Blog Tâm Thức
Lời Khuyên Của Nhà Ngoại Cảm Phan Thị Bích Hằng Về Tục Đốt Vàng Mã
Saturday, 27/04/2013 00:00 am

Blog Tâm Thức

Theo chị, thực sự có sự tồn tại của người âm. Vậy thế giới có ảnh hưởng, có mối liên kết gì với thế giới người trần chúng ta đang sống, đặc biệt là sự ảnh hưởng về mối liên kết giữa mồ mả tổ tiên với đời sống của con cháu cõi dương thế?

– Thực sự là có sự tồn tại của thế giới tâm linh. Thế giới ấy nhiều khi có ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống của chúng ta mà người thường (không có khả năng ngoại cảm) không nhìn thấy, nghe thấy. Nếu không có sự chỉ dẫn của vong linh, làm sao tôi có thể tìm thấy hàng chục ngàn hài cốt liệt sĩ vùi xác thân khắp nơi rừng sâu, núi thẳm, ao hồ, sông suối? Làm sao có chuyện người chết đi tìm người sống mà Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người đã làm thành cả một đề tài nghiên cứu?

Có điều, trong 23 năm tiếp xúc với “vong” để đi tìm hài cốt, tôi ngộ ra một điều: tôn giáo quyết định ý thức tâm linh. Những người theo đạo Phật cực kỳ thanh thoát, nhẹ nhõm. Tôi nói chuyện với vong của các hòa thượng hay các Phật tử, chẳng thấy họ kêu ca hay đòi hỏi gì sất. Nhưng những người theo đạo Lão, đạo Tứ phủ thì cực kỳ nặng nề, sân hận, nặng nề chuyện cúng kiếng đủ mọi thứ.

Về mồ mả, tôi tạm chia làm hai giới: một bên theo đạo Lão, một bên theo đạo Phật. Những người theo đạo Phật thì nhẹ tênh. Với họ, được hóa thân đi là một sự giải thoát, chuyển đổi cảnh giới. Khi thác, họ nhanh chóng rời bỏ thân xác, họ về luôn với gió núi mây trời. Còn những người theo đạo Lão cứ khư khư giữ lấy cái mộ của mình và rất khó siêu thoát. Hôm nay có con trâu húc mộ, ngày mai có người cuốc vào mộ, động mộ, thế là lập tức về “báo” ngay con cháu, làm cho con cháu sôi sùng sục lên, vội vàng sắm sanh lễ vật, mời thầy tạ mộ, hàn long mạch… mới yên.

Cho nên tôi có một lời khuyên là khi người thân mất, chúng ta nên hướng họ vào một tôn giáo nhất định mà theo tôi, thiện nhất, lành nhất là đạo Phật, để được giải thoát. Tại sao ở Philippines, nhiều gia đình sống nhiều năm trên những nấm mộ ngoài nghĩa trang, trẻ em cầm đầu lâu ném chơi như ném bóng, cầm xương ống chân chơi khăng mà họ vẫn khỏe mạnh, sống lâu? Tại sao ở Hàn Quốc, hầu hết người dân chết đều hỏa táng, rải tro cốt ra biển mà dân họ vẫn giàu, nước vẫn mạnh? Vì trước khi chết, tâm thức người ta đã ngộ rằng thân xác này chỉ là cõi tạm. Chết là linh hồn đi lên, rời bỏ thân xác thối rữa, không nuối tiếc.

Ở Việt Nam, những năm gần đây, vào dịp Tết Nguyên Đán hay giỗ chạp, chứng kiến nhiều gia đình đốt linh đình cả sân vàng mã, tôi thấy sợ. Làm như thế khiến cho người âm hoài tưởng đến cuộc sống trần gian, càng khó siêu thoát. Sau khi chết, linh hồn tồn tại dưới dạng khí, sóng nên họ đâu có dùng những thứ vàng mã ấy. Họ chỉ dùng bằng ý niệm. Nhìn thấy vàng mã, họ reo mừng: a, hôm nay có quần áo đẹp rồi. Nhưng đống tro bụi ấy làm sao họ mặc được? Tôi thấy rất là phí phạm khi nhiều người đốt ngập trời “nhà lầu, xe hơi”… Tôi đã từng chứng kiến ở đền Kiếp Bạc, người ta bày la liệt cả một sân voi ngựa, đông hơn cả voi ngựa nhà Trần đánh quân Nguyên Mông. Người âm là khí, linh khí là âm. Họ chết mấy trăm năm rồi, rất mong manh. Lửa là dương. Đốt lửa ngút trời như thế là đẩy hết khí ra, tán sạch khí.

Theo Hoàng Anh Sướng – XH