Ước tính số người vô thần ở Mỹ là một việc phức tạp. Một vài người trưởng thành nói rằng họ xem bản thân là vô thần, nhưng cũng cho biết họ tin vào Chúa hay một linh hồn vũ trụ. Ngược lại, cũng có người theo tôn giáo (Tin lành, Công giáo hay Do Thái giáo) lại nói rằng họ không tin vào Chúa.
Chỉ có một điều là chắc chắn: số người không theo tôn giáo ở Mỹ đang tăng dần (trong đó vẫn có người tin vào Chúa), và số người vô thần cũng tăng lên. Dưới đây là một vài thông tin khảo sát của Trung tâm Pew về những người vô thần và niềm tin của họ:
1. Số lượng
Tỉ lệ người Mỹ tự xem mình là vô thần đã tăng khoảng gấp đôi trong những năm qua. Cuộc khảo sát về tình hình tôn giáo năm 2014 của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy 3,1% người Mỹ trưởng thành nói rằng họ vô thần, trong khi khảo sát tương tự quy mô lớn năm 2007, con số này chỉ là 1,6%. Ngoài ra, 4% người Mỹ theo thuyết bất khả tri, so với 2,4% năm 2007.
Tuy nhiên, một vài nghiên cứu của các tổ chức khác đưa ra tỉ lệ người vô thần cao hơn nhiều (trên 11% và cao hơn nữa).
2. Độ tuổi
Người vô thần nói chung, thường là nam giới và thanh niên so với tổng quan dân số. 68% là nam giới, và số trung vị (median) của độ tuổi người trưởng thành theo thuyết vô thần là 34. (so với trung vị độ tuổi của toàn bộ người trưởng thành ở Mỹ là 46).
Người vô thần có nhiều khả năng là da trắng (78% người da trắng, so với tỉ lệ người da trắng trong dân số là 66%) và được hưởng nền giáo dục cao: khoảng 4/10 người vô thần (43%) có bằng đại học, so với 27% trung bình trong dân cư.
3. Xu hướng chính trị
Những người tự nhận là vô thần thường ủng hộ Đảng Dân chủ và chủ nghĩa tự do trong chính trị. Khoảng 2/3 người vô thần (69%) tự nhận là theo đảng Dân chủ (hoặc phương hướng đó), và đa số (56%) tự xem mình là theo chủ nghĩa tự do (chỉ 1/10 nói rằng họ theo bảo thủ). Những người vô thần đa số ủng hộ hôn nhân đồng tính (92%) và phá thai (87%). Ngoài ra, ba phần tư (74%) nói rằng chính phủ nên trợ cấp cho người nghèo.
>> Sự từ bi giả tạo của chủ nghĩa tự do
4. Ngộ nhận
Mặc dù định nghĩa “người vô thần” là “một cá nhân không tin vào sự tồn tại của chúa trời hay bất cứ vị thần nào,” nhưng 8% số người tự xem mình là vô thần vẫn nói họ tin vào Chúa hay một linh hồn vũ trụ. Thật vậy, 2% nói rằng họ “hoàn toàn chắc chắn” về sự tồn tại của Chúa hay một linh hồn vũ trụ.
Ngược lại, có nhiều người phù hợp với định nghĩa về “vô thần” nhưng lại không tự gọi bản thân là như vậy. Có 9% số người Mỹ nói rằng họ không tin vào Chúa hay linh hồn vũ trụ, nhưng chỉ 3% trong đó nói mình là vô thần.
5. Nhìn nhận về tín ngưỡng
Không ngạc nhiên, hơn 9/10 người tự nhận vô thần nói rằng tín ngưỡng là không quá hoặc không hề quan trọng trong đời họ, và gần như tất cả (97%) nói rằng họ ít khi hoặc không bao giờ cầu nguyện.
>> Nghiên cứu: Vì sao những người thường xuyên cầu nguyện có sức khỏe tốt hơn?
Tuy nhiên, nhiều người không thấy có sự mâu thuẫn giữa việc vô thần và suy ngẫm về vị trí của họ trong thế giới này.
Một phần ba (31%) nói rằng họ cảm thấy bình an về tinh thần và hạnh phúc ít nhất là mỗi tuần một lần. Một tỉ lệ tương tự (35%) thường suy ngẫm về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống. Và khoảng một nửa người vô thần (54%) thường cảm thấy một cảm giác choáng ngợp thích thú trước vũ trụ. Tỉ lệ này đối với người Công giáo ở Mỹ là 45%.
6. Bộc lộ quan điểm của bản thân
Trong Khảo sát về tình hình tôn giáo năm 2014, những người tự nhận vô thần có trả lời về việc họ chia sẻ quan điểm về Chúa và tôn giáo với người có tín ngưỡng thường xuyên tới mức nào. Chỉ khoảng một phần mười (9%) nói rằng họ chia sẻ ít nhất mỗi tuần, trong khi khoảng hai phần ba (65%) nói họ ít khi hoặc không bao giờ thảo luận quan điểm về tôn giáo với người trong tôn giáo. Để so sánh, 26% số người có tôn giáo chia sẻ quan điểm ít nhất một lần mỗi tuần với những người có tín ngưỡng khác, 43% nói rằng họ ít khi hay không bao giờ.
7. Tin vào khoa học
Hầu như không có người vô thần nào (1%) tìm đến tôn giáo để tìm đáp án cho các câu hỏi về đúng và sai (thiện và ác). Khoảng một phần ba (32%) nói rằng họ tìm đến khoa học để có câu trả lời, còn số đông (44%) nói rằng “kinh nghiệm thực tế và lẽ thường” là chỉ dẫn chính khi họ phải chọn.
>> Các nhà khoa học cảnh báo sự nguy hiểm khi quá tin vào… khoa học
8. Thiện cảm của công chúng
So với người của các nhóm tôn giáo lớn, người Mỹ ít có thiện cảm với người vô thần hơn. Khảo sát Pew năm 2014 đã yêu cầu người Mỹ cho điểm “thang cảm xúc” từ 0 (lạnh lùng, tiêu cực nhất) tới 100 (ấm áp và tích cực nhất). Người trưởng thành ở Mỹ đã cho người vô thần điểm trung bình là 41, ngang ngửa với điểm cho người Hồi giáo (40), nhưng ít nhiệt tình hơn nhiều so với điểm trung bình cho người Do Thái (63), Công giáo (62) và Tin lành (61).
9. Bầu cử tổng thống
Khoảng một nửa người Mỹ (51%) nói rằng họ sẽ ít có khả năng ủng hộ một ứng cử viên tổng thống vô thần, so với một ứng cử viên có bất cứ một tính chất nào khác – kể cả đạo Hồi. Con số này đang có xu hướng giảm, số liệu khảo sát năm 2007 là 63%.
TAMTHUC10. Chúa và đạo đức
Khoảng một nửa dân số Mỹ (53%) nói rằng không cần thiết phải tin vào Chúa thì mới có đạo đức, trong khi 45% cho rằng cần tin vào Chúa thì mới được có những giá trị đạo đức tốt (khảo sát năm 2014).
Ở những nước giàu khác, số người cho rằng phải tin vào Chúa thì mới có đạo đức chiếm tỉ lệ nhỏ hơn, ví dụ ở Pháp chỉ là 15%. Nhưng ở những nơi khác trên thế giới, gần như mọi người đều đồng tình là phải tin vào Chúa thì mới có đạo đức, tỉ lệ là 99% ở Indonesia và Ghana, 98% ở Pakistan.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu toàn cầu công bố vào đầu tháng 8/2017 trên tạp chí Nature, nếu người ta được kể cho câu chuyện về một kẻ sát nhân hàng loạt, họ (58%) sẽ có xu hướng cho rằng người đó là vô thần, so với 30% cho rằng đó là người tin vào hữu thần. Mà không chỉ người có tín ngưỡng, ngay cả người vô thần tham gia khảo sát cũng có cùng quan điểm này.
Theo Pew Research
Phong Trần
TAMTHUC