Blog Tâm Thức
Giáo sư MIT: Smart phone đang hủy hoại nghệ thuật trò chuyện giữa người với người 
Monday, 17/07/2017 10:00 am

Blog Tâm Thức

Ngày nay việc lạm dụng điện thoại di động đã trở nên phổ biến và đáng báo động. Khi đi trên phố, bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh người nào người nấy lăm lăm chiếc điện thoại trên tay, thậm chí ngay cả trên bàn ăn gia đình chỉ có hai người, chúng ta vẫn chăm chú vào điện thoại. Đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc đối đãi với việc sử dụng điện thoại di động và để tâm hơn đến những cuộc nói chuyện trực diện.

nghệ thuật trò chuyện
(Ảnh qua: donneierioggiedomani.it)

Nhà tâm lý học, giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Hoa Kỳ, bà Sherry Turkle chia sẻ: “Tôi nhớ lần đầu tiên tôi thấy chiếc iPhone là vào năm 2007, khi tôi đi ăn tối với bạn tại quán Café Diplomatico ở Toronto. Lúc đó mọi con mắt đều đổ dồn vào chiếc iPhone đời đầu của cậu bạn. Chúng tôi vô cùng kinh ngạc với màn hình cảm ứng của nó và thay phiên nhau trượt qua trượt lại xem các tấm hình trên điện thoại của cậu ấy. Khi đó ít ai trong chúng tôi nghĩ đến sự phổ biến của công nghệ điện thoại thông minh (smartphone) này, và quả thực là nó nhanh chóng trở nên phổ biến hơn bất kỳ công nghệ nào khác. Chỉ trong vòng vỏn vẹn có 6 năm, đa số dân Mỹ đều sở hữu một chiếc smartphone.”

Smartphone
(Ảnh qua: wareable.com)

Giờ đây điện thoại thông minh có mặt ở khắp mọi nơi. Nhưng phát minh kỳ diệu mà lẽ ra phải đưa chúng ta “xích lại gần nhau” hơn này lại đang phản tác dụng. Giáo sư Sherry Turkle tin rằng smartphone đang hủy hoại nghệ thuật giao tiếp và rằng đây là một mối quan ngại lớn.

Bà Turkle chỉ ra rằng: “Ban đầu những chiếc điện thoại thông minh với nhiều tính năng mới lạ đã giúp khoảng cách giữa chúng ta thu hẹp lại; họ tụm năm tụm ba lại để chiêm ngưỡng và ca ngợi nó, giống hệt như những gì tôi và bạn bè của mình đã trải qua ở Toronto. Nhưng mọi thứ đã nhanh chóng thay đổi.”

Trên trang mạng Fast Company đã trích dẫn câu nói của bà Turkle trong bộ phim tài liệu về “Steve Jobs: The Man in the Machine” (tạm dịch: Steve Jobs: Người đàn ông cứng nhắc):

Thuận theo thời gian, những trải nghiệm đó ngày càng ít đi và điều mà tôi gọi là hiện tượng ‘tập thể cô đơn’ ngày một phổ biến. Nó hóa ra lại là một loại công nghệ [khiến con người] cô lập. Nó là thứ máy móc mà ai nấy đều mơ ước [sở hữu] và bạn sẽ bị cuốn hút bởi thế giới hiển thị trên màn hình của nó”.

Là một giáo sư đại học có tiếng tăm và văn phòng của bà luôn mở rộng cửa tiếp đón, nhưng bà Turkle nhận thấy rằng bất đắc dĩ lắm sinh viên mới tới gặp bà để trao đổi trực tiếp. Dù là ngày hay đêm, họ cũng lựa chọn phương án gửi email cho bà – thực trạng này cũng chính là phản ánh xu hướng chung là người ta thích nhắn tin cho nhau hơn là gọi điện trực tiếp.

Nguyên do từ đâu? Đó là bởi vì con người ngày nay cảm thấy không thoải mái khi đối thoại trực diện. Họ sợ những khoảng lặng, sự nhàm chán trong đối thoại, sợ rằng họ không kiểm soát được những lời nói vô tình thốt ra, sợ sự lúng túng. Tuy nhiên chính những điều này lại làm cho cuộc đối thoại trở nên thi vị và quan trọng trong cuộc sống con người. Chính những điều này sẽ giúp chúng ta phát hiện ra điểm thú vị của người đối diện, ngày càng biết đồng cảm với người khác, cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và được kết nối với  nhau, qua đó chúng ta cũng học được cách quan sát và hiểu được những ngôn ngữ phi lời nói qua nét mặt, hay ngôn ngữ hình thể của đối phương.

Nội dung nghiên cứu của giáo sư Turkle đăng trên tờ Atlantic có đoạn:

“Chúng ta có xu hướng nói chuyện nhiều hơn cả trong đối thoại trực tiếp lẫn qua tin nhắn, qua e-mail, qua điện thoại, qua Facebook và qua cả Twitter. Hết thảy thế giới này dường như ngày càng có nhu cầu nói chuyện nhiều hơn, bằng nhiều cách hơn bao giờ hết. Hiện nay chúng ta chỉ đang nói với người khác chứ không phải nói chuyện [mang tính thảo luận] cùng với nhau. (nói chuyện thường là mang tính chất nói phần của mình là chính, không mang tính chất trao đổi, bàn bạc với đối phương)

(Ảnh: mediabakery.com)

Giáo sư Turkle đã thiết lập ranh giới sử dụng điện thoại, và khuyến nghị trong không gian nào và thời điểm nào chúng ta không nên hoặc hạn chế sử dụng thiết bị điện tử này:

Có thể bạn sẽ thấy những giới hạn này quá khó thực hiện, nhưng việc này là đáng giá để bạn đổi được những giây phút được chia sẻ với gia đình, có được sự thấu hiểu giữa mọi người với nhau thông qua những cuộc đối thoại, cũng như chia sẻ những xúc cảm.

Tóm lại, chúng ta nên cố gắng đối thoại trực tiếp khi có thể, hạn chế sử dụng tin nhắn và các ứng dụng tin nhắn miễn phí qua mạng internet. Đừng để thiết bị di động này chi phối quá nhiều trong cuộc sống hàng ngày, dẫn đến việc chúng ta phải phụ thuộc vào nó, thậm chí đôi khi không thể rời tay được khỏi chiếc smartphone của mình dù chỉ 15 phút.

Theo Tree Hugger
Minh Nguyệt

TAMTHUC:

Nguồn:https://trithucvn.net/doi-song/giao-su-mit-smartphone-dang-huy-hoai-nghe-thuat-tro-chuyen-giua-nguoi-voi-nguoi.html