Cổ nhân tin rằng mệnh của một người là đã được định sẵn từ trước dựa theo “đức” và “nghiệp” mà người đó mang theo. Nhưng, vận mệnh của một người là có thể được cải biến cho tốt hơn nhờ vào sự cải biến tâm thái của người đó. Tâm thái thể hiện ra trạng thái tinh thần của họ. Khi có tâm thái tốt, họ sẽ bảo trì được sự vui vẻ, tinh thần sẽ phấn khởi lên và vận may tự nhiên sẽ đến.
Cho nên, trong cuộc sống nên nhớ kỹ rằng, làm bất cứ việc gì phải giữ được một tâm thái tích cực, nhiệt tâm. Bởi vì một khi đánh mất nó thì làm gì cũng khó khăn và khó thành công.
Một người cần học được cách điều chỉnh tâm thái, có một tâm thái làm việc tốt đẹp thì sẽ có phương hướng, hướng đi lạc quan. Con người chỉ cần không đánh mất phương hướng thì sẽ không đánh mất chính mình.
Đặc biệt, một người muốn sống vui vẻ thì nhất định phải có một tâm thái tốt. Người xưa có câu: “Nếu sự thật không thể thay đổi được, thì chỉ có thể tự thay đổi bản thân!”
Thay đổi bản thân mình chính là điều chỉnh tốt tâm thái của chính mình. Vậy như thế nào để điều chỉnh tốt được tâm thái của bản thân?
1. Dục vọng không nên quá nhiều
Dục vọng (ham muốn) không chừng mực, dục vọng càng cao, càng nhiều, một khi không bảo trì được sự thỏa mãn thì sự tương phản hình thành sẽ càng lớn, tâm thái sẽ càng mất đi sự cân bằng.
Người có dục vọng càng nhiều, càng mong muốn có được nhiều thì tâm thái sẽ rất khó để bình an, tích cực. Bởi vì cái tâm người ấy luôn phải đặt trong trạng thái so đo, tính toán triền miên thì không thể thoải mái được.
2. Suy tính, ganh đua không nên quá nặng
Nếu một người cứ mải mê suy tính ganh đua với người này người kia thì sẽ “giết chết” sự khoái hoạt, vui vẻ của cuộc đời người đó. Ganh đua không chỉ “giết chết” sự vui vẻ mà còn làm mất đi vận may của một người.
3. Phải học được cách quên
Đừng canh cánh trong lòng những chuyện quá khứ không đáng nhớ. Những chuyện quá khứ là những chuyện đã xảy ra, không thể thay đổi được, hãy để nó qua đi, như vậy mới có thể giảm thiểu được rất nhiều sự phiền não, trong lòng mới có thể nhẹ nhàng, thoải mái.
Để có được tâm thái tốt, hãy giảm bớt những cảm xúc tiêu cực. Vậy làm thế nào để giảm bớt những cảm xúc tiêu cực này?
1. Học cách trở nên tĩnh lặng
Hãy giữ cho những suy nghĩ của bản thân tĩnh lặng xuống, giảm bớt ham muốn của bản thân xuống. Một khi ham muốn được giảm xuống thì cơ hội sẽ càng nhiều, giống như câu “lùi một bước, biển rộng trời cao!”
Thầy giáo của hai vị Hoàng đế cuối đời nhà Thanh đã dạy bảo học trò của mình rằng: “Đối diện với mỗi việc lớn cần phải tĩnh khí”. Có tĩnh khí mới có thể bảo trì trí óc thanh tỉnh, nhìn xa trông rộng, nhìn thấu được cái tinh thâm của trời đất và quy luật của vạn vật. Có tĩnh khí mới dũng cảm trước bất kể danh lợi nào.
Dưỡng được tĩnh khí, thì khi chúng ta gặp bất kể chuyện gì đều sẽ giữ được bình tĩnh, cử trọng nhược khinh (nâng vật nặng như nâng vật nhẹ), không bị tri phối tâm tưởng bởi những cảm xúc tiêu cực.
2. Trân quý bản thân mình nhiều hơn
Chỉ có yêu thương, trân quý bản thân mình mới có năng lượng để yêu thương trân quý người khác. Nếu có đủ năng lực, hãy thường xuyên giúp đỡ người khác, như vậy chúng ta sẽ nhận được niềm vui, có nhiều niềm vui là cách giảm sức ép của cuộc sống, xóa bỏ những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực.
3. Bảo trì tâm thái bình tĩnh
Mỗi khi gặp những sự tình không vừa ý, hãy bình tĩnh. Đời người, ai không gặp những sự tình không vừa ý, những chuyện phiền phức? Chỉ có thuận theo tự nhiên để đối đãi với cuộc đời, chúng ta mới có thể giữ được tâm thái bình tĩnh, bình thản trước mọi sự tình xảy ra trong cuộc sống.
4. Đừng so sánh bản thân với người khác
Sống trên đời, kỳ thực không nhất thiết phải thường xuyên so sánh bản thân với người khác, cũng không phải thèm muốn ao ước được như họ.
Ai cũng có ưu điểm riêng của bản thân mình, ai cũng có nỗi khổ riêng mà người khác không biết. Một khi so sánh, người ta thường hay lấy điểm yếu của bản thân để so sánh với điểm mạnh của đối phương, từ đó sinh ra chán ghét bản thân mình. Chẳng phải, điều đó chỉ làm tổn hại chính tâm thái của bản thân chúng ta hay sao?
TAMTHUC
5. Đọc sách thánh hiền nhiều hơn
Đọc sách cũng là một quá trình hấp thu dinh dưỡng. Đọc sách tốt, chúng ta sẽ hấp thu được dinh dưỡng tốt, nuôi nấng được một tâm hồn mình cao thượng hơn.
Đọc sách không phải chỉ để lấy tri thức mà đọc sách thánh hiền còn là cách để tẩy rửa tâm linh của mỗi người.
6. Phải có lòng tin vào bản thân
Bất luận gặp phải sự tình gì, chúng ta phải có lòng tin ở chính mình, đừng khinh thường bản thân.
Người xưa có câu: “Nếu bạn muốn mình trở thành người như thế nào, chỉ cần cố gắng thực hiện, bạn sẽ đạt được điều đó!” Con người một khi mất lòng tin, không tin tưởng chính mình làm được điều gì thì ngay cả việc bắt tay vào họ cũng không dám thì sao có thể nói đến thành công?
7. Trân quý những người bên cạnh mình
Mỗi người đến bên chúng ta đều là duyên phận. Dùng tâm thái “không làm tổn thương người khác” để đi đối đãi với mọi người, thì lo gì không được mọi người đối tốt lại? Cho dù không được người khác đáp lại thì một người luôn trân quý người khác, đối xử tốt với người khác, tự nhiên cũng có được tâm thái tốt và niềm vui, niềm hạnh phúc.
8. Dụng tâm đối mặt mọi sự trong cuộc đời
Chỉ có dùng thật tâm, dùng tình yêu thương, dùng nhân cách để đối mặt với cuộc sống của mình thì cuộc sống của bản thân mình mới trở nên đặc sắc hơn.
Trong cuộc sống, dù xảy ra điều gì, mỗi ngày chúng ta đều cần bảo trì một tâm thái vui vẻ, lạc quan. Nếu như gặp những sự tình phiền lòng, hãy học cách vỗ về chính mình, tự mở cửa tấm lòng của bản thân khiến bản thân chúng ta mạnh mẽ tự tin hơn để vượt qua.
Muốn có một tâm thái tốt, hãy dùng “lòng biết ơn” để nhìn thế giới, dùng “trái tim” để nhìn thế giới, không tính toán được mất, cảm động trước hết thảy việc làm của người khác. Người có thể làm được những điều ấy thì vận mệnh của họ nhất định cũng trở nên tốt đẹp hơn, may mắn cũng sẽ mỉm cười với họ.
An Hòa (dịch và t/h)
TAMTHUC: