Hoàng Long năm thứ nhất (năm 229), Tôn Quyền tại Vũ Xương chính thức xưng đế, thành lập nước Ngô, cùng Tào Tháo, Lưu Bị tạo thành tam quốc ở thế chân vạc. Bởi Ngô quốc nằm ở phía Đông trong tam quốc nên cũng được gọi là Đông Ngô.
Tôn Quyền từng tại Ô Lâm đánh bại Tào Tháo, tại Tây Lăng đánh lui Lưu Bị, sau tại Kinh Châu cầm chân Quan Vũ, nếu không phải là bậc anh hào thần võ thì sao có thể được xưng tụng là “Hùng lược chi chủ”? Tôn Quyền tuy nửa đời cưỡi trên lưng ngựa xông pha chiến trận, nhưng vẫn là dùng cái tâm nhân hậu, kính hiền lễ sĩ để đối nhân, vì vậy anh hùng hảo hán tại khu vực phía Nam Trường Giang đều quy tụ dưới trướng nhà họ Tôn.
Tôn Quyền gặp Khang Tăng Hội xây nên Giang Nam đệ nhất tự
Vào thời Tôn Quyền chấp chính Đông Ngô, dân chúng và các giới dường như rất ít được nghe về Phật Pháp, cho nên chưa thể liễu giải tường tận cửa tu hành này. Năm 247, một vị cao tăng là Khang Tăng Hội đến Kiến Nghiệp ở Đông Ngô (nay là Nam Kinh). Ông xây am thất, lập tượng Phật, dùng Phật Pháp giáo hóa chúng sinh.
Nơi xuất sinh của Khang Tăng Hội là Khang Cư quốc (một quốc gia thuộc Tây Vực cổ thời Hán), gốc Ấn Độ. Cha của ông là một thương gia nên về sau di cư đến Giao Chỉ. Khi Khang Tăng Hội được 10 tuổi thì cha mẹ đều qua đời. Để giữ tròn đạo hiếu, ông xuất gia, tu tập Phật Pháp.
Đối với bản thân, Khang Tăng Hội đề ra cho mình những yêu cầu rất nghiêm khắc, ham thích học hỏi, không chỉ tinh thông kinh Phật mà còn tỏ tường thiên văn địa lý. Ông không chỉ tuyên dương Phật pháp mà còn có công phiên dịch Kinh Phật.
Tướng mạo Khang Tăng Hội có phần kì lạ, phục sức cũng không hợp thời. Khi vào đến Đông Ngô, ông tự xưng là sa môn, dân chúng Đông Ngô cho ông là kẻ lừa bịp nên báo quan, sau tin tức truyền đến tai Tôn Quyền. Hay tin, Tôn Quyền nói rằng: “Ngày xưa, Hán Minh Đế từng nằm mộng thấy hoàng kim đại thần tiên, tên là Phật Đà. Liệu người này có thể là truyền nhân của Phật Đà chăng?”
Tôn Quyền vốn được tôn xưng là “Hùng lược chi chủ” nên bản thân ông có được nhận thức phóng khoáng, sâu rộng. Dẫu chưa từng gặp Khang Tăng Hội, ông đã phỏng đoán người này có thể sẽ là người khơi nguồn dòng chảy giáo hóa dân chúng bằng Phật Pháp.
Tôn Quyền thiên tính thông minh, cơ trí. Sử sách ghi chép lại, mẹ của Tôn Quyền là Ngô phu nhân, khi mang thai Tôn Sách thì bà mộng thấy trăng sa vào bụng, còn lúc mang thai Tôn Quyền thì bà lại trông thấy Mặt trời bay vào bụng.
Tôn Kiên khi nghe vợ kể lại, đối với hai đứa con nhật nguyệt của mình, rất lấy làm vui mừng, lập tức ngắt lời: “Nhật nguyệt chính là tinh hoa âm dương, đây là tượng trưng cho phú quý cực điểm”. Tôn Quyền khi được hạ sinh, mắt tỏa ra ánh quang tinh hoa, sau lớn lên lại có hình tướng vô cùng kì vỹ.
Thời đầu Tam Quốc, kinh điển Phật gia còn chưa truyền vào Đông Ngô, Tôn Quyền dẫu không nắm rõ sự tình bên ngoài, nhưng sớm đã có thái độ kính cẩn.
Năm 237, Tôn Quyền chứng kiến hiện tượng “xích ô tập vu tiền điện”, tức là quạ đỏ tụ tập ở tiền điện. Vào thời cổ đại có hiện tượng “xích ô hàm đan thư tập vu Chu Xã”, tức là quạ đỏ ngậm sách họp mặt tại Chu Xã, cũng là thời điểm Chu Văn Vương xuất sinh; do đó xích ô được cho là loài chim cát tường, báo điềm lành. Tôn Quyền tận mắt thấy điều này nên cải niên hiệu thành “Xích Ô”.
Gần huyện La Dương có vị dị nhân tên là Vương Biểu, sở hữu dị thuật thần bí. Năm 251, Tôn Quyền nghe nói đến người này, liền phái phụ quốc tướng quân, La Dương vương Lý Sùng đi thỉnh Vương Biểu vào triều. Khi cùng Vương Biểu hội kiến bên ngoài Thương Long môn, ông đã cho người xây phủ đệ, sau còn cho cận thần tứ bang cho Vương Biểu rượu và đồ ăn ngon.
TAMTHUCDo đó, khi nghe nói có tăng nhân từ phương xa đến Ngô quốc, Tôn Quyền đã nghĩ ngay rằng người này nhất định không tầm thường, bèn cho triệu kiến Khang Tăng Hội, hỏi rằng pháp ông truyền ra có điều chi linh nghiệm?
Khang Tăng Hội đáp lời: “Từ khi Phật tổ niết bàn đến nay đã trải qua nghìn năm. Lúc ấy Phật tổ khi tọa hóa đã để lại xá lợi tử, sặc sỡ lóa mắt. A Dục Vương đã thu thập xá lợi, xây nên 8 vạn 4 nghìn tòa Phật tháp. Để hoằng dương những điều Phật tổ truyền thụ lại, giúp hậu thế tu kiến Phật tháp”.
Tôn Quyền bèn nói với Khang Tăng Hội: “Nếu ngươi có thể thỉnh được xá lợi, ta sẽ vì điều này mà cho xây Phật tháp. Ngược lại nếu như đó là lời hoang đường hoặc có thể nhiễu loạn quốc gia, ta sẽ theo pháp tắc nước nhà mà trừng phạt”.
Khang Tăng Hội xin kì hạn 7 ngày, ông cùng đệ tử tắm rửa, thay quần áo, thành tâm trai giới ở tịnh thất, đem bình đồng đặt ở chiếc bàn nhỏ, liên tục thắp hương, thỉnh mời xá lợi Phật. Tuy nhiên, sau 7 ngày, bình đồng không có động tĩnh, hoàn toàn trống không. Khang Tăng Hội bèn xin thêm 7 ngày nữa, nhưng bình đồng chẳng thay đổi. Khang Tăng Hội lại tiếp tục xin Tôn Quyền thêm 7 ngày, lúc này Tôn Quyền bắt đầu nổi giận: “Việc này nếu là trò lừa bịp, tất sẽ bị nghiêm trị”. Tôn Quyền không còn cách nào khác đành phải gia hạn thêm 7 ngày.
Thực tế, việc thỉnh mời xá lợi Phật không phải chuyện dễ dàng như ôm củi xách nước. Có lẽ Khang Tăng Hội và các đệ tử vì lo sợ quyền uy của Tôn Quyền mà không thể bảo trì tâm thanh thần tĩnh, nhất tâm bất loạn. Vậy nên Khang Tăng Hội bèn nói với chúng đệ tử: “Phật Đà từ bi, từ trước đến nay đều linh nghiệm, vậy mà chúng ta nay lại không thể cảm động Thần Phật. Thế nên, dẫu cho đế vương không khiển trách, thì chúng ta cũng đem sinh tử nguyện thề để làm, nếu lại tiếp tục không ứng nghiệm thì chúng ta cũng tự nguyện xin được chết”.
Kì hạn 7 ngày lần thứ 3 cũng kết thúc, chúng đệ tử vẫn không thấy xá lợi, ai nấy đều phi thường khiếp sợ. Tuy nhiên đến canh 5, mọi người nghe thấy trong bình vang ra âm thanh trong trẻo, mở ra quả nhiên nhìn thấy xá lợi của Phật.
Khang Tăng Hội liền đem xá lợi tiến cung, xá lợi đột nhiên tỏa hào quang ngũ sắc chói lòa, người Đông Ngô quả thực chưa từng chứng kiến cảnh tượng thần dị ấy, ai nấy đều nhao nhao lo sợ mà chạy lùi. Tôn Quyền tự tay cầm bình đồng, đổ xá lợi ra, không ngờ xá lợi xuyên phá bình đồng khiến chiếc bình nát tan. Tôn Quyền vô cùng kinh sợ, trong lòng thật sự kính nể: “Thật là điềm lành hi hữu”. Viên xá lợi này không thể dùng lửa hỏa thiêu, dùng kim cương cũng không thể đập phá. Tôn Quyền trong lòng rất thán phục, hạ lệnh kiến tạo Phật tháp, từ đó Đông Ngô có chùa mang tên Kiến Sơ tự.
Giang Nam đệ nhất tự là chùa Kiến Sơ đã bị hủy vào thời chiến loạn, sau Minh Thành Tổ Chu Lệ ra chiếu kiến tu lại ngôi chùa này, lấy tên là Báo Ân tự. Ngôi chùa nổi tiếng với tòa lưu ly bảo tháp cao 78,2m có một không hai.
Tôn Hạo hủy Phật tự, Khang Tăng Hội chỉ đường
Tôn Hạo là con cháu Tôn Quyền kế thừa ngai vị, trị vì quốc gia rất bạo ngược, pháp lệnh nghiêm khắc. Ông ta ra lệnh xóa bỏ hết thảy các chùa chiền ở địa phương, ngay cả việc tín phụng Phật cũng không được phép. Trước quần thần, Tôn Hạo từng nói: “Nếu Phật pháp và thánh nhân trung thổ có thể tề tựu chung một nơi thì ta sẽ lưu giữ, bằng không ta cũng sẽ đốt hủy chùa chiền”.
Có đại thần khuyên can: “Uy lực của Đức Phật và các thần khác có chỗ không giống nhau. Khi xưa, Khang Tăng Hội dùng lòng thành cảm động Thần Phật mà được ban xá lợi. Đại đế vì thế mà xây dựng Phật tự. Hiện nay không thể dễ dàng mà đốt bỏ”.
Tôn Hạo bèn cử một viên quan trong triều có tài hùng biện là Trương Dục đến gặp Khang Tăng Hội để nói chuyện. Trương Dục dẫu nhanh mồm nhanh miệng, tư duy nhạy bén, nhưng tinh thần Khang Tăng Hội lại như mũi tên lao đi, từng câu chất vấn của Trương Dục đều bị công phá. Trương Dục cuối cùng đuối lý đành phải cáo lui. Lúc ra đến cổng chùa, Trương Dục nhìn thấy cạnh chùa là một tự miếu dâm loạn, liền cười nhạt mà nói rằng: “Phật pháp đã khai truyền, vì sao gần chùa lại có loại người thế này, lẽ nào không thể được cảm hóa?”
Khang Tăng Hội nói: “Sấm chớp như vạn quân có thể đánh vỡ đỉnh núi, nhưng người điếc lại chẳng thể nghe được, chẳng lẽ đó là vì tiếng sấm nhỏ? Con người nếu có thể thông hiểu lý lẽ sự tình thì cách xa vạn lý cũng có thể cảm ứng được, còn kẻ ngu muội không nghe được thì gần trong gang tấc nhưng lại tựa như xa tận chân trời”.
Khang Tăng Hội tài trí đã đạt được sự thông suốt, kẻ phàm phu không tài nào thấu hiểu cho được. Tôn Hạo chứng kiến việc Trương Dục thất bại trở về, không còn cách nào khác nên đành cho phép Phật địa được giữ lại. Tuy nhiên, Tôn Hạo bản tính vốn đa nghi, tàn bạo, bất kính Thần Phật. Một lần nọ, hộ vệ trong hậu cung lúc đang đào bới sửa chữa hoa viên thì đào được một tượng Phật vàng kim. Tôn Hạo sai người đem tượng Phật đặt ở nơi dơ bẩn, cho người đổ phân vào tượng, ông ta cùng quần thần đứng xem, lấy thế làm vui. Vui chưa bao lâu, toàn thân Tôn Hạo sưng vù, đau đớn thấu tâm can, ông ta thống thiết kêu gào.
Thái sử khi đó nói: “Đây chính là do xúc phạm đại thần tiên”. Tôn Hạo khi ấy mới cuống cuồng bái lạy thần tiên cầu xin giúp đỡ, nhưng không có chuyển biến. Lúc ấy một cung nữ cất lời: “Phật cũng là đại thần tiên”, nàng ta đề xuất Tôn Hạo hướng Phật mà cầu xin.
Lập tức, Tôn Hạo tỉnh ngộ, hiểu rằng Phật cũng là đại thần tiên. Người cung nữ liền đem nước thơm lau rửa tượng Phật nhiều lần, rồi đặt tại đại điện, Tôn Hạo trước tượng Phật dập đầu thỉnh tội, trong giây lát, toàn thân không còn đau đớn.
Khang Tăng Hội chính là mang uy phong của Phật Pháp truyền đến Đông Ngô, hiển lộ thần tích giáo hóa chúng sinh, dùng trí huệ được khai mở trong Phật Pháp mà bảo hộ Phật Pháp, còn tận lực phiên dịch kinh điển Phật gia. Trong suốt hành trình ấy, từ trong hiện thực mà siêu xuất thần ngôn, thần tích, giữa những câu chữ được lưu lại trong sử sách là dòng chảy lịch sử tuôn trào, để hậu thế nghìn đời soi lại, có thể đem lòng cảm thán, từ đó mà lĩnh ngộ.
Hàn Mai biên dịch
TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/duyen-phan-cao-tang-ton-quyen-chu-dong-ngo-cui-minh-bai-phat-phap.html