Blog Tâm Thức
Phát hiện mộ chôn 103 nghĩa sĩ Cần Vương nhờ ngoại cảm
Friday, 26/04/2013 00:00 am

Blog Tâm Thức

Nhiều năm nay, ông Nam bị ám ảnh bởi câu nói của một nhà ngoại cảm ở Hải Phòng, rằng dưới nhà ông có một ngôi mộ tập thể lên đến cả trăm người…
14 năm trước, tháng 2-1999, di tích Tiên Động, căn cứ chống Pháp có tầm chỉ đạo chiến lược cho cả phong trào Cần Vương Bắc Kỳ do thủ lĩnh Nguyễn Quang Bích lãnh đạo đã được xếp hạng di tích quốc gia.
Thế nhưng còn một di tích khác, gắn bó mật thiết với cuộc khởi nghĩa Tiên Động – ngôi mộ tập thể của 103 nghĩa quân ở cách đó không xa thì 121 năm qua chẳng mấy ai biết đến, thậm chí còn không thấy trong bất cứ tài liệu lịch sử nào.
Nhưng có một dòng họ bao đời nay vẫn năng hương khói, mỗi năm một lần nhớ ngày giỗ chạp. Và cũng vì thế, ngôi mộ tập thể đã không bị dấu thời gian xóa nhòa.

Chuyện tưởng như… hoang đường

Tròn 10 năm nay, từ ngày về hưu, họa sĩ, nhà văn Ngô Quang Nam dăm bữa nửa tháng lại về Tiên Động – xã Tiên Lương – huyện Cẩm Khê – Phú Thọ để chăm chút hương khói nơi đền thờ Tướng quân Nguyễn Quang Bích (họ chính là Ngô mang họ kép là Nguyễn vì thế có tài liệu chép ông họ Ngô, nhưng đa phần tài liệu ghi ông họ Nguyễn) cùng các nghĩa quân.

Nhà văn Ngô Quang Nam là cháu đời thứ 4 của dòng họ Ngô. Nhiều năm nay, ông bị ám ảnh bởi câu nói của một nhà ngoại cảm ở Hải Phòng mà có lần ông cùng vợ đi xem.

Lần đó, nhà ngoại cảm kia phán rằng, nhà ông có một ngôi mộ tập thể lên đến cả trăm người. Đương nhiên, ông không tin bởi phần mộ tổ tiên lâu nay vẫn được chăm chút, gia phả dòng họ rõ ràng, không hề có một dòng nào, thậm chí trong câu chuyện truyền khẩu của các thành viên dòng họ cũng chưa từng nhắc đến ngôi mộ tập thể nào như thế cả. Nghĩ là hoang đường, việc nọ tiếp việc kia, ông không còn nhớ tới nữa.

 Di tích Quốc gia Tiên Động, nơi thờ Thủ lĩnh Nguyễn Quang Bích và nghĩa binh.

Thế rồi nhân duyên đưa đẩy, quãng độ vài tháng trước, có người tên là Bùi Văn Tuân, qua người quen tìm đến với ông. Người này tự xưng là con cháu của cụ Bùi Hữu Khanh, một trong những lãnh binh của Thủ lĩnh Nguyễn Quang Bích năm nào.

Anh Tuân kể rằng, 121 năm nay, dòng họ nhà anh vẫn đều đặn cúng giỗ cho 103 nghĩa sĩ được chôn trong ngôi mộ tập thể. Họ chính là tướng sĩ của Thủ lĩnh Nguyễn Quang Bích, người đứng đầu cuộc Khởi nghĩa Tiên Động.

Ngôi mộ đó hiện ở nơi được gọi là Nghĩa Trủng thuộc làng Xuân Áng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Nghĩa Trủng chỉ cách di tích Tiên Động – Cẩm Khê chừng vài kilômét đường chim bay.

Ngay sau khi nhận được thông tin về sự tồn tại của ngôi mộ tập thể 103 nghĩa sĩ Cần Vương, Giáo sư sử học Lê Văn Lan đã có chuyến khảo sát thực địa tại các huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa, sưu tầm tư liệu về cuộc khởi nghĩa Tiên Động, cũng như lịch sử tỉnh Vĩnh Phú (nay tách ra thành hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc).

Qua người thực, việc thực, Giáo sư Lê Văn Lan khẳng định sự quý giá của di tích này đối với hệ thống các di tích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong một số công trình nghiên cứu của mình, nguyên Giám đốc Bảo tàng Vĩnh Phú Tạ Huy Đức cũng có nhắc về Nghĩa Trủng như một di tích quý hiếm trên giải đất Thao Đà lịch sử.

Nghĩa Trủng Xuân Áng là di tích đầu tiên được tìm thấy ở phía Bắc. Tại Đà Nẵng hiện có 2 Nghĩa Trủng đều đã được xếp hạng di tích quốc gia là Nghĩa Trủng Hòa Vang và Nghĩa Trủng Phước Ninh.

Đây là nơi an nghỉ của những chiến sĩ dũng cảm trong cuộc chiến đấu kéo dài 19 tháng kể từ lúc hạm đội Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà đêm 30 rạng sáng 1-9-1858.

 Bà Nguyễn Thị Cẩn, chỉ cho phóng viên vị trí mộ tập thể ở Nghĩa Trủng.

Sau khi quân Pháp phải rút khỏi mảnh đất này, triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ đã cho quy tập thành những Nghĩa Trủng. Theo nhiều tư liệu để lại, thì việc quy tập xương cốt này cũng kéo dài tới 20 năm.

Văn bia ở Nghĩa trang Phước Ninh vẫn còn lưu dòng chữ: “Phàm người ta làm mọi việc ở đời cũng vì nghĩa hay vì lợi. Người quân tử chỉ nghĩ đến điều nghĩa mà dốc lòng vào việc thiện.

Dù việc thiện nhỏ đến thế nào cũng không bỏ qua. Nói ngày xưa là thành xiêu lũy đổ chất chồng, người ta đã vùi dập đó đây những nắm xương của những người vì nghĩa cả mà hy sinh”.

Phong trào Cần Vương xứ Bắc

Di tích lịch sử Tiên Động nằm trên một quả đồi, lẫn trong cả bạt ngàn cây cọ, loài cây đặc hữu của trung du phía Bắc. Cọ ở đây cao tới cả chục mét, mùa này quả chín, rụng lộp độp suốt dọc con dốc lên đền.

Ngôi đền thờ vị thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Tiên Động hơn 100 năm về trước không lớn, nhưng tĩnh lặng và uy nghiêm. Phía phải sân đền có một chiếc giếng đá, lạ là, dù nằm trên đỉnh đồi nhưng quanh năm suốt tháng giếng luôn đầy nước, không cần phải gầu kéo, chỉ cần với tay là múc được, nước giếng trong, ngọt và mát.

Trong vùng, hiếm có giếng nào sánh bằng. Theo những người dân ở xã Tiên Lương kể lại, xưa kia toàn bộ khu vực Tiên Động rộng khoảng 10km, là một cánh đồng chiêm trũng sình lầy.

Trong từ điển văn học rút gọn có chép về Nguyễn Quang Bích rằng, ông nguyên quán Tiền Hải, Thái Bình, từng đỗ Đình nguyên Hoàng giáp khoa Kỷ Tỵ (1869) trải các chức Tri phủ Diên Khánh (Khánh Hòa), Tri phủ Lâm Thao, Án sát Sơn Tây, Án sát Bình Định, rồi về kinh giữ chức Tế tửu Quốc Tử Giám. Năm 1875, ông được giao cho duyệt bộ “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục”.

Hai năm sau triều đình lập bản doanh điền ở Hưng Hóa, ông được cử làm Chánh sứ sơn phòng kiêm Tuần phủ Hưng Hóa. Ông đã có công thu phục tướng Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc, trước hết tiễu phỉ và sau đó đánh Pháp, hai lần lập chiến công ở Cầu Giấy.

 Văn bia Nghĩa Trủng do GS Lê Văn Lan thảo.

Năm 1884, Pháp tập trung toàn lực với 7.000 quân có tàu chiến yểm trợ tấn công Hưng Hóa. Nguyễn Quang Bích chỉ huy quân sĩ bảo vệ thành. Khi thành mất, quân sĩ mở đường máu, ông dẫn quân rút về Tiên Động – Cẩm Khê dựng cờ khởi nghĩa.

Đến tháng 5-1885 vua Hàm Nghi bỏ kinh thành, hạ Chiếu Cần Vương, phong ông làm Hiệp biện Đại học sĩ, Lễ bộ Thượng thư, Hiệp thống Bắc kỳ Quân vụ Đại thần được toàn quyền tổ chức lực lượng chống Pháp ngoài Bắc.

Rất nhiều lần Thực dân Pháp cử binh đánh dẹp, nhưng không được liền cho người đến dụ hàng. Ông có thư trả lời, vạch rõ dã tâm cướp nước của giặc, đồng thời khẳng định tâm thế quyết tử của mình.

Sau này, bức thư đã trở thành một áng thiên cổ hùng văn của dòng văn học yêu nước Việt Nam. Sử sách nay vẫn ghi rằng, ông mất sau một trận cảm hàn, nhưng còn một “dị bản” khác bấy lâu nay tồn tại trong dòng họ Ngô, rằng sau khi nhận được một bức thư của ai đó gửi đến, ông đọc xong thì cau mày, ném bức thư vào đống lửa, rồi lên giường nằm, cứ thế lịm đi và chết.

Nhà văn Ngô Quang Nam, người đã có nhiều năm nghiên cứu về Khởi nghĩa Tiên Động khẳng định giả thiết thứ 2 là đúng: “Cụ nhà tôi vì uất mà mất”!

Nhận xét về nhân vật lịch sử Nguyễn Quang Bích cùng cuộc khởi nghĩa Tiên Động, Giáo sư Đinh Xuân Lâm cho biết, tên tuổi của Nguyễn Quang Bích không chỉ được khẳng định bởi các nhà nghiên cứu lịch sử, văn học hàng đầu Việt Nam mà ngay cả các công trình nước ngoài nghiên cứu lịch sử Việt Nam cũng nhắc đến tên tuổi và sự nghiệp cứu nước của ông.

 Năm 2012, dòng họ Bùi và nhân dân trong làng đã phát tâm công đức, dựng một tấm bia ghi dấu sự tồn tại của Nghĩa Trủng Xuân Áng.

Đồng thời khẳng định ý nghĩa của khởi nghĩa Tiên Động, xuất hiện trước khi phong trào Cần Vương bùng nổ trong cả nước (7-1885). Đó còn là lời khẳng định về ý chí quật cường của dân tộc “không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, không đợi có hịch kêu gọi của vua Hàm Nghi mới chống giặc, mà một khi Tổ quốc bị lâm nguy thì thức thời đứng lên kháng chiến, bất chấp việc triều đình nhà Nguyễn khi đó đã đầu hàng.

Công trạng của Nguyễn Quang Bích, thủ lĩnh phong trào Khởi nghĩa Tiên Động đã được lịch sử lưu danh. Nhưng 121 năm qua, những nghĩa sĩ của cuộc khởi nghĩa, những người “vì độc lập của Tổ quốc đã không tiếc cả máu của mình” vẫn cứ vô danh và bơ vơ.

Từng bị san phẳng để xây trại lợn

Ngôi mộ tập thể của nghĩa quân Tiên Động giờ chỉ còn là một bãi đất phẳng, ba bề bốn bên được bao bọc bởi hai dãy núi, dân làng gọi là núi Cha và núi Mẹ.

Cách đó không xa là công trường xây dựng đường cao tốc xuyên Á, xe chạy rầm rập, bụi giăng quanh sườn núi mờ ảo như sương.

Bà Nguyễn Thị Cẩn dẫn chúng tôi ra nơi các nghĩa sĩ yên nghỉ, dọc đường bà kể, hồi còn nhỏ, có lần bà cùng chúng bạn trong làng nghịch ngợm trèo lên trên mộ để chơi chắt, chơi chuyền…

Mẹ bà đi làm đồng về qua, tình cờ nhìn thấy mắng cho một trận và cấm không được nghịch dại như thế nữa.

Rồi mẹ bà kể, đó là mộ của những người đã hy sinh trong một trận chiến để bảo vệ đất nước. Khi lớn lên, bà về làm dâu trưởng dòng họ Bùi trong làng.

Gia phả của họ Bùi chép rõ ràng về quá trình cùng tháng năm lập mộ. Ông Nguyễn Văn Thế, đại diện dòng họ Nguyễn ở làng Xuân Áng cũng kể thêm, hồi ông còn nhỏ thường chăn trâu ở gần khu vực Nghĩa Trủng, ông nhớ có lần đã đếm được 10 mô nấm, có đường kính chừng 2m, cao 1m, trên mặt nấm được đắp khá bằng phẳng.

Những nấm mộ tập thể này quây quần bên một gốc cây đa rất to, cũng phải 4-5 người ôm mới xuể…

Cho đến năm 1964, khi có phong trào hợp tác hóa, thực hiện dồn điền đổi thửa, ngắm thấy mảnh đất rộng rãi, lại kề bên đường liên xã, chính quyền địa phương đã cho san phẳng để xây… trại chăn nuôi.

Người dân lên tiếng can ngăn, có vị lãnh đạo địa phương vỗ ngực bảo rằng: “Sợ gì, cứ san đi, có vật thì vật tôi đây này!”.

Thế rồi bãi Nghĩa Trủng thành trại chăn nuôi lợn, cây đa mấy trăm năm tuổi cứ lụi dần rồi chết. Mối đùn lên thành những đống lớn quanh gốc đa. Lợn nuôi trong chuồng thì còi cọc sống dở chết dở. Lại thêm cứ mùa mưa gió thì sét cứ nhè đúng chuồng lợn mà đánh…

Hơn chục năm sau, việc chăn nuôi rốt cục chẳng ra sao, toàn bộ khu chuồng lợn bị dỡ bỏ. Chính quyền địa phương lại một lần nữa cho san phẳng để trồng hoa màu, nhưng không hiểu sao rau màu trồng ở đây không lớn. Chán chả buồn canh tác, từ đó nơi đây bỏ hoang và thành bãi bóng cho trẻ đùa nghịch.

Lãnh Khanh – người lập Nghĩa Trủng

Đến làng Xuân Áng – huyện Hạ Hòa tìm nhà ông trưởng tộc họ Bùi là Bùi Hữu Duyệt không khó, bởi cả làng ai cũng biết tiếng ông. Nghe tin có phóng viên đến tìm hiểu về lịch sử của ngôi mộ tập thể, đại diện các dòng họ trong làng đều có mặt để gặp chúng tôi.

Chúng tôi được tiếp cận những tài liệu từ nhiều năm trước, nói về việc quy tập hài cốt nghĩa sĩ Cần Vương trên đất Phú Thọ.

Năm 1887, cụ Bùi Hữu Khanh hay còn gọi là Lãnh Khanh đã đứng ra, cùng các nghĩa sĩ thuộc các dòng họ Lê, Hà, Ngô, Nguyễn tổ chức quy tập các mộ nghĩa sĩ Cần Vương tử trận ở mặt trận phía Bắc căn cứ Tiên Động, đưa về Xuân Áng, lập thành một Nghĩa Trủng, gia tộc họ Bùi từ đó đảm nhận trách nhiệm hương khói, hàng năm nhằm vào chiều 23 tháng Chạp làm ngày giỗ chung của nghĩa quân.

Cụ Bùi Hữu Khanh xưa là Chánh tổng Tổng Xuân Áng, tham gia cuộc khởi nghĩa Tiên Động được Thủ lĩnh Nguyễn Quang Bích phong chức Lãnh binh chỉ huy nghĩa quân từ Ngòi Giành lên Ngòi Vần vào đến Mỹ Lung – Yên Lập.

Cụ Bùi Hữu Khanh là một thủ lĩnh có uy tín trong vùng nên nhiều người theo như: Ngô Văn Thân (Hiệp Thân), Ngô Văn Ngọ (Đốc Ngọ), Trình Văn Chí (Đốc Chí), Trình Văn Khương (Đốc Tá), Nguyễn Hữu Phang (Đội Hữu)…

Cụ Lãnh Khanh cùng với Tán Dật (ở Tả ngạn sông Thao), Đội Hữu ở Động Lâm và Đề Ngân, Đề Mạc ở Mai Tùng… thường xuyên tổ chức các trận chống càn của địch ở Lạng Sơn, Ấm Thượng, Động Lâm, Ngòi Lao… bảo vệ vững chắc căn cứ Tiên Động suốt từ năm 1884 đến tháng 11-1886.

3 năm sau khi quy tập hài cốt nghĩa sĩ về Nghĩa Trủng, ngày 15-1-1890 cụ Lãnh Khanh bị Pháp bắt. Dụ dỗ, tra tấn không khuất phục được cụ, tròn 1 tháng sau chúng mang cụ ra chém tại Gành Cây Dâu, cửa Ngòi Lao rồi vứt xác xuống sông Thao.

Nghĩa quân và dân làng bí mật vớt lên rồi đưa cụ về chôn ở Cổ Bồng, chỉ cách Nghĩa Trủng, nơi có 103 nghĩa quân đang yên nghỉ vài trăm mét.

Mấy chục năm kêu cầu

Ông Bùi Hữu Duyệt năm nay đã 85 tuổi. 20 năm trước, ông bắt đầu bỏ công sức nghiên cứu lịch sử về cuộc khởi nghĩa Tiên Động. Ông cho biết, ngày nhỏ vẫn được bố mình kể về cuộc khởi nghĩa, về những việc làm nhân nghĩa của cụ Bích, cụ Lãnh.

Nhưng rồi lịch sử với những khúc quanh, trong quá trình cải cách ruộng đất, vì cụ Lãnh từng làm đến Chánh tổng Tổng Xuân Áng, nên gia đình bị quy thành phần địa chủ, gia sản bị tịch thu.

Bản thân cụ bị gọi là “làm giặc cỏ nên bị Tây giết”, gia tộc họ Bùi tan tác sau cái đận đó, nhưng không vì thế mà việc cúng giỗ nghĩa sĩ ở Nghĩa Trủng gián đoạn, không được công khai thì cúng bí mật, một mâm cơm chiều 23 Tết cũng làm khuây khỏa hương hồn các nghĩa sĩ.

Ông Duyệt kể thêm, mãi cho đến năm 1974, trong cuốn lịch sử tỉnh Vĩnh Phú bắt đầu nhắc đến tên cụ Lãnh Khanh là một người có công trong cuộc kháng chiến chống Pháp, thế nhưng cũng chẳng ai cất công thanh minh về hai từ “giặc cỏ” cho cụ.

Đến năm 1993, ông Duyệt viết đơn lên hỏi UBND tỉnh Vĩnh Phú. Đợi đến đúng 1 năm sau cũng không ai trả lời bằng giấy trắng mực đen. Năm 1994, ông tiếp tục làm đơn lên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú.

Lúc này Ban Tuyên giáo tỉnh mới có khẳng định chính thức rằng cụ Lãnh Khanh là người có công với đất nước. Tuy nhiên, việc cần có một hình thức tôn vinh xứng đáng ở bãi Nghĩa Trủng thì tỉnh giao cho địa phương giải quyết. Và mọi việc vẫn cứ giậm chân tại chỗ cho đến ngày hôm nay.

Hơn 1 năm trước, những người dân trong làng Xuân Áng cùng gia tộc họ Bùi và hậu duệ của Thủ lĩnh Nguyễn Quang Bích đã xin đất của làng, cùng nhau dựng nên một tấm bia lưu dấu di tích Nghĩa Trủng.

GS Sử học Lê Văn Lan khi nhận được tin đã về Hạ Hòa và tìm đến bãi Nghĩa Trủng, khẳng định câu chuyện về ngôi mộ tập thể là có thật trong lịch sử.

Theo quan điểm của GS Lê Văn Lan thì “Việc tu bổ tôn tạo nếu chỉ để một chi họ Bùi ở làng Xuân Áng lo chịu là chưa đủ. Trước hết cần xếp hạng di tích.

Có lẽ đây là di tích cực kỳ quý hiếm còn sót lại đến nay của phong trào Cần Vương tiêu biểu cho cả nước, chứ chẳng phải của riêng dòng họ Bùi (đành rằng hơn 100 năm qua, họ Bùi đã góp công góp sức trong việc thờ cúng và gìn giữ). Quy mô di tích này cần có sự vào cuộc của UBND tỉnh Phú Thọ và Cục Di sản Văn hóa – Bộ VH-TT&DL”.

Theo : Kiến thức
TAMTHUC