Trời chuyển gió không chỉ là cơ hội để chưng diện những bộ trang phục mùa đông ấm áp, mà cũng là lúc để thử xem sức khỏe của bạn đang trong trạng thái thế nào. Nhiều người hay bị cảm thấy lạnh bất thường.
Khi người khác vẫn luôn ấm như lò sưởi mà bạn thì chân tay lạnh như nước đá, rất có thể cơ thể bạn đang bị thiếu hụt năng lượng vì một trong những lý do dưới đây:
Khi cơ thể bạn càng có ít mỡ, khả năng bảo vệ bạn trước cái lạnh càng hạn chế. Khi bạn càng mỏng mảnh, cơ thể dễ mất nhiệt một cách nhanh chóng. Những người có khối lượng cơ thấp cũng có xu hướng bị lạnh hơn, bởi vì cơ bắp cung cấp nhiệt bảo vệ bạn nhiều hơn so với từ mỡ.
Do đó, nếu thuộc nhóm người này, bạn cần chú ý đầu tư cho bữa ăn vào mùa đông hơn nữa. Hãy tăng cường một số thực phẩm ấm nóng và giàu năng lượng như thịt, cá, trứng, các loại hạt… thậm chí là các món ăn có bơ để tăng cường chất béo. Không nên bỏ bữa, nhất là bữa sáng.
Việc thường xuyên vận động, tập thể dục không chỉ khiến bạn tăng cường cơ bắp, mà còn giúp cơ thể duy trì một mức độ trao đổi chất cao, giữ ấm cho cơ thể và phòng ngừa bệnh tật. Nếu không thể ra ngoài chạy bộ, thì một vài phút vận động tích cực cũng rất hữu ích. Tất nhiên, việc luyện tập phải kết hợp đồng thời với nghỉ ngơi và dinh dưỡng lành mạnh.
Cảm thấy lạnh bất thường cũng có thể là một dấu hiệu của bệnh thiếu máu, cơ thể không sản xuất đủ các hồng cầu. Nguyên nhân có thể là vì bị thiếu sắt trong chế độ ăn vốn là nguyên liệu tối quan trọng để tạo máu. Thiếu hụt các vitamin, rối loạn đường ruột, bị ký sinh trùng và một số bệnh lý khác cũng dẫn đến thiếu máu.
Do vậy, nếu bạn đang cảm thấy lạnh bất thường, và có các triệu chứng thiếu máu khác như suy nhược, da nhợt nhạt, khó thở và chóng mặt, hãy nên đi gặp bác sĩ để khám.
>> Tỳ vị yếu khó sống thọ: 4 bộ phận cơ thể báo hiệu tỳ vị của bạn suy yếu
Thận là một trong những cơ quan ngũ tạng quan trọng của cơ thể, bổ dưỡng và làm ấm các nội tạng khác. Khi chức năng của thận gặp vấn đề, cơ thể hay cảm giác “rùng mình”, sợ lạnh và gió, “chi lạnh”, tứ chi lạnh băng, thậm chí lạnh đến khớp đầu gối và khuỷu tay.
Tiểu đường là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến suy thận, tổn thương thận. Vấn đề hay bị trầm trọng hơn vì nhiều người đã bị tiểu đường mà không hay biết, do đó nếu thấy cơ thể cảm thấy lạnh bất thường, ăn nhiều mà vẫn hay đói, mệt mỏi… thì cần đi khám bác sĩ.
Suy giáp, hoặc tuyến giáp hoạt động kém, có thể là thủ phạm của trạng thái bị lạnh. Khi đó các hooc-môn bị ảnh hưởng, tác động đến sự trao đổi chất của cơ thể, ngăn chặn sự phát triển hình thành cơ bắp. Các dấu hiệu khác của suy giáp là làm mỏng da, tóc khô và mệt mỏi. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về các triệu chứng này và làm xét nghiệm suy giáp.
Vùng dưới đồi là tuyến điều chỉnh các thụ thể nhiệt độ của cơ thể, do đó các vấn đề của vùng dưới đồi có thể ảnh hưởng đến việc bạn cảm thấy lạnh hoặc nóng. Rối loạn chức năng của tuyến này có thể là do một số vấn đề, từ biếng ăn đến chấn thương, nhưng nó thường có thể điều trị được.
Candida là loài nấm gây nên những vấn đề nhiễm trùng nấm phổ biến nhất, trong đó có nhiễm nấm âm đạo, nhiễm trùng móng tay. Nếu nấm candida xâm nhập vào máu, nó có thể lan đến các phần khác của cơ thể. Loại nhiễm trùng này được gọi là candida huyết. Một trong những triệu chứng của nhiễm candida là cảm giác lạnh lẽo bất thường. Khi này cần làm các xét nghiệm để tầm soát nguyên nhân, bao gồm cả xét nghiệm nấm.
Căng thẳng có thể biểu hiện nhiều triệu chứng vật lý đa dạng, một trong số đó là nhạy cảm với lạnh. Những người có lo lắng có thể cảm thấy đặc biệt lạnh vì họ nhạy cảm hơn với cảm giác vật lý nói chung.
Trường hợp này bạn có thể tìm đến hỗ trợ của một số phương pháp, trong đó tập luyện yoga, thiền định, khí công sẽ rất hữu ích. Mấu chốt là cần làm chủ được cảm xúc của bản thân, hướng đến trạng thái tinh thần tích cực.
Minh Thành tổng hợp
TAMTHUC: