“Không thể cùng con ếch ngồi trong đáy giếng luận bàn về biển cả; không thể cùng côn trùng mùa hè bàn luận về băng tuyết; không thể cùng anh học trò chốn thôn quê hẻo lánh bàn luận về đạo lý” – Trang Tử.
Một ngày, chú ếch sống trong chiếc giếng cạn đã lên giọng nói với chú rùa sống ngoài Biển Đông rằng: “Cuộc sống dưới giếng của tôi thực sự là vui! Khi muốn ra ngoài, tôi chỉ cần leo lên thành giếng. Rồi khi trở lại, tôi nghỉ ngơi tại khe nứt trong giếng. Lúc bơi lội, nước ngập đến nách nhưng đầu tôi nổi lên trên. Tôi nhúng chân vào đám bùn mềm mại và chơi đùa với nó.”
Ếch tiếp lời: “Hãy nhìn những chú sò, cua và cá xung quanh cũng đang hưởng thụ cuộc sống hạnh phúc như tôi. Không những thế chiếc giếng này là lãnh thổ của tôi, chỉ phục vụ cho riêng tôi. Thật là một cuộc sống tuyệt vời. Sao anh không thử vào đây trải nghiệm điều tuyệt vời ấy nhỉ?”
Nhận lời mời của chú ếch, chú rùa chuẩn bị vào chiếc giếng. Nhưng trước khi chú rùa có thể di chuyển được chân trái thì chân phải của chú đã bị mắc vào thành giếng rồi. Chú không vào bên trong giếng nữa, và bắt đầu kể cho chú ếch nghe về biển cả.
Biển bao lớn? Có dùng cả ngàn dặm cũng không thể mô tả được sự bao la của biển, cả ngàn thước cũng không mô tả được độ sâu của biển cả.
Chú rùa kể: “Vào thời gian trị vì của vua Đại Vũ triều nhà Hạ, trong vòng 10 năm thì có 9 năm lũ lụt nhưng mực nước biển không hề dâng cao. Vào thời gian trị vì của vua Thành Thang triều nhà Thương, trong vòng 8 năm thì có 7 năm bị hạn hán nhưng nước biển không bị cạn khô. Không bị ảnh hưởng bởi thời gian hay sự lên xuống của thuỷ triều, đó là điều tuyệt vời khi sống ở Biển Đông.”
Nghe những điều tuyệt vời về biển cả, chú ếch đã chấn động. Chú bắt đầu cảm nhận được sự hạn hẹp của cuộc sống trong chiếc giếng nhỏ bé của mình.
Môi trường sống sẽ hạn chế suy nghĩ của người ta. Cùng với đó, sự tự mãn và kiêu ngạo sẽ dẫn đến những suy nghĩ hẹp hòi và nhỏ bé. Đó chính là hàm nghĩa của câu thành ngữ “Ếch ngồi đáy giếng”.
TAMTHUC: Bằng chứng hóa thạch về các nền văn minh tiền sử hàng triệu năm trước
Chính vì thế, trong chương “Thu thủy”, Trang Tử bàn rằng: “Không thể cùng con ếch ngồi trong đáy giếng luận bàn về biển cả; không thể cùng côn trùng mùa hè bàn luận về băng tuyết; không thể cùng anh học trò chốn thôn quê hẻo lánh bàn luận về đạo lý.”
Loài côn trùng mùa hè không bao giờ trải nghiệm mùa đông băng giá, làm sao có thể tưởng tượng được băng tuyết mùa đông? Cũng như con ếch dưới đáy giếng, dù có nghe chuyện rùa kể cũng không thể nào hình dung được biển cả. Tương tự như vậy, khi giảng đạo lý cho những người có tầm nhìn hạn hẹp, thì họ sẽ chẳng thể học được điều gì. Vậy nên, người ta cần phải có một tâm thái rộng mở đối với tri thức.
Ngày nay, sự phát triển của khoa học công nghệ đã mang đến cho nhân loại những thành công vượt bực, và chúng ta đang có phần tự mãn với tri thức của mình. Thật ra, con người vẫn còn chưa vượt qua khỏi Thái dương hệ, đích đến sao Hỏa vẫn còn đang là mộng tưởng của nhân loại, và những gì chúng ta đang quan sát được về vũ trụ mới chỉ là hình ảnh của mười mấy vạn năm ánh sáng trước đây. Tri thức của con người quả thật quá nhỏ bé so với vũ trụ này.
TAMTHUC: Mỹ ra dự luật yêu cầu NASA phải đưa người lên sao Hỏa trong 25 năm tới
Những nhà khoa học chân chính đều có một cái nhìn rất rộng mở về vũ trụ, và họ sẽ không xuất phát từ những quan niệm có hạn của cá nhân để phủ nhận những điều “chưa biết” vô hạn. Khoa học gia nổi tiếng Newton, trong quyển sách có tính chất khai thủy của ông là “Các nguyên lý của Toán học” phát hành năm 1678, đã giải thích rất chi tiết những nguyên lý của cơ học, sự hình thành thủy triều, và sự vận động của các hành tinh, và đã tính toán sự vận hành của Thái dương hệ. Newton, một người toàn tài như vậy, lại luôn nhắc lại rằng quyển sách của ông chỉ là một sự mô tả về các hiện tượng bề mặt, và rằng ông tuyệt đối không dám nói gì về ý nghĩa chân chính của Đức Chúa tối cao trong việc sáng tạo ra vũ trụ.
Trong lần tái bản của quyển sách “Các nguyên lý của Toán học”, để bày tỏ đức tin của ông, Newton đã viết, “Hệ thống tuyệt đẹp này bao gồm mặt trời, các hành tinh, và các ngôi sao chổi chỉ có thể bắt nguồn từ ý chỉ và quyền năng của một đấng đại trí và quyền uy… Như một người mù không có khái niệm về màu sắc, cũng như vậy chúng ta không biết được cách mà Đức Chúa tối toàn năng nhìn nhận và hiểu biết mọi thứ.”
Người ta thường hay quan niệm rằng, khoa học và tín ngưỡng là hai phạm trù đối nghịch nhau, một thứ là vật chất, thứ còn lại là tinh thần. Rốt cuộc đức tin là gì? Tinh thần là gì? Khoa học chưa trả lời được ngọn ngành câu hỏi đó. Nhưng trong số những nhà khoa học lỗi lạc nhất lịch sử thế giới, không thiếu những người có đức tin. Một khoa học gia chân chính sẽ biết dũng cảm vượt qua ranh giới hiện tại để tìm ra tri thức cao hơn, để bắc được cây cầu nối giữa thế giới vật chất và thế giới tinh thần.
Quang Minh tổng hợp