Blog Tâm Thức
Thế giới ma quỷ trong những trung tâm tìm mộ
Saturday, 05/01/2013 00:00 am

Blog Tâm Thức

Một cảnh tượng ma quái như thuở hồng hoang hiện ra trước mắt. Thật khó tin, ở xã hội hiện đại và khoa học, lại tồn tại những chuyện ma quỷ, thần thánh và mê muội như thế này.

Bẵng đi 2 năm, một ngày, nhiều người được dịp sửng sốt khi nghe tin một đại gia đình ở Phụng Thượng (Phúc Thọ, Hà Nội) đã bị “thánh vật” khủng khiếp khiến người mất mạng, người phát điên do đi áp vong ở nhà “anh Hồng”.

Người bị “thánh vật” đến chết là chị Cấn Thị Lâm, con ông Cấn Văn Hùng. Những người khác như chị Cấn Thị Thủy, Cấn Thị Nhung (con gái ông Cấn Văn Dũng, ông Dũng là anh trai ông Hùng) và một người con dâu trong họ cũng bị “thánh vật” thành điên khùng. Không những “thánh vật” 4 người phụ nữ, mà còn vật luôn cả ông Hùng, ông Dũng, ông Phi, khiến ba anh em nổi điên. Gia đình phải đưa mấy người này vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai điều trị mới trở lại bình thường.

Chị Cấn Thị Lâm đã mất mạng vì “thánh vật”.

Ông Cấn Văn Hùng phát điên vì áp vong.

Xe ôtô đỗ đầy đầu làng Câu Tử.

Chỉ thu vé xe máy mỗi ngày cũng có bạc triệu.

Sau vụ việc đó, người ta cứ tưởng “anh Hồng” sẽ bị khởi tố. Nhưng quả thực, chẳng có chứng cứ gì để có thể khép tội “anh Hồng”. Bởi vì, không thể coi chuyện “anh Hồng” sai “thánh vật” những người trong gia đình này là chứng cứ để khép tội được. Điều đó thật mơ hồ. Có người nói vui, nếu pháp luật có ra tay, thì chỉ có thể bắt “anh Hồng”, tức linh hồn chiếm xác chị Thành, chứ chị Thành đâu có tội tình gì?

Những tưởng sau vụ “thánh vật” cả họ ông Cấn Văn Hùng, người dân cả nước sẽ khiếp vía với chuyện áp vong, đặc biệt là áp vong ở trung tâm tìm mộ của “anh Hồng” ở xã Châu Sơn (Duy Tiên, Hà Nam). Thế nhưng, kỳ lạ thay, thảm cảnh đó không mảy may gây sợ hãi với mọi người, ngược lại, vụ việc đau lòng đó còn như một chiến dịch quảng cáo ấn tượng khiến người dân cả nước biết đến trung tâm áp vong của “anh Hồng”.

Mỗi ngày có hàng ngàn người áp vong.

Nhiều năm làm báo, đi điều tra về các lang băm, các thầy bói, “người giời”, tôi nhận thấy một chuyện lạ: Hễ báo chí lên án, vạch trần sự lừa đảo, thì người bệnh, con nhang đệ tử tìm đến càng đông. Dù người ta có tin những điều báo chí nói là đúng, thì vẫn cứ đặt câu hỏi: “Chắc thầy bói này phải giỏi, phán đúng thì mới đông người thế chứ?”; rồi: “Chắc ông lang này chữa khỏi bệnh, thì bệnh nhân mới tìm đến chứ?”. Cứ cái kiểu đặt câu hỏi như thế, nên một bài báo vạch trần bộ mặt lừa đảo của lang băm, “người giời”, vô hình chung lại biến thành một bài quảng cáo!

Người đến áp vong ngồi tràn ra cả ngõ.

Để tìm hiểu sự nổi tiếng của các nhân vật, tôi thường làm động tác hỏi đường. Từ thành phố Phủ Lý, tôi hỏi mấy anh xe ôm ngồi chờ khách bên Quốc lộ 1 rằng xã Châu Sơn ở đâu, mấy anh xe ôm ở giữa thành phố Phủ Lý đã hỏi lại: “Đến nhà “anh Hồng” hở? Đi thẳng, hết thành phố 1km thì rẽ trái, đi tiếp 10km…”. Vào con đường dẫn đến huyện Duy Tiên, mặc dù còn cách Châu Sơn hơn 10km nữa, song hỏi bất kỳ ai bên đường về xã Châu Sơn, người ta đều hỏi: “Đến nhà “anh Hồng” phải không?”, rồi chỉ đường luôn đến nhà “anh Hồng”. Điều này chứng tỏ “anh Hồng” đã quá nổi tiếng, và có quá nhiều người tứ phương tìm đến.

Bờ ao cũng được trưng dụng làm nơi áp vong.

Con đường tỉnh lộ qua thôn Câu Tử cứ như thể đoạn đường đến chùa Hương ngày khai hội. Hôm tôi đến là ngày thứ 3 mà quanh cầu Câu Tử xe đỗ nườm nượp. Cả chục xe khách 30-40 chỗ rúc đầu vào bãi đỗ xe ngay chân cầu. Xe con đỗ đầy trong sân nhà dân, dọc ven đường, trong các ngõ ngách.

Thôn Câu Tử biến thành một “khu phố” sầm uất, với các cửa hiệu rửa xe, quán cơm, các đại lý tạp hóa, quán nhậu, quán phở, đặc biệt nhiều là các sạp hoa quả, đèn nhang, giấy vàng, xếp thành dãy dài từ đầu thôn đến tận trung tâm tìm mộ của “anh Hồng” ở cuối làng.

Thôn Câu Tử nhộn nhịp như khu phố nhờ trung tâm tìm mộ của “anh Hồng”.

Thôn Câu Tử lúc nào cũng nườm nượp người ra vào. Mỗi ngày có cả ngàn người đến ăn uống, ngủ nghỉ. Với lượng người như thế, chả có địa điểm du lịch nào hút khách bằng. Cả thôn có thêm nghề nghiệp, thậm chí làm giàu nhờ phục vụ người tứ xứ đến đây. Chẳng vậy mà khi lê la quán xá, từ người già đến người trẻ, từ đàn ông đến đàn bà đều ca ngợi “anh Hồng” như một vị thánh. Trong con mắt dân làng, cái con bé Thành nghèo khó, lam lũ, suốt ngày bán mặt cho đồng ruộng, oằn lưng gánh gạch thuê giờ không còn nữa, thay vào đó là lời kính trọng, một hai đều “anh Hồng” khi gọi tên.

Biển chỉ đường vào nhà “anh Hồng”.

Dù ngõ vào lắt léo, tới 4 lần cua, song chẳng cần phải hỏi, cứ theo “con đường giấy vàng” mà đi, là sẽ dẫn đến nhà “anh Hồng”. Những người đến tìm mộ, hoặc đã có thông tin về mồ mả, khi vào hoặc ra nhà anh Hồng, họ rải tiền vàng dọc đường đi. Mỗi ngày có cả trăm, cả ngàn gia đình đến tìm mộ, áp vong, ai cũng rải tiền vàng như thế, thì có mà đến cả yến, cả tạ tiền vàng vãi ra đường.

Dù đã đến cả chục trung tâm áp vong, tìm mộ, chữa bệnh, song tôi chưa từng thấy ở đâu đông như nhà anh Hồng. Cái bãi trông giữ xe máy rộng rãi và nhiều xe hơn cả bãi giữ xe của Trung tâm chiếu phim Quốc gia khi có bộ phim “hót” ra mắt. Chỉ riêng cái bãi giữ xe máy này, với 2 ngàn đồng/xe, mỗi ngày, “anh Hồng” đã thu về tiền triệu.

Chờ vong lên.

Trung tâm áp vong tìm mộ rộng như một sân bóng trong nhà. Để chống đỡ được mái phi-brô-ximăng này, cần tới mấy chục cột bêtông và luồng. Mỗi chiếc cột đều có quạt treo bật hết công suất để xua hơi người và cái nóng hầm hập từ mái tôn hắt xuống trong những ngày hè.

Trung tâm áp vong rộng như vậy, song chỉ giải quyết được một nửa nhu cầu người dân tìm đến. “Anh Hồng” phải trưng dụng cả cái ngõ dài ngoằng để các gia đình trải chiếu ngồi đợi vong về. Thậm chí bờ ao, rồi 2 cái sân rộng của hàng xóm cũng biến thành nơi đặt các di ảnh, bàn thờ để gọi vong.

Trong khung cảnh nóng nực, hàng ngàn người đứng, ngồi, nằm la liệt, người cười, người khóc, người rú lên như điên loạn. Một cảnh tượng ma quái như thuở hồng hoang hiện ra trước mắt. Thật khó tin, ở xã hội hiện đại và khoa học, lại tồn tại những chuyện ma quỷ, thần thánh và mê muội như thế này.

TAMTHUC