Blog Tâm Thức
Y học cổ truyền: Vì sao nước dừa có thể phòng và hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết?
Tuesday, 08/08/2017 10:00 am

Blog Tâm Thức

Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát ở khắp nơi trên cả nước và ngày càng lan rộng. Hiện nay  có hơn 60.000 ca sốt xuất huyết được ghi nhận và có 18 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Một đợt dịch có sức lây lan mạnh mẽ và nguy hiểm như vậy nhưng lại có những biện pháp phòng tránh hết sức đơn giản mà rất ít người biết đến: nước dừa tươi.

(ảnh: Internet)

Sốt xuất huyết hay sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do 4 typ virus dengue gây ra. Virus được truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Bệnh có đặc trưng bởi sốt xuất huyết và thoát huyết tương có thể dẫn đến sốc và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Y học cổ truyền (YHCT) xếp bệnh sốt xuất huyết vào nhóm Ôn bệnh, nguyên nhân là do ngoại tà và phục nhiệt xâm phạm đến khí huyết trong cơ thể mà gây nên.

>> 7 lý do muỗi thích cắn bạn hơn những người khác

Nếu ví cơ thể như một quốc gia…

Nếu ví cơ thể như một quốc gia thì ngoại tà là giặc ngoại xâm, còn phục nhiệt là nội ứng. Khi phát bệnh tức là lúc giặc và nội ứng hùa nhau tấn công hệ thống miễn dịch của cơ thể mà gây bệnh. Bình thường cơ thể có một cơ chế thải nhiệt tuyệt vời. Tuy nhiên, một số người thích nghi kém với ngoại cảnh, khi trời nắng nóng, nhiệt độ phòng lên đến 41oC thì cơ thể lưu lại một lượng nhiệt rất lớn trong da thịt, khí huyết gọi là phục nhiệt. Nếu thời tiết lạnh từ từ thì khối nhiệt này sẽ được cơ thể dần đào thải. Nhưng ngay sau đó thời tiết đột ngột chuyển sang mưa lạnh ẩm thấp khiến cho lỗ chân lông co lại, lượng nhiệt cần thoát thì nay bị bức vào trong, lại thêm nguyên nhân gây kích nổ khối bom phục nhiệt là bị muỗi mang virus đốt mà dẫn tới phát bệnh, tạo thành dịch lan tràn khắp nơi. Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là trẻ em và những người có bệnh mãn tính do hệ miễn dịch vốn đã sẵn mong manh.

Phương pháp trị bệnh sốt xuất huyết của YHCT chủ yếu là thanh nhiệt giải độc, lương huyết chỉ huyết.

(ảnh: Shutterstock)

Một loại quả vô cùng giá trị trong mùa dịch sốt xuất huyết mà ít người biết đó chính là trái dừa, với giá trị dinh dưỡng cao, bổ sung nước và điện giải cho người bệnh một cách rất hiệu quả – có thể sánh ngang với việc truyền dịch. Nước dừa đã từng được sử dụng như một loại dịch truyền trực tiếp trong thời chiến tranh xảy ra ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nơi mà dừa là một đặc sản.

Theo cuốn “Thành phần dinh dưỡng thức ăn Việt Nam”(1995), 100g phần ăn được của cùi dừa non chứa protein toàn phần 3,5g, lipid 1,7g, glucid 2,6g, cellulose 3,5g, vitamin B1 0,04mg, vitamin B2 0,03mg, vitamin PP 0,8mg, vitamin C 6mg. Nước dừa chứa 95,5% là nước, protein 0,1%, lipid 0,1%, chất vô cơ 0,4%, carbohydrate 4,0%, Ca 0,02%, P dưới 0,01%, sắt 0,5mg%, nhiều axit amin (arginin, alanin, cystein và serin), vitamin C 2,2-3,7mg%, nhiều vitamin trong nhóm B.

Trái dừa dựa theo lý luận của y học cổ truyền, nước dừa có vị ngọt, mát, tính bình, có tác dụng tiêu khát, lợi tiểu, giải nhiệt, giải độc, cầm máu. Nước dừa có nhiều chất bổ dưỡng chữa sốt nóng, sởi, tiêu chảy, kiết lỵ, đau dạ dày. Ngoài ra còn có thể lấy nước dừa trong điều kiện vô khuẩn thay dung dịch truyền và pha chế thuốc.

Cùi dừa vị ngọt tính bình, có tác dụng ích khí bổ dưỡng, nhuận tràng lợi tiểu. Sọ dừa vị đắng, tính bình, có tác dụng cầm máu.

Từ vỏ màu vàng, cùi màu trắng, theo quan hệ tương sinh trong học thuyết ngũ hành thì, vỏ vàng thuộc tỳ thổ sinh cùi trắng phế kim, sinh nước dừa là thận thủy.

Sốt xuất huyết là phục nhiệt ở dinh huyết được tàng trữ ở can, can thuộc mộc, cùi trắng thuộc kim khắc mộc, nước dừa thuộc thủy tư âm giáng hỏa, thanh nhiệt lương huyết. Vì vậy cùi và nước dừa sẽ đào thải được nhiệt độc tàng phục trong cơ thể. Chính vì vậy việc uống nước dừa trong giai đoạn này vừa có tác dụng phòng tránh và điều trị sốt xuất huyết, hơn thế nữa nước dừa có vị rất thơm ngon, ai cũng có thể uống mà không ngấy.

Để phòng dịch, có thể uống nước dừa thường xuyên nhất là những hôm nắng nóng, có thể uống 3 đến 4 quả mỗi ngày. Đối với người đang sốt, bất kể là sốt gì, cũng rất nên uống nước dừa khi thấy khát, có thể uống thay nước, không nên pha thêm gì vào nước dừa, uống thẳng trực tiếp sau đó ăn cả cùi trắng là tốt nhất. Tuy nhiên một gáo nước không thể dập được đám cháy lớn với các biểu hiện nặng của sốt xuất huyết, nước dừa chỉ có tác dụng hỗ trợ, người bệnh vẫn cần tìm đến các cơ sở y tế để kịp thời điều trị.

Huyền Đăng

TAMTHUC

Nguồn:https://trithucvn.net/suc-khoe/phong-va-ho-tro-dieu-tri-sot-xuat-huyet-voi-trai-dua-tuoi.html