Người Pháp nổi tiếng bởi sự lịch thiệp, tinh tế, sành điệu và lãng mạn. Không phải tự nhiên mà họ được đánh giá cao như vậy, mà là họ đã được trải qua sự giáo dục nghiêm khắc từ lúc chập chững biết đi với một cách khác biệt.
Các bậc phụ huynh Pháp có thể không phải là một hình mẫu hoàn hảo, nhưng họ có rất nhiều kinh nghiệm lý thú để chúng ta học hỏi trong cách giáo dục con trẻ.
“Để tự con làm cho…” là câu mà trẻ nhỏ thường hay nói, vì lý do trong những năm đầu khi trẻ khám phá những điều mới mẻ xung quanh, tìm tòi cái này hoạt động như thế nào, cái kia hoạt động ra sao và cách sử dụng chúng. Nhưng thường thì các bậc cha mẹ sẽ ngăn sự tự tìm hiểu này lại với suy nghĩ làm sao mà trẻ nhỏ có thể làm được việc này? Và thế là cha mẹ sẽ làm mọi thứ cho trẻ.
Nhưng các phụ huynh Pháp hoàn toàn ngược lại, họ sẽ để cho trẻ tự làm, họ cho trẻ cơ hội để trải nghiệm những việc khó chứ không chăm bẵm trẻ. Người Pháp tin rằng trẻ em cảm thấy tự tin khi có thể tự làm việc và có thể làm những điều đó một cách “hết sức tốt đẹp”, khoảnh khắc tuyệt vời nhất là khi một đứa trẻ tìm ra cách làm thế nào để làm hoàn thành việc đó một mình – đó là một dấu hiệu chào đón của sự trưởng thành và tự chủ của trẻ.
Chắc chắn cha mẹ có thể làm tốt hơn và nhanh hơn các con nhiều vì chúng ta đã có kinh nghiệm bao nhiêu năm trong cuộc sống này, nhưng nếu chúng ta cứ làm hộ trẻ như thế thì sẽ không giúp trẻ học cách tự mình làm việc và cảm thấy tự tin rằng trẻ có thể tự làm tất cả. Thêm vào đó, tự mình làm những việc khó còn dạy cho trẻ lòng can đảm, và can đảm là một trong những đặc điểm tính cách gắn liền với thành công trong cuộc sống tương lai.
Nếu như ở Mỹ, phần lớn cha mẹ đều giáo dục con theo cách luôn khen ngợi trẻ, họ sợ làm tổn thương những cảm xúc dịu dàng. Nhưng đối với người Pháp, việc khen ngợi chỉ mang tính tích cực tạm thời, về lâu dài thì tất cả những lời khen ngợi đó sẽ trở nên loãng đi và vô nghĩa. Thay vào đó, hãy khen ngợi khi trẻ làm được một việc gì đó đặc biệt.
Ví dụ khi trẻ bắt đầu học nói, các bậc phụ huynh Pháp sẽ không khen khi trẻ nói được, họ chỉ khen khi trẻ nói ra được điều gì đó thú vị và khi trẻ nói được những từ khó… Khi trẻ được khen với những gì xứng đáng được khen tặng thì trẻ sẽ cảm giác được sự xứng đáng và tự hào về những gì mình đã học được. Điều này có thể tùy thuộc vào văn hóa của từng quốc gia, nhưng đó là một trong những thói quen của các bậc cha mẹ có con thành công trong tương lai.
Trẻ em là trẻ em và người lớn là người lớn, có sự khác biệt rất rõ ràng trong sự phát triển và trưởng thành. Vậy tại sao nhiều bậc cha mẹ cứ muốn luôn ở cùng với trẻ? Có thể họ cảm thấy có lỗi vì không thể gần gũi trẻ trong suốt thời gian làm việc hoặc có ý nghĩ sai lệch rằng cha mẹ là tất cả của con cái, do đó họ càng muốn ở cạnh trẻ nhiều hơn. Giải pháp cho vấn đề này chính là cha mẹ cần phải có thời gian cho riêng mình.
Trong cách nuôi dạy con ở Pháp, bố mẹ sẽ cố gắng tham gia vào sự phát triển của con một cách đúng mực, họ không bị ám ảnh quá vào việc dính chặt lấy con bất cứ lúc nào. Họ quan niệm rằng cha mẹ yêu thương con nhưng không phải là người phục vụ cho con. Họ có những buổi tối dành riêng cho bản thân họ sau khi đã thu xếp cho con cái xong.
Tình trạng các mẹ trẻ bơ phờ, mệt mỏi vì chăm con hiếm khi thấy ở Pháp, vì trẻ em Pháp thường ngủ ngon giấc nguyên cả đêm. Không phải bởi vì trẻ em Pháp vừa sinh ra đã có thể biết ngủ vào ban đêm mà do cha mẹ Pháp ưu tiên việc dạy trẻ biết “phải ngủ vào ban đêm” từ rất sớm.
Vậy làm thế nào để dạy được trẻ ngủ ngoan? Thông thường trước khi đi vào giấc ngủ, trẻ sẽ có một giai đoạn ngắn rất tỉnh táo không buồn ngủ. Các bậc cha mẹ chỉ cần đơn giản là đừng can thiệp như lắc lư, cho bú, cho ngậm ti hoặc sử dụng những dụng cụ hỗ trợ từ bên ngoài để giúp trẻ ngủ vào lúc này, nên để trẻ từ từ tự mình làm dịu, trẻ sẽ dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.
TAMTHUCTrẻ em Pháp nổi tiếng là không kén ăn. Trẻ có thể vui vẻ ăn củ cải đường om, rau bina và những thức ăn “người lớn” khác chứ không phải ăn gà viên hay nui dành cho trẻ nhỏ. Bí mật ở đây chính là: các mẹ Pháp thường xuyên cho trẻ ăn những thức ăn này. Họ không nấu thức ăn riêng cho trẻ mà cho trẻ ăn cùng thức ăn với người lớn. Ngay cả đối với trẻ mới bắt đầu ăn dặm thì trẻ cũng được cho ăn nhiều trái cây và rau hơn là chỉ ăn bột ngũ cốc như phần lớn trẻ em Mỹ. Từ nhỏ trẻ đã ăn nhiều món đa dạng, khi lớn lên trẻ sẽ không quá kén chọn.
Thêm một điểm nữa, trẻ em Pháp ít có nguy cơ dị ứng thức ăn hơn trẻ em Mỹ vì trẻ đã được nếm qua nhiều loại thực phẩm hơn, giúp cơ thể thích nghi từ sớm. Nhưng không phải chỉ trẻ em Pháp mới như vậy, mà trẻ em Nhật cũng khỏe mạnh nhất thế giới vì trẻ cũng được học hỏi từ thời thơ ấu để ăn uống một cách khỏe mạnh.
Trải nghiệm sự đau đớn cũng là một cơ hội để trẻ học hỏi, nếu cha mẹ bao bọc trẻ thái quá, cố gắng che chở trẻ khỏi những sự đau đớn từ những va chạm trong cuộc sống hàng ngày thì việc này chỉ càng làm trì hoãn và cản trở sự phát triển cảm xúc của trẻ. Các bác sĩ ở Pháp sẽ không nói “xin lỗi” khi tiêm cho trẻ, việc trải qua cơn đau khi tiêm chích là một phần trong cuộc sống và không có lý do gì để xin lỗi về chuyện đó.
Khi cha mẹ không để con trải qua sự đau đớn nhỏ, thì có nghĩa là bạn phải chuẩn bị để đón nhận sự tổn thương lớn hơn ở trẻ. Có thể khi con bạn bị đau đớn thì bạn cũng sẽ rất đau lòng, nhưng thay vì ngăn chặn sự đau đớn, bạn hãy dành thời gian quý báu để dạy con cách vượt qua nỗi đau đó. Điều này sẽ giúp trẻ trưởng thành, giúp trẻ trở nên kiên cường và biết cách giải quyết tốt các vấn đề.
Ở Mỹ, một đứa trẻ 4 tuổi thì không cần phải chào hỏi khi đi cùng với cha mẹ đến thăm một người khác, đây là văn hóa của Mỹ, trẻ nhỏ không cần phải nhận biết cụ thể từng người, và trẻ cũng chỉ là một đứa trẻ thôi, ngay cả với tuổi thiếu niên và thanh niên cũng thế, nếu trẻ đi cùng với cha mẹ thì cha mẹ sẽ đại diện chào hỏi cho tất cả mọi người. Nhưng người Pháp lại rất coi trọng việc chào hỏi nhau, và trẻ em phải tự mình chào hỏi khi gặp người khác. Sự tiếp xúc bằng mắt, chào hỏi lịch sự, thái độ nhã nhặn đã được dạy cho trẻ từ rất sớm, khi trẻ vừa biết nói “xin chào”.
Giáo dục trẻ giao tiếp ngoài xã hội sớm sẽ mang đến lợi ích trong cả cuộc đời sau này. Thật ra thì điều này cũng không hề dễ dàng, các bậc cha mẹ phải thật kiên nhẫn khi dạy trẻ những điều này.
Pháp nổi tiếng về phong cách thời trang, tại Paris, các bà mẹ trẻ vẫn rất chú ý đến vẻ ngoài của mình sau khi sinh con. Nếu bạn cư xử và ăn mặc như bạn đang có một cuộc sống sôi động hấp dẫn từ trong đến ngoài thì bạn sẽ nhận thấy rằng điều đó thật sự sẽ diễn ra và bạn sẽ cảm thấy cân bằng hơn. Đặc biệt, không phải là bạn mặc gì mà quan trọng chính là bạn vẫn biết cách tự chăm sóc cho bản thân mình. Chúng ta không cần phải diện quần áo từ các nhãn thời trang nổi tiếng để đi ra ngoài, nhưng phải chắc chắn rằng bạn không quá luộm thuộm và nhàu nhĩ.
TAMTHUCTrẻ em Pháp được dạy rằng chỉ ăn những bữa ăn chính và không được ăn vặt. Nếu bạn cho trẻ em Pháp những món ăn vặt, trẻ sẽ để ăn sau chứ không ăn ngay như trẻ em Mỹ. Trẻ em Mỹ thường xuyên ăn vặt, và sẽ ăn ngay khi trẻ thèm ăn, trong khi trẻ em Pháp có thể không ăn vặt trong vài giờ đồng hồ. Điều này làm cho trẻ ăn ngon miệng hơn vào buổi ăn chính, bên cạnh đó việc không ăn vặt cũng dạy trẻ Pháp kỹ năng quan trọng: sự trì hoãn. Thưởng thức thức ăn không có gì là xấu, nhưng chỉ trong phạm vi ranh giới mà cha mẹ đặt ra. Những bữa ăn gia đình cũng góp phần mang lại lợi ích sức khỏe to lớn.
Đã bao nhiêu lần bạn nói “không” với con và sau đó lại chịu thua bởi vì trẻ mè nheo. Nếu ở Pháp thì câu trả lời là không lần nào cả. Các bậc cha mẹ người Pháp cho rằng câu trả lời của cha mẹ chính là đáp án cuối cùng không phải để tranh luận.
Nhà triết học người Pháp Jean-Jacques Rousseau, đã viết: “Hãy sẵn lòng cho, từ chối khi không muốn, nhưng hãy để cho sự từ chối của bạn không thể huỷ ngang, không gì có thể thay đổi bạn, hãy để cho từ ‘không’ được nói ra vững như một bức tường bằng đồng, đứa trẻ có thể cố gắng phá vỡ khoảng 5-6 lần, nhưng cuối cùng trẻ sẽ không thể vượt qua được, do đó bạn sẽ khiến trẻ trở nên kiên nhẫn, điềm đạm, bình tĩnh và chịu đựng, ngay cả khi trẻ không nhận được những gì trẻ muốn”.
Có thể việc này nói dễ hơn làm, đặc biệt là khi cha mẹ phải đối mặt với sự mè nheo dai dẳng của trẻ. Nhưng điều này đáng giá, vì sẽ khiến trẻ có hành vi tốt hơn sau này.
TAMTHUCNuôi dạy con có lẽ là công việc bất an nhất hành tinh. Không chỉ phải đảm bảo an toàn cả về thể chất lẫn tinh thần mà còn phải có trách nhiệm về tương lai của trẻ. Sự lo lắng căng thẳng chỉ càng làm cho cha mẹ kiệt sức và làm trẻ hoang mang hơn.
Các bậc cha mẹ người Pháp rất quan tâm đến con cái của mình, họ biết về nạn ấu dâm và những nguy cơ nghẹt thở, họ có sự đề phòng hợp lý. Họ không hoảng hốt vì sự an toàn của trẻ, chính sự bình tĩnh này khiến họ làm tốt hơn trong việt thiết lập ranh giới và cho trẻ sự tự do. Song song với việc nuôi dạy con, bạn phải chấp nhận rằng mình không thể nào bảo vệ con khỏi tất cả những điều xấu có thể xảy ra, chúng ta chỉ có thể làm hết sức mình, phần còn lại cứ thuận theo tự nhiên.
Theo Reader’s digest
Minh Nguyệt
TAMTHUC: