“Không biết từ bao giờ, khi nhắm mắt lại, tôi có thể tưởng tượng những con đường trập trùng dãy núi cao lướt qua, như những thước phim sống động, tiếng gió hú giữa thung lũng núi và vòm trời cao vút dải ngân hà đang lấp lánh như ánh mắt trong ngần của những đứa trẻ du mục trên tay mẹ bế bồng. Đó là lý do tôi trở lại vùng đất này sau 2 năm manh nha.” – cô gái tên Nhị viết trên Facebook của mình về cuộc hành trình.
Cuộc hành trình 20 ngày bắt đầu với 4 người vô danh trên vùng đất gọi tên là LADAKH (vùng đất nằm rìa Tây Tạng, thuộc bang Jammu và Kashmir, Ấn Độ. Ladakh còn được mệnh danh là “tiểu Tây Tạng” bởi trong lịch sử khu vực này là của người gốc Tây Tạng và có rất nhiều tu viện Phật giáo).
Vé máy bay khá đắt cho 1 chặng bay dài, transit ở Malay (bay Airasia) đến New Delhi, và từ Delhi bay thêm 1 tiếng rưỡi để đến được Leh (1 thị trấn du lịch ở Ladakh). Tìm vé qua makemytrip hoặc skyscanner.
Vé xe từ sân bay vào Leh khoảng 300Rp, anh tài xế mặt hiền lành, nét buồn buồn, ảnh chở cả nhóm đến khu Fort Road (giống khu phố Tây). Yên ổn đặt mình lên chiếc giường, thở hổn hển, sau khi chạy lòng vòng deal giá đượcc hostel 1500Rp (hostel Bimla) cho 4 người. Hostel ở Leh với kiến trúc Tây tạng, thường kết hợp tường và gỗ, trong phòng trải thảm, rèm treo, ra giường đẹp, thích nhất là hostel nào cũng có 1 khu vườn nhỏ, trồng hoa cỏ, táo, mơ sum xuê cành… Bọn mình lại đi đúng mùa táo, mơ nữa – đặc sản Ladakh rất ngon, ăn vào ngọt lịm, thanh thanh mà không có thuốc!!!
Ngày 1,2: Leh nằm ở độ cao 3500m, không khí rất loãng nên sẽ dễ gặp tình trạng thiếu oxi, thậm chí bị shock độ cao (AMS – thường xảy ra khi bạn ở những nơi cao hơn mực nước biển khoảng 3.000 m trở lên. Lúc này sẽ xuất hiện những triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, nôn, hơi thở ngắn, bất tỉnh). Đó là lý do nếu bay thẳng tới Leh thì tốt nhất bạn nên dành ra 2 ngày để nghỉ ngơi, đọc sách báo, ăn uống hay tham quan những nơi xung quanh.
Bất kỳ bạn cao to, hay khoẻ mạnh đến mức nào, bạn cũng đều có thể bị shock độ cao. Thậm chí ngay cả tôi, 1 người đã đi 1 lần cách đây 2 năm không “xi nhê”, đã tự tin và ung dung chuyến quay lại này, cuối cùng sau ngày thứ 2 cũng phải chịu thua những cơn đau đầu và mò tới cái bệnh viện thị trấn để “sạc” oxi… Mà cái bệnh viện vô cùng đông vui, tây ta rộn ràng như chuyện thường, cơm bữa.
Bữa tối đầu tiên ở Leh, cả nhóm tự thưởng bằng 1 buổi tối dưới ánh nến lung linh…
Những ngày này, chúng tôi lang thang chợ búa (main bazaar) thích thú với những món hàng lưu niệm trên tay, đi nhà sách, tu viện Thiksey và các gompa (tu viện) khác…
Khi đã cảm thấy thật sự sẵn sàng về mặt thể chất lẫn tinh thần, cả nhóm quyết định ngày thứ 3 sẽ lên đường đến hồ Tsomoriri – tuy không nổi tiếng trên phim ảnh như Pangong (phim 3Diots), nhưng tôi vẫn coi như đây là 1 sự lựa chọn “mù quáng” bởi thiên nhiên và cảnh vật đầy thuyết phục!
Ngày 3,4,5,6: Tsomoriri
Sau khi deal được nhà xe với mức giá Tsomoriri 19000Rp gần hostel. Chúng tôi xuất phát từ sáng sớm vì từ Leh đến Tsomoriri dù chỉ 220km, nhưng phải mất 8 tiếng đi xe (như bạn biết đó vì chúng ta sắp phải lên độ cao 4200m hẳn hoi).
Có 2 hướng để đi đến Tsomoriri, chúng tôi chọn hướng:
– Đi: Leh – Chumathang – Tso Kiagar (hồ nhỏ) – Tsomoririri.
– Ngủ lại 2 đêm trên hồ Tsomoriri.
– Về: Tsomoriri – TsoKar – Tanglang la (cao 5328m) – Leh.
Ngày 7: Nghỉ ngơi ở Leh
Ăn uống ở Leh rất đa dạng, thị trấn du lịch này yêu chiều khách nước ngoài nên có đủ các món Tây Ta, Âu Á (có điều họ rất ít chế biến thịt bò, mà chủ yếu chỉ gà và cừu và thường xuyên ăn chay), giá tầm 600- 1500Rp cho 1 bữa ăn 4 người.
Nếu muốn tiết kiệm có thể mua rau củ tươi tại chợ về hostel nấu, 1 bữa chỉ tốn 500Rp.
Món khoái khẩu của tôi là trà, vì uống trà dưới cái không khí lạnh vừa để sưởi ấm cơ thể vừa để tâm trí hài hòa. Trà sữa (chai, milk tea), Black tea, Trà mặn (từ bơ và muối gọi là gur gur).
Ngoài ra nếu sợ đồ ăn không hợp vị có thể thủ thêm từ nhà mấy món như: muối tiêu, bột niêm, tương ớt, mì gói (sẽ cần khi đi khỏi Leh).
Ngày 8: Leh – Lamayuru – Kargil (210km, 8 tiếng)
Để tiết kiệm chi phí, nhóm mình thuê xe theo chặng từ Leh- Padum (3 ngày), sau đó trả xe, lúc về thì thuê nhà xe khác.
7h sáng xe bắt đầu lăn bánh, đi qua Lamayuru được mệnh danh là Moonland vì cấu trúc địa chất của tầng lớp đá ở đây. Sau 8 tiếng lắc lư trên xe cuối cùng cả nhóm đặt chân tới Kargil thì trời chập tối.
Kargil là 1 mảnh ghép khác của bức tranh Ladakh. Người ở Kargil lai giữa Tây Tạng, Pakistan hay Afghanistan. 90 % dân số Kargil là Hồi giáo Shia, 5 % người Sunni và 5 % của Phật giáo Tây Tạng.
Ngày 9: Kargil – Sankoo- Parkachik- Rangdum (127km, 6 tiếng )
Qua khỏi Kargil, chúng tôi bắt đầu tiếp cận những thảo nguyên bao la và thảm động vật phong phú từ marmot (sóc đất), cừu, dê núi, ngựa…
Mặt trời bắt đầu xuống núi vừa đúng lúc chúng tôi đến Rangdum (1 thị trấn hoang vu và tách biệt giữa lòng chảo thung lũng núi non hiểm trở, quanh khu này hình như chỉ duy nhất 1 cái hostel, thiếu điện đóm, giá khá đắt đỏ).
Ngày 10: Rangdum – Sông băng Drang Drung – Penzi la – Padum (100km, 4 tiếng)
Buổi sáng ở Randum, sau khi ăn nốt mấy quả trứng luộc chai muối tiêu quê nhà cũng gần cạn, nhâm nhi 1 tách trà gừng cho ấm cổ rồi cả nhóm lại tiếp tục cung đường truyền thuyết. Đến Padum vào buổi chiều, cả nhóm deal giá 1 cái hostel giá 1000Rp do không phải mùa cao điểm du lịch.
Khắp Padum, cách duy nhất để vào wifi là những tiệm internet trong trấn, tính theo phút, 4 Rupee/phút (ngồi 1 tiếng vị chi là 80.0000đ/tiếng).
Ngày 11: Padum, tu viện Karsha, tu viện Stongde
Ngày 12,13,14: Lên tu viện Phuktak – nghỉ làng Cha
Chúng tôi quyết định dành 3 ngày để leo bộ lên tu viện Phuktal (Phugtal) – tu viện này nằm ẩn mình trong một khoảng rộng của hẻm núi khổng lồ cao tới 3.800 m thuộc dãy núi Himalayas. Thiết kế và vị trí cô lập của Phuktal mang ý nghĩa tinh thần lớn vì đã có nhiều nhà sư ẩn cư và thiền định trong các hang động ở khu vực này. Để đến được Padum, người ta phải bắt taxi từ Padum đến Raru, nơi kết thúc con đường và bắt đầu leo núi từ đó. Sẽ phải mất 1 hoặc 2 ngày đi bộ để đến Phugtal, ngang qua hai ngôi làng nhỏ Chatang và Purne. Tu viện cách Purne khoảng 7km.
Ngày đầu tiên leo khoảng 6 tiếng, nghỉ ở làng Cha.
Ngày thứ 2, tiếp tục leo 4 tiếng đến tu viện Phuktal, nghỉ ở hostel cách đó 500 m.
Ngày thứ 3, về lại làng Cha nghỉ đêm, sáng sớm mai xuống núi.
Ngày 15, 16: Padum, lễ hội Sani
Trở về Padum, cả nhóm ở 1 cái homestay Montblanc, cách chợ khoảng 300m, chỉ khoảng 800Rp. Homestay theo kiểu 1 gia đình truyền thống luôn, gian bếp lại rất đẹp, người nhà rất dễ thương!
Sani Festival là lễ hội lớn nhất ở Zanskar, được tổ chức ở tu viện Sani, hầu hết người địa phương đều kéo về đây. Lễ hội tổ chức 2 ngày khoảng 2h trưa dưới cái nắng hanh và những cơn gió hốc cát bụi tung bay, ngày đầu tiên là diễn tập nên các Lạt ma không đeo mặt nạ, dân địa phương đến ít.
Ngày 17,18: Padum – Rangdum, Rangdum – Kargil – Leh
Tham quan xong ngày thứ 2 của lễ hội là chúng tôi phóng ngay lên xe, chạy nhanh về Rangdum trong lúc trời còn sáng. Xe chạy khoảng 4-5 tiếng, ngủ đêm tại Rangdum.
Ngày 19, 20: Rangdum- Kargil – Leh
Tôi đã nói nếu bạn thích an nhàn, vui lòng đừng đến Ladakh. Nhưng nếu bạn thích những nụ cười thanh thản, an nhiên, thì sự tồn tại của thế giới này – Ladakh, là 1 thứ tình yêu nhỏ bé dễ thương trong tôi…. 1 phiên bản vừa gai góc, khốc liệt, nhưng đầy cám dỗ, vừa hạnh ngộ, bao la, nhưng cũng bình dị đến nao lòng.
Những ngày cuối cùng ở New Delhi, khi tôi đến miền Trung Ấn và chuẩn bị bay về Việt Nam. Tôi gặp 1 anh hải quan check visa, nhìn anh ko phải gốc Ấn, tôi ngờ ngợ anh là người Ladakh, anh chàng hải quan với gương mặt phúc hậu hỏi tôi: “Cô đến Ladakh lần thứ 2 rồi à?!”. Tôi hỏi lại ngay: “Anh là người Ladakh à!”, “Vâng, tôi từ Leh” – Tôi thầm hét lên trong bụng: “A tôi biết ngay mà!!”
Nụ cười Ladakh của anh làm tôi ấm lòng, người Ladakh đi đâu vẫn mãi là người Ladakh, hoặc giả tôi đang quá màu hồng ảo tưởng nhưng Ladakh trong tôi chắc cũng chỉ có thế, dường như trọn vẹn về phía những đường chân trời đã mất!
Nguồn : Facebook Nhị Đặng
: