Blog Tâm Thức
Những điều cần tránh để trứng luôn là món ăn bổ dưỡng nhất
Tuesday, 01/08/2017 10:00 am

Blog Tâm Thức

Các thầy thuốc Đông y xếp trứng vào hàng thực phẩm bổ dưỡng, dùng để bồi bổ phục hồi sức khỏe cho người suy nhược, người mới bệnh dậy, phụ nữ mang thai và mới sinh nở…

(ảnh: Getty)

Nhiều chuyên gia dinh dưỡng hiện đại đánh giá rất cao món trứng, rất an toàn mà lại đầy dưỡng chất. Tuy nhiên, để tận hưởng hết những giá trị của trứng, bạn vẫn cần ghi nhớ một số điều ‘không nên’ như dưới đây.

Trứng: Tiện lợi và bổ dưỡng nhất hành tinh

Trước đây có nhiều người cho rằng không nên ăn trứng thường xuyên vì chúng chứa nhiều cholesterol và như vậy làm tăng mỡ máu. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu gần đây nhất đã phủ nhận điều này. Cholesterol là một thành phần không thể thiếu trong cấu trúc tế bào và tham gia trong nhiều quá trình sinh lý của cơ thể, do đó luôn có một cơ chế để điều tiết lượng chất này theo nhu cầu của cơ thể. Thực tế là các thực phẩm giàu cholesterol không tác động đáng kể đến nồng độ chất này. Do vậy, bạn không cần phải lo lắng nếu muốn ăn nhiều trứng hơn.

Các thầy thuốc Đông y xếp trứng vào hàng thực phẩm bổ dưỡng, dùng để bồi bổ phục hồi sức khỏe cho người suy nhược, người mới bệnh dậy, phụ nữ mang thai và mới sinh nở… Một số loại trứng còn được dùng như là thuốc, ví dụ trứng cút… Các nhà dinh dưỡng học hiện đại cũng có cùng quan điểm về trứng, thậm chí một số người, ví dụ chuyên gia dinh dưỡng Kris Gunnars cho rằng đây là thực phẩm tiện lợi và “bổ dưỡng nhất hành tinh”.

Chất đạm và béo từ có trong trứng được cơ thể tiêu hóa và sử dụng rất dễ dàng. Ngoài ra, chúng còn chứa nhiều loại vitamin khác nhau như: A, B, D, E, K, axit folic, các chất khoáng Ca, Fe, Se… Thậm chí nếu bạn kỳ công chế biến một chút thì ngay cả vỏ trứng cũng ăn được và rất tốt cho sức khỏe.

Nấu món trứng thế nào cho tốt nhất?

Để cơ thể hấp thu được tối đa các dưỡng chất thì bạn cần nhớ một số nguyên tắc sau khi làm món trứng: chỉ ăn trứng vừa chín tới, không nấu quá kỹ, không ăn trứng sống hay lòng đào.

Cơ thể không sử dụng được (hoặc hiệu quả rất kém) các chất dinh dưỡng trong trứng sống, đặc biệt là chất đạm. Hiệu quả tốt nhất (100%) với trứng luộc và hấp chín tới, và sẽ giảm dần khi độ sống tăng lên (khoảng 30% với trứng sống).

Ngoài ra, ăn trứng sống còn có nguy cơ gây khó tiêu, đầy bụng, tiêu chảy… Các loại trứng, đặc biệt là trứng vịt được đẻ rơi xuống nền chuồng bẩn dễ nhiễm các vi khuẩn độc hại (Salmonella…) và có thể gây ngộ độc thực phẩm cho người ăn, nhẹ thì tiêu chảy, nặng thì là tử vong. Thỉnh thoảng người ta vẫn thấy các quốc gia như Úc, Mỹ, EU… phải ra lệnh thu hồi hàng trăm triệu quả trứng, đó chính là phát hiện trứng bị nhiễm Salmonella.

Do vậy nhất định không nên ăn món trứng còn sống hoặc chế biến qua loa, bao gồm:

Không ăn trứng trần: Nhiều người có thói quen kêu 1-2 quả trứng trần, cho thêm vào tô mỳ hay tô phở khi ăn sáng. Điều này rất không nên. Hút/ăn trứng sống thì lại càng nên tránh.

Không ăn món kem đánh trứng sống: Món kem đánh bông trứng gà cùng với mật ong và chút đường được nhiều người xem như là món ăn tẩm bổ, nhưng thực ra cơ thể không tận dụng được các chất dinh dưỡng từ trứng, thêm vào đó là nguy cơ tiêu chảy, khó tiêu và ngộ độc vì mất vệ sinh an toàn thực phẩm nữa. Điều này đặc biệt cần tránh không dùng cho phụ nữ mang thai và trẻ em, những người bụng yếu, người già.

Không cho trẻ ăn trứng lòng đào, trứng ốp chưa chín: Quan niệm trứng lòng đào là tốt nhưng đó là một sự hiểu lầm. Món trứng luộc bên trong lòng đỏ còn ướt (chưa chín), món trứng ốp qua loa khiến hệ tiêu hóa làm việc vất vả hơn nhiều, chưa kể đến nguy cơ nhiễm khuẩn nữa. Điều này có thể nghiêm trọng hơn với trẻ em do hệ tiêu hóa và miễn dịch còn non nớt.

Ngoài ra, cũng không nên nấu món trứng gà quá kỹ, vì khi đó nhiều chất dinh dưỡng sẽ bị phá hủy.

Trứng gà luộc quá lâu thì trên bề mặt của lòng đỏ sẽ xuất hiện một lớp màu xanh xám do chất sắt có trong trứng gà tạo ra khiến cơ thể rất khó hấp thụ. Trứng gà luộc chín kỹ cũng không giữ được vị tươi ngon như khi nấu vừa chín tới, gây ảnh hưởng đến cảm giác ngon miệng của người thưởng thức. Càng ở nhiệt độ cao trong thời gian càng lâu, thì các chất vitamin cũng theo đó mà bị phá hủy càng nhiều. Bản thân chất đạm trong trứng cũng bị biến tính mạnh, khó tiêu.

>> 1 quả trứng gà chữa 10 loại bệnh

Một số người khuyên không nên ăn món trứng đã để qua đêm, nhưng nếu đã nấu chín, che đậy và cất kỹ trong tủ lạnh thì vẫn có thể ăn được, cần kiểm tra chất lượng trước khi ăn. Tất nhiên, sau khi hâm lại thì nó không còn được như món trứng mới chế biến nữa.

Có thể ăn trứng vào bất cứ bữa nào, sáng, trưa, tối hay ăn đêm. Món dễ ăn, dễ mang theo và lâu hỏng nhất có lẽ là trứng luộc. Sau khi ăn trứng luộc, không nên ăn hay uống những thực phẩm giàu chất tannin (có vị chát) như nước trà đặc, hồng xanh… để tránh nguy cơ gây khó tiêu đầy bụng do tannin làm kết tủa protein của trứng.

TAMTHUC

Loại trứng tốt nhất mà các chuyên gia khuyên dùng chính là trứng từ gà (vịt) nuôi thả và ăn thức ăn tự nhiên (rau cỏ, thóc, ngô, cua ốc…) không chứa hóa chất bảo quản hay các kháng sinh. Thông thường các con gia cầm khi đang ốm sẽ được chích thuốc, và quy định là phải tiêu hủy trứng đẻ ra trong giai đoạn này, nhưng thực tế gần như 100% các trang trại ở Việt Nam chưa làm được điều này.

Trứng rất bổ dưỡng nhưng không có nghĩa là chỉ ăn một món trứng là xong bữa, mà để có sức khỏe tốt thì các thực phẩm khác như tinh bột, rau xanh và trái cây… cũng không thể thiếu.

Kiên Thành

TAMTHUC

Nguồn:https://trithucvn.net/suc-khoe/nhung-dieu-can-tranh-de-trung-luon-la-mon-an-bo-duong-nhat.html