Blog Tâm Thức
7 điều tuyệt đối không cầu khi đi lễ chùa đầu năm
Wednesday, 04/01/2017 00:00 am

Blog Tâm Thức

Đi chùa đầu năm đã trở thành một thông lệ đẹp gắn liền với tín ngưỡng tâm linh sâu sắc của người Việt, vậy đi cùa nên cầu như thế nào và không nên cầu những gì, hãy tham khảo bài viết dưới đây.

Năm mới, tết đến xuân về, người dân lại nô nức đi chùa làm lễ cầu may. Người Việt đến chùa không đơn giản chỉ là để ước nguyện, mà còn để hòa mình vào chốn tâm linh, gạt bỏ đi những lo toan vất vả của cuộc sống.

Cũng có người đến chùa là để tìm lối thoát cho những khúc mắc trong cuộc sống của bản thân, như là cầu duyên, cầu được tai qua nạn khỏi, hay mong muốn vượt qua khủng hoảng, bế tắc. Tất nhiên, mặc dù hiếm hoi, nhưng đôi lúc nhà chùa cũng được đón tiếp những người mộ Đạo, muốn giải quyết những trăn trở trong kiếp nhân sinh, tìm về chân lý.

Tuy nhiên có những điều đi chùa không nên cầu thần Phật, đó là:

Không cầu tiền tài, danh vọng

Cả cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dẫn dắt các đệ tử của ngài đi xin ăn, đi hóa duyên, yêu cầu họ vứt bỏ hết những tâm đeo bám vào tiền tài danh vọng. Vì thế những thứ này đối với Người là vật ngoài thân, thử hỏi Ngài có thể độ trì không?

Cầu không ốm đau, bệnh tật

Người đi lễ chùa không nên cầu thoát khỏi bệnh tật vì như vậy sẽ sinh ra tham niệm, có thể dẫn đến phạm giới. Bệnh tật là do nghiệp, không phải cầu mà khỏi được. Muốn thoái khỏi nỗi thống khổ bệnh tật thì nên thực hành giác ngộ, làm cho tâm không bệnh. Nhà Phật cho rằng việc hành thiện, tu dưỡng tâm tính mới có thể đẩy lùi căn nguyên bệnh tật cũng như mọi đau khổ trong kiếp người.

Cầu thuận buồm xuôi gió

Khó khăn là điều ai cũng phải trải qua trong cuộc đời, nhờ đó mới có thể trưởng thành hơn. Vì thế, đừng cầu không gặp trắc trở, hãy để bản thân có thể nhờ sóng gió mà chân cứng đá mềm.

Không nên cầu duyên

Theo lý nhà Phật thì duyên cũng thật không phải thứ có thể cưỡng cầu. Chưa nói đến tình duyên, mà thậm chí là duyên cha mẹ, duyên con cái, cũng đều chỉ gói gọn trong một kiếp này. Có ai là mang theo được cái duyên ấy? Đức Phật hướng con người ta đến sự giải thoát khỏi cõi luân hồi, cũng chính là thoát khỏi những duyên nợ ân oán.

Không nên cầu danh lợi

Nên nhớ, danh lợi là thứ hão huyền và làm con người tham lam sinh ngông cuồng, vì lợi ích bản thân mà sẵn sàng vứt bỏ đức hạnh. Danh lợi vốn là hư không, tham vọng danh lợi dễ đọa vào kiếp luân hồi.

Không nên cầu lợi ích cho bản thân

Nếu ai cũng cầu phần lợi cho mình, phần thiệt cho kẻ khác thì sẽ đành mất Đạo làm người. Chắc chắn không Thần Phật nào có thể giúp đỡ người như vậy được.

Không nên cầu người khác giúp mình

Cầu người khác giúp đỡ mình sẽ khiến cho bản thân bị phụ thuộc và không thể tự mình vượt qua nghịch cảnh. Hơn nữa, người luôn cầu viện người khác thì sẽ sống trong tâm  lý luôn mang ơn, mang khổ chứ không tự do tự tại được.

Vậy thì người xưa cầu gì?

Người xưa đến lễ Phật là mang theo cái tâm kính ngưỡng Phật, mong muốn chiểu theo những gì Phật dạy mà làm. Người mộ Đạo đến cầu chân lý, bày tỏ cái tâm không sợ khó, không sợ khổ, chỉ một lòng mong được đắc độ.

Người bình thường cũng nhân dịp lễ Phật mà ăn năn trước những tội lỗi của mình, và cầu xin có cơ hội được hoàn trả sai trái, làm việc tốt, hành thiện giúp đời. Ngày nay người đến lễ Phật mấy ai sám hối ăn năn? Lại càng ít người có cái tâm cầu Đạo.

Có người nói rằng, chúng ta đang “hối lộ” Thần Phật – Ngẫm đi ngẫm lại thì lời nói ấy cũng chẳng hề sai. Chính là vì con người đã thay đổi rồi, không còn thật sự biết tôn kính Thần Phật như thế nào nữa. Thậm chí trong những món ăn món uống cũng mang hàm ý xúc phạm thần linh mà không tự biết.

TAMTHUC