Đứng bên bờ đê Dũng Quyết của Nghệ An , nhìn sang bên kia sông Lam , đất Hà Tĩnh ta thấy một khung cảnh thật tuyệt vời , trong trời Nam khó nơi nào sánh kịp. Một vùng trời nước bao la được bao bọc đằng sau bởi một dãy núi đẹp như một bức tranh sơn thủy . Cửa sông Lam đổ ra biển ( phía bên Nghệ An ) là cửa Hội . Dặng núi phía bên kia sông Lam ( đất Hà Tĩnh ) là dãy Hồng Lĩnh . Vùng đất ven sông Lam bên Hà Tĩnh có một nơi gọi là Huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh , ngày trước được gọi là huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang trấn Nghệ An . Sông nước hữu tình , địa linh sinh nhân kiệt , chúng ta thử tìm hiểu khu vực này bằng kiến thức Phong thủy xem như thế nào nhé.
3/ ĐỊA CHẤT - ĐỊA HÌNH :
Dienbatn tại đền Lê khôi – Cửa Sót.
1. VÙNG TRANH CHẤP GIỮA NÚI VÀ BIỂN.
Người Hà Tĩnh còn truyền lại một chuyện thần thoại : “ Thời xa xưa , núi tập trung ở phía Tây , rất xa biển Đông . Giữa núi và biển là đồng bằng rộng lớn . Biển cậy biển rộng biển sâu , có thể nuốt chửng núi , nên gầm ghè , gào thét , đòi được làm anh . Núi lại cho rằng núi lớn , núi cao , có thể lấp cạn biển , cũng ngạo nghễ , chẳng chịu làm em . Không biết bao nhiêu đời , hai bên hục hặc , gầm ghè với nhau . Cho đến một ngày kia, núi quyết một trận sống mái với biển .
Thế là núi trùng trùng , nhằm hướng mặt trời mọc , tràn qua đồng bằng . Đến bờ biển , hòn con Dê ( Sơn dương ) đi tiên phong , nhảy ào xuống nước . Đội tiền quân do Rú Ba Độ ( Bàn Độ ) dẫn đầu đến tiếp , dừng lại ven bờ . Đội trung quân là rú Voong ( Cao Vọng ) , Rú Ngang ( Hoành Sơn ) , rồi hậu quân với hằng hà sa số ngọn lớn nhỏ , cao thấp ùn ùn đổ ra .
Lúc đầu , biển coi thường đổ ra nghên chiến . Nhưng thấy đội ngũ núi điệp trùng , đằng đằng sát khí , thì đâm chờn , núng thế , vội sai những ngọn sóng bạc đầu vào lạy , xin hàng .
Thấy biển đã quy phục , núi liền dừng chân , nhưng vẫn đứng nguyên vị trí đề phòng biển phản trắc , sinh sự “ ( Cuộc chiến tranh giữa núi và biển ) .
Thần thoại trên , ngoài ý nghĩa nhân hóa tự nhiên, lồng vào ước vọng của con người , muốn chinh phục thế giới tự nhiên của người nguyên thủy . Ở đây , giải thích hiện tượng núi lấn biển vùng Kỳ Anh , cũng là hiện tượng chung ở Hà Tĩnh và nhiều tỉnh trung bộ Việt Nam .
Theo các tài liệu địa chất thì ở thời Đại nguyên sinh và Cổ nguyên sinh còn sót lại bán đảo Trung Ấn , có nhiều núi non , sau khi xâm thực trở thành nền đất mòn , một lớp nham thạch phủ lên , tạo ra đới Trường Sơn. Đến Đại trung sinh , có sự trấn động tạo sơn , các nếp gãy nhô lên , tụt xuống làm lẫn lộn đá Hoa cương , tinh thạch , sa thạch , để lại các dãy núi có tính chất trung gian ở vùng Ngàn Sâu – Rào Nậy , đồng thời lớp trầm tích đứt gãy , phủ lên lớp trầm tích của đới Trường Sơn , tạo đới mới Hoành Sơn .Ở đại Tân sinh , do kiến tạo Himalaya dữ dội , nền đất mòn cũ bị kênh , tạo ra các thung lũng Ngàn sâu , Ngàn Phố . Biển tiến đưa trầm tích vào , hình thành các dãy Hồng Lĩnh , Nam Giới . Bước vào Kỷ đệ tứ – Kỷ Nhân sinh , vùng đất Hà Tĩnh thành lục địa , phía Tây là núi , gồm các dãy Trường Sơn , Thiên Nhẫn , Trà Sơn , Hoành Sơn . Phía Đông là đồng bằng và một phần trong quá trình bồi đắp . Biển tiến vào ở Kỷ đệ tứ , toàn bộ đồng bằng phía Đông ngập nước . các dãy Hồng Lĩnh, Nam Giới trở thành quần đảo . các dãy Hoành Sơn , Thiên Nhẫn thành bán đảo và tạo ra các vùng vịnh . Sau đó biển lùi ra dần , đồng bằng Hà Tĩnh trở lại cảnh quan gần như ngày nay …..
2/ NÚI :
…Núi đồi Hà Tĩnh có các sơn hệ Trường Sơn , Trà Sơn – Hoành Sơn ở phía Tây và các núi lẻ ở đồng bằng ở phía Đông.
Hệ Trường Sơn – Dãy Pulaileng – Rào Cỏ : Một phần của Trường Sơn bắc , chạy dọc biên giới Việt – Lào , suốt 143 km giữa Hà Tĩnh và Khăm Muộn , với những đỉnh cao phía Tây : Toóc-nác – léc ( 1041 m ), Bà Mụ ( 1367m ) , Giăng Màn ( 936m ) , Rú Bành ( 646 m )ở Hương Sơn . Cẩm Lĩnh ( 973 m ) ở Vũ Quang , Rú Hóp ( 936 m ) , và cao nhất là ngọn Rào Cỏ (2286 m )ở Hương Khê. Núi trải rộng và thấp dần ở phía Đông , đến tận tả ngạn sông Ngàn Sâu , kết thúc ở mút cuối dãy Đại hàm , có độ cao trung bình 400 -500 m .Phủlên núi đồi là thảm rừng già bốn mùa xanh thẳm , nên được gọi chung là dãy Giang màn .
Hệ Hoành Sơn : Bắt đầu từ dãy Trà Sơn – dải tiền duyên của dãy Giang Màn . Cùng thuộc hệ này còn có dãy Thiên Nhẫn 999 ngọn trên đất Thanh Chương , Nam Đàn của tỉnh Nghệ An . kết thúc ở bờ sông Phố và bờ bắc sông La thuộc đất Hương Sơn , Đức Thọ - Hà Tĩnh .
Dãy Trà Sơn khởi đầu từ Rú Thông – Tùng Lĩnh ( 56 m ), kéo dài từ Đức Thọ qua Can Lộc , Thạch Hà vào Cẩm Xuyên , Kỳ Anh , có 4 mạch chạy song song . Nối với Rú Thông trên đất Đức Thọ là những núi đồi thấp chỉ từ 300 m đổ xuống đến dải đồi núi thấp ở Can Lộc , tạo thành mạch thứ nhất . hai mạch giữ có ngọn Bò Đực ( 196 m ) , Thành Đá Đen , Rú Toan ( 442 m ) . Mạch thứ 4 là dải đồi thấp từ hữu ngạn sông Ngàn Sâu , đổ đến Truông Bát , thì 4 mạch cài bện vào nhau , đi về phía Nam .Từ vùng Vọng Liệu , núi chạy theo hướng Đông Nam ra bờ biển , kết thúc ở Mũi Đao , Mũi Độc. Đó là dãy Hoành Sơn với nhiều ngọn cao 400 đến 650 m , có ngọn Ba Cốc cao 823 m. Đèo Ngang đi qua Hoành Sơn ở độ cao 256 m từ xưa đã là cửa ngõ phía Nam của xứ Nghệ thông vào Thuận – Quảng . Trà Sơn – Hoành Sơn ngày trước cũng như Trường Sơn bao phủ một thảm rừng già , mà ít nhiều dấu vết còn lưu lại trong khu bảo tồn Thiên nhiên Kẻ Gỗ trên đất ba huyện Cẩm Xuyên – Kỳ Anh – Hương Khê .
Hệ núi lẻ : Rải dọc dải đồng bằng ven biển từ Nghi Xuân vào Kỳ Anh có hàng chục dãy núi , ngọn núi cao trung bình trên dưới 1000 m đến dưới 600 m .
Dãy Hồng Lĩnh 99 ngọn , trải rộng 30 km2 , trên đất ba huyện Nghi Xuân , Can Lộc , Lộc hà và thị xã Hồng Lĩnh được tạo nên vào Đại tân sinh . Phần lớn những ngọn núi cao ngoài 200 m đến 500 m , chỉ có vài ba ngọn trên 600 m . Cao nhất là Rú Ông (676 m ). Từ lâu đời Hồng Lĩnh được coi là danh sơn xứ Nghệ , danh sơn nước Nam với đại ngàn hùng vĩ , với những huyền thoại và di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng .
Rú Bờm – Côn bằng nằm trên địa phận các xã An Lộc , Bình Lộc , Thịnh Lộc , Thạch bằng , huyện Lộc Hà . Đây là núi đá hoa cương , có 3 ngọn , ngọn cao nhất 213 m . Chân núi mé Tây Nam xoải rộng , có 5 cụm đá lô nhô , mỗi cụm có một hòn “Đá Tướng “ cao to hơn đứng giữa . Do đó bãi đá ấy được gọi là “ Ngũ quân xuất trận “ . Xưa người ta cho rằng núi hình như con cá lớn dương vây , lại như con chim lớn vỗ cánh nên mới lấy ( cá ) Côn , ( chim ) bằng mà đặt tên . Tương truyền mộ của Nguyễn Hữu Chỉnh táng ở đây , nên tước phong của ông là Bằng Quân công .
Núi Nam Giới : Như tên gọi , là biên giới Việt – Chiêm Thành vào thế kỷ X. Con sông Hoàng hà từ ngã ba Sơn đổ ra Cửa Sót hồi ấy , cho đến đầu thế kỷ XIX, còn đi qua xã Dương Luật , phía nam núi , được coi là gianh giới tự nhiên . bên kia sông còn có một hòn núi nhỏ nằm trên đất Thạch Bàn , Thạch Đỉnh , bây giờ gọi là Hòn Mốc ( Mộc Sơn ) . Sách cổ chép “ Hữu Nam Giới “ ( 67 m ) . Núi Nam Giới xưa có tên Quỳnh Sơn , cao nhất là ngọn Treo Cờ ( 375 m ) . Ngọn phía bắc có tên Quỳnh Viên, tương truyền là nơi Chử Đồng Tử được sư Phật Quang truyền dạy và tu hành đắc đạo ở đây . “ Danh sơn do thuyết cổ Quỳnh Viên “ – ( Ngọn núi nổi tiếng này còn truyền câu chuyện Quỳnh Viên xưa ) – Thơ Lê Thánh Tông.
Từ Can Lộc vào Cẩm Xuyên , trên dải đồng bằng ven biển , có hàng chục ngọn núi nhỏ mọc dải rác. Dân gian bảo đó là những hòn đá văng ra khi Ông Đùng xây núi .
Thiên Cầm ( 116 m ) tương truyền do Vua Hùng qua đây , nghe tiếng đàn Trời mà đặt tên như vậy và Vua Hồ Quý Ly bị quân Minh bắt ở đây . Hiện còn cái hang sâu gọi là “ Hang Hồ Quý Ly “. Trên núi có ngôi chùa cổ Cầm Sơn , và dưới núi là thị trấn du lịch Thiên Cầm.
Hai ngọn Phượng Hoàng và Lạc Sơn ( Rú Lác ) cuối huyện Cẩm Xuyên tiếp với các ngọn núi thuộc dãy Trà Sơn kéo xuống , kề lưng với Rú Voi ở địa đầu huyện Kỳ Anh . Rú Voi ( các sách xưa chép là núi Ngọc Thạch hay núi Tiên Chưởng ) , hình như con voi ở đây , do đó xã này sau đó có tên Tuần Tượng , dân gian gọi là “ Quán Voi , chợ Voi “. Kề với Rú Voi , có núi Kỳ Đầu ( 117 m ), như lá cờ vươn cao , nằm trên đất làng Như Nhật , có ngọn sát biển gọi là Bằng Sư , hè thu có chim cu kỳ ( sơn cưu ) bay về tụ tập , dân địa phương làm bẫy đánh bắt . Cu kỳ và tôm hùm là đặc sản của vùng Kỳ Anh . Phía Nam núi Kỳ Đầu , dọc biển lại có các ngọn Rú Vàng , Nhà Trần , động Trúc Viên( 213 m ) , Đế Cậy ( 248 m ) , Càn Hương và phía nam có các dãy Bàn Độ , núi Cao Vọng …tương truyền ngày xưa Hồ Hán Thương bị quân Minh bắt ở núi này . Từ Càn Sơn , núi vòng theo hướng Đông Bắc , kéo dài 8 km ra tận biển , gọi là Mũi Dòn . sách cổ chép theo phiên âm tiếng Hán – Việt là núi Ô Tôn ( 230 m ) , và ngoài khơi là đảo Sơn Dương . Hiện ở đây là Cảng Vũng Áng ……
3/ BIỂN .
…Bờ biển Hà Tĩnh : dài 137 km , vùng lãnh hải rộng 18400 km2. Trừ một số nơi núi mọc lấn ra và các cửa sông chia cắt , còn lại là bãi bằng phẳng , do cát biển từ dòng chảy trong vịnh Bắc bộ bồi đắp . Giáo sư H.LE Breton qua nghiên cứu gia phả các dòng họ Nguyễn ở Thượng Xá – Nghi Lộc và Tiên Điền – Nghi Xuân đã viết trong cuốn “ An Tĩnh cổ lục “ : Bờ biển ở thế kỷ XIV , cách bờ biển ngày nay ( đầu thế kỷ XX ) 2 km về phía Tây . Đoạn bờ biển hai huyện Nghi Xuân , Lộc Hà (một phần của Can Lộc , Thạch Hà cũ ) từ Cửa Hội đến Cửa Sót , dài khoảng 38 km , trừ một quang ngắn ở Cửa Gián , nơi mút cuối Hồng Lĩnh mọc lấn ra , còn lại là bãi bằng phẳng . Phía Nam Cửa Sót , mỏm Bắc núi Nam Giới phóng ra biển thành mũi Lố , có nhiều mỏm đá ngầm hiểm trở , thuyền bè qua lại rất khó khăn , nên có câu “ Đia qua cửa Lố mà kinh “ . Đoạn từ cuối núi Nam Giới – huyện Thạch Hà đến cửa Nhượng Bạn – Cuối huyện Cẩm Xuyên , khoảng trên 20 km cũng là bãi cát bằng phẳng . Chỉ ở mé Đông núi Thiên Cầm , có một bãi đá . Trước Cửa Nhượng có hòn Bơớc ( Đại Trập , Tiểu Trập ) , là bãi đá cao chỉ khoảng 5-6 m, kéo dài khoảng 800 m . “ Ngoài khơi có đám rạn và …” là câu vè về dải đá ấy .
Xa hơn , phía ngoài Hòn Én ( Yến đảo ) . Phía Nam cửa Nhượng là núi Tượng Tỵ , giống như một con voi vươn vòi ra biển . Từ đây vào tới Mũi Độc , cuốin dãy Hoành Sơn là bờ biển huyện Kỳ Anh , dài tới 63 km . Đoạn này có Núi Dẫn , núi Bàn Độ , núi Cao Vọng và núi Hoành Sơn mọc lấn ra biển tạo thành những mũi Dung , mũi Đao, mũi Độc , đá lô nhô , lởm chởm , chỉ có từng đoạn ngắn là bãi cát bằng . Tuy nhiên , cảnh quan ở nơi đây lại rất đẹp . Đặc biệt mé Nam Cửa Khẩu , ngọn Đỉnh Chùa cuối dãy Cao Vọng vươn ra biển theo hướng Đông Bắc , gọi Mũi Dòn , tạo thành 2 vùng biển sâu và kín . Phía bắc là Vũng Áng ở làng Vĩnh Áng . Phía Nam là núi Yên Ao , cũng gọi là Đình Chùa , ở làng Phác Môn ( nay đều thuộc xã Kỳ Lợi ) . Ngoài Mũi Dòn không xa là đảo Sơn Dương ( hòn Con Dê ), xa hơn là hòn Con Chim .
Bờ biển Hà Tĩnh có 6 cửa biển lớn nhỏ .
Phía bắc là Cửa Hội : nằm giữa hai huyện Nghi Lộc ( Nghệ An ) và Nghi Xuân ( Hà Tĩnh ) , nơi sông Ngàn Cả ( Lam Giang ) đổ ra biển . hàng năm , sông đưa một khối lượng nước khổng lồ qua đây nên dòng chảy rất mạnh . Do đó có câu “ Cửa Hội khó vào – Cửa Trào khó ra “ . Sách xưa chép tên là Cửa Đơn Hay hoặc Cửa Đan Nhai . Khoảng thế kỷ XVI , có xã Hội Thống nên gọi là Cửa Hội ( Thống ). Cửa Hội là cửa biển lớn ở Hà Tĩnh , thuyền bè qua đây ngược lên Phố Phù Thạch , chợ Sa Nam xưa , và các cảng Bến Thủy , Xuân Hải ngày nay .
Cửa Sót : nằm giữa hai huyện Thiên/Can Lộc và Thạch Hà . Từ năm 1921 là đất Thạch Hà , và hiện nay nằm giữa hai huyện Lộc Hà và Thạch Hà , do nước hai con sông Hoàng hà và Rào cái hợp lưu ở ngã ba Sơn , đổ vào sông Sót ( Sót giang hay Luật giang ) mà ra biển . Hơn 200 năm trước , cửa biển ở trên xã Dương Luật ( sách cổ chép là cửa Dương Luật ), phía Nam dãy Nam Giới , giữa hai xã Thạch Kim ( Kim Đôi cũ ) và Thạch Bàn . Cửa Sót là đường thủy quan trọng vào thành phố Hà Tĩnh .
Cửa Nhượng : Nằm trên đất xã Cẩm Nhượng ( Nhượng Bạn cũ ) , huyện Cẩm Xuyên , do nước sông Hội , sông Quèn, sông rác hợp lưu ở cuối xã Cẩm Lộc mà đổ ra biển . Xưa kia , cửa biển ở mé Bắc núi Thiên cầm , trên đất xã Kỳ La , gọi là cửa Kỳ La , cuối đời Lê , mới chuyển xuống phía Nam , qua làng Nhượng Bạn.
Cửa Khẩu : Chính là Hà Hoa hải khẩu đời Trần được gọi tắt lâu ngày thành quen , nằm trên đất xã Hải Khẩu , nay là xã Kỳ Ninh huyện Kỳ Anh , do nước sông Kinh nối với sông Rác và sông Quèn ( Quyền giang ) cùng nhiều khe suối hợp ở sông Vịnh mà chảy ra biển . Cửa Khẩu là cửa ngõ cuối cùng con đường thủy của Nam Đại Việt xưa thông ra biển . , từng là quân cảng chốt trước Trấn lỵ Dinh Cầu thời Lê . Ngày nay là đường thủy thông lên thị trấn Kỳ Anh , và qua đường biển nối với cảng Vũng Áng .
Cửa Nước Mặn : Cuối huyện Kỳ Anh xưa còn có cửa Nước Mặn ( Xích Mộ hay Xích Lỗ ) , do nước khe Du , khe Di , khe Bò …từ Đèo Ngang đổ xuống chảy ra phía Bắc Hoành Sơn , nay thuộc đất xã Kỳ Nam . Vào thế kỷ XV , đoàn thuyền chiến của Vua Lê Thánh Tông từng lưu trú tại đây , nhưng nay cửa biển đã bị bồi lấp .
( Theo cuốn Hà Tĩnh đất văn vật Hồng lam - Thái Kim Đỉnh ).
Xin theo dõi tiếp BÀI 4. dienbatn.