Kết quả tiền lâm sàng rất triển vọng
Dự án của Vũ Thị Nam Anh và Trần Đan Khuê xuất sắc giành giải Nhất toàn cuộc Hội thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia khu vực phía Bắc vừa diễn ra mới đây.
Có thể hình dung, hiện nay trong chế thuốc ung thư có 2 xu hướng là phát triển thuốc mới theo phương pháp truyền thống và phát triển thuốc mới theo mục tiêu phân tử. Phương pháp thứ hai (phương pháp phân tử) có ưu điểm là rút ngắn thời gian và giảm chi phí đáng kể. Ở phương pháp này, Histone deacetylase (HDAC) là một mục tiêu phân tử điển hình và tiềm năng trong thiết kế thuốc điều trị ung thư. Do vậy tổng hợp các chất ức chế HDAC đang trở thành các tác nhân chống ung thư đầy triển vọng.
Đóng góp mới nhất của dự án do Đan Khuê và Nam Anh thực hiện chính là đã tổng hợp được 14 dẫn chất có tác dụng ức chế HDAC-2 và có hoạt tính ức chế mạnh trên các dòng tế bào ung thư (đại tràng, tiền liệt tuyến và tuyến tụy).
TAMTHUCKhông những vậy, qua sàng lọc, Nam Anh và Đan Khuê phát hiện chất 5e có tác dụng ức chế mạnh nhất trên các dòng tế bào thử nghiệm, mạnh hơn các loại thuốc trị ung thư trên thị trường từ 5-8 lần và chưa có công bố nào ở Việt Nam cũng như thế giới.
Chế thuốc điều trị ung thư “made in Vietnam”
Hai cô gái 9X dự định sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu để có thể đưa chất 5e vào làm thuốc điều trị ung thư trong thực tế.
“Đối với chất 5e, chúng em sẽ tiếp tục tiến hành các thử nghiệm sinh học sâu hơn như tác dụng ức chế khối u trên động vật, thử độc tính cấp, độc tính trường diễn, độ ổn định. Đồng thời nghiên cứu dạng bào chế phù hợp hướng tới các thử nghiệm trên lâm sàng”, Nam Anh chia sẻ.
Hai nữ sinh không thể quên những gì các em từng chứng kiến trong dịp đi từ thiện cùng trường đến một bệnh viện trị ung thư ở Hà Nội. Người bệnh phải chịu rất nhiều đau đớn, bệnh viện quá tải khiến bệnh nhân phải ngủ ngoài hành lang, thuốc điều trị ung thư phải nhập ngoại giá đắt và hơn nữa, không phù hợp với quá trình điều trị lâu dài của người bệnh… Những bất cập đó thôi thúc hai bạn trẻ nảy ra ý tưởng về dự án.
“Chúng em mong mong muốn tìm ra thuốc ức chế ung thư hiệu quả “made in Vietnam” với giá thành rẻ để người dân nghèo cũng có thể trị bệnh”, Đan Khuê tâm sự.
Thử trên người và trên động vật sẽ là bước nghiên cứu tiếp theo của nhóm trước khi đại diện Việt Nam sang Mỹ tham dự giải Hội thi Khoa học và kỹ thuật Quốc tế (Intel ISEF) vào tháng 5 tới.