nói thì ngờ là trộm cắp! Tại sao thế? Chỉ tại con thì tình thâm, nên không có bụng ngờ, láng giềng là tình sơ, nên sinh ra ngờ vực.

Sách Liệt Tử cũng kể một câu chuyện về anh chàng mất búa như sau:

Có anh chàng bị mất một lưỡi búa, ngờ rằng đứa con nhà láng giềng trộm. Trông dáng nó đi, anh ta cảm thấy rõ ràng là dáng đứa ăn trộm búa. Nhìn vẻ mặt nó, anh ta cảm thấy rõ ràng là vẻ mặt đứa ăn trộm búa. Cho đến ngôn ngữ, cử chỉ, hành động của nó, không một tí gì đối với anh ta là không tỏ ra một đứa ăn trộm búa cả.

Chẳng bao lâu sau, anh ta bới trong hố, tình cờ tìm lại được lưỡi búa của mình. Hôm sau, anh ta trông đứa con nhà láng giềng lại chẳng thấy một tí gì giống đứa ăn trộm búa nữa..

Khi trong lòng đã sinh ra mối ngờ vực rồi thì sự vật bên ngoài đều theo tâm cảnh mà biến đổi theo, người xưa gọi là “tướng tùy tâm sinh”. Trong Phật giáo Ấn Độ cũng có một câu chuyện thương tâm như thế này:

Có một nhà buôn nọ rất giàu có nhưng vợ chết sớm và để lại cho ông một đứa con trai. Vì bận rộn việc mua bán ở phương xa, nên ông đành phải nhờ những người làm trong nhà chăm sóc đứa trẻ. Một hôm bọn cướp ập tới đốt phá làng, khiến nhiều người mất mạng trong trận hỏa hoạn ấy.

Khi nghe tin con trai mình mắc kẹt trong đám cháy, lái buôn nọ đã ngất đi. Sau khi hỏa táng xong, ông lấy chút xương tro của đứa con bỏ vào trong túi gấm. Đi đâu ông cũng mang theo bên người, đêm nào cũng lấy ra kể lể khóc than.

Thời gian trôi qua… một đên nọ, bỗng nhiên bên ngoài có tiếng gõ cửa và giọng một đứa bé tự xưng là con của ông ta. Nhưng vị lái buôn lại nghĩ rằng đó là ma, hay giả bọn con nít trong làng đến chọc phá, nên kiên quyết không mở cửa.

Thật ra, đứa con ông ta chỉ bị bọn cướp bắt về rừng, còn đứa bé bị cháy đen mà ông đã thương khóc là một đứa trẻ khác trong làng. Nhưng mãi mãi ông sẽ không bao giờ biết được sự thật ấy. Sự nghi ngờ và cố chấp đã bít kín trái tim ông.

Cuộc sống luôn có những câu chuyện tựa như thế. Có khi chân lý đã đến gõ cửa rồi mà ta cũng không chịu mở lòng lắng nghe. Bởi ta vẫn tin chắc vào những nhận định cố hữu của mình. Chúng ta có thể “nghi”, nhưng đừng nghi ngờ vô cớ, nếu có cớ thì cũng cần phải bình tĩnh vững tâm mà tìm hiểu cẩn thận, không nên kết luận vội vàng. Đó là vì nghi tâm rất dễ khiến con người ta trở nên mê muội.

Người xưa khuyên rằng, cần phải dùng tấm lòng cởi mở khoáng đạt mà đánh giá sự việc, cũng là bao hàm cái ý đó. Thế giới quá bao la mà đời người chỉ như giấc mộng ngắn, không ôm giữ tâm hoài nghi phiền muộn thì mới biết trân quý cuộc sống của chính mình, thì mới có thể nhận ra đâu là chân lý.

Thanh Phong

TAMTHUC:

Nguồn:https://trithucvn.net/van-hoa/nghi-tam-la-lieu-thuoc-doc-lam-hai-chinh-minh.html