Blog Tâm Thức
Thơ, thư pháp và hội họa: Ba tuyệt tác trong nghệ thuật Trung Hoa cổ đại
Monday, 06/02/2017 01:45 am

Blog Tâm Thức

Trung tâm Nghệ Thuật Victoria Á Châu đã tổ chức cuộc triển lãm Tam Tuyệt: Thơ, Thư pháp và Hội họa nhằm khám phá những mối liên hệ giữa 3 tuyệt tác thơ, thư pháp và hội họa trong nền văn hóa nghệ thuật Trung Hoa.

thư pháp, tho, nghệ thuật Trung Hoa, hội họa,

Sự kết hợp thơ và thư pháp vào hội họa là một nét độc đáo trong nghệ thuật của Trung Hoa. (Ảnh: Internet)

Trong lịch sử các Nho sinh và trường học Nho giáo luôn xem việc chăm chỉ trao dồi những nghệ thuật này như một cách để bộc bạch bản thân.

Tranh được xem như 1 “bài thơ tĩnh lặng” và thơ lại tựa như một “bức họa” được vẽ bằng thanh âm. Từ nhỏ các Nho sinh đều được dạy về “nghệ thuật viết chữ” hay còn gọi là thư pháp, và vận dụng chữ viết lên các bức họa của họ về sau.

Triển lãm Tam Tuyệt được tổ chức bởi trung tâm Nghệ Thuật Victoria Á Châu gồm những bức họa và thư pháp có từ thế kỷ XIV đến nay. Những tác phẩm này cho thấy nét độc đáo trong văn học nghệ thuật Trung Hoa cũng như sự tương phản giữa nghệ thuật truyền thống và đương đại trong dòng chảy văn hóa ngàn năm.

Triển lãm này được lấy cảm hứng từ cuốn sách của Giáo sư Michael Sullivan năm 1914, mang tên Tam Tuyệt: Thơ, Thư Pháp và Hội Họa Trung Hoa. Theo Giáo sư Sullivan, thuật ngữ “Tam Tuyệt” có nguồn gốc từ giữa thế kỷ thứ 8 khi 1 thi sĩ Trung Quốc là Trịnh Khiên, dâng lên Hoàng đế tuyệt tác của ông tại thủ đô Trường An (764). Hoàng đế rất thích thú và đặt tên bộ tác phẩm này là “Trịnh Khiên Tam Tuyệt”.

Cò kia rộng cánh giữa hồ nước xuân

Thuyền đánh cá, đang tìm nơi trú ẩn

Ánh đèn soi trông tựa những vì sao.

Thuyền vẫn trôi cùng mây mờ nước chảy,

Mười dặm trường lòng chợt nhớ Dương Châu.

Người lữ khách cô đơn cùng tiếng sáo

Bước lang thang qua mây khói Giang Nam.

Bài thơ kể về chuyến hành trình đơn độc của người nghệ sĩ khi ông đang dong thuyền băng qua 1 góc hồ hẻo lánh, xung quanh bao phủ bởi trùng điệp núi non, gió rì rào. Sương mù lạnh buốt dường như tô thêm vẻ trữ tình cho cảnh vật nơi đây.

Tranh vẽ kết hợp với thư pháp mang lại cho người xem một cảm giác hài hòa tinh tế, bức tranh tựa như một bài thơ còn bài thơ lại gợi lên nhiều khung cảnh, nó khiến chúng ta tự hỏi liệu cảm hứng của bài thơ đến từ bức tranh hay ngược lại?

Thạch Đào (1642-1707), một họa sĩ đồng thời là một tu sĩ Phật giáo theo phái Thiền Tông bình luận trên Huayu Iu, diễn đàn thảo luận về hội họa: “Hội họa là ý tưởng trong thơ. Đó chẳng phải là thơ của Thiền trong tranh ư?”, Thạch Đào so sánh thơ và Thiền trong hội họa.

thư pháp, tho, nghệ thuật Trung Hoa, hội họa,

Tác phẩm “Đạo, một con đường tâm linh”, của Kim Hoa Trâm. (Ảnh: Internet)

Sự thông tuệ của phái Thiền trong Phật giáo được truyền từ tâm đến tâm mà không cần dựa vào lời nói. Giống như Thiền, thơ trong tranh không cần ngôn từ để biểu lộ. Nó dựa trên việc tự cảm nhận.

Tác phẩm “Đạo, một con đường tâm linh”, năm 2005 của Kim Hoa Trâm, được lấy cảm hứng từ triết lý của Thiền Phật giáo. Kim sinh ra ở Sài Gòn, Việt Nam, vào năm 1959. Gia đình ông ban đầu đến từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Sau này ông di cư tới Australia vào năm 1984 và hiện đang sống ở Melbourne.

Trong hơn 20 năm, người họa sĩ này đã tu tập theo phái Thiền tông của Phật giáo, được sáng lập ở Trung Quốc vào thế kỷ thứ 6. “Đạo, một con đường tâm linh” là một tác phẩm rất độc đáo và sáng tạo gợi lên trải nghiệm về tinh thần và mỹ học.

Với sự tinh thông về thư pháp và mực in, họa sĩ này đã tạo ra một tác phẩm đơn giản, mộc mạc nhưng thấm đượm ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Phần dưới có vẻ rất đơn giản, nó cho thấy các tầng ý nghĩa và nhận thức sâu sắc.

Với nét vẽ đơn giản, tao nhã, bức tranh như thể hiện hình ảnh một vị tu sĩ đang leo núi với một cây gậy, giống như ông đang bước vào bức tranh và tụng kinh trên đường đi, tạo ra một cảm giác chuyển động cho bức tranh.

Chúng ta cũng có thể thấy hình ảnh của một ngọn núi, một cái cây và Mặt trăng hình bán nguyệt phía sau núi. Tiếp đến là sự uyển chuyển, thanh nhã của dòng thư pháp đang chảy xuống như một dòng suối từ phía sau ngọn núi về phía người xem.

Hoặc nó có thể trông như chiếc áo choàng của vị tu sĩ hay những câu chữ mà ông đang tụng trong sách kinh. Khoảng trống ở trung tâm bức tranh tạo nên sự tĩnh lặng, như tập trung cho thiền định. Khoảng không này như làm dịu tâm trí người xem, xua tan đi những lo âu, phiền muộn.

Lấy cảm hứng từ những triết lý của Phật giáo, vị nghệ sĩ này đã sáng tác một bài thơ và đề lên bức tranh theo lối thư pháp, tạm dịch như sau:

Vì nghiệp lực chúng ta đến thế gian

Lại mang nghiệp ta rời cõi đời này

Chốn hồng trần đầy hỗn loạn âu lo

Chẳng thể thoát bao rắc rối khổ đau

Trong chốn mê, nay có Đạo dẫn đường.

Ở giữa bức thư pháp là một dấu chấm đỏ, có hình dáng lạ thường, như một chiếc lá, mang ý nghĩa là sự liên hệ hay những nhân tố tác động đến số phận của một con người. Hai chi tiết quan trọng nhất, “con người” và “con đường” (Đạo) được nhấn mạnh bằng nét mực đậm hơn để cho thấy tính trọng yếu đối với bài thơ.

Giống như Thiền, thơ, thư pháp và hội họa là một phương thức giao tiếp trong tĩnh lặng nhưng lại có thể đánh thức nội tâm của chúng ta.

Theo National Gallery of Victoria

TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/tho-thu-phap-va-hoi-hoa-ba-tuyet-tac-trong-nghe-thuat-trung-hoa-co-dai.html