Blog Tâm Thức
Niệm Phật thế nào mới đúng và Nhất Tâm Bất Loạn là sao?
Thursday, 01/12/2016 00:00 am

Blog Tâm Thức

HỎI: Chúng tôi chuyên tu tập theo pháp môn Tịnh độ, niệm Thánh hiệu Phật A Di Đà. Hiện có người khuyên nên niệm sáu chữ (Nam mô A Di Đà Phật), có người bảo nên niệm bốn chữ (A Di Đà Phật), vậy tôi nên niệm theo cách nào? Nhất tâm bất loạn là sao? Có người cho rằng niệm Phật phải chí thành, tiếng nào chắc tiếng ấy là nhất tâm bất loạn. Người khác lại nói niệm Phật liên tục không gián đoạn cho đến khi tâm không còn vọng tưởng mới đạt nhất tâm bất loạn. Thế nào là “lão thật niệm Phật”? Niệm sâu và niệm cạn là thế nào? Kết quả ra sao?
VÕ THIỆN ĐỨC, Đồng Tháp; TRẦN HỮU ĐỊNH, Sóc Trăng

ĐÁP: Bạn Võ Thiện Đức và Trần Hữu Định thân mến!

Niệm Thánh hiệu Phật A Di Đà là pháp môn Trì danh niệm Phật, rất phổ biến cho các hành giả tu tập theo tông Tịnh độ. Trì danh niệm Phật hiện có hai cách: niệm sáu chữ (Nam mô A Di Đà Phật) và niệm bốn chữ (A Di Đà Phật). Niệm theo cách nào cũng được, không bắt buộc phải niệm theo bốn hay sáu chữ, tùy thuộc thói quen, sự huân tập của mỗi người.

Về nhất tâm bất loạn, theo Hòa thượng Thích Thiền Tâm: “Nhất tâm là chỉ có một tâm niệm Phật và bất loạn là lòng không rối loạn duyên tưởng cảnh nào ngoài cảnh niệm Phật” (Niệm Phật thập yếu, THPG TP.HCM ấn hành, 1991, tr.194). Nhất tâm có hai, Sự và Lý: Khi hành giả tâm chuyên chú sáu chữ hồng danh, lâu ngày tạp niệm đều dứt, đi đứng nằm ngồi chỉ có một câu niệm Phật hiện tiền, gọi là Sự nhất tâm. Trên nền tảng của Sự nhất tâm, tiếp tục dụng công đến chỗ tâm địa rỗng suốt, ngộ vào thật tướng. Khi ấy hiện tại tức là Tây phương, tánh mình chính là Di Đà. Đây là cảnh giới Lý nhất tâm (Sđd, tr.212).

Theo Hòa thượng Tịnh Không, vị pháp sư hoằng truyền pháp môn Niệm Phật người Trung Quốc nổi tiếng trên thế giới hiện nay thì: “Công phu đến “nhất tâm bất loạn” thường được chia ra ba hạng: thượng, trung, hạ. Công phu mức thượng gọi là “Lý nhất tâm bất loạn” có cùng một cảnh giới với mức “minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật” trong Thiền tông. Kế đó là “Sự nhất tâm bất loạn” tức đoạn dứt kiến tư phiền não, công phu này tương đương với bậc A la hán. Mức thấp nhất gọi là “Công phu thành phiến”. Rất ít người có thể đạt được công phu mức thượng và mức trung, nhưng “công phu thành phiến” đích thật là ai cũng có thể đạt được. Trong vòng 24 giờ đồng hồ trong tâm chỉ có A Di Đà Phật, ngoài ra không khởi lên một vọng niệm gì khác, gọi là “Công phu thành phiến”.

Như vậy, “niệm Phật liên tục không gián đoạn cho đến khi tâm không còn vọng tưởng” chỉ là Sự nhất tâm hoặc Công phu thành phiến mà thôi. Ngoài ra, vấn đề “niệm Phật phải chí thành, tiếng nào chắc tiếng ấy là nhất tâm bất loạn” là dựa theo quan điểm “Tán tâm niệm Phật vẫn được vãng sanh” của ngài Pháp Nhiên (1133-1212), Sơ tổ Tịnh Độ tông Nhật Bản. Theo Tổ Pháp Nhiên: “Nhất tâm bất loạn nghĩa là khi niệm Phật, tâm không tán loạn, dùng tín tâm chí thành mà chuyên niệm Phật danh” bởi “Đã sinh ra làm người trong cõi tán địa này, tâm làm sao khỏi tán loạn được. Tán tâm niệm Phật mà được vãng sinh là chỗ đáng quý của bổn nguyện vậy”. Quan niệm này chú trọng vào tâm chí thành, nguyện tha thiết trong khi trì niệm danh hiệu Phật, nhất tâm hay không chưa phải là vấn đề quan trọng, đã khuyến tấn nhiều người phát tâm niệm Phật dù cho bản thân còn nhiều hệ lụy bởi phước mỏng nghiệp dày.

Đối với vấn đề “lão thật niệm Phật”, lão thật là rất thật thà, rất chân thật, không một mảy may nghi ngờ, toan tính hay vọng cầu. Niệm Phật với tinh thần: Chỉ cần thật thà niệm, không cần hỏi tại sao (Đán chỉ lão thật niệm, bất tất vấn như hà) chính là lão thật niệm Phật.

Niệm sâu và niệm cạn là mức độ nhất tâm của hành giả khi dụng công niệm danh hiệu Phật. Đại sư Ngẫu Ích có dạy: “Được vãng sanh hay không toàn là do có tín nguyện hay không. Phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”. Theo Đại sư: “Người đã tin sâu, nguyện thiết niệm Phật, nhưng lúc niệm Phật, tâm nhiều tán loạn thì sinh ở hàng Hạ phẩm hạ sinh. Tín sâu, nguyện thiết niệm Phật, nhưng lúc niệm Phật tán loạn giảm thiểu thì sinh ở hàng Hạ phẩm trung sinh. Tin sâu, nguyện thiết niệm Phật, nhưng lúc niệm Phật lại chẳng tán loạn thì sinh ở hàng Hạ phẩm thượng sinh. Niệm đến Sự nhất tâm bất loạn, chẳng khởi tham, sân, si thì thuộc vào ba phẩm Trung sinh. Niệm đến Lý nhất tâm bất loạn, đoạn Kiến tư hoặc hay Trần sa hoặc và cũng hàng phục được vô minh thì thuộc vào ba phẩm Thượng sinh. Vì thế, Tín-Nguyện trì danh niệm Phật có thể sinh trong chín phẩm, thật đích xác và rõ ràng” (Thích Định Thông, Ngẫu Ích Đại sư- Hành trạng và Pháp ngữ). Chúc các bạn tinh tấn!

Tổ tư vấn Giác Ngộ