Blog Tâm Thức
Đệ nhất cao thủ Lữ Bố, không những võ công cái thế, mà còn mưu lược hơn người?
Thursday, 22/06/2017 10:03 am

Blog Tâm Thức

Trong mắt thế nhân, Lữ Bố là một người hữu dũng vô mưu, nhưng là bất luận là chính sử hay là trong tác phẩm “Tam Quốc diễn nghĩa”, Lữ Bố vẫn luôn được coi là vị tướng dũng mãnh, biết nhìn xa trông rộng.

thiện xạ, lữ bố, cao thủ, bắn kích viên môn,

Tạo hình nhân vật Lữ Bố trong Tân Tam Quốc. (Ảnh: Spcnet)

Nếu so với Lưu Bị, Tào Tháo và các chư hầu khác thì Lữ Bố vẫn còn có khoảng cách nhất định, nhưng thực sự không phải là xa không thể chạm. Vào thời điểm Lữ Bố sáng suốt, đã đưa ra rất nhiều quyết sách chính xác, nhưng những lúc hồ đồ, thì Lữ Bố lại tựa như một đứa trẻ ba tuổi.

Lữ Bố khi sáng suốt

Khi Lưu Bị nhận lệnh của Tào Tháo đến đánh Viên Thuật, Lữ Bố đã thừa thế chiếm lĩnh Từ Châu, Lưu Bị trước tình cảnh không biết đi đâu về đâu, thục mạng tháo chạy, Viên Thuật phái người nói với Lữ Bố, chỉ cần ngươi xuất binh trợ giúp tiêu diệt Lưu Bị, ta sẽ cung ứng cho ngươi rất nhiều tiền và lương thực.

Lữ Bố nghe xong rất mừng, lệnh cho Cao Thuận dẫn 5 vạn quân chặn đường lui của Lưu Bị, khiến Lưu Bị chịu tổn thất nặng nề, suốt đêm đào tẩu. Nhưng Viên Thuật không coi trọng chữ tín, ham lợi nhỏ, không cấp tiền và lương thực cho Lữ Bố như đã hứa. Lữ Bố giận dữ, chẳng những không đánh Lưu Bị, mà còn để cho Lưu Bị về Từ Châu, đóng quân tại khu vực lân cận Tiểu Bái.

Lữ Bố tại sao lại nghênh đón Lưu Bị mà mình vừa đánh trở về? Rất đơn giản, bởi vì Lữ Bố hiểu rằng, Từ Châu thành cô độc, khó thủ, một cây chẳng chống vững được ngôi nhà, chỉ có cùng Lưu Bị trợ giúp lẫn nhau, mới có thể cùng sinh tồn.

Thế nhưng Viên Thuật muốn xưng đế, thì ắt phải công thành đoạt đất. Lúc ấy chư hầu yếu nhất chính là Lưu Bị, trước lúc rời Từ Châu Lưu Bị có hai vạn quân, khi giao chiến với Viên Thuật thì đã có phẩn tổn hao. Sau khi Lữ Bố đuổi theo, Lưu Bị định đánh chiếm Quảng Lăng để rồi cố thủ tại nơi đây, nhưng không ngờ bị Viên Thuật đánh lén, tổn hại nghiêm trọng, nên sau khi trở lại Tiểu Bái, thực lực của Lưu Bị đã suy giảm rất nhiều.

Vì để chắc chắn sẽ xuất binh thuận lợi, lần này Viên Thuật rất hào phóng, trước tiên cung cấp cho Lữ Bố một trăm vạn cân lương thực, và ra điều kiện muốn Lữ Bố không xuất một binh một tốt, để mặc cho Viên Thuật đánh Lưu Bị. Lữ Bố sau khi nhận được thư rất vui mừng, và đồng ý ngay.

Dựa theo lẽ thường, Lữ Bố lần này sẽ ưng thuận đứng về phía Viên Thuật. Lần trước Lữ Bố cũng xuất binh, nhưng Viên Thuật không giữ chứ tín; giờ Viên Thuật đã gửi đến trước một trăm vạn cân lương thực, chẳng qua là muốn Lữ Bố không xuất binh mà thôi, chẳng có lý do gì để không nhận? Huống chi, Lữ Bố đối với Lưu Bị cũng có chút hiềm khích, nếu Lữ Bố ngồi trên núi xem hổ tranh đấu, Lưu Bị có thể bị tiêu diệt, thì chẳng phải là càng bớt lo hay sao?

Thế nhưng, Lữ Bố không làm như thế. Sau khi Lữ Bố nhận lương thực, Viên Thuật yên tâm tiến công Lưu Bị, nhưng đến lúc khi hai quân ở trong thế giằng co, Lữ Bố chủ động xuất quân, uy hiếp võ tướng Kỷ Linh của Viên Thuật, yêu cầu Kỷ Linh giảng hòa ngưng chiến. Kỷ Linh không chịu, thế là Lữ Bố đã tung chiêu “viên môn xạ kích”.

Thái độ của Lữ Bố tại sao lại có chuyển biến như vậy? Có 2 nguyên nhân…

Thứ nhất, Lữ Bố nhận được thư của Lưu Bị. Lưu Bị nói với Lữ Bố: “Lữ Bố tướng quân có lòng nhớ tới, cho ta dung thân tại Tiểu Bái, quả thực là ân đức tựa trời cao. Nay Viên Thuật muốn báo thù riêng, lệnh Kỷ Linh dẫn binh đến tấn công. Với ta, bại vong chỉ sớm tối, chỉ có tướng quân mới có thể cứu…!”.

Lưu Bị trong thư chủ yếu nhấn mạnh về ân tình giữa Lữ Bố dành cho mình, qua đó bày tỏ rõ ràng rằng mình chẳng những không có trách mọc Lữ Bố cướp Từ Châu, mà ngược lại còn rất cảm kích việc Lữ Bố để cho mình đóng quân tại Tiểu Bái. Sau đó thỉnh cầu Lữ Bố xuất binh cứu viện.

TAMTHUC

Thứ hai, Lữ Bố dựa vào phán đoán thế cục của chính mình. Đây mới là điểm mấu chốt nhất. Sau khi nhận được thư của Lưu Bị, Lữ Bố và Trần Cung phân tích tình thế: “Trước đó Viên Thuật tặng lương thực, yêu cầu ta không cứu Lưu Bị. Nay Lưu Bị lại cầu cứu ta. Ta để Lưu Bị đóng quân tại Tiểu Bái, chưa hẳn gây hại cho ta; nếu Viên Thuật tiêu diệt Lưu Bị, thì rất có thể sau đó sẽ đến lượt ta. Vậy chi bằng cứu Lưu Bị”.

Trong tác phẩm “Tam Quốc diễn nghĩa” nói rõ, đoạn trên không phải là Trần Cung nói, mà là phán đoán của Lữ Bố, điều này cũng phù hợp với những ghi chép trong chính sử. Lữ Bố rất rõ ràng, một khi Viên Thuật tiêu diệt Lưu Bị, thì Viên Thuật có thể thông qua Tiểu Bái, chiếm lĩnh Bành Thành rồi tiếp đó chiếm lĩnh toàn bộ Từ Châu. Có thể nói, Lữ Bố có con mắt sắc bén, có thể nhìn xa trông rộng.

Như vậy, tại sao Lưu Bị không lại không nói với Lữ Bố những điều này, chủ yếu có hai nguyên nhân. Một mặt là chính sử không có lưu lại lá thư của Lưu Bị, một mặt khác là tác giả La Quán Trung của “Tam Quốc diễn nghĩa” muốn tạo nên hình tượng một Lưu Bị nhân đức. Lúc trước Lữ Bố đã cướp Từ Châu, nhưng Lưu Bị lại không hề oán hận, ngược lại trong lòng còn cảm kích Lữ Bố.

Lữ Bố dùng chiêu “bắn kích viên môn” để hòa giải là đoạn vô cùng đặc sắc

thiện xạ, lữ bố, cao thủ, bắn kích viên môn,

Cảnh Lữ Bố dùng chiêu “viên môn xạ kích” để giải cứu cho Lưu Bị. (Ảnh: Kknews)

Lữ Bố xuất hiện trên chiến trường, Kỷ Linh trong lòng rất sợ hãi, Trương Phi cũng lo lắng không thôi. Lữ Bố mời Lưu Bị đến doanh trại của mình uống rượu, Trương Phi nghi ngại, Lưu Bị ngoài miệng nói, ta đối đãi Lữ Bố không tệ, Lữ Bố nhất định sẽ không hại ta, nhưng trong tâm khẳng định là cũng bất an, Quan Vũ và Trương Phi mang theo vũ khí đi cùng để hộ vệ cho Lưu Bị.

Chứng kiến Lưu Bị bối rối, Lữ Bố nói với Lưu Bị, hôm nay vì Lưu Bị gặp nguy nan nên mới đến, cũng nhắc nhở sau này chớ có quên ân tình này. Trong chính sử có ghi lại câu chuyện Lữ Bố “viên môn xạ kích”, nhưng lại không có yêu cầu Lưu Bị nhớ ân. La Quán Trung thêm câu này vào “Tam Quốc diễn nghĩa”, để xây dựng nhân vật Lữ Bố nặng tâm danh lợi.

Hai người đang uống rượu, có người báo Kỷ Linh đã đến. Lưu Bị kinh hãi, muốn rời đi. Lữ Bố nói không có sao, Kỷ Linh tiến đến nhìn thấy Lưu Bị, cũng quay người rời đi, nhưng bị Lữ Bố giữ lại. Lữ Bố tỏ ra dũng mãnh vô địch, mời cả hai bên cùng ngồi xuống nói chuyện thương lượng.

Ba người ngồi xuống, Lữ Bố ở trung tâm, Kỷ Linh bên trái, Lưu Bị bên phải. Lữ Bố bày tỏ thái độ, nói mình cả đời thích nhất là khuyên can, hy vọng Lưu Bị và Kỷ Linh nể mặt mũi của mình mà ngừng chiến.

Lưu Bị đương nhiên vui mừng, nhưng Kỷ Linh lại nói mình nếu trở về thì sẽ không biết ăn nói ra sao, bởi vì Lưu Bị quân ít, thế yếu, nhất định sẽ thất bại.

Trương Phi chứng kiến Kỷ Linh cao giọng lớn tiếng, trong tâm tức giận, muốn rút đao hạ thủ giết Kỷ Linh, trong thời khắc nguy cấp, Lữ Bố giận dữ, nói: “Lấy cây kích của ta đến!”.

Kết quả Lữ Bố cầm binh khí, Kỷ Linh và Lưu Bị đều sợ hãi, cho rằng Lữ Bố muốn giết cả hai bên. Nhưng Lữ Bố lại nhỏ nhẹ khuyên bảo, tỏ vẻ chính mình cũng không phải muốn can thiệp vào, và sự việc này hết thảy giao cho ông trời quyết định.

Lữ Bố sai người người mang cây “Phương Thiên Họa Kích” của mình đặt ngoài cổng Viên Môn, rồi nói với Kỷ Linh và Lưu Bị: “Lều trại của ta cách cổng Viên Môn có 150 bước, nếu như ta bắn một mũi tên xuyên qua cái ngạch của cây Phương Thiên Họa Kích, thì hai bên phải bãi binh ngưng chiến. Nếu như bắn không trúng, thì mặc hai bên chém giết, Lữ Bố cũng không quan tâm tới nữa”.

Kỷ Linh cũng là võ tướng đặc biệt có tài thiện xạ, là tay thần xạ trăm năm hiếm thấy, Kỷ Linh nghĩ bắn xa được 150 bước đã là khó, chứ nói gì đến việc bắn trúng mục tiêu. Kỷ Linh coi đây là điều không thể xảy ra nên đồng ý ngay.

Sau đó, Lữ Bố vén ống tay áo lên, cho tên vào cung, kéo căng dây cung, rồi hét một tiếng: “Trúng!”, trong sách còn có một câu thơ: “Cung khai mở như thu nguyệt, mũi tên đi giống như Lưu Tinh rơi xuống đất”, một mũi tên bay xuyên qua cái ngạch trên thanh họa kích.

Lữ Bố sau khi bắn tên, toàn bộ quân tướng vỗ tay ủng hộ, Kỷ Linh cũng không dám lên tiếng. Mũi tên ấy cho thấy khả năng bắn tên của Lữ Bố thật sự cao hơn Kỷ Linh quá nhiều. Lúc này nếu đổi ý, Kỷ Linh tất nhiên sẽ không thể ra khỏi doanh trại của Lữ Bố. Mà Trương Phi, Quan Vũ không nói bất cứ lời nào, cũng không tán thưởng khả năng bắn tên của Lữ Bố, vì trong lòng mâu thuẫn, nên im lặng xác thực là lựa chọn tốt nhất.

Từ việc Lữ Bố trợ giúp Lưu Bị, nhưng cũng không liên thủ với Lưu Bị để đối chiến Kỷ Linh, cũng có thể thấy được Lữ Bố tài mưu lược đến nhường nào. Lữ Bố dùng chiếu “viên môn xạ kích” để ép Kỷ Linh phải lui binh, là lựa chọn tốt nhất lúc ấy cũng là tiết kiệm tài nguyên nhất. Đồng thời còn thể hiện tài trí và vũ lực cường đại của Lữ Bố.

Lê Hiếu biên dịch

TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/de-nhat-cao-thu-lu-bo-khong-nhung-vo-cong-cai-the-ma-con-muu-luoc-hon-nguoi.html