Trong văn hoá truyền thống thì thủ tín là một mỹ đức căn bản, là phẩm hạnh của các bậc chính nhân quân tử. Tín – đó là thái độ trách nhiệm của một người đối với bản thân cũng như đối với người khác. Người có thể thủ tín thì mới có thể thành thật với chính mình, một lời nói ra thì như đinh đóng cột không gì có thể thay đổi, lời nói và việc làm phải đồng nhất với nhau.
Cổ nhân đối với mỗi một lời nói, mỗi một việc làm của mình đều dùng tiêu chuẩn đạo đức cao để đo lường, làm tiêu chuẩn mẫu mực cho hậu thế noi theo, sợ rằng những lời nói việc làm của mình xa rời đạo đức sẽ ảnh hưởng tới con cháu sau này.
Có một câu truyện truyền kỳ cảm động lưu truyền hậu thế ngàn năm về việc thủ tín của người xưa, là nét đẹp văn hoá truyền thống ngàn đời qua…
Trình Doãn Nguyên, tự là Hiếu Tư là danh gia vọng tộc vùng Hoài Nam, phụ thân là Trình Huân Trứ là một thương nhân buôn bán ở Hoài Nam nhưng vào những Càn Long triều đại nhà Thanh việc làm ăn suy giảm nên bỏ nghề buôn bán, theo đuổi con đường kinh sử.
Đương thời ở Huyện Bình Cốc, Bắc Bình có một người tên gọi Lưu Đăng Dong cũng trên đường đến kinh thi cử tìm đường công danh, tình cờ gặp được Trình Huân Trứ ở cùng quán trọ. Hai người tuy lạ mà quen, gặp nhau nói chuyện tâm đầu ý hợp, cảm thấy rất thân thiết với nhau, sau đó cả hai nhất trí quyết định hứa hôn hai nhà kết nghĩa thông gia. Lúc này cả hai vẫn còn độc thân chưa thành gia lập thất.
Sau này Lưu Đăng Dong nhậm chức Thái Phủ ở Bồ Châu, Hà Đông, đến năm 60 tuổi vẫn chưa sinh được con trai, trong nhà chỉ có vợ già và cô con gái nhỏ cùng một số nô tỳ hầu hạ. Không lâu sau vợ của Lưu Đăng Dong qua đời, ông cũng vì thế mà đau buồn sinh bệnh.
Trước lúc lâm chung ông nói với con gái: “Trình Doãn Nguyên ở Hoài Nam là vị hôn phu của con, chuyện này là do cha mẹ hai nhà đã định hôn ước từ lâu, con cần nhớ kỹ không được quên”. Sau khi an táng cho cha xong, Lưu thị cũng trở về quê nhà.
Còn về phần Trình Huân Trứ, sau khi Lưu Đăng Dong nhậm chức không lâu thì mắc bệnh qua đời mấy năm sau đó. Trình Doãn Nguyên sau khi mãn hạn tang cha định đi đến Sơn Tây thì nghe được tin nhạc phụ bệnh nặng liền đi đến thẳng huyện Bình Cốc hỏi thăm, nhưng đến nơi thì được biết Lưu thị sau khi an táng cha xong không biết đã bỏ đi nơi nào, để lại nhà cửa trống vắng không người ở.
Trình Doãn Nguyên thấy thân mình như vào cảnh khốn cùng, nghìn dặm xa xôi đến đây lại không dò la được chút tin tức gì, tiền bạc mang theo trên người lại không còn nhiều, chẳng biết phải làm sao? May thay gặp được người tốt giúp đỡ, lại vất vả trở về Hoài Nam.
Lại nói về Lưu Đăng Dong vì làm quan thanh bạch nên sau khi chết, chi phí mai táng xong thì của cải cũng chẳng còn đáng là bao, Lưu thị chỉ còn cách dệt vải thuê cho người ta kiếm sống nuôi thân. Người dân lân cận sống lâu ngày với Lưu thị thấy nàng là người hiền lành nhân hậu, vì vậy đã có nhiều mối muốn ngỏ lời xin cưới. Nhưng lần nào cũng vậy, Lưu thị đều lấy lý do mình là người đã có hôn phu đính ước để từ chối, tuy vậy mọi người đều không tin.
TAMTHUCLưu thị có một người dì xuất gia làm ni ở Tiếp Dẫn Am, Tân Môn. Lưu Thị vì muốn tránh những tai tiếng phiền phức nên đành lặng lẽ vào nơi cửa Phật nương nhờ dì mình. Cũng vì vậy mà ni cô già nhiều lần khuyên Lưu thị xuất gia làm ni, nhưng nàng đều từ chối:
“Thân thể này do cha mẹ ban cho đâu thể nào tự ý huỷ đi (Phụ nữ ngày xưa đối với việc cắt tóc là vô cùng quan trọng, không được sự cho phép của cha mẹ thì không được tuỳ ý động vào). Hơn nữa trước lúc phụ thân lâm chung đã căn dặn kỹ là tiểu nữ đã có hôn ước hai nhà từ trước, nay tiểu nữ đâu thể làm trái lời phụ thân căn dặn. Nay tiểu nữ bất đắc dĩ mới phải nương tựa nơi đây để tránh những điều tai tiếng gièm pha của người trong thiên hạ, đối với việc cắt tóc xuất gia tiểu nữ chưa thể làm”.
Vậy là từ đó về sau, Lưu thị giấu mình trong mật thất không gặp bất cứ một ai, hàng ngày sớm tối nhang đèn cầu nguyện mong có một ngày có thể gặp vị hôn phu đính ước của mình một lần, cho dù có chết cũng hả dạ cam lòng.
Còn về phần mình, Trình Doãn Nguyên sau khi trở về nhà, cuộc sống ngày một khó khăn, cũng có nhiều người khuyên chàng tìm người khác phối ngẫu tơ hồng để cùng nhau làm ăn. Nhưng Doãn Nguyên đều đáp: “Lưu thị hiện nay sống chết thế nào chưa rõ, nếu như xấu số bỏ mạng thì coi như việc này đã rồi, nhưng nếu như Lưu thị còn sống và vẫn thủ tiết chờ tại hạ, tại hạ lại trong hoàn cảnh chưa rõ thực hư ra sao mà vong ân phụ nghĩa bỏ mặc Lưu thị, đây là việc tuyệt đối không thể làm”.
Thời gian cứ thế qua đi, Trình Doãn Nguyên sống gần 30 năm đơn lẻ một mình trong chờ đợi, mãi cho tới năm gần 50 tuổi ông vẫn thường theo thuyền chở hàng qua lại hai vùng Nam – Bắc để tìm kiếm tin tức Lưu thị.
Vào tháng 4 năm Đinh Dậu thời vua Càn Long, trong một lần thuyền cập bến ở Tân Môn, Trình Doãn Nguyên xuống thuyền vào quán trà uống nước. Vừa hay nghe được mọi người bàn tán nhau chuyện của Lưu thị, ông chăm chú lắng nghe mới biết được tin tức của nàng.
Trình Doãn Nguyên lập tức tìm đến Tiếp Dẫn Am, Lão ni cô sau khi nghe ông kể lại đầu đuôi câu truyện rồi đem nói với Lưu thị nghe. Lưu thị tỏ ý đa tạ tấm chân tình của Trình Doãn Nguyên và trách thân mình duyên phận không đầy, nay bản thân tuổi đã xế chiều, tóc đã bạc, răng đã long, nếu gả cho Trình Doãn Nguyên sẽ làm cho thiên hạ chê cười. Vậy nên bà nhất quyết từ chối. Trình Doãn Nguyên kiên trì 3 lần xin được gặp Lưu thị nhưng cho dù khuyên nhủ thế nào bà vẫn không chịu gặp.
Trình Doãn Nguyên than ngắn thở dài đem mối u sầu đi vào trong huyện, gặp được huyện lệnh đương thời họ Kim. Kim huyện lệnh xưa nay vốn là người hết mực vì dân, không quản khó nhọc thương dân như con. Sau khi biết rõ sự tình, lập tức đến Tiếp Dẫn Am khuyên nhủ Lưu thị, cuối cùng sang ngày thứ hai thì thuyết phục được Lưu thị đồng ý. Kim huyện lệnh thấy rằng giúp người thì giúp tới cùng nên bèn đứng ra làm việc đại nghĩa cử hành hôn lễ cho hai người.
Một người thì thanh tâm tiết ngọc, trước sau thủ tiết vuông tròn, một người thì một lòng giữ tròn đạo nghĩa, dù số phận trớ trêu nhưng hai người đều không than không oán. Vì vậy Lưu thị và Trình Doãn Nguyên tuy gặp nhau khi hai người đã 57 tuổi nhưng bề ngoài vẫn chỉ như người 40 tuổi, tuy tóc có chút bạc nhưng răng chắc má hồng da dẻ mịn màng, nếu không nói ra thì khó có ai nhận biết được họ tuổi đã xế chiều.
Xưa nay những người có thể giữ trọn nghĩa trinh không ít, nhưng làm được như hai người Trình Doãn Nguyên và Lưu thị thì quả là xưa nay khó thấy. Dù xa xôi nghìn dặm cách trở, dù cho chưa một lần gặp mặt, lại trong hoàn cảnh bặt vô âm tín, vẫn một lòng giữ trọn tiết trinh, thủ nghĩa đợi chờ hơn 30 năm không hề thay đổi.
Gái có công chồng chẳng phụ, ông trời cũng không phụ lòng người tốt, cuối cùng cũng cho hai người gặp nhau, lại được gặp Kim huyện lệnh mẫu mực thương dân như con, sau khi tác hợp cho hai người nên duyên chồng vợ, hơn nữa còn khen ngợi tấm lòng son sắc của hai người.
Kim huyện lệnh lại sợ hai người về quê không có tiền bạc chẳng biết sẽ sống ra sao, nên đã không những đem chút đồng lương ít ỏi của mình quyên tặng, còn hô hào những thương nhân vẫn thường qua lại trong huyện ra tay giúp đỡ hai người về quê tạo dựng cơ nghiệp buôn bán làm ăn.
Dù có trải qua bao khó khăn và trắc trở, nhưng kết cục của câu chuyện lại mỹ mãn tốt đẹp, cũng chính là tròn đầy như lời hẹn ước năm xưa vậy! Tấm lòng thành tín của người xưa như vậy, ngày nay có mấy ai làm được đây?
Theo Daikynguyenvn
TAMTHUCNguồn:http://tinhhoa.net/cau-chuyen-cam-dong-dat-troi-ve-nghia-tao-khang-the-gian-may-ai-lam-duoc.html