Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, chúng ta thường nghe rất nhiều bạn trẻ nói rằng mình nghèo khó, không được cha mẹ để lại cho nhiều tiền bạc của cải, chỉ có hai bàn tay trắng. Thậm chí có người còn lấy đó làm lý do để oán trách cha mẹ không có năng lực không thể cho con cuộc sống tốt hơn… Nhưng kỳ thực, một người giàu có hay nghèo khổ, sống sung túc hay không chính là do cái tâm của mình quyết định.
Những người luôn oán trách cha mẹ, oán trách xã hội bất công… luôn cảm thấy cuộc sống không có ý nghĩa gì cả, thậm chí còn chán nản mà sinh ra những ý nghĩ tiêu cực. Họ luôn nhìn ra bên ngoài mà không suy ngẫm lại bản thân, không biết rằng chính bản thân chúng ta đều rất giàu có, chỉ là chúng ta có nhận ra không mà thôi.
Có một câu chuyện kể rằng, có một thanh niên trẻ tuổi cảm thấy bản thân mình là một người vô tích sự, không có gì ngoài hai bàn tay trắng. Quá chán nản, anh ta bèn đi đến bờ sông định tự vẫn để chấm dứt cuộc đời mình thì gặp một ông lão cao tuổi, chân đi khập khiễng.
Ông lão hỏi người thanh niên: “Cậu trẻ tuổi như vậy, vì sao lại định phí hoài bản thân mình như thế?”
Thanh niên trẻ tuổi buồn bã nói: “Cháu chỉ có hai bàn tay trắng, cảm thấy cuộc sống không có ý nghĩa gì cả!”
Ông lão bật cười và nói: “Ta sẽ trả 10 vạn đồng để mua một bàn tay của cậu, cậu đồng ý chứ?”
Người thanh niên ngẫm nghĩ một lát và thấy đề nghị của ông lão kia thật là vô cùng phi lý. Cuối cùng cậu nói: “Không có tay, cháu làm sao mà làm được việc gì? Cháu không đồng ý bán được.”
Ông lão lại nói tiếp: “Vậy ta sẽ trả cậu 50 vạn đồng, cậu bán cho ta một chân được không?”
Người thanh niên càng không thể đồng ý. Bởi vì anh ta nghĩ rằng, không có chân sẽ không thể đi lại và cuộc sống sẽ trở nên vô cùng khó khăn, càng chán nản hơn.
Ông lão nghe xong lại cười ha hả và nói: “Này cậu thanh niên trẻ tuổi! Ai nói cậu chỉ có hai bàn tay trắng? Cậu ít nhất có 50 vạn đấy chứ thôi!”
Người thanh niên trẻ tuổi nghe xong lập tức bừng tỉnh đại ngộ, lập tức vứt bỏ ý định tự tử, bái tạ ông lão mà đi với vẻ mặt hưng khởi.
Câu chuyện ngắn gọn nhưng đáng để chúng ta suy ngẫm. Kỳ thực, ngẫm nghĩ lại, chẳng phải ai trong chúng ta cũng đều vô cùng giàu có sao?
Thân thể: Chúng ta có một thân thể chính là một loại tài phú, đây là điều quan trọng nhất. Người xưa giảng: “Thân người khó được”, cho nên, thân người là quý giá nhất.
Sức khỏe: Người ta cũng nói, có sức khỏe là có tất cả, tiền tài địa vị cũng chỉ là không. Nếu đã không có sức khỏe thì hết thảy những điều khác đều chỉ là không. Cho nên, có một thân thể khỏe mạnh phải biết quý trọng.
Người giàu có, tài phú nhiều một khi có bệnh cũng thấy hết thảy của cải không là gì cả, chỉ muốn đổi lấy một thân thể khỏe mạnh mà thôi.
Công việc: Chúng ta không chỉ có một thân thể người mà còn có một công việc để duy trì cuộc sống. Đó chẳng phải là tài phú quan trọng của mỗi người hay sao?
Công việc, không phân chia cao thấp, địa vị, có thể làm tốt, làm thành thạo công việc của mình bạn đã là một chuyên gia rồi.
Gia đình: Chúng ta còn có một gia đình ấm áp bên mình, lẽ nào không gọi là giàu có sao? Bất luận là gia đình có điều kiện hay không có điều kiện thì đó vẫn là tổ ấm của mỗi người.
Sự ấm áp của gia đình không phụ thuộc và nhà cao cửa rộng mà là ở sự vui vẻ, hòa thuận của các thành viên.
Bạn bè: Ở vào lúc chúng ta phiền não, suy sụp, buồn chán, ngoài tình yêu thương, che chở của gia đình, chúng ta còn có những người bạn tốt. Chẳng phải chúng ta thực sự rất giàu có hay sao?
Vì sao chúng ta thường cảm thấy sống mệt mỏi, sống không vui vẻ? Đó chính là vì chúng ta có quá nhiều ham muốn, hy vọng quá cao, yêu cầu quá mức, không quý trọng những gì bản thân đang có mà lại tìm những thứ mình không thể có được.
Người hiểu được quý trọng hết thảy những gì bản thân đang có là người thực sự có trí tuệ. Người biết đủ thường là người sống được vui vẻ. Nếu đã biết rằng bản thân không thể thay đổi được thế giới, chi bằng hãy đi tiếp nhận nó, “thuận theo tự nhiên” mà sống thì sống mới tự tại, thản đãng.
Thực sự, nếu tĩnh lặng suy ngẫm một chút, chúng ta có thể phát hiện ra rằng, niềm vui, niềm hạnh phúc không phải nằm ở chỗ chúng ta có bao nhiêu của cải, địa vị cao ra sao, nhà cửa rộng lớn thế nào mà là ở chỗ chúng ta có phát hiện ra không và hưởng thụ nó như thế nào mà thôi.
An Hòa (dịch và t/h)
TAMTHUC: