Blog Tâm Thức
Những bức ảnh cho thấy cây cối biết nhường nhịn nhau
Saturday, 19/08/2017 10:00 am

Blog Tâm Thức

“Sự e thẹn của vòm lá” (canopy shyness) là hiện tượng ở một vài loài cây khi các cành cao nhất của vòm lá mọc hài hòa và tránh đụng vào nhau. Hiệu ứng hình ảnh cây cối tạo ra là rất ấn tượng, những đường biên rõ nét trông hệt như các khe nứt hay dòng sông uốn lượn trên bầu trời, khi chúng ta quan sát từ mặt đất.

Cùng nhìn ngắm những bức ảnh về hiện tượng thú vị này:

(ảnh: Dag Peak. San Martin, Buenos Aires.)

Đã bao giờ bạn nghĩ rằng những cánh rừng cũng là nơi có các mối quan hệ gia đình và xã hội?

Các loài cây có sự giao tiếp với nhau

Suzanne Simard là giáo sư về sinh thái rừng tại Đại học British Columbia. Cô đã thử nghiệm các lý thuyết về cách các loài cây giao tiếp với nhau. Cô sử dụng carbon phóng xạ để kiểm nghiệm sự giao tiếp giữa cây các loài cây khi chúng trao đổi chất carbon cho nhau. Và cô đã phát hiện rằng cây Bạch Dương và cây Linh Sam đã có những “phi vụ” trao đổi đôi bên cùng có lợi, trong khi cây Tuyết Tùng lại có một thế giới riêng khác của nó.

Video Việt sub:

“Cuộc sống bí ẩn của cây cối”

Peter Wohlleben được đặt biệt danh là “người hiểu ngôn ngữ của cây cối”. Ông là chuyên gia lâm nghiệp người Đức, tác giả của cuốn sách thuộc loại best-selling “The Hidden Life of Trees” (Cuộc sống bí ẩn của cây cối).

Ông mô tả rằng cây cối trong rừng cũng có những mối quan hệ xã hội:

Cây có cảm xúc. Chúng có thể cảm nhận đau đớn, và cả những cảm xúc, như sợ hãi.
Cây thích đứng gần nhau và âu yếm.
Có tồn tại tình bạn giữa cây cối.

“Cây cối thường làm bạn với nhau. Ta thấy các tán cây dày thường không che lên các cây khác vì chúng không muốn chặn ánh sáng của bạn bè”, ông nói. Ông đã có thí nghiệm chứng minh rằng nhờ được đối xử như con người mà sức khỏe và sức chịu đựng của cây cối trong khu rừng được tăng lên.

>> ‘Cây cối có thể gắn kết như một cặp vợ chồng già và chăm sóc cho nhau’

Thực vật cũng có tri giác

Cleve Backster là một chuyên gia phát hiện nói dối kỳ cựu của CIA.

Một ngày năm 1966, Backster nối một máy dò nói dối với những chiếc lá của cây huyết dụ và tưới nước cho nó, ông chỉ muốn xem sau bao lâu thì một cái cây sẽ gia tăng tính dẫn điện và giảm điện trở. Nhưng bất ngờ thay, đường cong mà máy vẽ ra cho thấy phản ứng của cây huyết dụ cũng lên xuống như tâm trạng con người. Dường như nó rất vui khi được uống nước.

Backster muốn biết liệu thực vật có thể có phản ứng nào khác không. Theo kinh nghiệm của mình, ông biết rằng sự đe dọa là một cách hay để gây ra phản ứng mạnh mẽ. Ông bèn nghĩ ra một ý định: đốt chiếc lá đang được nối với máy dò nói dối. Với ý nghĩ này, thậm chí trước khi ông làm thí nghiệm, một đường cong lập tức được vẽ lên giấy. Khi ông trở lại với một bao diêm, ông thấy một đường cong khác xuất hiện. Dường như khi cái cây thấy ông quyết tâm đốt nó, nó đã rất sợ sệt.

Nếu ông do dự hay ngập ngừng khi muốn đốt cái cây, phản ứng được ghi lại bởi máy dò nói dối là không rõ ràng. Và khi ông giả vờ đốt chiếc lá, cái cây hầu như không có phản ứng gì. Cái cây thậm chí còn có thể phân biệt được ý định thực sự hay là sự giả vờ. Backster gần như đã chạy ra ngoài phố và hét lên rằng: “Thực vật cũng có cảm tình! Thực vật cũng có cảm tình!” Với khám phá đáng kinh ngạc này, cuộc sống của ông đã thay đổi mãi mãi. Đây cũng là thí nghiệm đã được lặp lại nhiều lần.

Ngoài ra, những cái cây còn phân biệt được rõ ai nói dối, ai đã làm điều ác trước mặt chúng, hay xúc cảm khi những sinh vật sống quanh chúng (động vật, vi khuẩn) bị tiêu diệt.

>> Thí nghiệm máy dò nói dối cho thấy thực vật cũng có tri giác (video)

Ảnh qua thisiscolossal.com,
Phong Trần (t/h)

Nguồn:https://trithucvn.net/khoa-hoc/nhung-buc-anh-cho-thay-cay-coi-biet-nhuong-nhin-nhau.html