Blog Tâm Thức
Bí ẩn của những lá bùa yêu
Thursday, 20/12/2012 00:00 am

Blog Tâm Thức

Thích một người là có cách để lấy, những đôi vợ chồng hục hặc đột nhiên trở lại êm ấm… Tất cả đều nhờ phép thuật của những lá bùa yêu gia truyền mà người Mường (Hòa Bình) bao đời xem là bảo bối. Những câu chuyện này luôn cuốn theo rất nhiều những chi tiết li kỳ nửa hư, nửa thực…

Xứ Mường gọi bùa yêu là khăm, là nèm chài. Phàm đã là người Mường đều biết đến khăm, nhưng không phải ai cũng có thể học. Thành thử để tìm những bậc cao thủ về bùa không phải là điều dễ. Mỗi bản làng đều có ít nhất một người biết thuật này nhưng dù đã say chuyện rồi, muốn tìm hiểu kỹ hơn một chút họ lại lắc đầu nguầy nguậy.

Lần theo lời dẫn của mấy bậc cao niên ở thị trấn Mường Khến, tôi tìm về xã Phú Cường (huyện Tân Lạc), nơi mà rất nhiều người kháo là “nôi của bùa yêu” thời nay nhờ sở hữu nhiều cao thủ nèm

Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa xã Bùi Văn Ục tự hào khi nắm nhiều bí mật về bùa yêu nhưng lại ngập ngừng dường như không muốn tiết lộ. Năn nỉ mãi chỉ biết nguyên nhân là do ông còn ám ảnh về một câu chuyện khiến những lá bùa luôn phải tuyệt mật. “Ở đất này, cứ khoảng chừng 200 người thì có một cao thủ bùa yêu, toàn xã có hơn 6.000 khẩu thì tính ra cũng chừng 30 người nắm rõ thuật bùa ngải. Nhưng để hầu chuyện cho họ nói là điều rất khó”. Ông Ục giãi bày, nhưng như thể nể tình nhà báo lặn lội xa xôi, ông dẫn tôi về gặp chính vợ của mình kèm theo lời giới thiệu hơi ngỡ ngàng “đây là một cao thủ bùa yêu”.

Vợ ông Ục tên Bùi Thị Sân (51 tuổi) nhưng đã có thâm niên mấy chục năm nắm bí kíp bùa yêu. Khi đã ngồi đối diện cùng bà bên bếp lửa trong ngôi nhà sàn tôi vẫn rờn rợn khi nghĩ rằng người đàn bà có khuôn mặt phúc hậu này có thể “xuất chiêu” với bất cứ ai.

Bà kể rằng, biết đến bùa yêu từ năm 15 tuổi từ một người trong gia đình và xin phép không tiết lộ danh tính. Chừng ấy thời gian, bà Sân không thể nhớ đã giúp đỡ bao nhiêu người sử dụng bùa yêu, chỉ có một điều bà dám chắc đó là “tỷ lệ thành công phải hơn 80%”. Cứ dăm bữa nửa tháng lại có người đến xin thọ giáo. Gần thì các xã lân cận, xa hơn nữa thì ở Mộc Châu (Sơn La), Cao Bằng, Lạng Sơn… Thậm chí bà Sân còn quả quyết rằng đã không ít lần bà tiếp “đệ” đến từ Hà Nội. Yểm bùa yêu là cả một công phu gồm nhiều bài và nhiều cung bậc chẳng khác nào võ công. Và nếu sự so sánh ấy là đúng thì bà Sân phải ở mức thượng thừa. Thời trẻ, bà chỉ biết bỏ bùa vào những vật dụng hay gia vị gần gũi với sinh hoạt hàng ngày như: quạt nan, áo, muối… Nhưng ở tuổi ngoài 50, sau bao nhiêu năm luyện bà Sân cá rằng mình có thể bỏ bùa vào bất kỳ một vật nào đấy và chỉ cần ném trúng đối tượng cần yểm thì lập tức hiệu nghiệm. Thực hư chưa được kiểm chứng, nhưng trong câu chuyện của bà, bùa yêu hết sức thiêng liêng và mang nhiều giá trị nhân văn. “Đệ” của bà Sân thường là những người đàn ông hiếm vợ, gái muộn chồng muốn tìm cho mình một nơi nương tựa, se duyên… Nhưng đông nhất vẫn là những người đã xây dựng gia đình không may vợ chồng có chuyện “cơm chẳng lành canh không ngọt” đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Những hoàn cảnh như thế, người nào còn muốn níu kéo lại tìm đến các cao thủ bùa yêu như bà. Và quá trình thọ giáo, thực hiện yểm bùa đều phải tuyệt mật. Bảo bối có khi chỉ là nhúm muối, quả cây, gần gũi hơn thì “đệ tử” mang áo quần đối tượng cần yểm đến rồi thầy trò cùng nhau… làm phép. Thậm chí có người không biết mang nhầm mỳ chính thay muối cũng xong, miễn là lòng thành. Các “đệ tử” sau khi được truyền bí kíp lẳng lặng ra về rồi làm theo chỉ dẫn mà không bao giờ được phép tiết lộ ra ngoài.

Luật của bùa yêu

Trong muôn vàn bí kíp của bùa yêu có những điều hiển nhiên trở thành luật mà người trong cuộc buộc phải nắm rõ và răm rắp tuân theo. Nếu trái, dù vô tình hay cố ý, hậu quả khôn lường. Hết tuần rượu thứ năm, ông Ục mới lý giải nguyên nhân vì sao ông không muốn tiết lộ những bí mật về bùa yêu. Số là dân xứ Mường vẫn lưu truyền câu chuyện về một ông thầy mo mà ông Ục không tiết lộ tên. Thầy mo này cũng là một cao thủ về bùa ngải. Mấy năm trước ông đang khỏe mạnh thì đột nhiên lâm bệnh nằm liệt giường. Từ ngày ông bệnh, bà vợ cũng ngẩn người rồi bệnh theo.

Trước khi ông chết, người nhà mới biết hồi ông bà lấy nhau là nhờ bùa yêu. Mà luật của thứ bùa này thì một trong hai người chết thì người kia cũng héo hon dần rồi chết theo. “Hai người đã dính bùa yêu thì dù chết cũng không chịu “âm dương đôi ngả”. Kèm theo đó là điều tối kỵ khi tiết lộ với người thứ ba”. Ông Ục kể tiếp. Phải đến khi có người biết chuyện, đi nhờ một thầy mo khác về làm lễ giải bùa thì người vợ mới trở lại bình thường. Từ đó bất cứ ai, dù biết hay không về bùa yêu đều không dám mở lời vì sợ mang vạ. Tiếp tục minh chứng cho “luật của bùa yêu” ông Ục tiết lộ thêm, chỉ mới tuần trước ông phải bỏ dở việc xã để cùng với một thầy mo khác trong bản lên “giải cứu” trường hợp ở huyện Mộc Châu (Sơn La). Đó cũng là một cặp vợ chồng đến với nhau nhờ bùa yêu. Hai vợ chồng, 4 đứa con đang êm ấm thì không may anh chồng qua đời. Ngày anh nhắm mắt cũng là ngày cô vợ như hóa điên cứ nằng nặc đòi tự tử. Người nhà hết cách nhưng không lay chuyển được đành chạy xuống cầu cứu bà Sân. Nửa đêm, ông Ục cùng một thầy mo khác mang theo “thuốc giải” băng đèo lên cứu. Một sợi chỉ trắng, một chiếc bát ăn cơm, thầy mo cùng ông Ục bảo người nhà đưa cả người chết và người sống ra bờ sông cạnh nhà. Người sống cho ngồi bên này, người chết khiêng sang bờ sông bên kia. Căng sợi chỉ trắng qua sông rồi cắt làm đôi. Sau khi cắt chỉ, thầy mo giơ bát lên ném mạnh vào tảng đá và đọc lệnh: “Người chết kẻ sống không thể ở cùng nhau, người chết đi về nhà ma mà ở, còn người sống trở về nhà. Bao giờ chiếc bát này gắn lại như cũ thì mới được gặp nhau”.

Giải xong lời nguyền của bùa yêu, ông Ục cùng thầy mo quay về đến Phú Cường thì nghe người nhà điện báo cô vợ đã trở lại bình thường.

Yêu thật lòng vẫn hơn

Dù đã mở lòng hết mực nhưng khi tôi mong muốn tìm một “đệ tử” của bà Sân truyền bùa, 2 vợ chồng vẫn lắc đầu. Cuối cùng họ chấp nhận chỉ cho một người nhưng với điều kiện phải tuyệt đối không được tiết lộ với ai. Gặp bà H., nhờ uy của vợ chồng ông Ục cũng chỉ biết được mấy câu bí kíp mà bà đã thổi vào bùa yêu: “Cằm câu pấu mác khăm/ Thương câu nắc/ Rặc câu lai… Được dịch thành lời: Tao thổi vào bùa yêu/ Thương tao rất nhiều/Yêu tao rất nhiều”. Tiếp tục lân la từ bản trên đến bản dưới ở Phú Cường, hỏi về bùa yêu tất thảy những người tôi gặp vẫn dè dặt: Yêu đương thì tự nguyện đến với nhau hay hơn, bùa ngải là chuyện bất đắc dĩ thôi. Một cán bộ văn hóa ở huyện Tân Lạc bảo rằng bây giờ giới trẻ xứ Mường vẫn xem bùa yêu là điều gì đó hết sức huyền bí. Nhưng nếu bảo họ làm theo thì không. Họ suy nghĩ đơn giản rằng tốt nhất là yêu thật lòng. Không lấy được nhau, buồn một chút còn hơn là dính vào bùa ngải.

TAMTHUC