Blog Tâm Thức
Lấy ai cũng được nhưng lấy phải đàn ông keo kiệt, khổ trăm bề phụ nữ ơi!
Thursday, 23/03/2017 00:00 am

Blog Tâm Thức

Ăn uống đạm bạc nhưng cứ tới bữa cơm anh lại nhăn nhó bảo tôi sao mua nhiều thế này, mua gì đắt tiền… Tôi mua áo quần nào cho con, cái váy gì cho mình anh đều biết tất tần tật rồi chửi thẳng mặt bảo tôi hoang phí.

Gia đình tôi có 4 anh em, tôi là con út trong nhà vì làm ăn buôn bán nên gia đình cũng có của ăn của để. Trái ngược với gia đình tôi, gia đình anh khá vất vả. Vì là anh cả trong gia đình có 8 anh em nên ngay từ nhỏ anh phải chịu rất nhiều thiệt thòi.


Có một lần tôi ra chợ bán hàng phụ giúp mẹ thì vô tình quen anh. Anh qua cửa hàng nhà tôi để mua sắm đồ đạc, hai người có hỏi thăm qua lại rồi làm quen với nhau. Anh cao ráo lại đẹp trai, nhìn vẻ ngoài của anh không ai có thể biết được anh lại sinh trong một gia đình lao động vất vả như vậy.

Quen nhau được vài tháng thì anh thật thà tâm sự với tôi về hoàn cảnh gia đình mình, công việc hiện tại của anh cũng chỉ là một nhân viên kỹ thuật bình thường. Lúc mới nghe anh tâm sự như vậy tôi cũng khá e ngại vì cảm thấy khá áp lực với gánh nặng gia đình của anh. Nhưng càng nghe anh chia sẻ tôi lại thấy thương anh hơn, anh là người rất mạnh mẽ và bản lĩnh, biết lo toan cho gia đình dần dần tôi cảm mến và chấp nhận anh.

Hai đứa yêu nhau được 2 năm thì kết hôn, ba mẹ tôi cho hai đứa một khoản tiền để làm vốn. Cuộc sống vợ chồng những ngày đầu rất khó khăn khi phải chắt góp tiết kiệm từng đồng để trả các khoản phí chi tiêu hằng ngày. Hai vợ chồng luôn tâm niệm với nhau tự mình cố gắng gây dựng lên nhà cửa, sự nghiệp không được xin tiền của bố mẹ. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi chồng mình là người có bản lĩnh và suy nghĩ khá độc lập.
Chỉ có một điều khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều vì suốt 3 năm là vợ chồng anh ấy chẳng bao giờ tặng cho tôi một món quà nào. Vào những ngày lễ phụ nữ hay kỉ niệm ngày cưới, cả hai chỉ quây quần ở nhà bên mâm cơm gia đình. Có nhiều lúc, tôi cũng chạnh lòng vì là người phụ nữ ai cũng muốn chồng tặng món quà nho nhỏ động viên tinh thần.

Anh luôn bảo tôi, cuộc sống gia đình bây giờ còn khó khăn nên cả hai phải cố gắng tiết kiệm. Mặc dù hơi buồn nhưng tôi cũng tự an ủi mình vì anh cũng chỉ muốn cả hai có được cuộc sống tốt.

Sau những ngày tháng chăm chỉ làm việc và cố gắng chắt góp, cho đến bây giờ cả hai vợ chồng đã mua được một căn nhà cấp bốn nhỏ, cuộc sống vợ chồng đã thoải mái hơn rất nhiều.
Tôi mở quán nước ngay cạnh nhà để tiện chăm hai đứa con, còn anh đã được lên cấp quản lý tiền lương hàng tháng cũng khá cao.

Cứ nghĩ cuộc sống vợ chồng sẽ “dễ thở” hơn, nhưng ngày ngày anh vẫn căn dặn tôi phải tiết kiệm trong các khoản chi tiêu. Tiền lương hàng tháng anh giữ hết không đưa cho tôi đồng nào. Anh bảo tiền chi tiêu sinh hoạt hằng ngày nhờ vào tiền bán nước còn tiền lương của anh cất dành để làm việc lớn.
Lúc này, tôi cảm thấy chán nản và mệt mỏi vì anh lại có suy nghĩ giữ tiền như vậy, tiền bán nước hàng tháng của tôi chỉ được vài triệu đồng, chỉ lo cho hai đứa con thôi cũng không đủ được. Tôi nghiêm túc nói chuyện với anh rất nhiều lần, nhẹ nhàng chia sẻ với anh về chuyện tiền bạc chi tiêu hàng ngày cuối cùng anh mới đưa tôi thêm 3 triệu một cách xót xa.

Với số tiền đó tôi phải đau đầu tính toán tỉ mỉ để làm sao có thể xoay được vốn tiền bán nước, đóng tiền học phí, sữa bánh, áo quần cho con; lo tiền đi chợ cơm ăn ngày 3 bữa; tiền điện nước wifi…. Có tháng nhiều tiệc cưới hỏi tôi phải xin anh thêm vài trăm, lúc đó anh lại cằn nhằn. Anh không hiểu hết những nỗi lo của tôi, lúc nào về nhà cũng bảo tôi phung phí không biết tiết kiệm “vung tay quá trán”.
Thấy anh đi làm vất vả, con cái lại trong “tuổi ăn tuổi lớn” nên dù có tiết kiệm nhưng tôi vẫn cố gắng để bữa cơm có cá, thịt, đủ chất dinh dưỡng cho gia đình. Thế nhưng cứ tới bữa cơm tôi chẳng thể nào nuốt nổi, lần nào anh cũng nhăn nhó bảo sao tôi mua nhiều quá, sao mua món này làm gì đắt tiền…
Tôi mua cái áo nào cho con, cái váy nào cho mình anh đều biết tất tần tận rồi bảo tôi phá tiền, mua gì mà mua lắm.

Nhiều lúc ăn cơm mà tôi phải nuốt nghẹn, kìm nén nước mắt vào lòng. Tôi biết cả hai đã cùng đi lên từ gian khó cũng phải tiết kiệm đủ thứ để có được cuộc sống ngày hôm nay nhưng khi cuộc sống đã khấm khá hơn thì cũng nên chăm lo cho mình. Tôi cũng đâu phải là người vợ không biết lo nghĩ, ăn chơi đua đòi theo bè bạn.
Cuộc sống của tôi quá mệt mỏi vì một mình chăm lo con cái, mỗi ngày phải tính toán lên kế hoạch chi tiêu ghi tỉ mỉ để “trình báo” với chồng.

Cũng vì chuyện tiền bạc mà hai vợ chồng hay cãi nhau, đỉnh điểm là dịp tết vừa rồi khi tôi mua sắm áo quần cho con cái, thức ăn dự trữ ngày tết, anh cũng chẳng đưa cho tôi đồng nào. Tôi hỏi anh thì anh quát: “Tiêu gì mà tiêu nhiều thế, tiền mới đưa sao hết rồi”. Tôi im lặng không nói thêm một lời nào vì cũng cận ngày tết không muốn vợ chồng lại có chiến tranh lạnh. Để có tiền mua sắm đầy đủ cho gia đình tôi phải đi vay tiền của mấy đứa bạn thân.

Tuy giận nhưng tôi vẫn rất thương anh, áo quần đã cũ nhưng anh chẳng chịu mua đồ mới; gần tết tôi ra chợ chọn cho anh hai bộ áo quần thật đẹp vì nghĩ “xấu chàng thì hổ ai”. Tiết kiệm thì tiết kiệm nhưng ngày tết cũng ăn mặc cho đàng hoàng không người ta lại chê cười.

Cứ nghĩ về nhà anh sẽ rất vui vì được vợ quan tâm, ai ngờ khi khoe với anh hai bộ áo quần mới anh nói như tạt nước thẳng vào mặt: “Hai bộ bao nhiêu tiền, cô mua làm gì cho tốn tôi chẳng mặc đâu”. Hai bộ áo quần tôi mua cho anh, anh chẳng thèm ngó ngàng tới còn nói tôi mang đi trả lấy tiền về.

Đến nước này, tôi không thể chịu đựng được nữa, tiếp tục sống trong cảnh này tôi uất ước mà chết mất. Tôi cũng đã nhiều lần nhẹ nhàng nói chuyện với anh nhưng chẳng thể nào thay đổi được. Tại sao anh lại trở nên keo kiệt, bủn xỉn đến như vậy?

Nguồn Phụ nữ sức khỏe
___________________________
GP TTTĐTH: 3362/GP-TTĐT do Sở TT&TT Hà Nội cấp

TAMTHUC