Ngày nay, những nhà thiết kế điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính xách tay đang đưa vào ánh sáng cực mạnh. Màn hình từ những thiết bị này sáng tới mức có thể nhìn được rõ ngoài trời nắng. Vào ban đêm, cường độ ánh sáng màn hình phát ra mạnh đến nỗi chúng được ví như “ô cửa sổ nhỏ” của ban ngày.
Bởi vậy, sử dụng điện thoại vào buổi đêm là một ý tồi.
Cơ thể con người hoạt động theo đồng hồ tự nhiên giúp chúng ta luôn tỉnh táo, minh mẫn vào ban ngày và được nghỉ ngơi vào ban đêm. Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn vào màn hình của thiết bi điện tử trước khi chuẩn bị đi ngủ, não bộ sẽ dễ bị nhầm lẫn. Ánh sáng mạnh khiến não ngừng sản xuất melatonin – một loại hormone ra hiệu cho cơ thể rằng “đã đến giờ đi ngủ”.
Bằng việc cản trở quá trình sản sinh melatonin, ánh sáng màn hình của điện thoại thông minh có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Việc này giống như chứng mệt mỏi sau khi đi máy bay đường dài. Điều này làm bạn khó ngủ và khó ngủ sâu, từ đó dễ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.
>> Ô nhiễm ánh sáng làm mờ đục tâm hồn
Những nhà phát triển phần mềm đã tạo nên nhiều chương trình để giải quyết vấn đề này như F.lux hay “Night Shift mode” của Apple, cho phép giảm độ sáng màn hình vào ban đêm và loại bỏ ánh sáng xanh. Nhiều người dùng nhận xét rằng sắc cam từ các ứng dụng này làm giảm áp lực cho mắt. Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng ánh sáng nhẹ làm tăng chất lượng giấc ngủ, tuy nhiên vẫn cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định điều này.
Kể cả khi những thay đổi trên đã được chứng minh là hữu ích, nhiều chuyên gia cho rằng những tương tác khác giữa chúng ta và điện thoại cũng không có lợi cho giấc ngủ. Nếu bạn đang chuẩn bị đi ngủ nhưng một email công việc báo hiệu trên điện thoại, điều đó có thể phá hỏng giấc ngủ còn tệ hơn vấn đề thiếu hụt melatonin.
Do đó, Tốt nhất bạn nên hạn chế tối đa sử dụng đồ công nghệ trước khi đi ngủ. Ít ra hãy để chúng tránh xa khỏi chiếc giường hay tầm với tay của bạn.
Theo Bussiness Insider,
Minh Anh biên dịch
TAMTHUC